Công nghệ - Sản phẩm

VINASA: Kiến nghị khẩn thiết về điều luật 292

(PCWorldVN) Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam cho rằng điều 292 của Bộ luật Hình sự 2015 đang gây hoang mang, lo lắng trong cộng đồng khởi nghiệp nói riêng và CNTT nói chung.

Theo đó, vào ngày 8/8, với vai trò của một tổ chức xã hội nghề nghiệp chuyên ngành, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp CNTT và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực CNTT, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam - VINASA đã gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, bộ ngành hữu quan một bản kiến nghị khẩn thiết về điều 292 của Bộ luật Hình sự 2015.

Trong văn bản gửi đi, VINASA cho rằng, điều 292 gây tác động tiêu cực đối với ngành CNTT và nền kinh tế nói chung.

Ảnh minh họa.

Với những điểm vi phạm, mâu thuẫn và bất hợp lý của điều 292 được nêu trong bản kiến nghị, VINASA đưa ra dự báo, nếu thực thi điều 292 vào thực tiễn sẽ gây ra các hệ lụy nghiêm trọng sau đây:

  • Điều 292 không chỉ đặt các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT, mà còn đặt mọi doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện vào nguy cơ bị hình sự hoá khi nỗ lực đổi mới sáng tạo trong việc cung cấp điện tử hoá trên mạng các dịch vụ kinh doanh truyền thống. Điều này sẽ gây tác động cản trở hoạt động đổi mới sáng tạo, kìm hãm hoạt động khởi nghiệp công nghệ, phá hỏng những nỗ lực hiện nay của Đảng, Chính phủ và cộng đồng xã hội trong việc xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp.
  • Ảnh hưởng xấu đến hình ảnh môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của Việt Nam đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ CNTT; làm suy giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế so với các quốc gia khác trong khu vực; Có nguy cơ gây bất lợi cho Việt Nam trong bối cảnh hội nhập trong cộng đồng kinh tế ASEAN và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là TPP;
  • Gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ CNTT nói riêng và nhiều ngành nghề, lĩnh vực hiện đang thuộc diện kinh doanh có điều kiện nói chung;
  • Tăng nguy cơ dẫn đến chảy máu chất xám, thất thu thuế khi các doanh nghiệp công nghệ đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam bỏ ra nước ngoài thành lập doanh nghiệp. Mặt khác lại tăng thêm lý do và động cơ để các doanh nghiệp nước ngoài duy trì và phát triển mô hình cung cấp dịch vụ qua mạng Internet xuyên biên giới vào Việt Nam mà không đăng ký hoạt động chính thức tại Việt Nam để tránh thuế và tránh phải xin phép, tránh trách nhiệm hình sự.
  • Đối xử bất công đối với doanh nhân, doanh nghiệp, những người làm ăn chân chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội, làm giàu cho đất nước nhưng lại dễ dàng bị quy kết thành tội phạm chỉ vì những lỗi vi phạm về thủ tục hành chính, làm thui chột tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp.
  • Tạo tiền đề cho cơ chế xin cho nặng nề trong việc cấp giấy phép và đẻ ra các loại giấy phép con trong các ngành kinh tế và các tiêu cực khác như khả năng lạm dụng qui định của luật để sách nhiễu doanh nghiệp.

Trong bản kiến nghị được gửi đi, VINASA còn đưa ra 2 lập luận quan trọng khác là:

  • Điều 292 đi ngược lại với quan điểm chủ trương, chính sách, chiến lược của Đảng và Chính phủ về thúc đẩy phát triển, ứng dụng CNTT; ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của không chỉ ngành CNTT mà còn của tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước.
  • Điều 292 không phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển trong thời đại số. 
Đối với mỗi quan điểm đánh giá về sự bất hợp lý, mẫu thuẫn, vi phạm trong nội dung của Điều 292 Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015 đưa ra trong bản kiến nghị, VINASA đều phân tích rất kỹ càng và có dẫn chứng, ví dụ cụ thể.

Đơn cử như, để làm rõ luận điểm “Điều 292 hình sự hóa hoạt động kinh doanh trái phép, đồng thời với hình sự hóa hoạt động kinh doanh trên mạng”, VINASA đã phân tích kỹ 4 dấu hiệu định tội quy định tại Điều 292 gồm: Hành vi cung cấp một trong các dịch vụ (kinh doanh vàng trên tài khoản, sàn giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp, trung gian thanh toán, trò chơi điện tử trên mạng, các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật); Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông (gọi chung là mạng) để cung cấp dịch vụ; Không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép; và thu lợi bất chính trên 50 triệu đồng hoặc có doanh thu trên 200 triệu đồng.

“Với 4 dấu hiệu định tội trên, đặc biệt là với qui định quét tại điểm e khoản 1 thì tất cả các hoạt động kinh doanh dịch vụ trên mạng nằm trong danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo qui định của Luật Đầu tư 2014 đều có thể bị coi là tội phạm nếu vi phạm về điều kiện kinh doanh và “thu lợi bất chính từ 50 triệu trở lên hoặc có doanh thu từ 200 triệu trở lên”.

Vì vậy thực chất điều 292 vẫn là tội kinh doanh trái phép giống như Điều 159 BLHS 1999 nhưng có phạm vi điều chỉnh hẹp hơn, áp dụng đối với hoạt động kinh doanh trên mạng trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Mức độ hình sự hóa hoạt động kinh doanh trái phép của Điều 292 còn cao hơn, với hình phạt nặng hơn so với tội kinh doanh trái phép qui định tại Điều 159 của BLHS 1999, thể hiện ở khung hình phạt cao nhất của điều 292 lên tới 5 năm tù so với khung hình phạt cao nhất của điều 159 BLHS 1999 là 3 năm tù”, kiến nghị của VINASA lập luận.

Đồng thời, theo kiến nghị, quan điểm hình sự hóa hoạt động kinh doanh trên mạng được thể hiện ngay trong qui định tội danh của Điều 292 là: “Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông”. Việc hình sự hóa hoạt động kinh doanh trên mạng còn được thể hiện rõ qua việc qui định dấu hiệu sử dụng mạng để thực hiện hành vi cung cấp dịch vụ là dấu hiệu định tội thay vì chỉ coi là dấu hiệu định khung.

Với dấu hiệu định tội này, chỉ những hành vi kinh doanh trái phép được thực hiện bằng phương thức sử dụng mạng (hành vi kinh doanh được thực hiện trên mạng) thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự còn hành vi kinh doanh trái phép được thực hiện trực tiếp, không đưa lên mạng thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mặc dù bản chất của hai hành vi là như nhau, cùng xâm phạm một khách thể.

Ví dụ, hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp trái phép nếu không sử dụng mạng máy tính và mạng viễn thông để kinh doanh thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự còn thực hiện qua mạng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.Trong trường hợp này yếu tố gây nguy hại cho xã hội cần ngăn chặn là hành vi kinh doanh đa cấp trái phép chứ không phải là hành vi đưa hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép lên mạng.

Việc sử dụng mạng có nguy cơ gây hậu quả lớn hơn nhưng không làm thay đổi bản chất của hành vi. Do đó dấu hiệu sử dụng mạng để tiến hành hoạt động kinh doanh trái phép chỉ nên là coi là dấu hiệu định khung hình phạt do có tác động gây hậu quả nghiêm trọng hơn, ví dụ như qui định tại các điều 155, 156…

PCWorld

Bằng Linh, khởi nghiệp công nghệ, ứng dụng CNTT, VINASA


© 2021 FAP
  3,365,741       1/876