Công nghệ - Sản phẩm

Đánh giá thiết bị chia sẻ kết nối Internet di động D-Link DWR-710

(PCWorldVN) Điểm trừ của DWR-710 Lepetit là thiếu nguồn pin tích hợp, trong khi điểm cộng là D-Link khi cho phép linh hoạt tùy chỉnh địa chỉ IP cũng như sử dụng thẻ SIM tiêu chuẩn.

Giống sản phẩm D-Link DWR-932 từng được Test Lab thử nghiệm và có bài đánh giá chi tiết hồi trung tuần tháng 3/2016, DWR-710 Lepetit về cơ bản cũng là bộ định tuyến không dây (Wi-Fi Router) chuẩn 802.11n có nhiệm vụ chia sẻ kết nối Internet được chính thiết bị này "khai thác" từ mạng dữ liệu 3G.

Xét về nguyên lý hoạt động, D-Link DWR-710 Lepetit là một modem 3G tích hợp Wi-Fi Router.

Tuy nhiên, khác với người anh em DWR-932, sản phẩm DWR-710 không hỗ trợ mạng tốc độ cao 4G/4G LTE.

D-Link DWR-710, thiết bị chia sẻ kết nối Internet di động
D-Link DWR-710 Lepetit có kiểu dáng nhỏ gọn, trông chẳng khác gì một thiết bị lưu trữ USB thông dụng.

Xét về kiểu dáng, D-Link DWR-710 trông chẳng khác gì một chiếc USB 3G thông thường với khoang gắn thẻ SIM được bố trí bên trong, và người dùng chỉ có thể tiếp cận khu vực này sau khi đã mở phần nắp đậy bên ngoài của thiết bị. 

Tên mạng (SSID) và mật khẩu ban đầu được D-Link in thẳng lên tem thông số.

Theo ghi nhận của Test Lab, ở cạnh khoang SIM là khe cắm thẻ nhớ microSD dùng cho nhu cầu biến chiếc modem 3G của D-Link thành thiết bị lưu trữ USB kết nối với máy tính.

DWR-710 sử dụng đầu cắm USB tiêu chuẩn nên dễ dàng kết nối với nguồn cấp từ cổng USB trên máy tính hay pin sạc dự phòng.

Đáng tiếc, DWR-710 chỉ nhận nguồn cấp qua đầu cắm USB tiêu chuẩn, và điều này chắc chắn sẽ đẩy thiết bị vào tình trạng "lực bất tòng tâm" trong trường hợp máy tính hay pin sạc dự phòng của người dùng không còn trống bất kỳ cổng USB nào.

Tuy nhiên, người dùng có thể tận dụng củ sạc hỗ trợ cáp USB của hầu hết mẫu smartphone và tablet, cũng như ngõ cấp nguồn USB trên ô tô để "tiếp điện" cho D-Link DWR-710.

DWR-710 có thể gắn trực tiếp vào pin dự phòng và đây có thể được xem là giải pháp phát sóng Internet di động cực kỳ hữu dụng.

Thông số được D-Link in rõ trên vỏ hộp đựng DWR-710 cho thấy, thiết bị này tương thích với mạng 3G chạy trên tần số 2.100MHz (kết nối HSPA+) hay 900/1.800MHz (kết nối GSM/GPRS/EGDE).

Ở vai trò bộ định tuyến không dây, DWR-710 hỗ trợ chuẩn 802.11b/g/n, và D-Link cho biết tốc độ tải lên và tải xuống gữa DWR-710 và các thiết bị kết nối đến (tối đa 8 thiết bị) về mặt lý thuyết lần lượt đạt 21Mbps và 11Mbps.

Lẽ dĩ nhiên, tốc độ kết nối ra Internet thực tế vẫn phụ thuộc vào băng thông tương ứng với gói cước 3G mà thẻ SIM đang gắn trong DWR-710 được người dùng đăng ký trước đó với nhà mạng di động.  

Dễ cấu hình

Với DWR-710, ngoại trừ sự gò bó về việc cấp nguồn thì Test Lab thực sự hài lòng với hầu hết tính năng mà thiết bị này cung cấp.

Để bắt đầu cấu hình thiết bị, Test Lab chỉ cần sử dụng một máy tính xách tay (kể cả điện thoại iPhone) để kết nối vào mạng Wi-Fi do DWR-710 Lepetit cung cấp với tên mạng (SSID) ban đầu cùng mật khẩu tương ứng được D-Link in trực tiếp lên tem thông số dán bên trong thiết bị, cụ thể là ở cạnh khoang gắn thẻ SIM. 

Nút reset chính là cứu tinh trong trường hợp người dùng quên mật khẩu đăng nhập vào mạng Wi-Fi do DWR-710 Lepetit cung cấp cũng như tài khoản cấu hình thiết bị.

Tuy nhiên, nếu không phải là người "đập hộp" DWR-710 thì tốt hơn hết là bạn nên đưa thiết bị về lại trạng thái cấu hình mặc định của nhà sản xuất bằng cách dùng đầu vít nhọn hay kim kẹp nhấn vào "nút reset cứng" như hình minh họa bên trên.

D-Link DWR-710 đóng vai trò một điểm truy cập không dây.

Giống DWR-932, DWR-710 cũng đặt tạm địa chỉ IP ban đầu cho trình quản lý thiết bị là 192.168.0.1, nhưng Test Lab nhận thấy khuyết điểm "cố định lớp mạng là 192.168.0.x" trên DWR-932 đã được D-Link khắc phục trên DWR-710, và cụ thể là người dùng có thể chủ động đặt lại địa chỉ IP nhằm tránh xảy ra tình trạng trùng lớp địa chỉ với các mạng có dây lẫn không dây hiện hữu.

Giao diện chính của trình quản lý thiết bị D-Link DWR-710.

Qua sử dụng thực tế, Test Lab nhận thấy có 2 cách để thủ công thay đổi lớp địa chỉ IP mà D-Link DWR-710 Lepetit cung cấp.

Cách đầu tiên, đó là sử dụng tính năng LAN Configuration ở thẻ Wizard.

Ngay ở cửa sổ hướng dẫn cài đặt đầu tiên ở thẻ Wizard, DWR-710 sẽ yêu cầu người dùng thủ công đặt lại địa chỉ IP cho router. Lớp địa chỉ IP của DWR-710 cũng chính là lớp mạng mà Wi-Fi router sẽ cấp phát cho toàn bộ thiết bị kết nối. 

Cách thứ 2, đó là người dùng mở thẻ Network, sau đó chọn tiếp mục Wi-Fi và điền vào địa chỉ IP muốn đặt cho router.

Lưu ý, việc thủ công chọn một lớp địa chỉ IP mới cho mạng Wi-Fi cần chút ít về kiến thức mạng cũng như đòi hỏi bạn phải hiểu rõ cấu trúc thực tê của các mạng nội bộ đang triển khai trong khu vực.

Cũng tại thẻ Network, người dùng có thể thực hiện cài đặt các tính năng cao cấp như tắt/mở tính năng cấp phát địa chỉ IP động (DHCP), NAT hay tùy chỉnh các thông số mạng liên quan đến chuẩn IPv4, IPv6, thay đổi DNS Server.

Nếu muốn thiết lập mật khẩu đăng nhập mạng Wi-Fi do D-Link DWR-710 Lepetit cung cấp, cũng như thực hiện các tùy chỉnh cấu hình khác như chế độ mã hóa, đổi tên mạng (SSID) hay chọn kênh cho sóng Wi-FI thì người dùng chỉ cần vào thẻ Wi-Fi.

Giao diện tùy chỉnh các thông số liên quan đến mạng không dây do DWR-710 cấp phát.

Tại thẻ này, có thể khẳng định, Test Lab đánh giá rất cao tính năng Hide SSID, bởi việc chủ động cho ẩn đi nguồn phát Wi-Fi này không ít thì nhiều sẽ tạo ra "sự tế nhị cần thiết" đối với những đề nghị chia sẻ Internet mà vốn dĩ khó lòng từ chối.

Nếu cần thiết "cấm cửa" một thiết bị, người dùng có thể sử dụng tính năng lọc địa chỉ Mac.

Từ trình quản lý DWR-710 ở giao diện web, người dùng có thể tận dụng thẻ SIM gắn trong thiết bị để gửi và nhận tin nhắn SMS.

Công bằng mà nói, dù rằng chưa thực sự thuận tiện với pin tích hợp và tính năng kết nối an toàn WPS như người anh em DWR-932 song D-Link DWR-710 Lepetit cũng đã cho thấy đây là thiết bị chia sẻ kết nối Internet di động cực kỳ dễ sử dụng, cấu hình và hơn hết là cho phép người dùng tận dụng thẻ microSD để trở thành lưu trữ USB. 

Hơn nữa, việc sử dụng thẻ SIM chuẩn cũng sẽ giúp người dùng nhanh chóng "lên mạng" ngay sau khi mua thẻ SIM, bởi nếu như sử dụng thẻ nano-SIM hay micro-SIM thì chí ít người dùng cần có kềm cắt chuyên dụng, hay phải mang đến một cửa hiệu bán điện thoại để có được sự trợ giúp.

PCWorld

An Huy, chia sẻ Wi-Fi, D-Link, D-Link DWR-710, DWR-710, Wi-Fi extender


© 2021 FAP
  3,350,669       3/259