(PCWorldVN) Mỗi người đều có sẵn một máy quay video trong túi của mình là chiếc smartphone. Những cách sau sẽ giúp bạn thực hiện tác phẩm video nghệ thuật và hấp dẫn bằng smartphone của mình,
Đặt máy nằm ngang
Cảnh quay video clip tuyệt vời của bạn sẽ bị phá hỏng khi có hai thanh màu đen dọc theo hai bên màn hình. Để tránh sai lầm này, không nên đặt smartphone theo chiều dọc trong khi quay video mà hãy luôn quay theo chiều nằm ngang.
Lúc đó, không chỉ chế độ landscape sẽ làm cho cảnh quay video của bạn nói chung trông có vẻ chuyên nghiệp và đẹp hơn, mà cũng sẽ làm cho hình ảnh khi xem trên một màn ảnh rộng hay màn hình lớn của TV hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, khi đặt máy nằm ngang thì bạn sẽ quay được khung hình video rộng hơn và trông thực hơn.
Đặt máy nằm ngang khi quay sẽ cho kết quả trông chuyên nghiệp hơn, khung hình rộng hơn.
Bố cục khung
Nếu đã đặt máy ở chế độ landscape khi quay video đúng như hướng dẫn trên, yếu tố tiếp theo mà một nhà quay phim chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư cần chú ý là phải bố cục để chủ thể hoàn toàn lấp đầy khung hình. Với quy tắc “một phần ba” thường được áp dụng trong nhiếp ảnh, nhân vật chính nên được đặt hơi lệch chút ít so với vị trí trung tâm của khung hình, nhằm tạo ra một cảnh quay thú vị và trực quan hơn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng những quy tắc về bố cục thông thường trong nhiếp ảnh khi quay video. Đồng thời, hãy quan sát xung quanh và tìm kiếm những yếu tố sáng tạo có thể đem lại cảm hứng cho cảnh quay.
Quan sát và tìm kiếm những yếu tố sáng tạo có thể đem lại cảm hứng cho cảnh quay.
Zoom
Đối với hầu hết các nhà quay phim chuyên nghiệp, một tính năng rất đáng giá và tiện dụng là zoom kỹ thuật số. Tuy nhiên, đáng tiếc là đa số các model smartphone ngày nay đều không trang bị tính năng zoom số vốn sử dụng các thủ thuật phần mềm để cho phép người dùng lấy gần đến chủ thể mà không làm giảm số lượng điểm ảnh.
Hãy cho người xem thấy được ý đồ của bạn qua cảnh quay.
Để phóng to trong khi quay video bằng smartphone mà không làm mất đi độ sắc nét của hình ảnh và chất lượng sống động mà bạn muốn có trong video, chỉ có một cách là bạn cần phải đi đến gần chủ thể hơn. Nói chung, bạn nên luôn luôn đến càng gần càng tốt nếu có thể, đặc biệt là cho những khung hình muốn lấy cảm xúc trên khuôn mặt của nhân vật, thậm chí cả những nốt tàn nhang và nếp nhăn. Hãy cho người xem thấy được ý đồ của bạn qua cảnh quay bằng cách zoom cận cảnh vào một sự vật nổi bật.
Đèn flash
Hãy thử tưởng tượng chúng ta xem được đoạn video mà chủ thể có làn da màu vàng nhợt nhạt và đôi mắt đỏ au cùng với nền hậu cảnh tối đen. Hầu hết nguyên nhân của tình trạng này đều do người quay chọn góc quay không đầy đủ ánh sáng hay cũng có thể do đèn flash gây ra. Các model smartphone đời mới ngày nay đều được trang bị đèn LED nhưng lại cung cấp ánh sáng quá sáng và có thể dễ dàng làm sai lệch độ màu của hình ảnh.
Có được những đoạn clip đầy tính sáng tạo với ánh đèn có sẵn.
Ngoài ra, video quay được thường có màu không đúng do quay ở môi trường không đủ ánh sáng. Nếu muốn ghi hình vào ban đêm, bạn sẽ cần phải tìm một nguồn ánh sáng phụ. Hãy sáng tạo với ánh đèn có sẵn, chẳng hạn như một bảng hiệu neon hoặc một chiếc đèn hộp. Chúng có thể làm cho video của bạn lung linh thêm một chút ánh sáng cần thiết đồng thời cũng khiến cho cảnh quay đầy màu sắc.
Ánh sáng nền
Một điểm cần lưu ý là khi sử dụng đèn flash trên smartphone hay các nguồn ánh sáng nói chung khác, bạn cần phải tránh yếu tố ánh sáng phía sau có thể làm tối chủ thể. Mặt khác, trên thực tế khi nhìn ở ngoài bạn có thể thấy được mọi người và khuôn mặt của họ ở phía xa, nhưng khi sử dụng máy ảnh của smartphone để quay thì thường không thể thấy được và video quay ra sẽ có một quầng ánh sáng với những bóng đèn.
Để tránh hiện tượng này, hãy cố gắng thiết lập ánh sáng cơ bản nhất cho hậu cảnh. Người quay có thể hơi di chuyển vị trí máy để cải thiện tình trạng ánh sáng nền phía sau quá sáng hay quá tối. Ngoài ra, một số ứng dụng quay video chuyên nghiệp trên smartphone cũng thường có những hiệu ứng để tùy chỉnh ánh sáng nền.
Chú ý đến ánh sáng phía sau để có được chất lượng cảnh quay tốt nhất.
Time-lapse video
Về cơ bản, time-lapse là một dạng stop-motion (chụp liên tục nhiều tấm ảnh và ghép thành video) nhưng đặc biệt hơn vì nó được tua nhanh hơn thời gian thực trong khi stop-motion vẫn diễn ra với tốc độ bình thường. Trong kỹ thuật time-lapse, đối tượng và sự kiện thường phải cần nhiều giờ, nhiều ngày hay thậm chí nhiều tháng, nhiều năm để quay và sau đó được xem lại với một tốc độ nhanh hơn.
Ứng dụng Hyperlapse cho phép sử dụng thiết bị iOS để tạo các đoạn video time-lapse.
Trước khi dịch vụ chia sẻ ảnh Instagram nổi tiếng trình làng ứng dụng Hyperlapse vào đầu năm nay, việc tạo ra một đoạn video theo dạng time-lapse bằng smartphone tương đối khó thực hiện. Hyperlapse hiện chỉ có phiên bản dành cho thiết bị iOS, cho phép bạn dễ dàng sử dụng iPhone để tạo các đoạn video time-lapse mà không cần phải tốn nhiều công sức. Ứng dụng này còn tích hợp tính năng chống rung khá ấn tượng.
Phụ kiện
Camera dành cho smartphone hầu như không thể cung cấp chất lượng quay video sánh bằng camera chuyên nghiệp của các hãng chuyên về máy ảnh, máy quay nổi tiếng Canon, Nikon hay Sony. Đồng thời, các ứng dụng camera trên smartphone cũng thiếu nhiều tính năng điều khiển có trên camera chuyên dụng. Vì vậy, để có những đoạn video clip chất lượng cao thực hiện bằng smartphone thì bạn cần phải có kỹ năng thật tốt.
Đầu tư chân máy dành cho smartphone khi quay video.
Thay vì phải đầu tư mua những bộ máy ảnh DSLR đắt giá, bạn có thể cân nhắc chi phí sắm những món phụ kiện để giúp quay video bằng smartphone hiệu quả hơn. Trước hết, phải kể đến chân máy dành cho smartphone khi quay video. Thiết bị này sẽ giúp tránh được tình trạng rung lắc hình khi quay. Ngoài ra, cũng có những món phụ kiện giúp người dùng dễ dàng quay video như giá đỡ gắn smartphone trên xe đạp, ống kính tele và nhiều món đồ chơi khác.
Biên tập
Cuối cùng, một khâu quan trọng không kém giúp cung cấp những đoạn video đầy tính chuyên nghiệp và nghệ thuật là phần mềm biên tập. Ngày nay, bạn có thể quay video xong rồi thực hiện biên tập ngay trên smartphone bằng những ứng dụng khá chuyên nghiệp mà không cần phải sử dụng máy tính.
Nhiều ứng dụng khá chuyên nghiệp cho phép biên tập ngay trên smartphone mà không cần đến máy tính.
Mọi tính năng từ cơ bản cho đến nâng cao, chẳng hạn như cắt cúp, hiệu ứng chuyển cảnh, làm tựa, tiêu đề… đều có trên các ứng dụng này. Ngoài ra, các nền tảng phổ biến như Android, iOS và Windows Phone đều có số lượng ứng dụng khá phong phú.
PC World VN, 12/2014
quay video, quay video bằng smartphone, Smartphone, thủ thuật quay video, thủ thuật smartphone