Công nghệ - Sản phẩm

YouTube ra mắt kênh TV trực tuyến vào năm 2017

(PCWorldVN) YouTube đang chuẩn bị triển khai dịch vụ đăng ký trả phí có tên là Unplugged, qua đó cung cấp cho người dùng một gói kênh truyền hình qua Internet.

Hiện tại, YouTube không còn vướng mắc nào về mặt kỹ thuật trong việc triển khai cơ sở hạ tầng cho dịch vụ này, và nếu thành hiện thực thì Unplugged sẽ trở thành dịch vụ truyền hình trực tuyến lớn nhất thế giới.

Theo kế hoạch, YouTube sẽ mở dịch vụ này vào đầu năm 2017. YouTube đang đàm phán với các công ty truyền thông lớn, trong đó có Comcast, NBCUniversal, Viacom, Twenty-First Century Fox và CBS, nhưng có vẻ như chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng.

YouTube là một bộ phận của công ty mẹ Alphabet, và mảng chính của công ty này là Google Internet. Alphabet dự định đưa ra dịch vụ đăng ký tính phí này để bổ sung hơn nữa dòng doanh thu từ quảng cáo.

Mùa Thu 2015, YouTube cũng đã tung ra dịch vụ trả tiền đầu tiên của họ là Red. Nhưng Unplugged sẽ có những nội dung độc quyền trên Internet và trên di động, càng lôi kéo nhiều người dùng hơn đến với YouTube và cũng được xem là giải pháp loại bỏ quảng cáo trong các video YouTube hiện thời.

YouTube dự kiến sẽ tung ra dịch vụ truyền hình Unplugged có tính phí vào đầu năm sau.

Từ hồi năm 2012, YouTube có đưa ra một gói kênh cáp trực tuyến nhưng chỉ hoạt động khoảng vài tháng. Trong khi đó, các đối thủ của YouTube như Apple và Amazon cũng đang có những kế hoạch tương tự, còn Dish Network và Sony đã có những dịch vụ truyền hình trực tuyến riêng.

YouTube đang thảo luận cách gom nhóm các kênh truyền hình như thế nào cho phù hợp nhất. Có thể họ sẽ tạo một gói kênh với bốn nhà đài lớn nhất tại Mỹ lại với nhau, hoặc đưa ra những gói kênh chuyên biệt, ít kênh hơn nhưng có nội dung chất lượng.

Cũng giống như Apple, YouTube gặp khó trong việc đảm bảo mọi kênh đều có giá thương lượng hợp lý. YouTube muốn bán một gói kênh thấp hơn 35 USD/tháng, nhưng nhiều công ty truyền thông cho rằng những nhà cung cấp nội dung mới sẽ yêu cầu mức giá cao hơn cho mỗi kênh họ cung cấp, ví dụ CBS muốn tăng mức phí cho mỗi kênh của họ so với đa số kênh của các nhà đài khác.

YouTube cũng bàn thảo đưa ra một bộ tổng hợp các kênh TV ít được xem và tạo các nhóm nhỏ các kênh có cùng chủ đề. Ví dụ, kênh hài YouTube Unplugged có kể có từ ba đến bốn kênh TV như Comedy Central, còn gói kênh "Cuộc sống" có thể có kênh Style Network. Từ đó, YouTube sẽ tính phí đăng ký dựa trên gói kênh chính, cộng thêm phí phụ khi người dùng đăng ký thêm các gói kênh phụ.

Nếu làm theo cách này, YouTube có thể lôi kéo được nhiều người xem mới đến với những kênh truyền hình thứ cấp, là điều mà nhiều công ty truyền thông lớn gặp khó để kiếm lợi nhuận từ những kênh đặc thù này. Nếu YouTube làm được vậy, những công ty truyền thông có thể sẽ "mở lòng" hơn với YouTube để bổ sung nhiều kênh của họ cho YouTube hơn về sau.

Trong khi với những công ty truyền thông, số lượng đăng ký truyền hình của họ giảm dần, như kênh ESPN của Walt Disney, TNT của Time Warner hay MTV của Viacom, thì họ đang hy vọng những gói kênh đặc thù sẽ giúp họ lôi kéo được lại người lượng người xem, nhất là giới trẻ.

Trong khi Apple, Amazon và Google nhiều năm qua không "hòa thuận" là bao với những công ty truyền thông về vấn đề nội dung, bản quyền thì rõ ràng khách hàng trẻ tuổi lại "thân thiết" với các công ty công nghệ hơn với công ty truyền thông. Những ông lớn làng công nghệ này có được lượng người dùng rất lớn đang sử dụng các dịch vụ của họ, như set-top box để truyền video từ app như Netflix hay Hulu lên TV.

Do đó, khi các công ty công nghệ quay sang thị trường truyền hình thì những công ty truyền thông lại có thêm được cách phân phối nội dung kiểu mới, và có thể mối quan hệ giữa các công ty công nghệ và truyền thông này sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Dù vậy, các công ty truyền thông vẫn yêu cầu không đưa những kênh "quý" của họ vào các gói phổ thông mà cần để riêng.

Khi mà các công ty công nghệ tạo ra được một cách thức mới, mang TV truyền thống lên Internet thì có thể người xem truyền hình giờ đây đổ xô vào những dịch vụ như Netflix, Hulu hay Amazon.

PCWorld

Bùi Lê Duy, kênh truyền hình, truyền hình trực tuyến, TV, YouTube


© 2021 FAP
  2,947,542       26/1,100