Công nghệ - Sản phẩm

CES 2015 tạo đà cho tương lai thiết bị đeo đa năng

(PCWorldVN) Tại triển lãm CES 2015, các hãng công nghệ đều nỗ lực tìm hiểu và định hướng cho thị trường thiết bị đeo, chuyên dùng hay đa năng.

Nói về công nghệ thiết bị đeo (wearable), có nhiều chức năng hơn không hẳn là tốt hơn. Tại triển lãm thiết bị điện tử tiêu dùng quốc tế CES (International Consumer Electronics) 2015 đang diễn ra ở Las Vegas (Mỹ), các hãng sản xuất đã trình làng hàng loạt thiết bị đeo mới độc đáo để thăm dò xu hướng người dùng tương lai.

Thiết bị đeo rõ ràng đang là một xu hướng công nghệ chủ yếu trong những năm gần đây. Ngay cả tạp chí thời trang Vogue nổi tiếng mới đây cũng đã cho đăng lên trang bìa hình ảnh của chiếc đồng hồ thông minh Apple Watch, một trong những thiết bị được mong đợi nhất của năm nay.

Theo hãng nghiên cứu thị trường IDC, số thiết bị đeo xuất xưởng trong năm 2018 dự kiến sẽ lên đến 112 triệu chiếc, gấp hơn 5 lần số thiết bị xuất xưởng của năm 2014. Kính thông minh (smartglass) và thiết bị thực tế ảo đeo trên đầu (virtual-reality headset), vốn trước đây chỉ xuất hiện trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, nay cũng đang xâm nhập thị trường như một loại sản phẩm tiêu dùng.

Mẫu đồng hồ Apple Watch của hãng Apple đang theo khuynh hướng đa chức năng.
Các tên tuổi lớn nhất của ngành công nghệ thiết bị đeo, từ Samsung, LG, Motorola cho đến Intel, được dự đoán sẽ củng cố vị trí của họ trước khi Apple Watch xuất xưởng. Các hãng sản xuất thiết bị đeo khác được dự đoán sẽ hợp tác với nhau và với các công ty truyền thống lớn hơn, chẳng hạn những nhà sản xuất dụng cụ và trang phục thể dục thể thao như Adidas hay Nike, để cố giữ vị trí trong thị trường này.

Tuy nhiên, các hãng sản xuất cũng như giới phân tích đang thắc mắc liệu người tiêu dùng muốn mua một thiết bị thông minh đa năng có thể thực hiện mọi thứ hay muốn mua nhiều sản phẩm có thể cùng hoạt động để đạt được một mục tiêu chung. Về phía các hãng sản xuất thì họ đã chắc chắn chọn theo một xu hướng ngay từ đầu khi lên chiến lược, trong khi các nhà phân tích cho biết có lẽ bây giờ vẫn còn quá sớm để họ có thể đưa ra dự đoán được thị trường sẽ có chọn lựa nào rõ ràng một cách thuyết phục.

Một nhà phân tích của tập đoàn NPD Group cho biết, việc chọn theo xu hướng nào sẽ là một trong những vấn đề thực sự ảnh hưởng đến thị trường. Thiết bị có thể không thành công được cho là loại thiết bị cố thực hiện quá nhiều chức năng rồi rốt cuộc không hiệu quả gì cả.

Apple chắc chắn là đang theo khuynh hướng đa chức năng. Mẫu đồng hồ Apple Watch của hãng, vốn dự kiến sẽ được xuất xưởng vào nửa đầu năm 2015, trang bị màn hình màu đầy đủ, công nghệ đọc nhịp tim, phần mềm theo dõi sức khỏe và một số ứng dụng khác. Thiết bị này có giá bán dự kiến trên 350 USD.

Hướng đi của Apple không phải là một ngoại lệ. Nền tảng Android Wear của Google, dùng cho các loại đồng hồ thông minh (smartwatch), cũng được thiết kế để thực hiện nhiều tác vụ. Chẳng hạn, mẫu smartwatch Moto 360 của Motorola có thể chơi game, hiển thị mặt đồng hồ theo kiểu James Bond, chạy ứng dụng ghi chú Evernote và nhận lệnh giọng nói để ra hướng dẫn đi bộ hay lái xe. Trong khi đó, mẫu đồng hồ Gear S của Samsung còn có sóng di động để người dùng có thể gọi điện ngay cả khi bạn để quên điện thoại ở nhà.

Chiếc kính Google Glass ngay từ đầu đã được định nghĩa là một máy tính mang trên đầu, có thể thực hiện nhiều chức năng.
Nhưng không phải ai cũng đồng ý với hướng đi của Apple. Một số công ty mới khởi nghiệp đang thử nghiệm sản xuất các thiết bị đeo chuyên dùng bằng cách cho lắp đặt các bộ cảm biến vào mọi thứ, từ áo sơmi, ván trượt tuyết, găng tay dùng trong xưởng lắp ráp cho đến các bộ phận giả làm theo kiểu in 3D. Các sản phẩm này thường có giá rẻ hơn nhiều so với các mẫu đồng hồ thông minh do các hãng lớn sản xuất.

Vì các thiết bị này không phải thực hiện mọi thứ cho người dùng nên chúng rẻ hơn và thực sự hữu ích hơn, mạnh mẽ hơn khi thực hiện các tác vụ cụ thể. Các nhà phát triển cũng hứa hẹn sẽ có cách cho các thiết bị này “nói chuyện” với nhau, tạo ra một mạng các thiết bị chung quanh cơ thể chúng ta. Từ những chiếc tai nghe thông minh có thể đọc nhịp tim và gửi thông tin đến vòng đeo cổ tay đang theo dõi chuyển động của cơ thể, cho đến loại áo sơmi có thể thu thập dữ liệu mẫn cảm hơn như lượng mồ hôi, nhiệt độ da. Sau đó, các ứng dụng di động có thể tóm lược mọi thứ gọn gàng và hiển thị lên smartphone cho người dùng.

Xu hướng này đã có nhiều khách hàng ủng hộ theo như cuộc khảo sát hàng nghìn khách hàng ở Mỹ hồi tháng 3/2014 của hãng nghiên cứu thị trường Forrester. Mặc dù kết quả khảo sát cho thấy rằng đa số người tiêu dùng muốn mua một thiết bị đeo cổ tay đa năng như Apple Watch, nhưng vẫn có nhiều người có nhu cầu ngày càng tăng về thiết bị chuyên dùng như đồ trang sức, thiết bị kẹp và bộ cảm biến nhúng sẵn cho áo sơ mi và giày. Trong năm 2015, hãng nghiên cứu Gartner ước tính số quần áo thông minh xuất xưởng sẽ tăng từ con số 100.000 lên hơn 10 triệu chiếc, chiếm gần 1/3 số lượng smartwatch bán ra trên phạm vi toàn cầu như đã dự tính.

Ngay cả nhiều người trong đội ngũ nhân viên của Google cũng cho biết hướng đi này sẽ trở thành xu hướng chính. Khi hãng tìm kiếm khổng lồ này lần đầu tiên tung ra thiết bị đeo có kết nối gọi là Google Glass vào năm 2012, họ xem đó là một máy tính mang trên đầu. Giờ đây, khi ngày càng có nhiều loại thiết bị đeo khác được giới thiệu, lãnh đạo của Google cho rằng không có một thiết bị nào lại có thể thực hiện được mọi việc.

Astro Teller, người đứng đầu phòng thí nghiệm nghiên cứu bí mật dự án Google X (nơi đã phát triển Google Glass), cho biết thiết bị này được dự định là một trong số nhiều thiết bị đeo mà Google sẽ phát triển. Trong tương lai, người dùng sẽ phải đeo nhiều thứ lỉnh kỉnh trên người khi đi ra đường.

Ông Astro Teller cho biết, phương hướng của Google có thể tổng kết lại bằng cách nhìn vào một loại thiết bị đeo khác xuất xưởng từ Google X: kính áp tròng thông minh. Sản phẩm này, dự định sẽ do hãng dược khổng lồ Novartis sản xuất, có một bộ xử lý máy tính nhỏ được nhúng vào kính áp tròng. Mục đích là giúp ích cho bệnh nhân tiểu đường bằng cách đọc mức glucose trong nước mắt.

Vị lãnh đạo này của Google cũng cho rằng, thật không thông minh nếu cài đặt nhiều tính năng và công dụng vào kính áp tròng, nhất là khi sản phẩm này có kích thước quá nhỏ.

Fitbit đã bắt đầu đưa vào thêm thiết bị vòng đeo tay của họ nhiều tính năng như màn hình hiển thị giờ, công cụ theo dõi sức khỏe.
Cho đến nay, ý tưởng phải giới hạn chức năng cho một thiết bị đã được chứng minh thành công, mặc dù những thiết bị công nghệ thường nhanh chóng trở nên lỗi thời. Các công ty mới khởi nghiệp như Fitbit, Jawbone, Withings cùng với các hãng sản xuất thiết bị truyền thống như hãng đồng hồ Garmin lâu nay đã bán ra các loại thiết bị đeo mà chỉ có thể thực hiện vài chức năng đủ để lôi cuốn khách hàng. Các loại vòng đeo thông minh và bộ theo dõi sức khoẻ, như tên gọi của chúng, đã trở thành bộ mặt của công nghệ thiết bị đeo hiện nay.

Dù vậy, vẫn có những dấu hiệu là thiết bị chuyên dùng sau cùng sẽ không thành công khi các hãng công nghệ lớn thúc đẩy khách hàng dùng smartwatch. Suy cho cùng, các nhà phân tích cho rằng có nhiều lý do để tin thiết bị đeo sau cùng sẽ trở thành những thiết bị đa năng, vì đến lúc nào đó thì thị trường cũng phải trải qua một giai đoạn chuyển tiếp. Họ cho rằng, thiết kế đa năng sẽ có thể thắng ít nhất về ngắn hạn.

PCWorld

Apple Watch, CES 2015, google glass, smartglass, smartwatch, thiết bị đeo


© 2021 FAP
  3,469,370       1/827