(PCWorldVN) Hệ thống máy tính của công ty điều hành 23 nhà máy điện hạt nhân tại Hàn Quốc vừa là nạn nhân của một vụ tấn công mạng và thông tin cho biết hacker đã đánh cắp được lượng lớn dữ liệu nhạy cảm.
Theo Reuters, vụ việc xảy ra tại công ty thủy điện và điện hạt nhân Hàn Quốc (KHNP) và được chính đơn vị này xác nhận vào hôm thứ Hai 22/12 đã làm gia tăng lo ngại về tính an toàn của các nhà máy điện hạt nhân tại quốc gia vốn trên lý thuyết vẫn còn trong tình trạng chiến tranh với người láng giềng Triều Tiên.
Tuy nhiên, đại diện KHNP và cả chính phủ Hàn Quốc đều khẳng định rằng hacker chỉ lấy cắp được các dữ liệu không quan trọng và không có bất kỳ rủi ro nào đối với hoạt động của các lò phản ứng tại 23 nhà máy điện hạt nhân mà KHNP đang vận hành.
Được biết, KHNP là một công ty con trực thuộc tập đoàn điện - năng lượng Hàn Quốc do chính phủ trực tiếp điều hành, cung cấp 30% nhu cầu điện năng tại quốc gia châu Á này.
Khu phức hợp điện hạt nhân Gori do KHNP vận hành. |
Reuters cũng dẫn lại lời một quan chức tại KHNP cho biết chắc chắn rằng 100% hacker không thể làm cho các nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động bằng cách tấn công hệ thống máy tính tại đây bởi vì hệ thống quản lý cũng như giám sát của các nhà máy này "hoàn toàn độc lập và đã được khóa lại".
Trong khi đó, theo hãng tin Yonhap, trong hôm 15/12, một người dùng chưa rõ danh tính đã đăng tải lên mạng xã hội Twitter tuyên bố hack thành công vào hệ thống máy tính của một nhà máy điện hạt nhân do NHKP điều hành, đồng thời công khai sơ đồ thiết kế cũng như hướng dẫn vận hành của hai lò hạt nhân Gori-2 và Wolsong-1.
Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn theo Yonhap, hacker đã 4 lần tung những thông tin được là là "mật" của KHNP tính từ thời điểm ngày 15/12.
Hacker này cũng dọa rằng, nếu phía Hàn Quốc không đóng cửa các lò phản hạt nhân Gori-1, Gori-3 và Wolsong-3 trong vòng 3 tháng tới tính từ Lễ Giáng sinh 2014 thì toàn bộ dữ liệu bị đánh cắp, trong đó có các sơ đồ vị trí, bản thiết kế và nhiều thông tin nhạy cảm khác sẽ được công khai trên Internet.
Cũng theo Yonhap, hacker tự nhận là chủ tịch một tổ chức chống hạt nhân tại Hawaii tuyên bố đang có trong tay khoảng 100.000 trang liệu của KHNP.
Trong bản tin vừa được Reuters cập nhật vào sáng 23/12, đại diện KHNP cho biết hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy phía Triều Tiên có liên quan đến vụ tấn công mạng nhằm vào họ.
Phía Hàn Quốc cũng được tường thuật đã yêu cầu sự trợ giúp của Mỹ để điều tra vụ việc.
Thông tin nhà máy điện hạt nhân Hàn Quốc bị tấn công mạng được cho là xuất hiện ở thời điểm khá "nóng" khi mà chính quyền Tổng thống Barack Obama vừa tuyên bố Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về vụ đánh sập hệ thống máy tính tại Sony Pictures hôm 24/11 bất chấp phía Triều Tiên liên tục phủ nhận mọi cáo buộc liên quan.
Cũng trong ngày hôm qua, Trung Quốc - một đồng minh lâu đời của Triều Tiên tại châu Á - đã chính thức lên án các hành động tấn công mạng, tuy nhiên phía Bắc Kinh cho rằng không có bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng thực hiện vụ tấn công nhằm vào Sony Pictures.
bảo mật, chiến tranh mạng, hacker Triều tiên, hạt nhân, nhà máy điện hạt nhân, tin tặc Triều Tiên