Công nghệ - Sản phẩm

Đánh giá bộ đôi máy chiếu di động Philips PicoPix

(PCWorldVN) Cả hai sản phẩm đều hỗ trợ Wi-Fi cho trình chiếu di động, trong đó PicoPix PPX4350 gây ấn tượng nhờ thiết kế nhỏ gọn, còn PPX4935 vượt trội nhờ tích hợp hệ điều hành Android.

Hiện nay, máy chiếu di động (hay còn gọi là máy chiếu cầm tay hoặc máy chiếu bỏ túi) không còn quá xa lạ với đa số người dùng. Có kích thước siêu gọn nhẹ cùng khả năng trình chiếu không dây độ phân giải cao, những chiếc máy chiếu di động tích hợp Wi-Fi sẽ là công cụ hỗ trợ đáng tin cậy khi bạn muốn trình chiếu hình ảnh cho khách hàng ở những nơi công cộng như nhà hàng, quán café hay phòng họp không trang bị sẵn máy chiếu chuyên nghiệp.

Chính vì lý do đó, hồi cuối tháng 1/2016, hãng điện tử Philips đã chính thức giới thiệu đến thị trường Việt Nam dòng máy chiếu PicoPix nhằm đáp ứng nhu cầu trình chiếu di động cho nhóm người dùng văn phòng, hội thảo hội nghị và đồng thời cũng có thể dùng cho mục đích trình chiếu giải trí trong gia đình.

Hai model máy chiếu di động Philips PicoPix PPX4350 Wireless (trái) và PPX4935 Android.
Dòng máy chiếu Philips PicoPix nổi bật với thiết kế gọn nhẹ, sử dụng công nghệ đèn LED tuổi thọ cao và tích hợp pin sạc phù hợp cho mục đích trình chiếu di động. Hai model máy chiếu Philips PicoPix được giới thiệu đầu tiên tại Việt Nam là PPX4350 Wireless và PPX4935 Android, đồng thời cũng chính là những sản phẩm được Test Lab thử nghiệm và giới thiệu trong bài này.

Trước hết, phải kể đến mẫu máy chiếu Philips PicoPix PPX4350 Wireless gây ấn tượng với Test Lab nhờ kích thước cực kỳ nhỏ gọn (97x54x17mm, trọng lượng 129g), chỉ bằng khoảng một chiếc smartphone cỡ nhỏ thông thường. Đây là chiếc máy chiếu nhỏ gọn nhất so với các mẫu máy chiếu di động từng thử nghiệm tại Test Lab. Sản phẩm có thiết kế tiện dụng không chỉ để cầm tay mà còn có thể bỏ vào túi mang theo đến bất cứ nơi nào. Máy được trang bị công nghệ đèn LED với độ sáng 50 ANSI Lumens, hỗ trợ độ phân giải trình chiếu 640x360 pixel với kích thước màn hình trình chiếu tối đa lên đến 60 inch.

Dù có thiết kế nhỏ gọn nhưng máy chiếu Philips PPX4350 vẫn được trang bị tương đối đầy đủ các cổng giao tiếp phổ biến hiện nay như cổng mini HDMI, cổng âm thanh 3,5mm, cổng USB để kết nối với máy tính hay adapter sạc pin và cổng USB QuickLink để gắn các thiết bị ngoại vi hay lưu trữ gắn ngoài. Tuy nhiên, theo Test Lab nhận thấy, các cổng USB này lại được thiết kế thành dây cáp dính liền với máy nên có vẻ hơi vướng víu trong quá trình sử dụng. Để thực hiện các thao tác cài đặt và trình chiếu, người dùng chỉ có cách sử dụng cụm nút điều hướng bố trí ở mặt trên PPX4350 trong khi máy không hỗ trợ kết nối với chuột gắn ngoài qua cổng USB.

Hình ảnh chi tiết máy chiếu Philips PicoPix PPX4350 Wireless: 

Một mẫu máy chiếu di động Philips PicoPix khác cùng được giới thiệu là model PPX4935, được xem như là một thiết bị đa phương tiện chạy trên nền tảng Android với các ứng dụng phong phú để làm việc và giải trí. Máy cũng sử dụng công nghệ đèn LED nhưng có độ sáng cao hơn, lên đến 350 ANSI Lumens, cung cấp chất lượng hình ảnh đạt độ phân giải HD 1.280x720 pixel và kích thước màn hình trình chiếu lên đến 150 inch.

PicoPix PPX4935 cũng trang bị khá đầy đủ các cổng giao tiếp như mini HDMI, cổng microUSB và cổng USB để gắn thiết bị ngoại vi hay lưu trữ gắn ngoài, cổng âm thanh 3,5mm. Điểm nổi bật là PPX4935 còn được trang bị bàn rê cảm ứng ở mặt trên để mang đến sự tiện lợi hơn cho việc điều khiển máy chiếu. Test Lab có thể kết nối thêm chuột máy tính gắn ngoài qua cổng USB để điều khiển và máy hoàn toàn tự nhận ra một cách dễ dàng. Ngoài ra, máy còn đi kèm remote tí hon để bạn vẫn có thể ngồi một chỗ điều khiển máy trong khi trình chiếu xem phim, nghe nhạc hay duyệt web.

Nhờ được cài đặt sẵn hệ điều hành Android phiên bản 4.4.2, PPX4935 có thể biến thành một Android Box để giải trí. Thử qua tính năng này, Test Lab có thể xem phim trực tuyến, hát karaoke hay xem các kênh TV, chương trình giải trí phong phú nhờ ứng dụng Kido. Ngoài ra, người dùng cũng có thể tải về các ứng dụng bằng công cụ Aptoide có sẵn trong máy, tương tự như cửa hàng trực tuyến Google Play Store trên các thiết bị Android khác. Tuy nhiên, theo Test Lab nhận thấy thì số lượng ứng dụng tương thích cho thiết bị này vẫn chưa phong phú so với ứng dụng dành cho smartphone và tablet Android.

Hình ảnh chi tiết máy chiếu Philips PicoPix PPX4935 Android:

Ngoài bộ nhớ trong dung lượng 4GB, cả hai model máy chiếu PicoPix còn hỗ trợ bộ nhớ ngoài với khe đọc thẻ nhớ microSD. Thử nghiệm tính năng phát từ thẻ nhớ microSD và ổ lưu trữ USB gắn ngoài, Test Lab nhận thấy hai máy đều có thể trình chiếu hình ảnh, nhạc và video (hỗ trợ nhiều định dạng phổ biến).

Ngoài ra, nhờ khả năng kết nối với các thiết bị di động Android và iOS qua mạng không dây Wi-Fi, hai model máy chiếu PicoPix của Philips cũng có thể được dùng để trình chiếu các định dạng khác như tài liệu PDF, Word, Excel và PowerPoint. Đây cũng là một tính năng tiện lợi và làm tăng thêm tính di động cho máy chiếu Philips, giúp bạn có thể trình chiếu mọi nơi mà không cần kết nối với máy tính. Thử nghiệm đồng bộ với iPhone, Test Lab nhận thấy hai mẫu máy chiếu có thể xuất hình ảnh từ điện thoại và trình chiếu tốt phim, ảnh, nhạc. Tuy vậy, hình ảnh trình chiếu trên máy vẫn còn có độ trễ chút ít so với nội dung trên màn hình điện thoại.

Giao diện chính của máy chiếu Philips PicoPix PPX4350 Wireless.
Cả hai máy đều có hệ thống loa tích hợp (PPX4350 công suất 1W, còn PPX4935 công suất 3W) và còn có thể kết nối với hệ thống loa Bluetooth bên ngoài để phát âm thanh. Đây là một tính năng mà theo Test Lab là hết sức tiện lợi nhằm mang lại chất lượng âm thanh hấp dẫn hơn trong khi trình chiếu. Loa tích hợp của hai máy tuy cho âm lượng không lớn nhưng lại không bị rè khi mở tối đa, phù hợp với phòng chiếu diện tích nhỏ. Đồng thời, nhờ có ngõ ra audio 3,5mm nên người dùng còn có thể lựa chọn xuất âm thanh ra hệ thống loa ngoài khi trình chiếu.

Giao diện chính của máy chiếu Philips PicoPix PPX4935 Android.
Do thuộc dòng máy chiếu di động nên hai model PPX4935 và PPX4350 đều trang bị lỗ gắn với chân đế tripod dưới đáy máy. Tuy vậy, cả hai máy cũng đều cho phép bố trí gắn trần giống như các mẫu máy chiếu cố định chuyên nghiệp khác.

Theo thông tin của hãng sản xuất, cả hai mẫu máy chiếu PicoPix này đều được trang bị pin Lithium Polymer, trong đó pin của model PPX4935 có dung lượng 2.000mAh còn của model PPX4350 có dung lượng 1.800mAh. Thời gian để sạc đầy pin cho cả hai máy vào khoảng 3-5 giờ trong khi thời gian sử dụng liên tục được khoảng tối đa 2 giờ (khi hoạt động ở chế độ tiết kiệm Eco Mode).

Về chất lượng hình ảnh, hai model máy chiếu Philips PicoPix cho chất lượng hình ảnh khá tốt, màu sắc tươi. Trong môi trường ánh sáng văn phòng, máy cho hình ảnh hơi mờ nhưng đây cũng là một đặc điểm thường thấy của các máy chiếu nền LED với độ sáng hạn chế. Do đó, người dùng được khuyến khích nên trình chiếu ở môi trường càng ít ánh sáng càng tốt để có được chất lượng hình ảnh rõ nét nhất. Ở độ phân giải mặc định, hai máy trình chiếu tốt các tài liệu văn phòng, bảng biểu và trang web. Bên cạnh đó, máy cũng có thể trình chiếu tốt các bộ phim HD.

Máy chiếu Philips PicoPix PPX4350 Wireless hiện được bán với giá 9,6 triệu đồng, trong khi mẫu PPX4935 Android có giá 16,5 triệu đồng. Mẫu máy chiếu PPX4935 còn đi kèm túi bảo vệ màu đen nhỏ gọn, giúp bạn có thể luôn mang theo máy trong những chuyến đi xa. 

PCWorld

đánh giá máy chiếu, Hồng Nhân, Máy chiếu, máy chiếu bỏ túi, máy chiếu cầm tay, máy chiếu di động, Philips


© 2021 FAP
  2,943,256       37/1,138