(PCWorldVN) Lùm xùm liên quan đến việc FBI phá khóa thành công chiếc iPhone 5C mà không cần trợ giúp từ Apple chưa kịp lắng xuống thì một làn sóng tranh cãi mới xoay quanh câu chuyện mã hóa tại Mỹ.
Mọi chuyện bắt đầu khi hai thượng nghị sĩ Mỹ là Richard Burr Dianne Feinstein đệ trình lên quốc hội nước này bản dự thảo chính thức của một dự luật mà qua đó buộc các công ty công nghệ Mỹ phải tạo "cửa hậu" (backdoor) trong hệ thống mã hóa được tích hợp trên thiết bị cũng như phần mềm bán ra thị trường.
Theo Reuters, dự luật này đang bị dư luận và giới công nghệ phản đối rất mạnh mẽ. Cụ thể, trong chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau khi bản dự thảo luật tuân thủ lệnh của tòa án (Compliance with Court Orders Act of 2016) được công bố, đã có hơn 43.000 chữ ký kêu gọi giới lập pháp tại Mỹ phải rút lại dự luật này.
Trong lúc đó, các chuyên gia công nghệ cũng đã xem xét và chỉ ra những lỗ hổng đáng sợ trong dự thảo.
Ảnh minh họa. |
Bruce Schneier, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về mật mã học hiện đại, cho rằng dự luật này là thứ luật "chết não" nhất mà ông từng biết, và nếu được thông qua thành luật thì chẳng khác nào chính phủ hợp pháp hóa các hành vi xâm phạm quyền riêng tư như cách mà NSA từng thực hiện.
Chuyên gia Scheneier cũng khẳng định rằng người soạn thảo dự luật nói trên về cơ bản chẳng hiểu gì về cách thức hoạt động của công nghệ hay đơn giản là không thèm quan tâm đến điều đó. Ông thậm chí còn chỉ ra rằng không chỉ những ứng dụng mã hóa bị ảnh hưởng bởi dự thảo luật được soạn thảo rất tệ này.
Đơn cử, theo ông Schneier, hiện có rất nhiều người sử dụng các thuật toán "nén mất mát" (lossy compression) để giảm độ lớn của các hình ảnh, âm thanh gửi qua thư điện tử. Tuy nhiên, bởi vì thuật toán này không thể đảo ngược để khôi phục những dữ liệu đã bị lược bớt trước đó, nên loại ứng dụng này cũng có thể bị cấm nếu dự luật trên được thông qua.
Hơn nữa, ngay cả dữ liệu bị xóa (bởi người dùng) cũng bị ảnh hưởng của dự luật nói trên.
Do đó, câu chuyện đặt ra ở đây là các công ty phần mềm sẽ phải tạo ra cơ chế cho phép lấy lại mọi thông tin bị xóa trước đó bởi người dùng, và hệ lụy từ ảnh hưởng của dự luật đang gây tranh cãi được cho rằng là cực kỳ khủng khiếp.
Lần ngược lại lịch sử, vào năm 2013, bang Florida từng thông qua một đạo luật cấm máy đánh bạc, nhưng lại dẫn đến khả năng cấm tất cả các loại máy tính, máy tính bảng và điện thoại di động.
Cụ thể, điều luật CS/HB 155: Prohibition of Electronic Gambling Devices đã mở rộng định nghĩa về máy đánh bạc để bao gồm "mọi loại máy, thiết bị hay hệ thống hay mạng các thiết bị” dùng để chơi các trò chơi may rủi, có thể được kích hoạt không chỉ bằng cách nhét tiền vào, mà có thể là “số tài khoản, một đoạn mã hay các đối tượng/thông tin khác".
Nhiều người cho rằng, theo định nghĩa mới trong điều luật này của bang Florida, mọi máy tính, điện thoại di động hay bất kỳ thiết bị có khả năng kết nối Internet nào đều có thể bị cấm vì chúng có thể dùng để chơi các trò chơi may rủi và bị coi là không hợp pháp. Chẳng hạn, các công ty bán nước giải khát thường tung ra chương trình dự thưởng, trong đó khách hàng nhập mã in trên vỏ lon, nhãn dán trên chai nước vào website/ứng dụng trên điện thoại thông minh để xác định xem họ có trúng thưởng hay không. Tương tự như thế, bất kỳ ai cũng có thể dùng chiếc máy tính ở thư viện công cộng để tham gia các cuộc thi treo giải thưởng lên đến 10.000 USD như Tourney Pick'em của Yahoo.
An ninh mạng, an ninh thông tin, Anh Tuấn, bảo mật, bẻ khóa iphone, phá khóa iPhone, quyền riêng tư