Công nghệ - Sản phẩm

Tổng thống Mỹ: Vụ tấn công Sony Pictures chỉ là hành động phá hoại

(PCWorldVN) Tổng thống Barack Obama đã có động thái ngăn sự phẫn nộ của Mỹ với Triều Tiên vượt khỏi tầm kiểm soát khi tuyên bố vụ tấn công Sony Pictures không phải là hành động gây chiến, mà chỉ là hành động phá hoại.

Cuộc tranh cãi dai dẳng giữa Mỹ với Triều Tiên từ nhiều năm nay xoay quanh chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng đã chuyển sang giai đoạn mới khi Washington cáo buộc chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un thực hiện vụ tấn công không gian mạng nhằm vào một hãng phim lớn của Hollywood.

Chủ nhân Nhà Trắng và các cố vấn đang xem xét các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau khi Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) ngày 19/12 kết luận chính quyền Bình Nhưỡng phải chịu trách nhiệm vụ tấn công nói trên.

Triều Tiên đã phủ nhận cáo buộc của Mỹ, theo Reuters.

Trước đó, vào hôm 19/12, nhà lãnh đạo Mỹ đã đặt vụ tấn công mạng của Triều Tiên trong phạm vi một hành động phạm tội.

Triều Tiên tấn công Sony.
Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định Triều Tiên có liên quan đến vụ tấn công Sony Pictures tại buổi họp báo cuối năm 2014 tại Nhà Trắng vào hôm 19/12 vừa qua.

Phát biểu trong chương trình “State of the Union” của đài CNN hôm 21/12, Tổng thống Obama nói: “Không, tôi không nghĩ đó là một hành động chiến tranh. Tôi nghĩ đó là một hành động phá hoại qua mạng vốn rất tốn kém và đắt giá. Chúng tôi không xem nhẹ hành động đó và sẽ đáp trả tương xứng”.

Ông Obama nói rằng một trong những lựa chọn là đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố. Cách đây 6 năm, Washington đã quyết định loại Bình Nhưỡng khỏi danh sách này.

Hôm 21/12, Triều Tiên đã dọa đáp trả bất kỳ hành động trả đũa nào của Mỹ. “Hành động phản kháng cứng rắn nhất của chúng tôi sẽ được thực hiện một cách táo bạo nhằm vào Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và toàn bộ đại lục Mỹ, nơi chứa chấp khủng bố, vượt xa sự đáp trả tương xứng mà ông Obama đã tuyên bố”, theo hãng thông tấn Trung ương Nhà nước Triều Tiên KCNA.

Vụ tấn công mạng và những lời đe dọa dùng bạo lực nhằm vào các rạp chiếu bộ phim hài The Interview đã khiến hãng Sony rút lại phim này. Bộ phim có nội dung xoay quanh một âm mưu ám sát giả định nhà lãnh đạo 31 tuổi của Triều Tiên.

Ông Obama nói các nhà hoạt động vì tự do ngôn luận đã chỉ trích quyết định của Sony Pictures, nhưng giám đốc phụ trách giải trí của hãng này là Michael Lynton đã bảo vệ quan điểm của mình khi cho rằng các rạp tại Mỹ đã không chịu chiếu bộ phim trên, chứ không phải là Sony sợ lời đe dọa khủng bố của hacker mà cho hủy công chiếu bộ phim.

Luật sư của Sony Picture David Boies tuyên bố hãng của ông dự định cho ra mắt bộ phim vào một thời điểm nào đó. “Sony chỉ hoãn việc này. Bộ phim sẽ được phát hành nhưng điều đó sẽ được thực hiện như thế nào là điều không ai biết rõ”, ông Boies phát biểu trong chương trình “Meet the Press" của đài NBC.

Hiện có nhiều tường thuật cho biết Sony đang có ý định phát hành (chiếu) miễn phí The Interview trên các kênh giải trí riêng của hãng, theo Cnet.

Tại cuộc phỏng vấn với CNN được phát sóng hôm 19/12, Tổng thống Obama thừa nhận trong thế giới số thì “các đấu thủ của nhà nước lẫn phi nhà nước sẽ có năng lực làm gián đoạn cuộc sống của chúng ta bằng đủ mọi cách”.

“Chúng ta phải làm tốt hơn nhiều công việc phòng thủ chống lại điều đó. Chúng ta phải xử lý điều đó như chúng ta thường làm với hành động phạm tội tại đất nước của chúng ta”, chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain không đồng tình với Tổng thống Obama, theo tường thuật của Reuters.

Ông McCain nói rằng vụ tấn công là biểu hiện của một kiểu chiến tranh mới. Còn về phần mình, hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, không gọi vụ tấn công là hành động chiến tranh, nhưng cũng lên tiếng chỉ trích Tổng thống Obama đã lên đường đi nghỉ 2 tuần ở Hawaii hôm 19/12 mà không đối phó vụ tấn công.

Ông Rogers phát biểu trong chương trình “Fox News Sunday” rằng Mỹ có khả năng khiến Triều Tiên khó lặp lại vụ tấn công, nhưng Tổng thống Obama đã chờ đợi quá lâu mà không hành động.

“Ngài (Obama) chỉ giới hạn khả năng làm điều gì đó của chúng ta. Tôi đã nghĩ rằng ngài sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt. Cần phải thật là nghiêm túc.”, ông Rogers nhấn mạnh.

Triều Tiên đã gánh chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ trong hơn 50 năm qua, nhưng các biện pháp này có rất ít tác động đến những chính sách nhân quyền hoặc nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Các chuyên gia nói rằng nước này đã trở nên “điêu luyện” trong việc che giấu những hoạt động quyên tiền mang tính chất tội phạm, phần lớn tránh né các ngân hàng truyền thống.

Đây là lần đầu tiên Mỹ trực tiếp buộc tội một nước khác về hành động tấn công mạng ở quy mô như thế trên lãnh thổ Mỹ và tạo ra khả năng có một cuộc đối đầu mới giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Triều Tiên hôm 20/12 đã phủ nhận mọi dính líu đến vụ tấn công Sony Pictures và tuyên bố họ có thể chứng minh sự “vô tội” của mình. Bình Nhưỡng cũng khẳng định mong muốn hợp tác với Washington để làm sáng tỏ vụ việc.

Ông Obama nói có vẻ Triều Tiên đã hành động một mình. Mỹ đang trao đổi ý kiến với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Úc, New Zealand và Anh nhằm tìm cách phối hợp khống chế Triều Tiên.

Các chuyên gia nói rằng các lựa chọn trừng phạt Triều Tiên của ông Obama bao gồm trã đũa qua mạng, các biện pháp trừng phạt tài chính, kết án hình sự với những người dính líu vào vụ tấn công và thậm chí tăng cường hỗ trợ quân sự cho Hàn Quốc, vốn về mặt kỹ thuật vẫn còn đang trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên.

Tuy nhiên, hiệu quả của bất kỳ biện pháp nào cũng sẽ rất hạn chế, do tình trạng cô lập của Triều Tiên và việc nước này hiện đã gánh chịu những biện pháp trừng phạt nặng nề liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi.

PCWorld

chiến tranh mạng, hacker Triều tiên, Sony Pictures, tin tặc Triều Tiên


© 2021 FAP
  3,349,949       1/259