(PCWorldVN) Facebook từng âm thầm chỉnh sửa dữ liệu nguồn cung cấp tin tức cho người dùng hồi năm 2012 và dường như họ đang tiếp tục với một dự án mới, tờ Huffington Post ngày 3/11 đưa tin.
Theo nghiên cứu ít được biết đến của tạp chí Mother Jones, sự thay đổi bí mật của Facebook có thể đã làm thay đổi kết quả bầu cử ở Mỹ vào năm 2012 với khoảng 3% cử tri bị tác động.
Trong cuộc nghiên cứu, các bài báo mà bạn bè người dùng Facebook chia sẻ xuất hiện nhiều hơn trong loạt hiển thị trên trang cá nhân. Các dòng cập nhật trạng thái, hình ảnh và bài viết sẽ xuất hiện ngay khi người dùng đăng nhập. Các nhà nghiên cứu muốn xác nhận liệu việc tăng tiếp xúc nhiều hơn với loạt thông tin được chia sẻ của bạn bè có khiến người sử dụng bị thuyết phục trước khi bỏ phiếu.
Facebook cho biết thông tin được chia sẻ mang tính ngẫu nhiên và không có tính chính trị. Facebook đã có chia sẻ kết quả với một số nhà nghiên cứu về vấn đề này nhưng không công bố công khai các thí nghiệm trực tiếp trên người dùng cho đến khi Mother Jones tiết lộ sự tồn tại của chúng.
Facebook tác động đến cuộc bầu cử tại Mỹ? |
Một phát ngôn viên của Facebook nói với tờ HuffingtonPost rằng, mạng xã hội này trong năm 2012 đã kiểm tra thông tin của người sử dụng qua nguồn cấp dữ liệu tin tức. Mục đích là để xem làm thế nào một người dùng quan tâm đến loạt tin tức nóng được chia sẻ bởi bạn bè. Facebook sau đó đã tiến hành cuộc khảo sát trực tuyến tự nguyện để xem những tác động làm cho họ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội đang diễn ra.
"Bầu cử là một giá trị cốt lõi của xã hội dân chủ và chúng tôi tin rằng việc khuyến khích sự tham gia của công dân là một đóng góp quan trọng mà chúng tôi có thể làm cho cộng đồng", phát ngôn viên Facebook cho biết.
Đầu tháng 11/2014, một số người dùng Twitter bày tỏ lo ngại rằng Facebook đã tiến hành một thí nghiệm khác mà không thông báo với họ. Nhiều người dùng kêu gọi cần có thêm tính "công khai và minh bạch" đối với các hoạt động trên người dùng của mạng xã hội này.
Facebook thường cho phép các chuyên gia dữ liệu tiến hành nghiên cứu trên người sử dụng về các chủ đề khác nhau, như nghiên cứu gần đây về ngày Valentine về việc liệu một mối quan hệ lãng mạn giữa hai người trên mạng xã hội có thể kéo dài. Nhưng ý kiến cho rằng Facebook đã thao túng những gì người dùng thấy trên các trang web đã gây ra nhiều tranh cãi.
Mạng xã hội này vấp phải sự chỉ trích vì đã tiến hành thí nghiệm tâm lý riêng biệt trên khoảng 700.000 người sử dụng. Trong thí nghiệm cùng diễn ra hồi năm 2012, Facebook đã tùy chỉnh nguồn cấp thông tin Feeds nhằm bỏ qua những lời tích cực hay tiêu cực có ảnh hưởng tới người sử dụng, từ đó tác động đến các phản ứng mang tính cảm xúc và bỏ qua lý trí.
Đây không phải là lần đầu tiên Facebook cố gắng tác động cuộc bầu cử thông qua thí nghiệm tùy chỉnh sự xuất hiện của các bài báo được chia sẻ bởi bạn bè trên trang cá nhân. Hồi năm 2008, Facebook cũng đã có những hành động tác động đến cuộc bầu cử Mỹ khi cho xuất hiện các nút bấm trong Feeds với thông điệp như “I’m Voting” hay “I’m a Voter.”
Trong một nghiên cứu hồi diễn ra cuộc bầu cử năm 2010, các nhà nghiên cứu cho biết nút bấm này ở trong Feeds xuất hiện trên trang của 61 triệu người sử dụng Facebook và hiển thị các hồ sơ cá nhân bạn bè đã sử dụng nút Vote này. Điều này một phần ảnh hưởng tới hơn 340.000 cử tri Mỹ đi bầu bằng phiếu bổ sung. Nút biểu quyết của Facebook đã trực tiếp ảnh hưởng đến tư tưởng chính trị, việc tìm kiếm thông tin và tác động đến hành vi bầu cử của hàng triệu người.
bảo vệ dữ liệu, Facebook, mạng xã hội, thông tin cá nhân