Công nghệ - Sản phẩm

10 công nghệ kỳ lạ nhất của năm 2014

(PCWorldVN) Dưới đây là 10 trong số các sự kiện công nghệ kỳ lạ và đáng chú ý nhất của năm 2014 do trang tin công nghệ Infoworld đánh giá

1. Đầu bếp trí tuệ nhân tạo của IBM

Các tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI – artificial intelligence) và điện toán nhận thức (cognitive computing) tiếp tục là những tin tức hàng đầu trong năm 2014. Hồi đầu năm nay, IBM đã giới thiệu một sáng kiến điện toán nhận thức vốn là sản phẩm hợp tác của hãng với Viện giáo dục ẩm thực Institute of Culinary Education của Mỹ để xây dựng công nghệ đầu bếp AI.

Dự án IBM Food Truck sử dụng đầu bếp máy tính để làm ra những món ăn.
 

Được thiết kế để suy nghĩ, thử nghiệm và học theo con người, công nghệ đầu bếp máy tính này đã đưa ra những công thức làm món ăn do một nhóm các đầu bếp nổi tiếng trên thế giới thực hiện và đã được giới thiệu đến các sự kiện công nghiệp trong trang web IBM Food Truck.

2. Máy in 3D xăm hình

"Trypanophobia" là một thuật ngữ y khoa để chỉ tâm lý sợ kim tiêm. Đối với những người bị chứng bệnh này, đây có thể là sự kiện công nghệ kinh hoàng nhất của năm nay. Hồi tháng 4/2014, một nhóm sinh viên thiết kế người Pháp đã xâm nhập một hệ thống máy in 3D thương mại và đưa vào loại súng dùng để xăm người.

Máy in 3D có thể dùng để xăm người.
 

Đoạn video tiết lộ trên mạng cho thấy chiếc máy xăm này hoạt động rất hiệu quả. Một người tình nguyện trẻ tuổi đưa cánh tay vào máy và phần da của anh được tự động in mực bằng một mũi kim được kiểm soát từ máy tính, thay vì đầu đúc nguyên thủy của máy in. Nhóm sinh viên này cũng đã có hướng dẫn đầy đủ về cách thiết lập chế tạo một chiếc máy xăm riêng ở trang Instructables.com.

3. Robot đi nhờ xe khắp Canada

Vào tháng 7/2014, các nhà nghiên cứu của hai trường đại học Canada đã thử nghiệm chương trình có tên gọi hitchBOT, vốn là công nghệ robot đi nhờ xe được thực hiện trên nhiều tuyến xa lộ ở nước này.

Robot nhờ cậy lòng tốt của người đi đường để xin đi nhờ xe.

Dự án này là một phần trong công trình nghiên cứu lớn hơn về tiện ích của robot xã hội và tâm lý học về lòng tốt của con người. Dùng khuôn mặt có màn hình LED để xin đi nhờ xe, hitchBOT đã làm một cuộc hành trình từ bờ biển này sang bờ biển kia của Canada trong 21 ngày. Các robot có thể nhờ cậy lòng tốt của những người lạ trên đường để xin đi nhờ xe, cắm dây cáp vào ổ mồi thuốc lá trên xe để sạc lại pin và đăng tải các đoạn video lên mạng truyền thông xã hội. Canada thường được xem là một quốc gia tử tế nhất hành tinh, có thể là đất nước duy nhất để áp dụng chương trình thử nghiệm này.

4. Thành phố ôtô robot

Hồi tháng 5/2014, có một bài báo đưa tin về những chuyến đi vòng quanh một thành phố giả lập ở nam Michigan (Mỹ). Được thiết kế bởi những kỹ sư và các nhà nghiên cứu ngành khoa học người máy của trường đại học Michigan, trung tâm thành phố mô phỏng rộng khoảng 130 nghìn mét vuông này được cho là địa điểm tương lai của hàng trăm robot tự quản.

Thành phố với các ôtô tự lái là một ý tưởng sẽ được hiện thực trong tương lai.
 

Trung tâm mang tên gọi Mobility Transformation Facility là nơi thử nghiệm của các loại phương tiện giao thông tự động hóa và ô tô, xe tải tự lái. Nằm ở vị trí chỉ cách thành phố ôtô Motor City of Detroit trước đây vài chục dặm, thủ phủ mô phỏng này về sau sẽ có một đường cao tốc 4 làn xe, các làn tăng tốc, đèn giao thông, điểm giao với đường sắt và thậm chí những người đi xe đạp hay khách bộ hành cơ khí.

5. Máy bay không người lái buôn lậu ma túy

Trong số những tin tức lạ thường, thông tin về máy bay không người lái có lẽ là đề tài công nghệ nổi bật nhất trong năm nay. Tháng 7/2014, giới chức của viện cải tạo Lee Correctional Institution được bảo vệ tối đa ở bang South Carolina có báo cáo về một dự án phát triển máy bay không người lái mới và thực sự có vấn đề.

Máy bay không người lái còn được sử dụng để buôn lậu ma túy.
 

Dường như có một nhóm người đã thử cho bay một loại máy bay không người lái nhỏ chứa đầy hàng lậu gồm cần sa, thuốc lá và điện thoại di động rồi vượt tường vào sân nhà tù. Tuy nhiên, âm mưu này sau đó không thành, chiếc máy bay không người lái này đã bị rơi cách tường nhà tù không xa.

6. Smartphone mang diện mạo mới

Đôi khi hai thế giới khoa học thật và ảo hội tụ lại để tạo ra những tin tức phát minh lập dị. Đây là trường hợp của các nhà nghiên cứu Trường đại học University of Würzburg ở Đức vào tháng 10/2014 khi tung ra một báo cáo khiến mọi người phải suy nghĩ nhưng hoàn toàn có thể tiên đoán được. Theo nghiên cứu này, nam giới còn độc thân thường có khuynh hướng mua smartphone cao cấp hơn những người khác.

 Nam giới độc thân thường có khuynh hướng mua smartphone cao cấp hơn những người khác.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, điện thoại là một loại công cụ cho phép người sở hữu có đủ tài nguyên để cung cấp thông tin cho các đối tác tiềm năng. Theo bản tóm tắt của nghiên cứu, nam giới đặc biệt sẵn sàng chi tiêu một cách phô trương để lôi cuốn bạn khác phái.

7. Thử nghiệm ngoại cảm trên Internet

Một khuynh hướng kỳ lạ khác trong năm 2014 là những trường hợp về ngoại cảm trực tuyến đang thịnh hành. Hồi tháng 11 vừa qua, các nhà nghiên cứu của trường đại học University of Washington (Mỹ) đã gửi các tín hiệu truyền dẫn trực tiếp từ não bộ này sang não bộ khác qua Internet. Theo đó, một đối tượng thử nghiệm có thể di chuyển bàn tay của một đối tượng khác chỉ bằng cách suy nghĩ về khả năng này.

 Thử nghiệm ngoại cảm trên Internet.
 

Trong một nghiên cứu tương tự hồi tháng 8/2014, các nhà khoa học từ nhiều nước đã dùng các thiết bị thần kinh có kết nối Internet để chủ yếu truyền phát ý nghĩ của một người đến nhiều người khác trên thế giới. Các ý nghĩ gồm một từ như "hola" and "ciao" được các thiết bị điện não đồ phát hiện, dịch sang mã nhị phân, rồi tập hợp lại trong não bộ của người nhận bằng công nghệ kích thích từ tính xuyên não bộ.

8. Google Glass sẽ kiểm soát sóng não

Các nhà khoa học đã phát minh ra một ứng dụng nguồn mở hấp dẫn nhằm cung cấp cho người dùng khả năng điều khiển vật thể từ xa. Hệ thống MindRDR dùng kính Google Glass cùng với bộ điện não kế đeo đầu EEG sẽ cho phép người dùng chụp ảnh và đăng tải nội dung lên xã hội bằng cách dùng sóng não.

 Hệ thống MindRDR dùng kính Google Glass cho phép người dùng chụp ảnh và đăng tải nội dung lên mạng xã hội bằng sóng não.
 

Miếng da trên thiết bị đeo đầu này dùng để phát hiện khi nào người dùng đang tập trung nhiều vào một hình ảnh nào đó trong tầm nhìn của họ. Khi màn hình hiển thị chỉ báo đạt đến một giá trị ngưỡng, hệ thống MindRDR sẽ chụp ảnh bằng camera của kính Google Glass và tự động tải lên địa chỉ trực tuyến đã chọn trước đó. Khi MindRDR được công bố hồi tháng 7/2014, các nhà quan sát công nghệ nhận thấy rằng thiết bị này có thể sẽ được dùng để điều khiển vật thể từ xa. Người đeo có khả năng ảnh hưởng đến thay đổi trong thế giới vật chất bằng sức mạnh tư duy.

9. Chip smartphone tích hợp khả năng chiếu 3D

Trong đoạn quảng cáo cho bộ phim khoa học viễn tưởng “Star Wars” nổi tiếng, có những hình ảnh chú robot R2-D2 phóng lên hình ảnh 3 chiều của công chúa Leia đang khẩn cầu với nhân vật Obi Wan Kenobi.

Chip smartphone sẽ có thể trình chiếu hình ảnh 3D.

Dựa trên ý tưởng đó, vào tháng 6/2014, tạp chí Wall Street Journal báo cáo về một dự án khiêm tốn nhưng được tài trợ rất nhiều để xây dựng loại chip smartphone có thể trình chiếu ảnh 3D (hologram). Bản báo cáo này còn đi kèm minh chứng bằng đoạn video clip ngắn về công nghệ tạo ảnh 3D của các hạt xúc xắc đang trôi tự do.

10. Âm nhạc qua ảnh 3D

Tháng 10/2014, David Letterman đã đón chào khách mời chương trình âm nhạc hình ảnh 3D đầu tiên của ông. Đó là sự kiện náo động của ngôi sao nhạc pop Nhật Bản ảo mang tên là Hatsune Miku.

Nhân vật ảo Hatsune Miku trình diễn bằng giọng hát được tổng hợp từ các mẫu âm thanh khác nhau.
 

Công nghệ nằm sau thương hiệu hình ảnh 3D đặc biệt này tương tự như công nghệ dùng cho các lần xuất hiện nổi tiếng trước đó. Hình ảnh có vẻ như đang trôi tự do trên không nhưng thật ra nó được chiếu lên một mặt phẳng 2D trong suốt. Trong khi đó, giọng hát thật sự của Hatsune Miku được tổng hợp từ các mẫu âm thanh khác nhau. Cái tên Hatsune Miku có thể phỏng dịch là “Âm thanh đầu tiên đến từ tương lai”.

PC World VN, 01/2015
 

PCWorld

bình chọn công nghệ, công nghệ đặc sắc, công nghệ năm 2014


© 2021 FAP
  3,358,114       4/869