Công nghệ - Sản phẩm

Facebook - kẻ khó ưa của Twitter...

(PCWorldVN) Và ngược lại. Khi cả hai công ty này đang cạnh tranh nhau gay gắt cho ngôi vị thống trị mạng xã hội. Họ đang xem chừng mọi động thái của nhau.

Twitter không muốn so sánh

Twitter không muốn giới truyền thông so sánh họ với Facebook. Chắc chắn một điều là Twitter muốn trở thành công ty mạng xã hội lớn nhất thế giới nhưng họ lại không thừa nhận tham vọng ấy. Thực chất, Twitter là mạng thông tin thời gian thực, nhiều người cho rằng Twitter là dạng tiểu blog và không phải là mạng xã hội.

Đồng sáng lập Twitter và sau đó trở thành CEO, Ev Williams, từng nói hồi năm 2010 rằng: “Nền tảng [giữa Twitter và Facebook] hoàn toàn khác nhau”. Năm 2013, trưởng nhóm truyền thông của Twitter lúc đó là Chloe Sladden (đã rời Twitter năm 2014) giải thích rằng cách tiếp cận của Facebook là để thống trị, huỷ diệt và phá vỡ mọi thứ. Twitter không phải như vậy.

Có lẽ Twitter muốn tránh so sánh bởi vì xét trên mọi yếu tố, Facebook đều trội hơn. Số lượng người dùng, doanh thu, lợi nhuận và giá trị vốn hoá của Facebook đều vượt Twitter. Twitter chỉ có thể dựa vào thực tế rằng ứng dụng của họ "tuyệt" hơn, ít nhất là theo giới ngôi sao điện ảnh, ca nhạc (nhưng không phải tất cả).

Và năm 2015 này, có thể là năm Twitter sẽ lấn vào "địa bàn" của Facebook, và ngược lại. Cố gắng kiếm thêm lợi nhuận từ quảng cáo, Twitter đang tạo một hệ thống mạng các nhà phát triển di động, gồm những người dùng Twitter lâu năm, ưa Twitter hơn Facebook. Twitter muốn gần gũi với người dùng hơn ở mọi thời điểm trong ngày, không đơn thuần là chuyển tải "tin nóng" nữa, nên họ đang thiết kế lại feed của người dùng theo cách tương tự như feed của Facebook. Và để cạnh tranh với 500 triệu người dùng Facebook trên Messenger và 60 triệu người trên WhatsApp, Twitter đang làm lại tính năng Direct Message.

Trong khi đó, Facebook vừa tiết lộ một hướng đi mới nhằm "nới lỏng" ràng buộc của Twitter vào giới ca sỹ, diễn viên Hollywood, để các studio và giới nghệ sĩ muốn đưa tin tức của họ lên Facebook đầu tiên. Điều này sẽ thúc đẩy mảng kinh doanh quảng cáo video trên mạng xã hội lên rất nhiều.

Nhưng đó không chỉ là các sáng kiến kinh doanh. Những chiến lược ấy còn ảnh hưởng đến mọi người trong cả hai cộng đồng: đó là các nhà phát triển, nhà quảng cáo, nhà sáng tạo và người dùng hàng ngày.

Câu kéo Hollywood

Khi Sibyl Goldman gia nhập Facebook vào tháng 2/2014 ở vị trí trưởng nhóm đối tác giải trí, bà tiếp cận những công ty truyền thông và giới nghệ sỹ để nắm biết họ nghĩ gì về nền tảng mạng xã hội. Bà nhanh chóng nhận ra rằng thậm chí nghệ sĩ ở Hollywood còn không biết Facebook có một văn phòng ở Los Angeles, Mỹ.

Có thể xem Hollywood là một thị trấn trên Twitter. Twitter là ứng dụng rất lý tưởng đối với người xem các chương trình truyền hình và các sự kiện truyền trực tiếp như Golden Globes và giải Grammy tại Mỹ. Nhưng Twitter có một điểm yếu chết người: nó không liên quan gì nhiều đến phim ảnh. Đăng tweet ở một rạp chiếu phim không tiện, hay để cập nhật thông tin gì đó thì nội dung ấy không mang tính tức thời, theo thời gian thực.

Ngược lại, Facebook tự chứng minh được nó là "nhà" của mọi thứ muốn chia sẻ, nó tạo được nhận thức cho người đọc tin và khuyến khích người ta đi xem phim để đăng tải thông tin, cụ thể là vì nó là một môi trường trực quan hơn, dễ theo dõi hơn. Khi Goldman và đội ngũ của bà có thể thuyết phục được một studio đăng một trailer sử dụng video player của Facebook thì tác động ấy có thể rất có giá trị. Khi studio đăng tải một trailer của bộ phim Disney sắp công chiếu Cô bé lọ lem "Cinderella", bản post ấy có được hơn 33 triệu lượt xem chỉ trong 24 giờ đầu tiên, so với 4,2 triệu lượt xem trên YouTube.

Goldman hy vọng những con số này sẽ hấp dẫn và thu hút các nhà làm phim nổi tiếng như JJ Abrams vì ông thường đưa trailer lên iTunes đầu tiên (như khi công bố trailer của phim "Chiến tranh giữa các vì sao"). Nhưng bà Goldman không chỉ nói về các con số ấy, bà đang cố thuyết phục Hollywood rằng Facebook khác hoàn toàn so với các nền tảng khác, là nơi "bạn có thể chia sẻ một đoạn video thời lượng 6 giây hoặc cũng có thể chia sẻ vài từ" mà không phải "cậy dựa" vào Twitter hay Vine. Bà định vị Facebook như là cái hub, trung tâm của mọi loại nội dung bất kể dài ngắn như thế nào.

Để "lấy lòng" Hollywood, Facebook sẽ phải vượt qua được... bản thân họ. Costolo của Twitter luôn luôn hiện diện ở L.A., trong khi đó Mark Zuckerberg hiếm khi xuất hiện bên ngoài Menlo Park, là trụ sở của Facebook ở San Francisco. Hơn nữa, gần đây Facebook khiến các studio Mỹ bực mình khi họ công bố họ sẽ làm giảm tỉ lệ xuất hiện những bài post không trả tiền trong feed của người dùng. Để thấy được các post đó thì người dùng phải đăng ký theo dõi hoặc trở thành fan của chương trình hay bộ phim nào đó. Do vậy, người tiếp thị không thực sự tiếp cận được đối tượng người hâm mộ nếu không bỏ nhiều thời gian và tiền bạc.

Costolo - CEO Twitter và Mark Zuckerberg – CEO Facebook

Twitter “mở lòng” hơn

Twitter không ngồi yên. Trong một hội nghị có tựa là "Twitter on Movies" mới đây, Twitter đang lèo lái những nhà tiếp thị phim ảnh về cách "làm thế nào để giúp phim ảnh xuất hiện trên nền tảng" của họ. Dựa trên thành công của chương trình quảng cáo TV của mình, Twitter đang thử nghiệm quảng cáo hướng đối tượng cho người thích xem phim rạp.

Dĩ nhiên, những nỗ lực này sẽ không mấy tác dụng nếu, Twitter lẫn các studio không đưa ra được giải pháp phân chia doanh thu hợp tình hợp lý. Đến nay, chỉ có studio và các mạng TV là hưởng lợi từ việc chia sẻ nội dung với Twitter và Facebook mà thôi.

Có thể nói Facebook rất "cục cằn" với Hollywood nhưng lại cực kỳ thân thiện với người dùng đăng ký. Ngay khi đăng ký xong, Facebook lập tức cung cấp cho bạn danh sách những người mà bạn có thể muốn làm bạn. Mọi thứ bạn cần làm là cung cấp vài thông tin cơ bản như trường bạn học, thành phố bạn sống. Và Facebook liên tục đưa ra những tin tức gần gũi, cập nhật mà có thể bạn quan tâm.

Ngược lại, Twitter thường chào đón người dùng mới với sự thờ ơ, lãnh đạm. Twitter cũng đề xuất vài người mà bạn có thể quan tâm để theo dõi (follow) nhưng tính năng ấy rất hạn chế. Nhiều năm qua, Twitter gần như để bạn chọn đúng người bạn cần follow nên bạn phải tạo một loạt tin Tweeter mà bạn thực sự quan tâm. Nếu làm đúng thì Twitter sẽ trở thành một kênh thông tin hoành tráng của riêng bạn, bởi vì khi có tin nào "nóng", cho dù là vụ scandal của ngôi sao ca nhạc nào hay vụ IS hành quyết con tin thì bạn đều nhận được thông báo ngay tức thời.

Tháng 11 năm ngoái, Twitter tự thay đổi chính họ để làm cho họ hấp dẫn hơn với người dùng phổ thông. Chịu trách nhiệm cho kế hoạch này là Kevin Weil, phó chủ tịch thứ 3 của Twitter chỉ trong vòng 12 tháng, và thứ 5 trong vòng 5 năm (trong khi Chris Cox ở vị trí tương đương tại Facebook nhiều năm qua mà không thay đổi). Weil là kỹ sư lâu năm trong mảng quảng cáo của Twitter, ông nhận ra được nếu Twitter thay đổi thì có thể có được thêm 1 tỉ USD doanh thu trước khi ông được chỉ định điều hành mọi sản phẩm của Twitter.

Bước đầu tiên: "Tôi muốn làm cho người dùng sử dụng Twitter dễ dàng hơn", Weil cho biết trong buổi phỏng vấn đầu tiên từ khi ông giữ chức mới hồi tháng 10 năm ngoái. Người dùng chỉ cần đăng nhập, Twitter sẽ chào đón bằng một danh sách rất thuận tiện, chỉ cần check vào chủ đề mà bạn muốn theo dõi. Bạn cũng được yêu cầu tải địa chỉ liên lạc lên để Twitter có thể cho bạn biết ai trong sổ địa chỉ ấy có dùng Twitter và những chủ đề mà người đó quan tâm, theo dõi.

Bước thứ haiTwitter đảm bảo bạn luôn thấy hấp dẫn trong những chủ đề mà mình quan tâm. "Tôi muốn trộn nội dung sao cho thật hấp dẫn nhưng vẫn giữ tính cập nhật thời gian thực, là bản chất vốn có của Twitter", Weil cho biết thêm. Đến nay, Twitter đảm bảo được luồng tin (feed) của bạn luôn có những tweet hấp dẫn ngay từ những tweet đầu tiên. Họ cũng đưa ra một tính năng mới, đặt những tweet hấp dẫn lên đầu feed nếu bạn không đăng nhập vào trong một khoảng thời gian nào đó, thậm chí người đăng tweet không nhận biết được điều này.

Những thay đổi trên sẽ tạo cho người dùng dễ dàng tuỳ biến thông tin nhận được và cảm thấy Twitter lôi cuốn hơn, giống như cách mà Facebook từng làm. Nhưng nếu Weil cứ đi theo hướng này quá xa thì rõ ràng ông đang đánh đồng Twitter với Facebook.

Facebook nhanh hơn một bước

Một yếu tố cốt lõi trong sự chuyển mình của Facebook từ ứng dụng cho máy tính để bàn sang ứng dụng không thể thiếu cho thiết bị di động là họ bỏ rất nhiều tiền của và công sức cho các nhà phát triển ứng dụng. Năm 2013, Facebook mua lại Parse, là nền tảng phát triển di động, cung cấp cho các nhà viết ứng dụng các dịch vụ nền tảng như là phân tích dữ liệu và cho người dùng đăng ký với Facebook. Đến nay, các nhà phát triển đã tạo được hơn 500.000 ứng dụng với công cụ này (so với 65.000 ở thời điểm Facebook mới mua lại Parse). Facebook có được rất nhiều lợi ích từ các ứng dụng mới đó, nhiều ứng dụng trong số ấy mang lại doanh thu quảng cáo rất rõ ràng. Quý vừa rồi, doanh thu quảng cáo của Facebook tăng đến 17%.

Đến nay, Twitter đang theo đuổi chiến lược giống vậy. Một phiên bản Parse của Twitter tên là Fabric, là nền tảng lần đầu tiên Twitter mang đến cho các nhà phát triển ứng dụng di động hồi tháng 10 năm ngoái. "Đối với chúng tôi, Fabric là nước cờ quan trọng trong bàn cờ di động và chứng tỏ khả năng của Twitter có thể đóng vai trò không nhỏ để giúp các doanh nghiệp khác chuyển lên di động", Weil cho biết. Bộ công cụ phát triển phần mềm này sẽ giúp các nhà phát triển tạo và phát triển ứng dụng của mình dễ dàng. Đáng chú ý nhất là nó khuyến khích nhà phát triển sử dụng nền tảng quảng cáo di động của Twitter cho chính quảng cáo nhúng trong ứng dụng của mình, song song đó là tiếp thị ứng dụng ấy trên chính Twitter. Có sẵn trong bộ công cụ Fabric này là Digits, một công cụ cho phép nhà phát triển đăng ký người dùng mới chỉ bằng số điện thoại. Twitter sẽ tiếp cận được nhiều người hơn, bất kể người đó có tài khoản Twitter hay không.

Khi Twitter khởi đầu năm 2015, có thể thấy thời điểm này tương tự như thời điểm của Facebook vào hè năm 2012: hàng loạt áp lực từ nhà đầu tư muốn Facebook tái thiết, chứng minh cho người dùng, nhà quảng cáo và cổ đông rằng họ còn tiềm năng phát triển. Bộ máy quản lý của Facebook, trên hết là Zuckerberg, từng đối diện với thách thức đó. Đến nay, chúng ta cũng thấy thách thức ấy đang ở ngay trước mặt của Costolo và đội ngũ điều hành Twitter.

Tuy vậy, các nhà đầu tư không phải là những người kiên nhẫn, Facebook cũng vậy. Zuckerberg không đứng yên một chỗ để chờ cho Twitter bắt kịp mình.

PC World VN, 03/2015

PCWorld

Facebook, mạng xã hội doanh nghiệp, quảng cáo di động, Twitter


© 2021 FAP
  3,349,711       1/259