Công nghệ - Sản phẩm

Hồ sơ Panama: Nhà giàu cũng khóc!

(PCWorldVN) Từ một tin nhắn ngắn bí ẩn dẫn đến sự hợp tác điều tra của báo chí toàn cầu. Giới giàu có với hành vi trốn thuế, rửa tiền xuyên biên giới xem ra khó bịt mắt được thiên hạ trong kỷ nguyên số.

“Hồ sơ Panama” là vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất lịch sử. Từ một tin nhắn ngắn do một nguồn tin ẩn danh gửi cho tờ báo Đức, dẫn đến sự tham gia hợp tác điều tra của gần 400 nhà báo đến từ hơn 100 công ty truyền thông của hơn 80 quốc gia. Qui mô lớn chưa từng thấy.

Các nhà báo trên khắp thế giới liên tục đào bới núi thông tin 11,5 triệu tài liệu với dung lượng dữ liệu lên tới 2,6 terabyte trong hơn một năm trời, đã phanh phui những góc khuất về hành vi rửa tiền, trốn thuế của nhiều nhân vật quyền lực, nổi tiếng và giàu có tại nhiều nước thông qua công ty luật Mossack Fonseca ở Panama.

Ngày 3/4, lần đầu tiên Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), có trụ sở tại Washington DC (Mỹ), công bố báo cáo điều tra “Hồ sơ Panama” đã gây nên cơn địa chấn trên các phương tiện truyền thông toàn cầu.

Từ một tin nhắn ngắn đến cuộc điều tra qui mô chưa từng thấy
“Xin chào, tôi là John Doe”, một tin nhắn gửi tới tờ báo Süddeutsche Zeitung có trụ sở ở Munich (Đức).

“Bạn quan tâm tới dữ liệu chứ?”, John Doe hỏi tiếp. Dĩ nhiên đây không phải tên thật mà là biệt danh ám chỉ một người cần giấu tên hay nguồn tin ẩn danh.

“Chúng tôi rất quan tâm”, nhà báo Bastian Obermayer trả lời.

Hồ sơ Panama hé lộ công ty luật Mossack Fonseca ở Panama đã giúp nhiều yếu nhân trên thế giới trốn thuế.

Cuộc trao đổi ngắn gọn này thực ra không vu vơ như vẻ bề ngoài. Nguồn tin ẩn danh đã tiếp cận đúng địa chỉ đáng tin cậy, Süddeutsche Zeitung từng thực hiện một số phóng sự điều tra về gian lận thuế và rửa tiền. May mắn nếu có ở đây là nguồn tin đã gặp nhà báo điều tra kỳ cựu. Bastian Obermayer là người đã có kinh nghiệm dày dặn qua nhiều cuộc điều tra về bê bối tài chính. Theo tờ New York Time (NYT) thì đây chính là khởi đầu cho cơn địa chấn “Hồ sơ Panama” làm rúng động nhiều quốc gia. 

Trong những tháng sau đó, nguồn tin bí mật liên tục “nhồi” cho báo Süddeutsche Zeitung một khối lượng khổng lồ các email, những bức thư đã được scan, hình ảnh và dữ liệu khách hàng được lôi ra từ máy chủ của Mossack Fonseca, một công ty luật tại Panama City vốn trong tầm ngắm của nhiều cuộc điều tra trong hàng thập kỷ qua vì nghi ngờ có liên quan đến hoạt động rửa tiền. Điều bất ngờ là lượng dữ liệu lần này lớn hơn bất cứ vụ rò rỉ nào trước đây.

Để xác thực độ tin cậy của khối tài liệu khổng lồ này, các phóng viên Đức đã phải nghiên cứu ròng rã hơn hai tháng trời, đồng thời nỗ lực bóc gỡ mạng lưới chằng chịt những giao dịch bí hiểm. Họ thực sự bị cuốn hút vào dự án “tới mức nghiện”, theo chia sẻ của Frederik Obermaier, một nhà báo đồng nghiệp của Obermayer. “Chúng tôi thường nhắn tin cho nhau các phát hiện mới nhất vào những khoảng thời gian oái ăm, như 2 hoặc 4 giờ sáng”.

Nhưng khối lượng dữ liệu quá lớn khiến đội điều tra 5 người của Süddeutsche Zeitung sớm nhận thấy họ không thể đủ sức xử lý. Tòa báo quyết định cần tới sự trợ giúp từ ICIJ, vốn đã có tiền lệ điều phối báo chí điều tra toàn cầu về những vụ rò rỉ dữ liệu tài chính.

Nỗ lực hợp tác điều tra xuyên biên giới thời @
Phó giám đốc ICIJ, bà Marina Walker, thoạt tiên ngờ vực khi được chia sẻ có một nguồn tin tuyên bố đang nắm trong tay một lượng dữ liệu bí mật lớn chưa từng thấy. 11,5 triệu bản tài liệu chiếm 2,6 terabyte dung lượng quả là vụ rò rỉ thông tin mà lịch sử báo chí chưa từng chứng kiến.

Trong vòng vài tuần, ICIJ đã tập hợp được một lực lượng gần 400 nhà báo từ hơn 100 tổ chức truyền thông trên 80 quốc gia, trong đó có tờ The Guardian (Người bảo vệ) và hãng tin BBC của Anh, nhật báo Pháp Le Monde, Sonntagszeitung ở Thụy Điển, tuần tin tức L’Espresso của Ý, một số nhà xuất bản Mỹ như Univision, Fusion và McClatchy. Việc huy động nhà báo trên qui mô lớn này là bởi tài liệu liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân ở nhiều nước dính líu tới các giao dịch tài chính bất minh, hành vi trốn thuế, kể cả rửa tiền.

Người biểu tình bên ngoài tòa nhà số 10 Phố Downing (London) hôm 9/4/2016, kêu gọi Thủ tướng Anh David Cameron từ chức.

Vắng mặt một số cơ quan truyền thông lớn của Mỹ, như New York Times, Wall Street Journal và Washington Post, nhưng chuyên án điều tra của ICIJ diễn ra thuận lợi với số nhà báo tham gia đông nhất từ trước tới nay, từ nhiều quốc gia. Nhiều nhà báo trong số này đã từng hợp tác với ICIJ trong các cuộc điều tra về gian lận thuế, như vụ “Swiss Leaks” hồi năm 2015 hay vụ “Lux Leaks” năm 2014.

Chuyên án mang mật danh Prometheus, tên của vị thần khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp đã bí mật đánh cắp ngọn lửa của thần Zeus và trao cho con người. Một cái tên đầy ý nghĩa, có lẽ mang kỳ vọng cuộc điều tra sẽ soi sáng mọi góc khuất của những bí mật “bẩn” trên thế giới.
Các nhà báo cùng nhau đào bới núi dữ liệu mà Süddeutsche Zeitung tiếp nhận theo từng đợt và chuyển tiếp tới một máy chủ bảo mật của ICIJ. Dữ liệu mới liên tục đổ về qua mạng khiến các phóng viên càng phải hợp tác chặt chẽ với nhau thường xuyên để theo dõi những chi tiết mới.

Không giống như những cuộc điều tra đây, dữ liệu rò rỉ thường được cung cấp ngay một lần, “lần này là theo thời gian thực”, theo phóng viên Luke Harding của tờ The Guardian, người đã nhiều lần tham gia hợp tác truyền thông quốc tế về những vụ rò rỉ dữ liệu như WikiLeaks vào năm 2010 và Edward Snowden vào năm 2013. “Chúng tôi liên tục nhận được những dữ liệu mới”.

ICIJ nhanh chóng nhận ra rằng, với số người đông như vậy cùng truy cập, đào bới chung một cơ sơ dữ liệu, các đối tác phải thống nhất chiến lược hợp tác và cùng phân tích các nghiên cứu, cũng như chỉ được xuất bản khi tất cả đã sẵn sàng. Hàng loạt cuộc họp bí mật đã diễn ra, có những buổi hơn 100 người tham gia. Cuộc họp đầu tiên được tổ chức tại một phòng thuê của Câu lạc bộ báo chí quốc gia Hoa Kỳ (National Press Club) ở Washington vào tháng 6 năm ngoái, các cuộc họp tiếp theo diễn ra ở thành phố Munich của Đức, thủ đô London nước Anh, và thị xã Lillehammer của Na Uy.

Giám đốc Gerard Ryle của ICIJ cho biết, mối lo thường trực trong khoảng thời gian đó là sợ nhỡ trên thế giới xảy ra biến cố, phóng viên ở nước sở tại vì quá phấn khích mà vội vàng đăng tải bài viết ngay lập tức thì hỏng chuyện.

Mười mấy nhân viên ICIJ cùng nhiều cộng tác viên tự do đã dồn hết sức lực cho dự án, tạo nên những công cụ trợ giúp các đối tác trong quá trình điều tra cho những tuyến bài của riêng họ. “Đây không phải một câu chuyện mà tài liệu là toàn bộ câu chuyện”, Ryle nói và cho biết thêm, các nhà báo phải tìm kiếm và tham khảo rất nhiều thứ bên ngoài các tài liệu rò rỉ.

Bảo mật nghiêm ngặt, truy tìm tận cùng
ICIJ có sẵn một số công cụ nghiên cứu hữu hiệu đã tạo ra cho các cuộc điều tra rò rỉ trước đây. Trong đó có một diễn đàn kiểu như mạng xã hội Facebook nhưng hết sức an toàn, tại đây các phóng viên có thể đưa lên những kết quả nghiên cứu của họ. Một công cụ hữu ích khác là  “Blacklight” – một chương trình tìm kiếm cơ sở dữ liệu cho phép các nhóm điều tra lọc, tìm theo tên nhân vật, quốc gia hay các nguồn cụ thể.
Tài liệu rò rỉ nguyên gốc sử dụng 25 ngôn ngữ khác nhau, nhưng các thành viên trao đổi trên diễn đàn chủ yếu bằng tiếng Anh. Các phóng viên tích cực chia sẻ những thông tin họ cho là quan trọng với các nhóm liên quan mật thiết.

Mỗi tổ chức truyền thông đều áp dụng biện pháp phòng ngừa, hạn chế quyền truy cập vào những máy tính bảo mật mà được sử dụng để kết nối tới các máy chủ của ICIJ, và đảm bảo chúng không thể truy cập thông qua các mạng thông thường tại phòng tin tức của họ.

Mỗi khi những cái tên cụ thể được tìm thấy trong cơ sở dữ liệu, các phóng viên đào sâu hơn những manh mối nhằm truy tìm mối liên hệ của đối tượng với một công ty vỏ bọc, một tài khoản ngân hàng, hoặc một nhân vật quyền lực.

Harding cùng nhóm phóng viên điều tra của tờ The Guardian đã phát hiện ra một chuỗi chằng chịt của hơn 100 giao dịch quốc tế phức tạp xoay quanh một công ty nước ngoài dính líu đến nhạc sỹ Sergei Roldugin, một trong những người bạn thân cận nhất của Tổng thống Nga Putin. Ông Harding cho biết các tài liệu cho thấy tiền đã được gửi ra nước ngoài từ các ngân hàng nhà nước Nga, qua nhiều công đoạn lòng vòng rồi quay trở lại nước Nga thông qua công ty nước ngoài.

Các tổ chức truyền thông khác sử dụng tài liệu của công ty luật Mossack Fonseca để phanh phui tài khoản nước ngoài của các chính trị gia nhiều nước như Pháp, Pakistan và Saudi Arabia, cũng như một số ngôi sao điện ảnh và vận động viên quốc tế nổi tiếng. Nạn nhân chính trị đầu tiên là Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson. Hôm 5/4, ông đã tuyên bố từ chức trước sức ép của người biểu tình nước này sau khi biết ông và bà vợ là khách hàng của công ty luật Panama.

Bí mật “bẩn” khó ẩn mình mãi mãi
Để thấy mức độ “khủng” của vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” hãy xem lại các vụ bê bối tài chính trước đây. Vụ Lux Leaks năm 2014 theo công bố của ICIJ là 4 GB dữ liệu, còn vụ Swiss Leaks vào năm 2015 phanh phui hành động trốn thuế của chi nhánh ngân hàng HSBC tại Thụy Sỹ dung lượng dữ liệu mới có 3,3 GB. Vụ Offshore Leaks năm 2013 làm rò rỉ 130 nghìn tài khoản nước ngoài của công dân 170 quốc gia cũng chỉ tới 260 GB dữ liệu, mới bằng 1/10 “Hồ sơ Panama”.

Nội dung dữ liệu của Hồ sơ Panama bao gồm 4,8 triệu email, hơn 3 triệu tập tin định dạng cơ sở dữ liệu, gần 2,2 triệu tập tin pdf, hơn 1,1 triệu tập tin ảnh, hơn 320 nghìn tập tin văn bản và hơn 2 nghìn tập tin định dạng khác. Thông tin rò rỉ để lộ ra những giao dịch tài chính mờ ám liên quan đến giới giàu có gồm nhiều cá nhân quyền lực và nổi tiếng ở nhiều quốc gia trong suốt gần 40 năm, từ 1977 đến 2015.

Người phát ngôn của Mossack Fonseca cho biết đây là một cuộc tấn công bẻ khóa từ bên ngoài thông qua email chứa mã độc khai thác lỗ hổng bảo mật, và các lỗ hổng đã được khắc phục. Nhưng nhiều nhân vật “cộm cán” chắc hẳn như đang ngồi trên đống lửa khi các tài liệu Panama đã hé lộ với 149 tài liệu do ICIJ công bố hôm 3/4, và đây mới chỉ là bước đầu. Các bí mật ngân hàng của họ đang dần bị phanh phui và email cá nhân không thực sự riêng tư như họ từng nghĩ.

Internet và công nghệ số phát triển như vũ bão đang tác mạnh mẽ vào mọi mặt đời sống và kinh tế thế giới. Cùng với đó là luật thuế của từng quốc gia khác nhau tạo ra nhiều kẽ hở cho những kẻ quyền lực và giàu có trốn thuế, kể cả rửa tiền cùng nhiều hoạt động phi pháp khác.

hưng công nghệ cũng mang đến sức mạnh chưa từng thấy cho giới truyền thông phối hợp điều tra trên toàn thế giới.

Hồ sơ bí mật “bẩn” dường như ngày một dày lên, nhưng những vụ rò rỉ đình đám trong những năm gần đây cho thấy những hành vi mờ ám của những kẻ quyền thế rồi sẽ có ngày bị bóc trần trước công chúng. Bằng cách này hay cách khác.

PC WORLD VN, 05/2016
 

PCWorld

Hồ sơ Panama, rò rỉ thông tin, Thương Huyền


© 2021 FAP
  3,480,736       7/1,104