(PCWorldVN) Leo Apotheker có thể là cái tên xa lạ với bạn, nhưng với ngành phần mềm thì đây là một trong những nhân vật khá nổi tiếng vì những bước "lên voi xuống chó".
Tuy nhiên, ông này đang tạo một làn gió mới cho ngành phần mềm châu Âu.
Mới đây, tại khách sạn Villa Kennedy ở Frankfurt, Đức, không ai nhận ra Apotheker khi ông đi vào sảnh khách sạn, hướng đến phòng ăn hầu như vắng khách. Ông ngồi đó, bàn bạc về đầu tư vào các công ty công nghệ khởi nghiệp tại châu Âu.
Cách nay vài năm, thế giới của Apotheker tươi sáng hơn nhiều. Ông trải qua 2 thập kỷ quản lý mảng bán hàng, cung cấp phần mềm doanh nghiệp của SAP, và trở thành CEO hồi năm 2009. Năm sau đó, ông bất ngờ bị SAP sa thải nhưng vài tháng sau lại có được vị trí CEO của Hewlett-Packard (HP), khiến ông đột nhiên thành tâm điểm tại thung lũng Silicon. Nhưng ông không giữ vị trí ấy được lâu: chưa đến 1 năm, sau một loạt thua lỗ và cổ đông HP mất niềm tin, HP mất đến 51 tỷ USD giá trị thị trường và một lần nữa, Apotheker lại phải ra đi.
Leo Apotheker, cựu CEO của HP và SAP. |
Quay lại với phòng ăn tại Villa Kennedy, Apotheker đã trở lại, nhưng không còn vị thế của ngày xưa. Người đàn ông mang quốc tịch Đức này cho rằng hối tiếc chỉ là việc phí thời gian. Ông nói: "Giận giữ mới thực sự là cảm xúc tích cực, bởi vì bạn có thể biến giận dữ thành hành động".
Những ngày này, thay vì đi công tác bằng chiếc máy bay nhỏ Gulfstream để bắt tay với hàng trăm nhân vật công nghệ tại San Francisco hay đến Ấn Độ để thắt chặt mối quan hệ thì Apotheker hàng tuần ngồi điện đàm với Unit4, là nhà phát triển phần mềm kế toán ở Hà Lan, và trao đổi công việc với một phòng kinh doanh có 22 nhân viên tại KMD, là một công ty Đan Mạch cung cấp phần mềm cho 98 cơ quan nhà nước tại địa phương.
Trong 3 năm vừa qua, Apotheker bỏ tiền túi mua lại công ty Advent International, giúp đàm phán các hợp đồng với 3 công ty phần mềm và có một chỗ trong ban quản trị của cả 3 công ty ấy. Ông đặt cược vào canh bạc mới và muốn tiến vào dịch vụ đám mây, giúp các công ty phần mềm châu Âu cạnh tranh mạnh hơn với thung lũng Silicon.
Apotheker nói: "Vốn không phải là vấn đề lớn nhất, mà là tài năng quản lý. Tại Mỹ, bạn có thể nhanh chóng kéo cả đội ngồi lại với nhau và trao đổi về kinh nghiệm quản trị, tầm nhìn công nghệ và cả tiền bạc. Đối với châu Âu, những điều đó chính là bất lợi".
Bán dịch vụ thuê bao phần mềm đám mây tính theo tháng có thể hấp dẫn hơn so với bán trọn gói phần mềm nếu xét về lâu về dài. Nhưng chiến lược định giá như vậy lại thường làm giảm doanh thu trong giai đoạn ngắn. Phần mềm phân phối qua web cho bộ phận quản trị thấy được tính năng nào mà khách hàng thực sự cần đến, và bán thêm các add-ons bổ sung. Vấn đề là chi phí bán hàng và phát triển vẫn tồn tại trong khi tiền vào ít hơn và khách hàng thường dừng ngay lại nếu họ không thích sản phẩm ấy.
Tại châu Âu, các nhà sản xuất phần mềm có lãi như Sage Group Plc ở Anh Quốc, Software AG ở Đức và Cegid Group tại Pháp không có được nhiều lợi nhuận dựa vào phí hỗ trợ kỹ thuật.
Theo công ty nghiên cứu Prequin, Advent (Anh Quốc) đang chi nhiều tiền hơn các doanh nghiệp khác để xốc các công ty CNTT châu Âu tiến lên. KMD, hiện đang sở hữu phần mềm quản lý nghỉ hưu và thất nghiệp của Đan Mạch, là một trong những đích ngắm đầu tiên của Advent sau khi Apotheker để mắt đến KMD.
Sau khi mua lại KMD hồi năm 2012, Advent đã đưa Apotheker lên làm chủ tịch KMD. KMD đang tập trung mở rộng phần mềm đám mây cho trường học và chăm sóc sức khỏe người già.
Apotheker cũng nằm trong ban điều hành Unit4, là doanh nghiệp mà ông và Advent mua lại hồi năm ngoái với giá 1,6 tỷ USD. Unit4 cho biết tháng tới công ty sẽ công bố một phần mềm đám mây mới, đánh dấu cột mốc quan trọng đầu tiên từ khi chuyển chủ sở hữu. Theo CEO của Unit4, Jose Duarte, doanh thu hằng năm của hãng này đạt khoảng 554 triệu USD trước khi trở lại mô hình công ty tư nhân.
Theo Gartner, nếu các nhà phát triển phần mềm châu Âu có thể chuyển được khách hàng địa phương đông đảo của họ lên sử dụng phần mềm đám mây và trả phí theo tháng thì đây là thị trường rất tiềm năng. Chưa có gì chắc chắn Apotheker và Advent có biến điều ấy thành sự thực được hay không.
Khi còn là CEO của HP, Apotheker không đạt doanh thu đề ra cho mỗi quý và việc ông mạnh tay chi 10,3 tỷ USD mua lại nhà sản xuất phần mềm Anh Quốc Autonomy gây nhiều tranh cãi, sau đó đã dẫn đến một vụ scandal về sổ sách.
câu chuyện kinh doanh, công nghiệp phần mềm, điện toán đám mây, HP, Leo Apotheker, phần mềm, SAP, thị trường