Công nghệ - Sản phẩm

Tạo hệ sinh thái bền vững để thúc đẩy IPv6

(PCWorldVN) Trung tâm Internet Việt Nam ngày 6/5 tổ chức hội thảo Hành động quốc gia về IPv6 - Chung tay cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng.

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo cơ hội đối thoại trực tiếp và thẳng thắn giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cùng toàn thể các phần tử cấu thành hệ sinh thái Internet trong nước để khắc phục những tồn tại cố hữu trong công tác triển khai IPv6 tại Việt Nam thời gian qua, đồng thời chuẩn bị tốt nhất cho việc thực hiện giai đoạn 3 - tức giai đoạn cuối của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm, Trưởng Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia cho biết, trong năm 2015, công tác thúc đẩy phát triển IPv6 tiếp tục được quan tâm và triển khai tích cực với các hoạt động và kết quả đáng ghi nhận, nổi bật là việc hoàn thành giai đoạn 2 chính thức bước sang giai đoạn 3 của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.

IPv6
Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm, Trưởng Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia phát biểu khai mạc hội thảo.

Tuy nhiên, trước thách thức về vấn đề cạn kiệt IPv4 và yêu cầu chuyển đổi sang IPv6, đáp ứng nhu cầu bùng nổ trên Internet, từ 6/5/2008, Bộ TTTT đã ban hành chỉ thị về việc thúc đẩy sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6, đón đầu và khởi đầu cho việc thúc đẩy mạnh mẽ việc nghiên cứu, thử nghiệm, xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi IPv4 sang IPv6 tại Việt Nam.

Tiếp đó, vào năm 2009, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia được thành lập và đã trở thành nhân tố tích cực đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi IPv6. Từ năm 2012, ngày 6/5 hàng năm đã được Bộ TTTT chính thức quyết định lựa chọn là “Ngày IPv6 Việt Nam” để huy động toàn bộ cộng đồng các doanh nghiệp cũng như cộng đồng người sử dụng Internet vào cuộc thúc đẩy chuyển đổi IPv4/IPv6.

Từ đó đến nay, hàng loạt các sự kiện lớn về IPv6 đã được triển khai, Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 đã được ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ trên cả nước làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về vấn đề IPv6 cũng như đẩy mạnh quá trình chuyển đổi IPv6 tại Việt Nam đi đúng hướng, có lộ trình rõ ràng.

Cũng theo Thứ trưởng Phan Tân, hiện nay, xu hướng công nghệ Internet của vạn vật (IoT) đã trở thành hiện thực và sẽ sớm phát triển bùng nổ tại Việt Nam, khi đó nhu cầu sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 sẽ ngày càng bức thiết.

Do đó, Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định, thời điểm 2016-2020 là giai đoạn cốt lõi để phát triển cung cấp các dịch vụ trên nền IPv6 đến người sử dụng và khi đó thì lưu lượng Internet trên nền IPv6 sẽ tăng.

“Một trong những giải pháp đã được Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia họp và thống nhất là phải tạo thành một hệ sinh thái bền vững giữa các nhà cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cũng như các nhà cung cấp dịch vụ ứng dụng CNTT có ứng dụng IPv6. Chỉ khi nào chúng ta tạo được hệ sinh thái thì lưu lượng IPv6 mới tăng lên”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo còn diễn ra phiên tọa đàm thảo luận về các vấn đề như Cung cấp dịch vụ băng rộng cố định trên nền IPv6; IPv6 với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số; và Triển khai IPv6 trên tầm nhìn của doanh nghiệp CNTT-VT lớn.

PCWorld

Đức Tiến, IPv4, IPv6, truyền thông khoa học công nghệ


© 2021 FAP
  3,350,004       1/259