Công nghệ - Sản phẩm

Thunderbolt: Cú lội ngược dòng của Intel

(PCWorldVN) Cho đến thời điểm hiện tại, có thể nói công nghệ Thunderbolt 3 với đầu cắm chuẩn USB Type-C về cơ bản đã đáp ứng được hầu như mọi thứ mà người dùng mong đợi

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2009 khi Intel và Apple hợp tác để phát triển một giao thức truyền tải dữ liệu mới có tên gọi là Light Peak. Ban đầu, giao thức này do Apple đưa ra nhưng sau đó nhượng lại quyền cho Intel tiếp tục phát triển. Trong cụm từ Light Peak, chữ Light ám chỉ việc dùng sợi cáp quang để truyền dữ liệu, nhưng khi ra mắt thì nó lại chuyển thành cáp đồng vì một số lý do nào đó. Chính việc thay đổi kỹ thuật đã khiến Intel và Apple phải đổi luôn tên của công nghệ thành Thunderbolt.

Công nghệ giao tiếp Thunderbolt lần đầu tiên được đưa vào sử dụng trên mẫu máy tính xách tay MacBook Pro của Apple năm 2011. Intel cho biết, Thunderbolt được thiết kế đặc biệt nhắm đến những người đam mê âm nhạc và video. Người dùng có thể xử lý thời gian thực bằng cách đồng bộ hóa âm thanh và hình ảnh băng thông cao giữa máy tính và các thiết bị khác, giảm thiểu thời gian trễ mà các công nghệ kết nối khác thường gặp phải.

Công nghệ Thunderbolt cung cấp tốc độ siêu nhanh như “tia chớp”.

Thunderbolt 1 và Thunderbolt 2

Về mặt kỹ thuật, theo công bố của Intel thì công nghệ Thunderbolt thế hệ thứ nhất có tốc độ truyền dữ liệu giữa thiết bị chủ và các thiết bị ngoại vi lên đến 10Gbps theo lý thuyết cho mỗi kênh ra và vào, kết hợp lại sẽ có tổng băng thông lên đến 20Gbps. Với khả năng cung cấp băng thông cao nhờ sử dụng những giao tiếp tiên tiến như DisplayPort và PCIe, Thunderbolt đã mang tên gọi “một kết nối cho tất cả” và được kỳ vọng sẽ đè bẹp công nghệ kết nối USB với chuẩn 3.0 có tốc độ 5Gbps vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, thực tế đã không như mong đợi. Ngay từ những ngày đầu, chỉ có vài sản phẩm Thunderbolt được xuất xưởng khiến không ít người dùng cảm thấy thất vọng khi muốn khai thác tốc độ kết nối siêu nhanh này. Đồng thời, các hãng sản xuất phụ kiện hầu như chỉ hỗ trợ tập trung cho máy Mac khiến Thunderbolt không thể phổ biến rộng được.

Đến năm 2013, Intel tiếp tục cho ra mắt thế hệ tiếp theo của công nghệ Thunderbolt sử dụng cùng chuẩn đầu cắm Mini DisplayPort (MDP) như Thunderbolt đời đầu. Tuy nhiên, về mặt luận lý thì Thunderbolt 2 cho phép ghép kênh để có tổng băng thông tương đương 20Gbps thay vì tách ra mỗi kênh 10Gbps như của Thunderbolt 1. Kết nối này thực chất có nguyên lý hoạt động giống với Thunderbolt thế hệ đầu, bao gồm một kênh DisplayPort để truyền hình ảnh và một kênh PCIe để truyền dữ liệu.

Tuy có tốc độ cao gấp 4 lần so với mức 5Gbps của USB 3.0, nhưng Thunderbolt vẫn không thể cạnh tranh được với công nghệ USB vốn là giao tiếp kết nối gắn ngoài phổ biến nhất từng được tạo ra. Lý do đơn giản là vì giá thành cao, chi phí sản xuất đắt đỏ.

Trên thị trường, cáp Thunderbolt lúc đó có mức giá lên đến 50 USD (chip điều khiển Thunderbolt bên trong có giá khá cao, và chi tiết thì vẫn được giữ bí mật cho đến nay). Chuẩn Thunderbolt 1 và 2 chỉ có mặt trên các mẫu máy Mac của Apple. Trong khi đó, phần còn lại của thế giới PC vẫn còn xa lạ với kết nối này.

Để giảm bớt chi phí do tích hợp chip Thunderbolt đắt tiền với sản phẩm của mình, nhà sản xuất máy tính Asus đã phải bán rời loại card dành riêng có tên gọi là ThunderboltEX cho người dùng model bo mạch chủ Z77 muốn có thêm kết nối Thunderbolt. Trong khi đó, ngay cả Intel dường như cũng không tích cực thúc đẩy công nghệ Thunderbolt.

Không chỉ vậy, việc lấy được chứng nhận Thunderbolt có quy trình khá khó khăn và đòi hỏi chi phí cao nên các hãng phụ kiện hầu như ít có nhu cầu. Điều này cũng khiến cho giới công nghệ dự đoán Thunderbolt sẽ có một tương lai ảm đạm giống như trường hợp của FireWire.
Nhắc lại một chút về FireWire, chuẩn kết nối tốc độ cao này được Apple giới thiệu trong những năm 1990 nhằm cạnh tranh với USB nhưng cho đến nay được xem như đã thất bại. Mặc dù FireWire vượt trội về mặt kỹ thuật nhưng so về chi phí và độ phổ biến thì USB đã thắng. Trong trận chiến đó, Intel đã hậu thuẫn USB trong khi Apple hỗ trợ cho FireWire.

Thunderbolt bao gồm một kênh DisplayPort để truyền hình ảnh và một kênh PCIe để truyền dữ liệu.

USB Type-C cứu cánh

Trong khi Thunderbolt đang loay hoay tìm lối thoát thì USB vẫn không đứng yên. Hai năm sau khi Thunderbolt thế hệ đầu tiên xuất hiện, công nghệ USB đã ra đời đặc tả 3.1 mới với tốc độ lên đến 10Gbps, tăng gấp đôi so với USB 3.0 trước đó. Không chỉ có khả năng truyền tải dữ liệu tốc độ siêu cao, USB 3.1 còn có khả năng cung cấp điện năng cho các thiết bị công suất cao. Theo công bố, USB 3.1 cung cấp mức năng lượng lên đến 20V và 5A, cao hơn rất nhiều so với mức 5V và 1,8A của phiên bản USB trước.

Điểm nổi bật nhất của công nghệ USB 3.1 chính là đầu cắm nhỏ gọn có tên gọi là Type-C. Chính nhờ cả hai đầu cắm USB Type-C đều giống nhau và cho phép kết nối hai chiều (reversible plug orientation) nên người dùng sẽ không cần phải lo lắng về việc cắm ngược đầu giống như khi sử dụng các chuẩn đầu cắm USB thế hệ cũ.

Có thể nói, công nghệ USB Type-C là cứu cánh cho Thunderbolt. Tại Computex 2015, Intel đã giới thiệu một loạt thiết bị trang bị đầu cắm USB Type-C đại diện cho dòng sản phẩm Thunderbolt thế hệ thứ ba. Chuẩn Thunderbolt 3 có tốc độ truyền dữ liệu lên đến 40 Gbps, nhanh hơn gấp hai lần so với chuẩn Thunderbolt 2 và gấp 4 lần so với USB 3.1.

So với hai thế hệ Thunderbolt trước, tất nhiên là Thunderbolt 3 cũng có thể truyền tải tín hiệu video thông qua kênh DisplayPort và truyền dữ liệu thông qua PCIe. Đồng thời, với việc tích hợp bộ điều khiển USB vào đầu cắm USB Type-C thì Thunderbolt 3 cũng hoàn toàn có thể hỗ trợ các thiết bị theo công nghệ USB 3.1.

Theo các chuyên gia công nghệ, cuối cùng thì Thunderbolt cũng đã đạt được tầm nhìn về “một sợi cáp thay thế cho tất cả”, một cổng kết nối có thể truyền tải hình ảnh, dữ liệu, sạc điện năng cao và hỗ trợ USB.

Chính nhờ USB Type-C, các nhà sản xuất đã nhận thấy được sự hào hứng của người dùng đối với công nghệ Thunderbolt phiên bản mới và đây cũng chính là tính năng giúp cho các hãng tạo sự khác biệt trên sản phẩm của mình.

Về mặt thiết kế, cổng USB Type-C giúp tạo ra những thế hệ laptop mới mỏng hơn và nhẹ hơn. Với khả năng cung cấp băng thông tốt hơn, Thunderbolt 3 sẽ cho phép laptop có thể kết nối với card đồ họa gắn ngoài. Điều này giúp cho những chiếc laptop siêu mỏng mới chạy được các game nặng mà không gặp vấn đề gì.

Cuối cùng, để trả lời được cho câu hỏi Thunderbolt 3 sẽ có thể thay đổi mọi thứ hay không thì có lẽ cần phải có thêm thời gian. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, có thể nói công nghệ Thunderbolt 3 với đầu cắm chuẩn USB Type-C về cơ bản đã đáp ứng được hầu như mọi thứ mà người dùng mong đợi.

Thunderbolt thế hệ thứ 3 sử dụng đầu cắm chuẩn USB Type-C.

PC World VN 07/2016

PCWorld

cổng giao tiếp, Intel, Thunderbolt, Thunderbolt 3, usb, USB Type-C, USB-C


© 2021 FAP
  3,487,838       1/693