Công nghệ - Sản phẩm

Bảo vệ sự riêng tư trên Windows 10

(PCWorldVN) Windows 10 thu thập nhiều thông tin cá nhân của người dùng, do vậy, bạn cần kiểm soát chặt chẽ tính riêng tư hơn trước.

Rất nhiều thông tin cá nhân lưu trên máy tính mà bạn không muốn bị rò rỉ. Đó có thể là những tài liệu công việc quan trọng, hình ảnh riêng tư, hay các mật khẩu xác thực đăng nhập dịch vụ trực tuyến… Vì thế, để bớt lo lắng, bạn hãy thiết lập hệ thống, kiểm soát tính riêng tư ngay sau khi nâng cấp lên Windows 10.

Thiết lập quyền riêng tư
Để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dùng di động, kể từ Windows 8, Microsoft đã bổ sung một hệ thống phân quyền mới, cho phép các ứng dụng Modern UI sử dụng thông tin cá nhân thông qua việc truy cập tới camera, microphone, danh sách liên lạc, vị trí của bạn...

Về cơ bản, bạn cho phép hệ thống biết về mình càng nhiều thì càng được phục vụ tốt hơn, nhưng hệ lụy kèm theo là quyền riêng tư cũng có nguy cơ bị vi phạm nhiều hơn. Chẳng hạn, Windows 10 thu thập dữ liệu người dùng khi bạn duyệt web hay sử dụng các ứng dụng Windows 10, nhằm cung cấp thông tin về thói quen sử dụng của bạn cho các công ty, phục vụ quảng cáo theo mục tiêu. Để đối phó với những phiền phức này thì đơn giản là bạn tắt (Off) advertising ID trong màn hình thiết lập Privacy (Truy cập Start > Settings > Privacy, rồi chọn mục General ở phần màn hình bên trái).

Màn hình thiết lập Privacy cho phép bạn kiểm soát riêng tư theo ý mình. Microsoft mặc định để Windows 10 theo dõi bạn rất kỹ, thông qua vị trí, webcam và micro, danh sách liên lạc, các sự kiện, tin nhắn, lịch sử cuộc gọi Skype... Để hạn chế những quyền mặc định này, bạn chọn mục tương ứng ở phần màn hình bên trái, sau đó ở phần màn hình bên phải bạn kéo thanh trượt  về Off đối với những ứng dụng mà bạn muốn tắt quyền truy cập.

Nên nhớ, những tùy chỉnh thiết lập này chỉ áp dụng cho ứng dụng kiểu Modern UI được hiển thị. Hệ thống phân quyền của Microsoft vẫn tương đối mới, do vậy các thiết lập riêng tư có thể chỉ ảnh hưởng tới những ứng dụng tải về từ Windows Store, nhưng không ngăn được các ứng dụng khác ngầm sử dụng phần cứng của bạn.

Kiểm soát sự “tọc mạch” của Cortana
Cortana là một trợ lý số hữu ích, nhưng để tư vấn tốt hơn nó cần biết nhiều về bạn. Cortana yêu cầu tài khoản Microsoft. Bạn có một số lựa chọn, tắt hoàn toàn hoặc từng phần trong việc Cortana thu thập thông tin.

Để tắt Cortana, bạn chỉ việc nhấn vào hộp tìm kiếm Cortana (cạnh nút Start), từ menu hiện ra bạn nhấn vào biểu tượng Notebook (thứ ba, tính từ trên xuống) và nhấn Stettings. Bạn gạt thanh trượt trên cùng sang trái về Off là chấm dứt việc Cortana thu thập thông tin về bạn. Nhưng thông tin trên mây vẫn còn, nên nếu bạn muốn xóa triệt để thì chọn mục “Manage what Cortana knows about me in the cloud”. Sau đó có thể xóa thông tin cá nhân mà Cortana và các dịch vụ khác của Microsoft như Bing Maps đã thu thập về bạn.

Dùng tài khoản nội bộ thay vì tài khoản Microsoft
Đăng nhập Windows 10 bằng tài khoản Microsoft sẽ giúp bạn có được những thiết lập đồng bộ tự động, mang lại trải nghiệm liền mạch qua nhiều thiết bị. Để tăng cường bảo mật, bạn có thể kích hoạt cơ chế xác thực hai yếu tố cho tài khoản Microsoft của mình. Tuy nhiên, nếu bạn không muốn bị Microsoft theo giõi sát sao thì nên sử dụng tài khoản người dùng nội bộ (local account).

Nếu bạn cài mới Windows 10, có thể chọn “local account” khi cấu hình lần đầu. Nếu trong khi cài bạn chọn tài khoản Microsoft, thì về sau, trong môi trường Windows 10 bạn tạo tài khoản nội bộ mới, bằng cách truy cập Start > Settings > Account > Sign in with a local account instead.  Tiếp theo, bạn nhập mật khẩu tài khoản hiện tại, sau đó cung cấp tên người dùng mới (username) và mật khẩu đăng nhập (password). Nhấn chọn “Sign out an finish” để kết thúc và thoát ra; đăng nhập trở lại bằng thông tin tài khoản người dùng nội bộ mới tạo.

Một số tính năng (đáng chú ý nhất là Cortana) sẽ mất hiệu lực nếu bạn đăng nhập bằng tài khoản nội bộ thay vì là tài khoản Microsoft, đổi lại bạn sẽ yên tâm không có dữ liệu nào được đồng bộ hoặc chia sẻ mà bạn không hề biết.

Cẩn thận với Wi-Fi Sense
Một trong những tính năng của Windows 10 gây nhiều thắc mắc nhất là Wi-Fi Sense. Nó được thiết kế để cho phép người dùng tiện chia sẻ mạng Wi-Fi cho bạn bè, nhưng một số người lo ngại tính năng này cũng cho phép những người bạn của bạn của họ đăng nhập vào mạng và có thể làm những điều bất chính.

Tính năng Wi-Fi Sense tiện cho bạn kết nối mạng Wi-Fi mà bạn bè trong danh sách liên lạc chia sẻ với bạn.

Thực tế không hẳn như vậy. Những gì nó có thể làm là cho phép bạn chia sẻ băng thông mạng của mình cho những người cụ thể trong danh sách liên lạc, và họ có thể kết vào mạng để truy cập Internet mà không cần nhập mật khẩu. Tính năng này cũng có thể tự động kết nối bạn vào các mạng Wi-Fi mà những người bạn chia sẻ với bạn. 

Nếu bạn vẫn còn e ngại về Wi-Fi Sense thì có thể tắt đi. Truy cập Start > Settings > Network & Internet > Wi-Fi > Manage Wi-Fi Settings. Màn hình thiết lập sẽ cho phép bạn kiểm soát Wi-Fi Sense được sử dụng ra sao.

Để chấm dứt kết nối tới các mạng do những người bạn chia sẻ với bạn, trượt từ On sang Off đối với “Connect to suggested open hotspots” và “Connect to networks shared by my contacts”. Đối với những mạng Wi-Fi mà bạn chọn chia sẻ, chuyển tới phần “For networks I select, share them with my”, rồi bỏ chọn các liên lạc Outlook.com, Skype và bạn bè Facebook.

Phòng chống mã độc
Windows 10 tích hợp Windows Defender giúp bạn phòng chống malware và các loại virus. Nhưng nếu bạn vẫn chưa cảm thấy yên tâm với giải pháp của Microsoft thì có thể cài thêm công cụ phòng chống virus/malware tên tuổi khác, như Norton Security, McAfee LiveSafe, Malwarebytes Anti-Malware. Bạn cũng nên tải về các extensions bảo vệ sự riêng tư cho trình duyệt, như AdBlock Plus, Disconnect. Thêm nữa, việc sử dụng mạng riêng ảo (VPN) thực sự hữu ích để bảo vệ sự riêng tư cho bạn, tránh những con mắt rình rập trên Internet.

Bên cạnh đó, máy tính bạn mới mua có thể đã được nhà sản xuất cài sẵn Windows 10, kèm theo một số ứng dụng bloatware mà có thể tiềm ẩn những lỗ hổng bảo mật dễ bị hacker khai thác để đột nhập máy của bạn. Vì vậy, dọn “sạch” hệ thống trước khi sử dụng là điều nên làm.

Bạn hãy gỡ bỏ hoặc vô hiệu hóa những phần mềm không mong muốn bằng cách truy cập Start > Settings > System > Apps & features. Tiếp theo, nhấn chọn vào ứng dụng cần gỡ bỏ và nhấn nút Uninstall. Với ứng dụng có biểu tượng trên menu Start, bạn chỉ việc nhấp phải chuột vào biểu tượng và chọn Uninstall.

PC WORLD VN, 07/2016

PCWorld

cài đặt Windows 10, khai thác Windows 10, nâng cấp Windows 10, thủ thuật Windows 10, Thương Huyền, Windows Update


© 2021 FAP
  3,370,567       42/1,321