Công nghệ - Sản phẩm

Bà Hillary Clinton biện bạch dùng email cá nhân trong công việc cho tiện

(PCWorldVN) Xác nhận mình đã dùng email cá nhân vào việc công khi đương chức, nhưng cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton quả quyết đã không phạm luật. Dù vậy bà cũng lấy làm tiếc về điều này.

Hôm 10/3 (theo giờ Mỹ), tại buổi họp báo đầu tiên sau 2 năm kể từ khi rời chiếc ghế Ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton xác nhận bản thân đã sử dụng email cá nhân để điều hành công việc lúc còn là người đứng đầu Bộ Ngoại giao bởi vì sự thuận tiện và việc này cũng đã được Bộ Ngoại giao chấp thuận.

Mặc dù quả quyết rằng mình không phạm luật cũng như chưa bao giờ gửi đi các tài liệu mật thông qua tài khoản email cá nhân nói trên, song cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng nói thêm rằng ước gì khi đó bà đã sử dụng tài khoản email do chính phủ cung cấp.

"Tôi chọn sự thuận tiện để sử dụng tài khoản email cá nhân, được cho phép bởi Bộ Ngoại giao, bởi vì bản thân tôi nghĩ rằng sẽ dễ dàng hơn để chỉ mang 1 thiết bị cho email công việc và email cá nhân, thay vì 2 thiết bị", bà Clinton tự tin nói trước đám đông hơn 200 phóng viên tại buổi họp báo, "Nghĩ lại, sẽ tốt hơn nếu khi đó tôi đơn giản chọn cách sử dụng một tài khoản email thứ 2 và mang theo một chiếc điện thoại thứ 2".

Tuy nhiên, theo nhận định của Reuters thì việc sử dụng cùng lúc 2 chiếc điện thoại di động với một quan chức cấp cao của Nhà Trắng là điều gì đó không bình thường.

Các nhà tài trợ phe Dân chủ "xem nhẹ" scandal của bà Clinton

Theo Reuters, các nhà tài trợ hàng đầu của phe Dân chủ Mỹ cho biết họ không cảm thấy bối rối với thông tin được tiết lộ rằng bà Hillary Clinton từng giải quyết công việc của Bộ Ngoại giao khi còn nắm giữ cơ quan này bằng email cá nhân, dù nhiều người nói rằng bà có thể tránh được sự chỉ trích của phe Cộng hòa bằng cách đề cập thẳng vấn đề này và tuyên bố tranh cử tổng thống.

Bà Clinton, người được đánh giá có triển vọng nhất cho việc được đề cử làm ứng viên tổng thống của phe Dân chủ trong năm 2016 đã hầu như tránh được mọi sự lùm xùm trước khi nảy sinh vấn đề email. Đây là cớ được phe Cộng hòa vin vào để cáo buộc bà giấu giếm và có thể đã gây ra một mối đe dọa về an ninh.

Barack Obama, email cá nhân, email, Twitter, bảo mật
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Ông J.P. Austin, một bác sĩ ở Miami và là nhà tài trợ cho đảng Dân chủ nói: “Việc đó sẽ ảnh hưởng đến việc gây quỹ của bà ấy sao? Tôi nghi ngờ điều đó. Bà ấy là người có triển vọng nhất. Bà ấy vẫn sẽ là người sẽ chiến thắng”.

“Tôi chỉ nghĩ bà Clinton nên đề cập đến vấn đề này, rồi chúng ta cần phải đi tiếp”, bà Lena Kennedy, một nhà tài trợ khác ở Pasadena, nói thêm.

Vào tuần trước, khi tranh cãi nổ ra liên quan đến chuyện email, cựu Ngoại trưởng Mỹ từng tuyên bố trên tài khoản Twitter rằng bà đã yêu cầu Bộ Ngoại giao công bố 55.000 email mà bà đã chuyển giao trước đó theo yêu cầu lưu trữ của cơ quan này đối với tất cả cựu ngoại trưởng.

Trước đó, những người chỉ trích bà Clinton cho rằng bà cố tình dùng email cá nhân nhằm che giấu những thông tin không hay trong thời gian làm việc của bà.

Có luồng thông tin cho rằng, số email là cựu ngoại trưởng Mỹ chuyển giao sau khi rời nhiệm sở không bao gồm các email trao đổi giữa bà này và chồng là cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, và đây chính là điểm mà phe Cộng hòa đang chĩa mũi dùi vào.

Đầu tuần này, hãng tin Reuters đã phỏng vấn 13 nhà hoạt động chính trị được lựa chọn ngẫu nhiên trong số các nhà tài trợ hàng đầu của đảng Dân chủ - những nhà tài trợ đã cùng nhau tập hợp các khoản đóng góp khác nhằm tăng cường tác động gây quỹ. Phân nửa trong số họ đã công khai thừa nhận là người ủng hộ bà Clinton, 2 người hy vọng Thượng nghị sĩ bang Massachusettes Elizabeth Warren sẽ ra tranh cử, và phần còn lại chưa quyết định.

Dù họ thừa nhận các email có thể chứa đựng những điều ngạc nhiên, nhưng không ai cảm thấy danh tiếng của bà Clinton sẽ bị tổn hại bởi những gì đã bị tiết lộ cho đến nay.

Các nhà tài trợ của đảng Dân chủ nói với Reuters rằng cái nhìn của họ về bà Clinton không bị ảnh hưởng.

Ông Gerald Acker, một luật sư ở Michigan nằm trong số những nhà tài trợ nhiều nhất cho Tổng thống Barack Obama vào năm 2012, nói về vấn đề email rằng “Tôi nghĩ đó là chuyện vớ vẩn. Cựu Ngoại trưởng Colin Powell cũng làm y chang như vậy”.

Ông Powell cũng có một tài khoản email cá nhân trong thời gian phụ trách Bộ Ngoại giao Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 8/3, ông Powell cho biết đã không giữ lại bất kỳ email nào trong hồ sơ của ông khi ông chuyển giao. Các ứng viên tổng thống tiềm năng khác, như các ông Jeb Bush và Scott Walker của đảng Cộng hòa, cũng có những tài khoản email cá nhân lúc tại chức, dù không có vị trí nào ở cấp liên bang.

Theo tường thuật của Reuters, phe Cộng hòa buộc tội bà Clinton dùng tài khoản email cá nhân để tránh lưu trữ những cuộc liên lạc của bà trên máy chủ của chính phủ. Họ cũng cho rằng việc sử dụng tài khoản email "phi chính phủ" có thể đã tạo ra một rủi ro an ninh khiến các cuộc liên lạc của bà dễ bị tấn công hơn.

Nhà Trắng dưới thời của Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố rõ rằng họ có chỉ thị cho các quan chức phải sử dụng địa chỉ email của chính phủ chứ không phải tài khoản email cá nhân khi tiến hành việc công.

Hôm 9/3, Nhà Trắng khẳng định ông Obama đã nhận được các email từ địa chỉ cá nhân của bà Clinton trong nhiều năm nhưng ông không biết máy chủ đã được cài đặt như thế nào.

PCWorld

An toàn thông tin, bảo mật email, Barack Obama, email, giám đốc an ninh thông tin, hacker


© 2021 FAP
  3,358,981       11/871