Công nghệ - Sản phẩm

Đánh giá smartphone giải trí Lenovo A7010

(PCWorldVN) Hiệu năng tốt, màn hình đẹp, đôi loa khá và pin khỏe là những yếu tố giúp Lenovo A7010 xứng đáng với danh hiệu smartphone giải trí.

Như PC World Vietnam từng thông tin, Lenovo A7010 là chiếc smartphone được chính thức ra mắt hồi cuối tháng 1/2016 hướng đến người dùng có nhu cầu cao về giải trí bằng smartphone. Về ngoại hình, Lenovo A7010 mang trên mình một hơi thở hoàn toàn mới, trông mềm mại và hiện đại hơn nhờ thiết kế loa kép ở mặt trước máy hứa hẹn mang đến trải nghiệm âm thanh tốt hơn.

Về cấu hình, Lenovo A7010 trang bị màn hình 5,5 inch Full HD, bộ xử lý 8 nhân MediaTek MT6753 xung nhịp 1,3GHz, đồ họa Mali-T720 MP3 tích hợp, tùy chọn RAM 2GB/ROM 32GB hoặc RAM 3GB/ROM 16GB, camera chính 13MP kèm đèn flash LED, camera selfie 5MP, bảo mật vân tay, 2 khay SIM, 3 micro, kết nối LTE, pin 3.300mAh và cài đặt sẵn Android 5.1.

Lenovo A7010.

Vì là một sản phẩm đề cao mục đích giải trí, nên Lenovo A7010 không chỉ trang bị 2 loa ở mặt trước máy, mà còn được ứng dụng công nghệ âm thanh Dolby Atmos nhằm tối ưu cho chất lượng âm thanh. Không chỉ vậy, máy còn được tích hợp hệ thống 3 micro hỗ trợ khả năng loại bỏ tạp âm từ môi trường giúp mang lại cuộc gọi thoại trong trẻo hơn.

Hiện tại, phiên bản Lenovo A7010 với RAM 2GB/ROM 32GB có giá bán ở mức 4,99 triệu đồng, riêng bản Lenovo A7010 với RAM 3GB/ROM 16GB có giá bán 5,29 triệu đồng.

Lenovo A7010 có thể kết hợp với kính thực tế ảo AntVR để xem nội dung 3D.

Từ những tiếp xúc thực tế, Test Lab thực sự hài lòng với ngoại hình của Lenovo A7010. Đơn giản là vì dù sử dụng phần lớn vật liệu nhựa nhưng cho cảm giác rất cứng cáp. Mặt lưng có thể tháo rời của Lenovo A7010 cũng có độ bám cao, nhưng không hề nhạy dấu vân tay vì được phủ lớp sơn nhám. Nhìn chung, Lenovo A7010 có thiết kế tốt, đơn giản nhưng ưa nhìn và quan trọng là đôi loa mặt trước âm lượng lớn với chất âm khá tốt. Chỉ tiếc là cụm phím cảm ứng đặc trưng của nền tảng Android ở cạnh dưới màn hình vẫn không được tích hợp đèn nền LED.

Về màn hình, Lenovo A7010 dễ dàng vượt qua những phép thử về độ sáng, góc nhìn cũng như độ chi tiết và độ nhạy điều khiển cảm ứng. Riêng về chất lượng màu sắc, hầu hết phép thử đều cho kết quả tốt về độ đồng nhất và trông khá ổn cả khi quan sát bằng mắt thường. Tuy vậy, phép thử khả năng hiển thị đơn sắc vẫn chưa thật tốt như mong đợi vì sắc đen vẫn bị thiếu bão hòa nhẹ.

Chỉ số Prs cho thấy màn hình của Lenovo A7010 có độ nhạy điều khiển cảm ứng cao.

Với nội lực được hình thành từ những chi tiết phần cứng như đã đề cập từ đầu, có thể đoán được phần nào rằng Lenovo A7010 cũng có hiệu năng ngang ngửa những mẫu smartphone từng thử nghiệm như Gionee F103, Meizu M2 Note hay Gionee S Plus vốn từng cho kết quả benchmark hiệu năng tổng thể cao hơn cả những tên tuổi sử dụng bộ xử lý tầm trung Qualcomm Snapdragon 615 (dẫu MediaTek MT6735 cơ bản được xếp dưới cơ Qualcomm Snapdragon 615 một bậc).

Tuy vậy, để có một cái nhìn khách quan, Test Lab vẫn tiến hành đánh giá hiệu năng Lenovo A7010 bằng các công cụ thử nghiệm vẫn thường dùng. Những kết quả đánh giá hiệu năng cũng cho thấy Lenovo A7010 cũng không hề thua kém những mẫu smartphone trang bị cùng mẫu SoC kể trên. Nhưng lưu ý rằng Lenovo A7010 do hạn chế về sức mạnh đồ họa, (nhân đồ họa Mali-T720 trên MediaTek MT6753 thực chất vẫn có hiệu năng thấp hơn Adreno 405 của Snapdragon 615 và Mali-T760 MP2) nên dù có thể “gánh vác” các tựa game đồ họa nặng như Unkilled, Modern Combat: Blackout hay Dead Trigger 2 với tốc độ tải màn đầu tiên không hề chậm, các hiệu ứng đồ họa vẫn thể hiện đầy đủ - nhưng đôi lúc vẫn không tránh khỏi tình trạng lag, dừng hình trong lúc chơi.

Cảm biến vân tay của Lenovo A7010 có độ nhạy cao, hỗ trợ cả tính năng chạm để chụp ảnh (tiện lợi cho người dùng yêu thích selfie). Tiếc là máy chỉ có thể ghi nhớ tối đa 2 dấu vân tay.

Quá trình hiện thực hóa số liệu cũng cho thấy Lenovo A7010 không hề gây bất kỳ trở ngại nào khi Test Lab chuyển nhanh qua các trang màn hình hoặc mở nhiều hiệu ứng, những tính năng mà Lenovo đóng gói kèm giao diện người dùng của máy.

Như đã từng đề cập gần đây, Lenovo A7010 cũng là một trong vài mẫu smartphone được nhà sản xuất smartphone Trung Quốc này tích hợp sẵn tính năng biến bất kỳ nội dung video nào thành định dạng nổi 3D hoặc thực tế ảo. Khi thử kết hợp Lenovo A7010 với kính thực tế ảo AntVR vốn cũng là một phụ kiện tựa như Google Cardboard, Test Lab nhận thấy chỉ vài thao tác đơn giản người dùng sẽ có thể dễ dàng trải nghiệm không gian 3 chiều với bất kỳ nội dung video nào, kể cả những video xem trực tuyến từ Youtbube (phiên bản mới nhất hỗ trợ tính năng cardboard). Chất lượng hình ảnh 3D xem từ kính AntVR nhìn chung khá tốt như mong đợi. Test Lab hầu như không hề cảm thấy mỏi mắt dù xem liên tục cả một bộ phim dài. Thêm vào đó, AntVR cũng có thiết kế khá nhẹ cân, vừa vặn cho gần như mọi cỡ đầu, người dùng phải đeo kính và mẫu smartphone Lenovo A7010 với thiết kế đôi loa ngay mặt trước cũng khá lợi hại khi trình diễn âm thanh lúc giải trí.

Lenovo A7010 khi kết hợp cùng kính AntVR có thể xem là một lựa chọn không tồi cho nhu cầu giải trí vì khả năng chuyển đổi nội dung video bất kỳ thành hình ảnh nổi 3D. Đại diện Lenovo từng tiết lộ trước đây sẽ sớm đưa khả năng tương tác với không gian ảo vào những sản phẩm của mình.

Duy chỉ có điều là do tối ưu cho khả năng di chuyển và tiết kiệm không gian khi người dùng cần di chuyển, AntVR đã không được trang bị phần nhựa che 2 bên mắt. Điều này có thể khiến người dùng cảm thấy đôi chút khó chịu khi kết hợp kính với Lenovo A7010 trong môi trường nhiều nguồn sáng.

Trở lại với Lenovo A7010, tựa như một số mẫu smartphone giải trí từng thử nghiệm, máy cũng tích hợp công nghệ âm thanh Dolby Atmos vốn cung cấp không ít tùy chọn cân chỉnh âm thanh tùy theo mục đích giải trí. Test Lab đánh giá cao việc Lenovo kết hợp công nghệ âm thanh này với đôi loa ở mặt trước Lenovo A7010. Nhưng lẽ đương nhiên là để có được những trải nghiệm âm thanh nổi, không gian khoáng đạt và chất lượng hơn, người dùng sẽ phải cần một bộ tai nghe đủ chất lượng mua riêng vì sản phẩm có mặt tại Test Lab không được bán kèm tai nghe.

Lenovo A7010 đạt 7 giờ 29 phút trong phép thử hiệu năng pin dùng PCMark for Android. Thực tế sử dụng cho thấy nếu sử dụng máy cho các tác vụ đơn giản, nghe gọi với tần suất vừa phải, pin tích hợp có thể cầm cự được gần 2 ngày 2 đêm.

Với camera, có lẽ do tập trung đẩy mạnh khả năng giải trí với 3D nên Lenovo đã quên không trang bị cho ứng dụng camera tích hợp nhiều tính năng chụp ảnh như mong đợi. May mắn là các thiết lập mặc định khá ổn, độ chi tiết hình ảnh cũng không có gì đáng để phàn nàn. Màu sắc hình ảnh tuy có phần thiếu độ tương phản song nếu chịu khó tinh chỉnh bằng một công cụ thứ 3, Test Lab vẫn có được bức ảnh tốt như mong đợi. Dẫu vậy, vẫn phải lưu ý rằng khả năng đo sáng tự động của camera đôi lúc vẫn gặp chút rắc rối khi nguồn sáng phức tạp.

Độ chi tiết ảnh chụp từ camera chính trên Lenovo A7010 đáng tin cậy (Hình ảnh đã crop từ ảnh gốc).

Xét một cách tổng quan, Lenovo A7010 có thừa sức cho nhu cầu giải trí với phim ảnh, âm nhạc và cũng khá vừa vặn cho game. Giao diện người dùng của Lenovo A7010 cũng khá dễ dàng để làm quen, nhiều tính năng hữu dụng. Test Lab cũng đánh giá cao việc Lenovo tích hợp sẵn tính năng VR cũng như chất lượng ảnh chụp trên mẫu smartphone này.

Thêm hình ảnh chi tiết Lenovo A7010:

Mặt lưng bằng nhựa sơn nhám của Lenovo A7010 cho cảm giác khá chắc tay.
Cảm biến vân tay có độ nhạy cao và cũng hỗ trợ nhiều tính năng hữu dụng.
Pin 3.300mAh trên Lenovo A7010 không thể tháo rời.
Khay SIM và thẻ nhớ trên Lenovo A7010 khá dễ thao tác.
Lenovo A7010 khi kết hợp với kính AntVR.
Kính AntVR khi không sử dụng có thể xếp lại khá gọn gàng.
AntVR tương thích với hầu hết smartphone 5 inch đến 6 inch.
Chất lượng thấu kính khá tốt cho nhu cầu giải trí với phim ảnh 3D.
Dây đeo có thể tùy chỉnh phù hợp cho nhiều cỡ đầu của người dùng.
Tiếc là đệm mút phần gò má vẫn chưa thật êm ái như phần đệm mút phía trước trán.

Thêm hình ảnh chụp từ camera của Lenovo A7010: 

Kết quả hiệu năng Lenovo A7010 và một số tính năng đáng chú ý của Lenovo A7010: 

PCWorld

đánh giá smartphone, Lâm Vũ, Lenovo A7010, MediaTek, smartphone Android, smartphone giải trí, Test Lab


© 2021 FAP
  3,350,183       1/259