Công nghệ - Sản phẩm

Hệ điều hành mới Android Nougat có gì đặc biệt

(PCWorldVN) Nhiều kỳ vọng Android Nougat sẽ là phiên bản hệ điều hành dành cho điện thoại và máy tính bảng có nhiều tính năng nổi bật nhất từ trước đến nay của Google.

Mới đây, Google đã tung ra bản thử nghiệm của HĐH di động kế tiếp dành cho lập trình viên Developer Preview 4. Mặc dù đây là bản chưa hoàn chỉnh nhưng có thể thấy hãng đã tập trung vào việc cải tiến và bổ sung nhiều tính năng thú vị cho Android Nougat nhằm mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.

Nếu thực sự quan tâm và muốn trải nghiệm trước với Android Nougat, bạn có thể tải về bản Developer Preview mới tại đây. Lưu ý là hiện có hai cách để tiếp cận sớm hệ điều hành này là bạn phải là thành viên của chương trình Android Beta Program để cập nhật Android Nougat cho các thiết bị hỗ trợ (chẳng hạn như Nexus 6, Nexus 5X…) và cài trình giả lập Android emulator (có sẵn trong bộ SDK của Android Nougat, tham khảo tại đây.

Bản nâng cấp Android N qua giao thức OTA dành cho người dùng đăng ký Android Beta Program.

Tên gọi của phiên bản Android mới

Trước khi chính thức được Google gọi là Android Nougat, phiên bản HĐH mới có mã là Android N. Như mọi phiên bản Android trước đó, nhiều người tò mò và “đoán già đoán non” tên gọi chính thức của Android phiên bản tiếp theo với tên mã là “N”. Dựa trên cách đặt tên dựa trên các loại bánh ngọt cho các phiên bản Android từ trước đến nay thì nhiều dự đoán cho rằng Google sẽ đặt Android N là “Nougat” - một loại kẹo làm từ đường, mật, lạc và socola. Cũng có dự đoán khác là “Nutella”, món bơ lạc được rất nhiều người yêu thích trên toàn thế giới.

Nhìn lại, có lẽ Google đang tự làm khó mình khi cố gắng đặt những cái tên rất ý nghĩa cho mỗi phiên bản Android mới. Có thể khi Android 10, 11 hay cao hơn ra mắt, Google sẽ thực sự cạn ý tưởng. Không giống như vậy, Apple chỉ đơn giản là sử dụng các chữ số cho từng phiên bản iOS. Như iOS 9 hay iOS 10, nó đơn giản nhưng cũng rất ổn. Như vậy, liệu rằng Android N sẽ được Google đặt là Android 7?

Mới đây, Samsung đã vô tình để lộ thông tin về tên gọi Android N trong gói mã nguồn của bộ MultiWindow SDK 1.3.1. Trong bộ mã nguồn này có đoạn “This version has been released with Android N (7.0) compatibility”. Rất có thể Google sẽ không tự làm khó mình trong việc đặt tên hệ điều hành nữa, có thể họ sẽ đơn giản hóa vấn đề giống như Apple đã làm với hệ điều hành iOS của mình.

Các dòng Nexus của Google sẽ được nâng cấp lên Android N đầu tiên.

Thiết bị nào dùng được Android Nougat

Trong giai đoạn thử nghiệm cho đến khi thời gian đầu ra mắt chính thức, các thiết bị Nexus sẽ được nâng cấp trước tiên. Sau đó, các nhà sản xuất thiết bị khác cũng sẽ tùy biến và tạo ra các bản nâng cấp dựa trên phiên bản Android Nougat. Thời gian chờ đợi để đến tay người dùng cuối phải mất vài tháng, chậm hay nhanh còn tùy thuộc vào từng nhà sản xuất.

HTC khẳng định rằng, họ sẽ phát hành bản cập nhật Android Nougat cho các dòng HTC 10, One A9 và One M9 trong thời gian sớm nhất khi có bản chính thức của hệ điều hành này từ Google. Motorola cũng sẽ nâng cấp phiên bản Android mới này cho Moto G4 Plus. Nhiều kỳ vọng Samsung cũng sẽ sớm mang Android Nougat đến tay người dùng các dòng sản phẩm cao cấp mới như Galaxy S7, Galaxy S7 Edge và dòng Galaxy S6/S6 Edge. Các nhà sản xuất khác cũng sẽ có lộ trình cập nhật riêng vào đầu năm 2017.

Unreal Engine giúp nội dung thực tế ảo được đẹp mà mượt mà hơn.

Android Nougat làm được gì?

Hỗ trợ hoàn hảo hơn cho thực tế ảo

Khá nhiều tính năng mới được trang bị cho Android Nougat, tuy nhiên nổi bật nhất là Android VR. Ở trong bản Android N Developer Preview 2, một menu cho các dịch vụ của VR Helper đã được tích hợp với ghi chú “Android VR” trong Unreal Engine 4.12 beta cho thấy đây là một chức năng chủ đạo của Google Android Nougat. Trong thời điểm mà hầu như tất cả các hãng lớn trên thế giới đã chính thức gia nhập cuộc chơi “thực tế ảo” thì Google không thể làm lơ. Do đó, việc tập trung vào khả năng tương tác thực tế ảo ngay trên hệ điều hành mới này là điều phải làm.

Các dịch vụ của Google hiện tại như Play Store, StreetView, Photos, YouTube và Play Movies đều đã hỗ trợ thực tế ảo (VR). Bên cạnh đó, nền tảng Daydream VR Platform kết hợp giữa phần mềm và phần cứng trong Android N sẽ giúp trải nghiệm VR tốt hơn. Ở thời điểm giới thiệu, Google đã đưa ra bản tham chiếu của kính thực tế ảo và bộ điều khiển dành cho Daydream, giúp các nhà phát triển và nhà sản xuất thiết bị có thể tận dụng đầy đủ tính năng thực tế ảo có trong Android Nougat.

Do vậy, trong thời gian tới, người dùng Android Nougat có thể sẽ không lo ngại về vấn đề tùy chỉnh, nội dung hay việc tương tác với các công cụ thực tế ảo (chẳng hạn như Google Cardboard nữa).

Giao diện màn hình chủ của Daydream VR.

Hỗ trợ đa nhiệm nhiều cửa sổ

Đây là chức năng còn thiếu trên Android khiến cho người dùng các dòng thiết bị dùng hệ điều hành này, nhất là với các máy tính bảng có màn hình lớn bực mình và cảm thấy khó chịu với kiểu “đa nhiệm nửa vời” khi cùng một lúc chỉ làm việc được trên một giao diện ứng dụng.

Chức năng chia màn hình Split Screen trên Android Nougat sẽ giúp người dùng có thể sử dụng cùng lúc 2 ứng dụng trên một màn hình. Thực tế thì tính năng này đã được Microsoft tích hợp trên Windows 8 cách đây gần 3 năm trước, iOS cũng đã được Apple bổ sung chức năng tương tự là Split-screen và Picture-in-picture ở phiên bản iOS 9.

Đa nhiệm với hai ứng dụng cùng lúc trên Android N.

Công bằng mà nói thì Google đã quá chậm chân trong việc bổ sung chức năng này để làm thỏa mãn người dùng. Do đó nhiều hãng như Samsung hay LG đã tự phát triển các công cụ của riêng mình để giúp người dùng có thể làm việc đa nhiệm với nhiều cửa sổ và đó được xem là chức năng khác biệt so với những thiết bị dùng Android khác.

Không chỉ trên Android Nougat, nhiều tin đồn cho rằng, chức năng đa nhiệm Split Screen sẽ được Google cập nhật cho Android 6.1. Bên cạnh đó, Android TV cũng sẽ sớm được bổ sung chức năng Picture-in-picture để người dùng vừa xem phim với màn hình nhỏ, vừa làm một việc khác.
Ngoài ra, giao diện đa nhiệm Recent Apps mới trên Android Nougat cũng đã bổ sung thêm nút tắt toàn bộ các ứng dụng đang chạy với nút Clear All. Đây là chức năng nhỏ nhưng hữu ích mà các phiên bản trước không có được.

Chức năng tắt nhanh các ứng dụng đang chạy Clear All trên Android N.

Trả lời tin nhắn ngay trên thông báo

Chức năng Direct Reply Notifications trên Android Nougat sẽ giúp cho bạn không mất thêm thời gian vì phải chạy ứng dụng nếu muốn trả lời tin nhắn. Giống như tính năng Quick Reply trên iOS, người dùng Android N chỉ cần nhấn Reply vào một tin nhắn và nhập liệu ngay trên giao diện Direct Reply hiện ra sau đó mà không phải mở ứng dụng.

Google hiện đang mở rộng chức năng Direct Reply Notifications cho mọi ứng dụng nhắn tin, mạng xã hội khác (Facebook, Whatsapp, LINE…) để người dùng không phải thực hiện thêm thao tác mỗi khi muốn trả lời tin nhắn hay bình luận nữa.

Chức năng Direct Reply Notifications trên Android N.


Thanh Quick Setting mới

Thanh tùy chỉnh nhanh các kết nối và chức năng Quick Settings trên Android Nougat đã được Google trau chuốt lại gọn gàng và các biểu tượng cũng làm nhỏ lại và đẹp mắt hơn. Khi mở rộng bằng cách vuốt hai lần từ trên viền màn hình xuống (hoặc vuốt với hai ngón tay một lần) thì các biểu tượng sẽ được sắp xếp khoa học hơn và cho phép bạn tùy chỉnh lại vị trí (giống với kiểu mà Samsung và LG đang áp dụng cho TouchWiz và Optimus UX).

Với cải tiến này, người dùng sẽ không phải loay hoay đi tìm biểu tượng Bluetooth để mở hoặc mò mẫm để tìm nút bật đèn pin trên Android N.

Giao diện Quick Settings mới với tùy chọn Drag to add tiles để tùy biến.

Thanh thông báo cải tiến

Android Nougat có khả năng gom tất cả những thông báo của cùng một ứng dụng vào một nhóm để tiện cho người dùng theo dõi. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sắp xếp lại thứ tự theo thời gian. Ngoài ra, thanh thông báo này cũng hỗ trợ theo tác cử chỉ đa chạm bằng cách chạm hai ngón tay để xem chi tiết các thông báo.

Phần hiển thị chi tiết nội dung thông báo cũng kèm các tùy chọn để bạn trả lời, xóa hoặc lưu trữ (Archive). Để thiết lập kiểu thông báo cho từng ứng dụng trong tương lai, người dùng có thể nhấn đè vào một notification bất kỳ và chọn im lặng (Silent), chặn (Block) hoặc hiển thị theo một tần suất nhất định kèm âm báo hoặc rung ở mục More Settings…

Nhiều khả năng hữu ích với thanh thông báo mới trên Android N.

Doze Mode 2.0

Doze Mode phiên bản mới trên Android Nougat ấn tượng hơn nhiều lần so với chế độ Low Power Mode trên iOS 9 của Apple. Phiên bản đầu tiên của “Doze” được Google tích hợp trên Android Marshmallow. Về cơ bản, Doze đặt thiết bị ở trạng thái không hoạt động khi không sử dụng. Bên cạnh đó, “Doze” cũng sẽ theo dõi cử động của người dùng để từ đó xác định ra người dùng đang muốn làm gì và không muốn làm gì, từ đó sẽ tắt các ứng dụng, dịch vụ chạy nền để tiết kiệm pin.

Chế độ Doze Mode 2.0 trên Android Nougat còn mạnh mẽ hơn nữa. Thay vì đòi hỏi điện thoại phải ở trạng thái Stand by trong một thời gian, Doze có thể được kích hoạt ngay khi màn hình điện thoại Android tắt đi. Điều này sẽ giúp điện thoại Android Nougat có thể tiết kiệm được nhiều năng lượng hơn nữa.

Doze Mode 2.0 giúp tiết kiệm pin nhiều hơn cho thiết bị dùng Android N.

Mang lại hiệu năng sử dụng cao

Google cho biết Android Nougat sẽ mang lại hiệu năng xử lý tổng thể và nhất là hiệu năng đồ họa cao nhất cho thiết bị so với các phiên bản trước. Trong phần trình diễn của hãng tại sự kiện dành cho lập trình viên Google I/O năm 2016 đã cho thấy chất lượng đồ họa của game 3D khi chạy trên Android Nougat đẹp, nhanh và mượt. Cũng theo Google, nhờ việc tối ưu của trình JIT Complier trên hệ điều hành mới này mà tốc độ xử lý các tác vụ tăng từ 30% đến 600% so với phiên bản Android trước đó.

Các tính năng khác

Google chính thức xác nhận là chức năng mới có tên Launcher Shortcuts đang được phát triển ở giai đoạn thử nghiệm thứ hai và sẽ hoàn chỉnh ở các bản cập nhật tới. Chức năng này sẽ chính thức hỗ trợ màn hình cảm ứng lực nhấn, giúp người dùng gọi nhanh các chức năng của ứng dụng bằng cách nhấn đè lên các biểu tượng trên màn hình chủ (tương tự như 3D Touch trên iPhone 6s/6s Plus của Apple).

Android Nougat cũng hỗ trợ Unicode 9 giúp hiển thị tốt hơn mọi ký tự, trong đó có 72 biểu tượng Emoji mới.

Bên cạnh đó, chức năng Android Instant Apps trên Android N giúp người dùng có thể “dùng thử” các ứng dụng từ bất cứ đâu mà không cần cài. Với chức năng này, việc chạy ứng dụng Android sẽ dễ dàng giống như lướt web vậy.

Khác với các phiên bản trước, khi cập nhật hệ điều hành (Software updates) thì người dùng vẫn sử dụng máy bình thường chứ không bị thông báo yêu cầu khởi động lại. Chức năng cập nhật ở chế độ nền này thực sự hữu ích vì không làm gián đoạn công việc của bạn nữa.

Người dùng kỳ vọng gì ở Android N bản chính thức

- iOS 10 đã cho phép người dùng gỡ bỏ những ứng dụng cài sẵn như máy tính, ứng dụng Apple Watch, Stocks, Weather… Các “fan” của Android cũng mong muốn ở bản chính thức, Google sẽ không cài sẵn các ứng dụng Google Play Games, Google Play Books, Google+, Google Newsstand… vì đôi khi người dùng không bao giờ dùng đến.

- Cập nhật nhanh hơn là mong muốn tiếp theo của người dùng. Ở bản Android 6.0 Marshmallow, bạn phải đợi đến vài chục phút, thậm chí hơn nửa giờ mới hoàn tất. Do đó, Google cần phải rút ngắn thời gian cập nhật để không phải thử thách sự kiên nhẫn của người dùng nữa.

PC World VN 07/2016

PCWorld

Android N, Android Nougat, hệ điều hành di động


© 2021 FAP
  3,472,127       5/1,190