Công nghệ - Sản phẩm

Smartphone đang nhàm chán, dự đoán hướng phát triển

(PCWorldVN) G5 của LG chưa phải là số 1 trên thị trường, nhưng thiết kế dạng mô-đun cùng camera kép tích hợp đã phần nào phác họa chân dung của chiếc smartphone tương lai.

Vài năm trước, nếu bạn cầm trên tay một chiếc smartphone cao cấp đời mới nhất sẽ thu hút sự chú ý của những người xung quanh, với nhiều lời tán thưởng, những chia sẻ hào hứng về tính năng “sát thủ” hay cấu hình “đỉnh” của máy. Nay thì mọi sự đã khác, điện thoại thông minh đã trở nên bình thường, nếu không nói là nhàm chán. Smartphone thế hệ mới vẫn đều đặn ra đời nhưng không còn được người tiêu dùng ham muốn cuồng nhiệt như thời gian đầu, cũng chẳng đáng gì để những chủ nhân nhanh chân mua được sản phẩm trong đợt mở bán đem ra khoe mẽ.

Có gì để khoe với smartphone đời mới? Camera tốt hơn một chút, màn hình nét hơn, phiên bản vàng hồng! Những điều đó có vẻ vụn vặt, không đủ để khuấy động thị trường như những “siêu phẩm” trước đây mỗi khi trình làng là một lần tạo dư chấn bởi sức mạnh vượt trội, khả năng truy cập “vô song’ cùng nhiều công nghệ tuyệt vời chưa từng thấy. Thiết kế smartphone gần đây trở nên dễ đoán như những kịch bản tẻ nhạt của các bộ phim “mì ăn liền” phát nhan nhản trên truyền hình ngày nay.

May mắn là còn có trường hợp cá biệt. Mẫu smartphone cao cấp G5 mới được LG tung ra có những điều khác biệt, mang dáng dấp của một cuộc cách mạng smartphone. G5 được thiết kế theo hướng mô-đun hóa, phần thân phía dưới có thể tháo lấy ra để cắm vào một mô-đun khác,  camera kép phía sau đem lại khả năng chụp ảnh góc rộng lên tới 135 độ, máy có thể dùng với kính thực tế ảo để xem nội dung 3D và hình ảnh 360 độ ghi lại từ camera 360 độ của LG.

Nhưng đáng tiếc G5 vẫn chưa đủ tầm để đại diện cho thế hệ smartphone tương lai. Máy có giá tương đương với Samsung Galaxy S7 là chiếc điện thoại “đi đường không sợ mưa rơi”, camera cao cấp hơn, thời lượng pin dùng lâu hơn. Chưa kể tới những sản phẩm đang bán chạy như iPhone 6s và iPhone SE mới ra của Apple.

Nhưng dù chưa phải là sản phẩm hoàn thiện, G5 báo hiệu cuộc cách mạng phần cứng đối với smartphone đang đến, hứa hẹn sẽ làm dậy sóng thị trường như những năm đầu của thập kỷ này. Dĩ nhiên, phần mềm vẫn là yếu tố quan trọng để thúc đẩy ngành công nghiệp. Và đã đến lúc chúng ta có thể hình dung smartphone sẽ tiến hóa ra sao.

LG G5 khởi đầu cho xu hướng smartphone mô-đun hóa.

Điện thoại mô-đun

Chỉ với động tác trượt đơn giản, bạn có thể thay ngay một thành phần để tùy biến phần cứng chiếc điện thoại của mình. Thiết kế dạng mô-đun này đã được LG hiện thực hóa qua chiếc smartphone flagship mới nhất.

Với LG G5, bạn chỉ cần nhấn nhẹ vào một nút trên cạnh là phần dưới của điện thoại sẽ trượt ra và bạn có thể lắp thay vào một mô-đun khác. Những mô-đun có thể thay thế này được LG gọi bằng một cái tên thân thiện - “Friends”. LG đã giới thiệu một mô-đun bổ sung pin ngoài, nút chụp ảnh, zoom. Còn có một mô-đun khác hãng hợp tác với B&O nhằm thêm bộ xử lý tín hiệu âm thanh để nâng chất lượng chơi nhạc của máy. Điều đó còn cho thấy LG sẽ có thể (và cần thiết) mở thiết kế mô-đun và cấp phép cho bên thứ ba để tận dụng và hưởng lợi từ thiết kế hiện đại này.

Thực ra chúng ta đã từng biết đến thiết kế smartphone dạng mô-đun qua dự án Project Ara của Google với khả năng mô-đun hóa cao hơn hẳn G5. Về cơ bản smartphone cũng sẽ có thiết kế như máy tính để bàn, cho phép thay linh kiện thành phần bị hỏng hay nâng cấp đối với bộ xử lý, màn hình, pin, chip Wi-Fi, camera… Nếu điện thoại dễ dàng nâng cấp sẽ thực sự hấp dẫn người tiêu dùng vì giảm được chi phí so với việc mua máy mới, lại đáp ứng được mục đích sử dụng thay đổi. Đáng tiếc vẫn đang là “Nếu”. Project Ara bị trì hoãn, và đến nay Google chưa đưa được mẫu máy nào ra thị trường đại chúng, nhưng công ty vẫn đang tiếp tục theo đuổi dự án.

Điện thoại đa camera

Đã bắt đầu xu hướng smartphone tích hợp nhiều camera, ban đầu là với hai camera phía sau, còn gọi là camera kép. Nối gót G5 của LG, Huawei đã trang bị camera kép phía sau cho bộ đôi P9 và P9 Plus mới trình làng trong tháng 4. iPhone thế hệ mới cũng được đồn đoán là sẽ trang bị camera kép. Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc đua tích hợp nhiều camera sẽ sớm diễn ra để khắc phục sự thiếu chuyên nghiệp trong chụp ảnh của điện thoại ngày nay.

Tăng số camera mang lại nhiều lợi ích, như: góc chụp rộng hơn, chụp trong môi trường ánh sáng yếu và ghi hình 3D sẽ tốt hơn. Smartphone tích hợp camera kép với công nghệ Project Tango của Google sẽ cho phép người dùng nhanh chóng tạo ra bản đồ 3D hết sức độc đáo.

G5 mới là bước đi nhỏ. Với điện thoại dạng mô-đun, bạn có thể thay các ống kính góc rộng để chụp được khung cảnh rộng hơn, nhóm người đông hơn, hay dùng những ống kính tiêu chuẩn gọn nhẹ tiện cho chụp ảnh thường ngày.

Đã xuất hiện nhân tố tiên phong trong cuộc cách mạng tích hợp nhiều camera trên điện thoại, đó là công ty khởi nghiệp Light. Một chiếc smartphone trang bị từ 6 – 8 camera có thể đem lại những ảnh chụp có chất lượng chẳng kém gì máy ảnh DSLR cao cấp, giám đốc điều hành Dave Grannan của Light khẳng định.

Công nghệ của Light cho phép nhấn nút chụp đồng thời nhiều camera có độ dài tiêu cự khác nhau; xử lý kết hợp tất cả hình ảnh để tạo ra ảnh đẹp hơn cả; điện thoại không dày thêm, các hệ thống này có thể đón nhận ánh sáng nhiều hơn, thu được nhiều ảnh hơn; chất lượng ảnh chụp sẽ được cải thiện đáng kể trong điều kiện ánh sáng yếu, tăng khả năng kiểm soát độ sâu của trường ảnh. Foxconn, nhà sản xuất điện thoại của Apple, Sony và Google đều đã được cấp phép sử dụng công nghệ của Light.

Mẫu camera L16 của Light tích hợp 16 ống kính.

Điện thoại màn hình Hologram

Dù bạn có quan tâm hay không thì kính thực tế ảo (VR) đang ngày càng phổ biến. Samsung, LG và nhiều công ty đã bắt đầu tung ra các bộ kính VR khai thác sức mạnh xử lý và đồ họa của smartphone để người dùng tiện thưởng thức nội dung 3D và 360 độ đầy ấn tượng. Các nhà sản xuất chip như Qualcomm cũng đang nỗ lực cải tiến hiệu suất hoạt động của những con chip thế hệ mới của mình để hỗ trợ cho thực tế ảo.

Nếu bạn không muốn đeo chiếc smartphone ngay phía trước mắt cũng không thành vấn đề. Tới đây, công nghệ chiếu 3D hologram trên màn hình smartphone sẽ giúp bạn tiến vào thế giới ảo mà không cần tới kính VR.

Một công ty khởi nghiệp có tên Leia 3D sử dụng đèn nền LCD đặc biệt và quang học để chuyển hướng ánh sáng, tạo ra một màn hình trình chiếu ảnh 3D hologram. Hình ảnh trông như đang nổi lên trên chiếc điện thoại của bạn. CEO David Fattal của Leia 3D cho biết, công nghệ này khác với tivi 3D không dùng kính, cũng không giống kiểu giao diện người dùng 3D (Dynamic Perspective) mà Amazon ra sức quảng bá với chiếc điện thoại Fire Phone, vốn đã thất bại tệ hại. Công nghệ của Leia 3D được giới thiệu không chỉ tạo ra chiều sâu thực sự cho hình ảnh, mà người dùng còn có thể dí ngón tay vào ảnh nổi 3D và xoay vòng quanh.

Fattal tự hào khẳng định, công nghệ mới sẽ khiến người dùng không còn muốn trở lại màn hình 2D, cũng  như  có TV màu rồi thì chỉ muốn vứt ngay TV đen trắng.

Điện thoại sạc liên tục

Kéo dài thời lượng pin cho smartphone vẫn là công nghệ khiến cả thế giới di động đau đầu. Đơn cử như chiếc HTC 10 mới ra mắt liên tục được các trang tin công nghệ giật tít pin dùng tới những… 2 ngày. Thật bất tiện với người dùng smartphone ngày nay khi đêm nào cũng phải nhớ cắm sạc cho máy. Nhưng có lẽ pin tương lai không phải là dung lượng “khủng” thế nào, hay có thể thay thế kiểu như G5 của LG, mà mấu chốt là ở công nghệ sạc không dây đúng nghĩa.

Không giống như công nghệ sạc không dây hiện tại là đặt điện thoại trên một tấm sạc không dây để sạc, thay vào đó chúng ta có thể hình dung về mạng Wi-Fi truyền năng lượng điện. Khi bạn mang điện thoại vào khu vực phủ sóng điện năng, bộ tiếp nhận sóng trong điện thoại sẽ bắt tín hiệu và bắt đầu tự sạc. Có thể tốc độ sạc sẽ rất chậm, nhưng nếu bạn thường ở trong vùng phủ sóng điện năng thì thời lượng sử dụng pin của điện thoại không còn đáng ngại như trước.

Hiện tại, các công ty như Ossia và Energous đang phát triển công nghệ này. Ở đây nổi lên hai rào cản lớn: cạnh tranh hình thành chuẩn công nghiệp và sự an toàn.

Công nghệ sạc điện không dây của các công ty không tương thích với nhau. Vì thế, điện thoại tương lai của bạn có thể sạc ở một vùng phủ sóng điện nhưng qua khu vực khác lại vô hiệu. Và điện năng truyền không dây liệu có hại não con người hay không? Giám đốc thương mại của Ossia, Abid Hussain, nói rằng đó không phải là điều đáng ngại. Công nghệ của công ty theo hướng FCC phê duyệt, và chỉ dành cho các thiết bị tiêu thụ năng lượng thấp như điện thoại và đồng hồ.

Câu hỏi lớn nổi lên là, vậy thì những công nghệ tiến tiến đề cập trong bài viết bao giờ sẽ rời phòng lab để có mặt trong những chiếc điện thoại bán trên thị trường đại chúng. Theo những gì các công ty hứa hẹn, rất có thể camera của Light, màn hình holographic của Leia 3D, và công nghệ sạc không dây của Ossia sẽ bắt đầu được tích hợp vào smartphone cuối 2017, hoặc sang đầu 2018.

Dĩ nhiên còn nhiều trở ngại, thời gian có thể lâu hơn, nhưng đã đến lúc hy vọng cuộc cách mạng mới sẽ trở lại với smartphone khi chúng đang ngày càng trở nên tẻ nhạt.

PC World VN, 05/2016

PCWorld

Smartphone, thị trường smartphone, thiết bị di động, thiết kế mô-đun


© 2021 FAP
  2,912,209       9/595