Công nghệ - Sản phẩm

Đánh giá smartphone chụp ảnh Asus ZenFone Zoom

(PCWorldVN) Tuy thiết kế chưa thực sự ấn tượng, song bù lại Asus ZenFone Zoom đã thể hiện mức hiệu năng khá trong mọi phép đánh giá và hơn hết là khả năng chụp ảnh ở mức thượng thừa.

Phiên bản ZenFone ZoomTest Lab thử nghiệm có tên mã là ZX551ML gây ấn tượng với camera tích hợp có ống kính có thể zoom quang 3X và cảm biến xử lý ảnh SmartFSI thông minh của Panasonic.

Sản phẩm được bán chính thức tại Việt Nam với giá 13,49 triệu đồng.

Camera 13 megapixel ở mặt sau của ZenFone Zoom có thiết kế ấn tượng ở mặt sau.

Thiết kế

Thoạt nhìn, Test Lab nhận thấy ZenFone Zoom trông khá giống với phong cách thiết kế của dòng Asus Padfone S. Máy có khung viền bằng kim loại khá chắc chắn. Kiểu bo cong các cạnh và khung sườn giúp cho việc cầm máy được thoải mái và chắc chắn hơn. Cách bố trí các nút bấm trên sản phẩm cũng phù hợp với kích thước màn hình 5,5 inch với nút nguồn và chỉnh âm lượng ở cạnh phải để phù hợp cho việc thao tác khi sử dụng với một tay.

Điểm khác biệt của ZenFone Zoom so với các dòng Padfone hay ZenFone trước đây là Asus đã bố trí nút chụp hình vật lý vào cạnh phải, bên cạnh đó hai nút chỉnh âm lượng kiêm luôn chức năng phóng to thu nhỏ (zoom in/ zoom out) khi chụp hình. Điều này là cần thiết, nhất là đối với một chiếc smartphone chuyên chụp ảnh như ZenFone Zoom.

Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại thì bên cạnh các dòng Lumia của Nokia trước đây (Microsoft hiện tại), smartphone Xperia cao cấp của Sony thì Asus cũng đã có đại diện có thiết kế tối ưu cho việc chụp ảnh là Zenfone Zoom.

Mặc dù nắp lưng của máy có thể tháo lắp được nhưng pin tích hợp không thể tháo rời. Kiểu thiết kế nắp lưng của ZenFone Zoom khá giống với phong cách giả da trên Galaxy Note 4 của Samsung giúp cho máy có độ bám tốt hơn khi cầm trên tay. Khu vực camera chính của ZenFone Zoom cũng ấn tượng, chiếm diện tích khá lớn ở mặt sau và tương đối giống với kiểu thiết kế camera của Lumia 1020 hay Lumia 1520 của Nokia trước đây.

Test Lab thực sự không thích kiểu thiết kế mặt trước của ZenFone Zoom vì phần viền màn hình trên và dưới hơi dày. Nhất là phần viền dưới của màn hình logo Asus chiếm diện tích khá nhiều, cộng với khu vực chứa 3 nút cảm ứng đặc trưng của Android trên máy khiến cho tổng thể mặt trước của máy mất điểm về mặt thẩm mỹ. Ngoài ra, máy có thiết kế khá dày và hơi nặng (185 gam) nên hơi khó khăn khi sử dụng lâu.

Xem thêm ảnh thiết kế chi tiết của ZenFone Zoom:

Màn hình

Cần nói ngay là khả năng hiển thị của màn hình trên ZenFone Zoom tốt, sắc nét, độ tương phản và độ chi tiết cao. Hơn nữa, màu sắc hiển thị cũng khá trung thực với độ bão hòa tương đối chứ không quá sặc sỡ. Bên cạnh đó, máy có độ sáng tối đa cao, cảm biến ánh sáng khá nhạy nên rất thoải mái khi dùng máy ở mọi môi trường khi kích hoạt chế độ tự động cân chỉnh độ sáng màn hình (Auto Brightness).

Nhìn chung, nếu so với các siêu phẩm hỗ trợ độ phân giải 2K thì độ chi tiết của ZenFone Zoom vẫn còn chút thua kém, nhưng nếu so với mặt bằng chung các sản phẩm có màn hình 5,5 inch, hỗ trợ độ phân giải Full HD 1.080x1.920 pixel) thì màn hình hiển thị là ưu điểm của smartphone này. Mật độ điểm ảnh khoảng 401 ppi, công nghệ màn hình IPS và kính cường lực Corning Gorilla Glass 4 đã giúp cho ZenFone Zoom có được chất lượng hiển thị tốt và ấn tượng.

Chất lượng hiển thị thực tế khi dùng ZenFone Zoom ở ngoài trời nắng gắt.

Camera

Chức năng chụp ảnh là điểm nổi bật nhất của ZenFone Zoom. Sản phẩm này được trang bị camera chính 13 megapixel được Asus quảng cáo là zoom quang 3x với tiêu cự dao động từ 28 đến 84 mm, khẩu độ f/2.7-4.8, hỗ trợ lấy nét bằng tia laser, chức năng ổn định hình ảnh quang học (OIS và đèn flash LED kép.

Nút chụp ảnh và quay phim cứng trên ZenFone Zoom.

Trong quá trình thử nghiệm, Test Lab nhận thấy Asus chăm chút tác vụ chụp hình rất tốt cho người dùng. Bên cạnh việc tích hợp các nút vật lý để zoom, chụp ảnh, quay phim ngay trên thân máy thì hãng này cũng kèm theo hai phụ kiện quan trọng là đèn Zenflash rời siêu sáng giúp chụp ảnh đêm tốt hơn và dây da để đeo máy vào tay. Ngoài ra, ứng dụng chụp ảnh cũng hỗ trợ rất nhiều chức năng để người dùng có được bức ảnh ưng ý nhất.

Rất nhiều chế độ chụp ảnh chuyên dụng trên ZenFone Zoom.

Về chất lượng ảnh, Test Lab nhận thấy hình ảnh được chụp từ ZenFone Zoom có độ nét tương đối cao, màu sắc thể hiện ở các ảnh chụp cảnh vật (Landscape) tốt, trung thực. Tuy nhiên, ảnh chụp đêm với chức năng PixelMaster của ZenFone Zoom chưa thực sự tốt. Ảnh vẫn còn bị nhiễu hạt và khá mờ. Bên cạnh khả năng lấy nét nhanh các đối tượng khi chụp gần (macro), ảnh chụp thực tế ở chế độ này cũng khá đẹp mắt và rõ ràng. Giống như các dòng Zenfone trước, hình ảnh được chụp tại các điều kiện ngoại cảnh có độ tương phản cao thì phần sáng (Highlight) bị "lấn" sang khu vực tối hơn (shadow) khiến cho ảnh bị ám nhẹ gam màu xám trắng. Tuy nhiên, nếu có chút kinh nghiệm về xử lý hình ảnh, bạn dễ dàng khắc phục nhược điểm này giúp ảnh tự nhiên hơn.

Riêng với chức năng zoom 3X của ZenFone Zoom thì tỏ ra khá hiệu quả khi bạn muốn chụp các đối tượng ở xa. Ảnh chụp ở chế độ mặc định khi zoom 3X và 1X có cùng độ phân giải 4.160 x 2.340 pixel nhưng dung lượng của ảnh chụp khi zoom đa phần cao hơn (chênh lệch khoảng 400 đến 1MB). Test Lab đánh giá cao mức độ chi tiết của ảnh chụp khi zoom lên mức 2X và 3X, mặc dù không thể sánh được với các máy ảnh PnS nhưng chất lượng này là quá đủ đối với một smartphone.

Ảnh chụp ở chế độ 1X (trên) và ảnh chụp khi zoom 3X.
Độ chi tiết của ảnh khi chụp ở chế độ thường (zoom 1X), ảnh gốc resize nhỏ lại còn 30%, ô tròn màu vàng phóng lớn 100%. Nhấn vào hình để xem rõ hơn.
Ảnh chụp ở chế độ zoom 3X, phần ô tròn được phóng lớn 100%, ảnh gốc được resize nhỏ còn 50%. Nhấn vào hình để xem rõ hơn.

Cần nói thêm về chế độ chụp thủ công trên ZenFone Zoom, ngoài chức năng cân chỉnh khung hình dựa trên cảm biến điều hướng thì ứng dụng camera còn cho phép người dùng tùy chỉnh mức cân bằng trắng (WB), EV, ISO, lấy nét, màu sắc... Nếu biết kết hợp chế độ Manual và đèn Zenflash với đèn Xenon đi kèm sản phẩm, bạn sẽ có được những bức ảnh đẹp ở chế độ chụp đêm với ZenFone Zoom.

Có nhiều tùy chỉnh ở chế độ Manual trên ZenFone Zoom.

Riêng với camera phụ 5 magapixel ở mặt trước có khẩu độ f/2.0 giúp chụp ảnh selfie tốt hơn. Asus cũng bổ sung nhiều chức năng chụp ảnh độc đáo với camera này như selfie nhóm, chụp ảnh chèn trong ảnh (PIP)... Chất lượng ảnh chụp với camera này ở mức khá, riêng với chế độ chụp selfie thì bạn nên chỉnh tùy chọn trang điểm làm đẹp ở mức trung bình để ảnh được tự nhiên hơn.

Công bằng mà nói, với ZenFone Zoom, niềm đam mê chụp ảnh trên smartphone của người dùng sẽ được thỏa mãn.

Hệ điều hành, tính năng

Giống như các dòng ZenFone 2, ZenFone Selfie hay ZenFone Max, ZenFone Zoom cũng được cài sẵn hệ điều hành Android Lollipop với giao diện tùy biến đặc trưng ZenUI.

Về các chức năng thì về cơ bản, ZenFone Zoom không khác biệt nhiều so với các dòng ZenFone khác của Asus. Máy cũng có chức năng tự động gom các ứng dụng cùng chức năng vào cùng một thư mục, chẳng hạn như Photography, Productivity, Business, Music & Audio... nên môi trường sử dụng trở nên gọn gàng hơn. Máy cũng hỗ trợ chức năng điều khiển cử chỉ như nhấn đôi vào màn hình để mở máy, vuốt lên xuống để tìm kiếm, thay đổi hình nền, thêm hoặc xóa các widget, đổi bộ biểu tượng (icon packs), thay đổi hiệu ứng chuyển trang, khóa các ứng dụng với thao tác cử chỉ đặc biệt...

Giao diện ZenUI và ứng dụng thời tiết trên ZenFone Zoom.

Hiệu năng và pin

ZenFone Zoom được trang bị chip SoC Intel Atom Z3590 với CPU 4 nhân tốc độ xung nhịp 2,5 GHz, nhân đồ họa PowerVR G6430, bộ nhớ RAM 4GB, bộ nhớ trong 128 GB hỗ trợ thẻ nhớ ngoài tối đa 128 GB.

ZenFone Zoom đảm nhận khá tốt mọi tác vụ thông thường mà Test Lab thử nghiệm từ cơ bản như lướt web, nghe nhạc đến các tác vụ đòi hỏi nhiều tài nguyên như xem phim HD trực tuyến, xem phim Full HD với trình PlayerX. Riêng với tác vụ chơi game 3D thì máy đôi lúc bị khựng nhẹ ở các cảnh cháy nổ hay hành động nhanh.

Một điều mà Test Lab không thích ở ZenFone Zoom là máy tỏa nhiệt khá nhiều khi chụp ảnh và chơi game khiến cho khung sườn bị nóng hơi khó chịu khi cầm trên tay.

Về thời lượng dùng pin, máy đạt khoảng 11 giờ sử dụng với các tác vụ bình thường như nghe gọi, lướt web, chụp ảnh và thỉnh thoảng chơi game (xem thêm hình bên dưới).

Thời lượng dùng pin của máy khi dùng bình thường.

Kết quả thử nghiệm của ZenFone Zoom so với các smartphone cao cấp khác:

Kết quả đo hiệu năng của Zenfone Zoom so với các smartphone khác.

Hình ảnh kết quả thử nghiệm thực tế với các công cụ benchmark:

PCWorld

Asus, Asus ZenFone Zoom, đánh giá điện thoại, Đô Nguyễn, Smartphone, smartphone chụp ảnh


© 2021 FAP
  3,365,943       1/876