Công nghệ - Sản phẩm

Apple quyết bảo vệ quyền riêng tư của người dùng

(PCWorldVN) Apple không đơn độc trong cuộc chiến 'bẻ khóa' iPhone khi giới công nghệ lên tiếng ủng hộ hãng chống lại FBI để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.

Tại buổi công bố iPhone SE 4-inch hôm 21/3, thay vì chỉ tập trung quảng bá sản phẩm mới, CEO Apple Tim Cook đã tranh thủ sân khấu diễn thuyết trước đông đảo cử tọa đa phần là giới công nghệ và truyền thông, chỉ trích việc chính phủ Mỹ tìm cách nhòm ngó đời tư của người tiêu dùng. Câu chuyện liên quan đến phán quyết của một thẩm phán liên bang trong tháng 2, buộc Apple phải hỗ trợ FBI bẻ khóa chiếc iPhone 5c của hung thủ Syed Rizwan Farook trong vụ xả súng bắn chết 14 người tại thành phố San Bernardino vào tháng 12/2015.

Biểu tình phản đối việc bẻ khóa iPhone ngay bên ngoài một cửa hàng Apple ở Boston (Mỹ) hôm 23/2. Ảnh: AP

Tranh cãi về quyền riêng tư
Yêu cầu của tòa án đã làm bùng lên những tranh cãi về quyền riêng tư vốn là đề tài nóng trong bối cảnh những kẻ tấn công luôn tìm cách khai thác lỗ hổng bảo mật để tấn công người dùng. Công nghệ mã hóa thiết bị được dùng để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng trong trường hợp này đã mâu thuẫn với vấn đề an ninh quốc gia. Chiếc iPhone quá an toàn và cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ buộc nhà sản xuất phải bẻ khóa để vượt qua chế độ mã hóa bảo vệ thiết bị giúp họ tiếp cận thông tin trên điện thoại.

Apple phản bác cho rằng đó là đòi hỏi vô lý, vi phạm tiêu chuẩn bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. iPhone bỗng nhiên “hot” vì quá bảo mật, đến FBI cũng phải bó tay. Và trong cuộc chiến pháp lý này Apple dường như thắng thế khi dương cao “ngọn cờ” bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng, được cả làng công nghệ ủng hộ.

Cao ủy Liên hiệp quốc về nhân quyền cũng lên tiếng cảnh báo coi chừng vi phạm quyền con người trong một tuyên bố hôm 4/3, rằng việc bẻ khóa điện thoại có thể mở đường cho hacker tấn công gây thiệt hại cho người dùng và chính quyền tăng cường do thám, đồng thời tạo tiền lệ khiến các hãng công nghệ khó có thể bảo vệ sự riêng tư cho khách hàng của họ.

Apple cho rằng mã hóa là điều cần thiết và tốt đẹp, kể cả nó khiến cho việc thực thi pháp luật trở nên khó khăn hơn.

Cả làng công nghệ sợ án lệ
Ngày 15/3, Apple đã đệ đơn lên tòa án California, phản bác đơn kiện của Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Apple ngăn cản mọi nỗ lực tiếp cận dữ liệu trong chiếc điện thoại iPhone của tay súng Farook bằng hàng rào công nghệ. Bộ tư pháp Mỹ viện dẫn đạo luật All Writs Act ban hành từ năm 1789, buộc Apple tạo ra một công cụ có thể vượt qua lớp bảo mật của một chiếc iPhone 5c mà dữ liệu không bị xóa tự động, để FBI truy xuất những thông tin phục vụ điều tra, thu thập bằng chứng.

Apple cho rằng đây là điều hoàn toàn vô lý, chẳng những làm tiêu tốn nguồn lực của hãng, mà điều nguy hiểm là khiến hệ thống mã hóa iOS trở nên suy yếu, người dùng sẽ bị giới tội phạm lợi dụng khai thác tấn công và dễ bị chính phủ do thám. Trong đơn, Apple còn nhấn mạnh, đòi hỏi vô lý của nhà chức trách chính là tước bỏ những thành tựu về bảo mật mà hãng đã kỳ công gây dựng để bảo vệ khách hàng, và khiến các công ty công nghệ phần mềm sẽ phải khiếp sợ.

Theo tờ New York Time, nhiều nhân viên của Apple đã tuyên bố họ sẽ nghỉ việc nếu hãng thua trong cuộc chiến pháp lý trước chính phủ Mỹ, mà kết quả là buộc phải bẻ khóa iPhone như đã nói. Tim Cook và ban lãnh đạo công ty đã lên tiếng tán thành thái độ cứng rắn này của nhân viên.

Lập trường kiên quyết của Apple nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của giới công nghệ. Google, Microsoft, Intel, Facebook, Yahoo và nhiều công ty công nghệ lớn đã có đơn kiến nghị chung hoặc riêng gửi lên tòa án bang California ủng hộ Apple. Nhiều tổ chức xã hội, hiệp hội các nhà phát triển hay các công ty công nghệ nhỏ cũng lên tiếng ủng hộ Apple. Tất cả cùng cho rằng việc chính phủ Mỹ ép buộc Apple bẻ khóa iPhone sẽ tạo ra tiền lệ xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh mạng và sự riêng tư của người dùng trên toàn thế giới, và toàn ngành công nghiệp công nghệ sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc.

Thực tế là cả làng công nghệ sợ “án lệ”.
Tại buổi điều trần trước quốc hội Mỹ hôm 1/3, giám đốc FBI James Comey đã thừa nhận nếu FBI buộc được Apple bẻ khóa iPhone trong vụ khủng bố San Bernardino, họ sẽ xem đây như là án lệ để yêu cầu Apple mở khóa những chiếc iPhone khác. Điều đó khiến Apple, và các công ty công nghệ khiếp sợ trước viễn cảnh mọi thiết bị sẽ chịu sự kiểm soát của FBI nếu họ muốn. Khi đó những nỗ lực quảng bá thiết bị có tính bảo mật cao của các nhà sản xuất trở nên vô nghĩa.

Phát biểu tại buổi điều trần, James Comey cho rằng, công nghệ không được phép cản trở pháp luật, bảo vệ các bằng chứng của tội ác, khiến các điều tra viên không thể tiếp cận được thông tin quan trọng. Phía Apple đáp trả, cho rằng mã hóa là điều cần thiết và tốt đẹp, kể cả nó khiến cho việc thực thi pháp luật trở nên khó khăn hơn.

Giới công nghệ ủng hộ Apple với quan điểm bảo mật dữ liệu cá nhân là hết sức quan trọng. Nếu FBI giành được phán quyết có lợi từ phía tòa án, buộc Apple tạo riêng phần mềm backdoor cho iPhone sẽ đặt người dùng trước mối nguy hiểm của những lỗ hổng bảo mật có thể bị tin tặc khai thác tấn công. Một khi quyền riêng tư cá nhân không còn được đảm bảo về mặt kỹ thuật, lòng tin của người dùng sẽ sụt giảm đe dọa tới hoạt động của toàn ngành công nghiệp công nghệ cao.

Màn hình passcode của iPhone.

Ai thắng trong cuộc chiến bẻ khóa iPhone?
Tầm quan trọng của một chiếc smartphone đối với mỗi cá nhân theo Apple là quá nhiều thông tin nhạy cảm được lưu trên đó, như đại diện của hãng đã phát biểu tại phiên điều trần hôm 1/3: “Có lẽ nhiều thông tin lưu trên một chiếc iPhone hơn bất cứ thứ gì kẻ cắp có thể lấy khỏi nhà bạn”. Đó là căn cứ trong lập luận của Apple để khẳng định mã hóa là khâu tối quan trọng với một thiết bị di động.

Theo các chuyên gia bảo mật thì dữ liệu cá nhân của người dùng rơi vào tay tin tặc chủ yếu là do yếu tố con người. Đó có thể là do đặt mật khẩu yếu, truy cập các đường link thiếu cân nhắc bị chuyển tới các trang web độc hại, bị lừa mở email chứa mã độc hay cung cấp mật khẩu ở trang giả mạo.

Nhưng nếu người dùng mất smartphone thì sao? Nhà sản xuất cần có câu trả lời thỏa đáng để người dùng yên tâm. Những thông tin nhạy cảm như thông tin truy cập Internet Banking, thanh toán điện tử, email làm ăn, quan hệ “ngoài luồng”, hình ảnh riêng tư, danh bạ điện thoại phải được bảo vệ bởi các lớp bảo mật, để không bị khai thác ảnh hưởng tới danh tiếng, tiền bạc của cá nhân.

Đã có tiền lệ Apple và nhiều công ty công nghệ khác như Google, Microsoft hợp tác với chính quyền Mỹ, cung cấp dữ liệu của người dùng, nhưng đó là với dữ liệu chưa được mã hóa. Dữ liệu trên iPhone chạy phiên bản từ iOS 8 trở lên được mã hóa, nếu không vượt qua được màn hình passcode để truy cập iPhone thì không thể nào tiếp cận được thông tin lưu trên máy.

Mã hóa đang là tấm giáp bảo vệ người dùng trước vấn nạn tấn công của tội phạm mạng. Phó chủ tịch Craig Federighi phụ trách phần mềm của Apple trong một bài viết đăng trên Bloomberg đã cảnh báo rằng, việc FBI yêu cầu Apple mở cổng hậu cho iPhone chẳng khác gì muốn tước bỏ tấm giáp này của người dùng. Mã hóa khi đó sẽ chẳng còn giá trị, và thông tin cá nhân người dùng không còn riêng tư nữa, hiểm họa sẽ đến với họ và những người liên quan. Apple không chịu bẻ khóa iPhone bằng cách tạo ra công cụ riêng vượt qua cơ chế bảo vệ của chính họ vì lo ngại nó có thể bị rò rỉ, và bị lợi dụng khai thác trên diện rộng gây thiệt hại lớn cho người dùng. Điều đáng ngại lớn hơn nữa là nó còn tạo ra tiền lệ nguy hiểm, đe dọa cả người dùng các nền tảng khác như Android hay Windows.

Bảo vệ an toàn cho mọi khách hàng của công ty là điều quan trọng nhất, theo Craig Federighi, dù cải tiến bao nhiêu cũng không đủ trước làn sóng đánh cắp thông tin cá nhân để tấn công trên diện rộng của tội phạm ngày nay. Không dừng lại ở đó, thiết bị cá nhân còn có nguy cơ bị lợi dụng quyền truy cập hợp pháp vào mạng của doanh nghiệp, tổ chức để phá hoại.

“Điện thoại của bạn còn hơn cả một thiết bị cá nhân. Trong thế giới di động kết nối mạng ngày nay, bảo vệ gia đình bạn và các đồng nghiệp là một phần của vành đai an ninh. Các cơ sở hạ tầng trọng yếu của quốc gia, như lưới điện và các đầu mối giao thông, dễ bị tổn thương hơn khi các thiết bị cá nhân bị hack. Tội phạm mạng và những kẻ khủng bố chỉ cần đột nhập smartphone của một người trong nội bộ đã có thể mở cuộc tấn công xâm nhập các hệ thống và đánh sập các mạng nhạy cảm”, Craig Federighi cho biết.

“Xung quanh những biện pháp bảo vệ của Apple, FBI muốn chúng tôi tạo ra cửa hậu dưới dạng phần mềm đặc biệt để vượt qua passcode, cố tình tạo ra một lỗ hổng  qua đó cho phép chính phủ truy cập iPhone mà không cần biết mật khẩu. Sau khi tạo ra, phần mềm này – mà cơ quan thực thi pháp luật đã thừa nhận họ muốn áp dụng cho nhiều iPhone – sẽ trở thành một điểm yếu có thể bị tin tặc và giới tội phạm lợi dụng để tàn phá sự riêng tư và an toàn cá nhân của tất cả chúng ta”.

 “Bẻ khóa” hay không? vì quyền riêng tư của người dùng hay bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn trật tự xã hội? Mọi tranh cãi có lẽ sẽ không có điểm dừng khi cuộc đua bảo mật vẫn tiếp tục dường như tới bất tận. Người dẫn đầu hôm nay không bao giờ chiến thắng tuyệt đối, bởi “những biện pháp phòng thủ tốt nhất của ngày hôm qua không thể chống đỡ những cuộc tấn công hôm nay và ngày mai”, Phó chủ tịch Apple khẳng định.

Trong một diễn biến mới nhất, Bộ tư pháp Mỹ cho biết FBI đã có cách bẻ khóa chiếc iPhone của sát thủ vụ San Bernardino với sự trợ giúp của bên thứ ba mà không cần tới Apple. Các quan chức cũng cho biết đã rút lại yêu cầu của tòa án buộc Apple bẻ khóa iPhone.

Một số nhà quan sát nhận xét, cho dù kết quả thế nào thì cuộc chiến Apple-FBI chẳng khác gì một phi vụ đánh bóng tên tuổi cho Apple vì khách hàng mà bất chấp yêu cầu của nhà chức trách. Nhưng có lẽ cuộc chiến vẫn chưa dừng lại, vì FBI cần một vụ án tiền lệ để về sau dễ bề ép các nhà sản xuất phải hợp tác với họ trong các cuộc điều tra.

PC WORLD VN, 04/2016
 

PCWorld

Apple, Apple chống FBI, bảo mật điện thoại, dữ liệu người dùng, FBI, khóa điện thoại, mở khóa iPhone, Phan Châu, tính riêng tư


© 2021 FAP
  2,937,738       14/571