Công nghệ - Sản phẩm

Xe tự lái - không ngại công nghệ mà ngại con người

(PCWorldVN) Vụ tai nạn gây thiệt mạng tài xế chiếc xe Tesla Model S làm dấy lên mối ngờ vực về tương lai của xe tự lái.

Xe tự lái nguy hiểm ra sao?
Gần đây, tràn ngập thông tin trên các tờ báo và trang mạng về vụ tai nạn làm thiệt mạng tài xế chiếc xe Tesla Model S khi đang chạy với chế độ tự lái Autopilot đã đâm vào một chiếc xe đầu kéo chạy phía trước. Thảm họa này đã làm dấy lên mối hoài nghi: liệu công nghệ xe tự lái có thực sự an toàn? Và một câu hỏi khác cũng không kém phần quan trọng là, con người đã sẵn sàng sử dụng công nghệ lái xe bán tự động hay chưa?

Công nghệ xe tự lái vẫn đang dần được hoàn thiện, nhưng điều đáng ngại còn ở chỗ con người chưa sẵn sàng.

Vụ tai nạn xảy ra hôm 7/5 ở thành phố Williston, thuộc bang Florida của Mỹ, được biết đến như là thảm họa gây chết người đầu tiên liên quan đến việc sử dụng công nghệ lái xe tự động dựa trên phần mềm máy tính cùng các cảm biến, camera và radar. Đáng chú ý đây là công nghệ tự lái được phát triển bởi chính Tesla – công ty hàng đầu trong lĩnh vực thời thượng và đầy triển vọng này.

Qua dữ liệu trích xuất từ chiếc xe gặp nạn ghi lại, Tesla Motors đã đăng một bài viết blog, thừa nhận hệ thống cảm biến của chiếc Model S đã không phân biệt được màu trắng bên hông thùng rơ moóc khi chiếc xe tải rẽ ngang phía trước và bầu trời sáng chói. Tesla Model S cứ thế lao thẳng, không giảm tốc độ, và gặp nạn.

Vụ việc đang được điều tra thì lại xảy ra một tai nạn khác với mẫu xe Model X cũng của Tesla vào hôm 1/7 ở Pittsburgh, Mỹ. Tài xế xe sau đó cho biết, ông vừa kích hoạt chế độ lái tự động Autopilot thì chiếc xe đã tạt sang làn đường bên phải, đâm vào dải rào chắn và bị lật úp. Trong vụ này Tesla đã chối bỏ trách nhiệm với tuyên bố không có bất cứ lý do nào cho thấy Autopilot là tác nhân gây ra tai nạn. Dù vậy, nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ độ chuẩn xác của hệ thống phân tích tự lái khi xe vận hành trong môi trường khắc nghiệt.

Được biết, chiếc Model X gặp nạn trên tuyến đường vốn có nhiều quãng hẹp với vỉa hè bê tông gây khó cho hệ thống phân tích tự lái.

Xe hơi tự lái trong môi trường khắc nghiệt là một ý tưởng tồi, theo David Mindell, giáo sư Khoa Hàng không và Vũ trụ của Đại học MIT. Ông lấy dẫn chứng chương trình tàu không gian Apollo đã đưa các phi hành gia của Mỹ lên mặt trăng 6 lần. Công cuộc thám hiểm mặt trăng theo kế hoạch ban đầu là tự hành hoàn toàn, các phi hành gia là những hành khách thụ động. Sau nhiều điều chỉnh, cuối cùng các phi hành gia phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, bao gồm đáp một mô-đun lên mặt trăng.

Theo giáo sư Mindell thì máy tính trong phi thuyền Apollo chỉ hỗ trợ điều khiển tự động ở mức trung bình. “Máy tính với các phần mềm dựa trên những thuật toán phức tạp không thể thay thế con người hoàn toàn, nhưng cho phép họ điều khiển đáp xuống mặt trăng”, ông nhận định.

Trong một ví dụ khác, Mindell viện dẫn máy bay thương mại có các hệ thống tự động, như bay tự động và hạ cánh tự động, nhưng vẫn đòi hỏi sự có mặt của các phi công được đào tạo bài bản để quản lý các hệ thống này và ra những quyết định quan trọng theo thời gian thực.

Mindell cho rằng xe có khả năng tự hành ngày càng phát triển sẽ giảm gánh nặng vận hành cho con người, nhưng tự lái hoàn toàn thì không hợp logic trong lĩnh vực xe hơi.

Sự sùng bái Tesla và công nghệ
Thực tế là những người sở hữu xe Tesla rất ngưỡng mộ chất lượng xe và khả năng kết nối, xử lý tinh tế của tính năng tự động Autopilot.

Cũng như nhiều chủ xe Tesla Model S khác, Brown rất thích trải nghiệm khả năng của hệ thống Autopilot và đã đăng nhiều video khoe xe vận hành trong chế độ lái tự động. Thời điểm xảy ra tai nạn chết người, tài xế xe tải cam đoan Brown đang xem phim Harry Potter, nhưng báo cáo của cảnh sát không khẳng định điều đó, còn Tesla thì cam đoan không thể phát phim để xem trên màn hình trung tâm giải trí của xe.

Brown 40 tuổi, theo lời gia đình ông, là một chuyên gia bậc thầy về rà phá bom mìn (Explosive Ordnance Disposal) trong lực lượng hải quân Mỹ, và là một doanh nhân. Trước đây, ông là thành viên của SEAL Team 6 – biệt đội đột kích khét tiếng thuộc Nhóm triển khai chiến tranh đặc biệt hải quân Mỹ.
Theo những tài liệu đã được công bố, Brown là người đam mê công nghệ tiên tiến và đặc biệt công nghệ tích hợp trong xe Tesla Model S mà ông gọi là “Tessy”. Ông thậm chí cho rằng hệ thống Autopilot đã từng cứu mình thoát khỏi một vụ tai nạn rất có thể xảy ra. Một đoạn video do Brown đăng tải trên YouTube cho thấy chiếc Model S của ông đã tự đánh lái để tránh một chiếc xe tải tạt ngang trước mặt. Đồng sáng lập kiêm CEO của Tesla, ông Elon Musk, đã đăng lại video này trên tài khoản Twitter của mình để minh chứng khả năng đáng nể của Autopilot.

Tesla Model S sử dAụng nhiều cảm biến, gồm cả cảm quang, siêu âm và sóng radar, để nhận biết xung quanh khi lưu thông trên đường.

Tesla rất tự tin vào công nghệ của mình. Công ty khẳng định hệ thống tự lái Autopilot có khả năng xử lý tình huống chính xác và nhanh hơn con người, và rằng những vụ tai nạn xảy ra mới đây không phải do hệ thống tự lái mà lỗi thuộc về con người.

Tuy nhiên, phần mềm Autopilot của Tesla nằm trong chương trình thí điểm, và chưa hề được nhắm tới như là một công nghệ lái tự động hoàn toàn. AutoPilot là một tính năng tùy chọn và không kích hoạt mặc định mà đòi hỏi tài xế phải bật lên.

Trong khi các hệ thống điều khiển hành trình có khả năng thích nghi và phanh tự động là những tính năng ngày càng trở nên thông dụng trong nhiều mẫu xe đời mới ngày nay, Tesla đã đưa hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến (ADAS) lên một cấp độ mới cao hơn, bao gồm tự lái đường xa và chuyển làn tự động. Tuy nhiên, Autopilot không tự động hoàn toàn; đây là một chương trình thử nghiệm rộng rãi nhằm hỗ trợ chứ không đảm nhận toàn bộ nhiệm vụ lái xe. Dữ liệu từ chương trình thử nghiệm được truyền về Tesla, cho phép công ty cải tiến công nghệ.

Hiện tại, chức năng Autopilot của Tesla mới đạt mức 2 về chức năng tự lái, theo NHTSA (Cơ quan an toàn giao thông đường cao tốc Mỹ). NHTSA đặt ra 5 cấp độ đặc tả chức năng tự lái, từ 0 – không có tính năng tự lái, cho đến 4 – xe tự lái hoàn toàn.

Mức 2 liên quan đến tự động hóa ít nhất 2 chức năng điều khiển chính được thiết kế để hoạt động cùng lúc, chẳng hạn như điều khiển lái tự động có khả năng thích ứng kết hợp với canh làn. Trên thực tế dù tính năng Autopilot của Tesla chỉ mới đạt tiêu chuẩn của mức 2, một số chủ xe Tesla đã quá mạo hiểm khi sử dụng như thể nó đã đạt mức 4 – tự lái hoàn toàn.

Theo khuyến cáo của Tesla thì mặc dù hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến của công ty, như tính năng Autosteer, có thể chuyển hướng cũng như điều chỉnh tốc độ xe phù hợp khi vận hành, nhưng tài xế vẫn phải luôn đặt tay trên vô lăng để có thể phản ứng kịp thời với những tình huống bất ngờ.

Nhưng nhiều tay lái đã phớt lờ cảnh báo của Tesla. Chỉ vài ngày sau khi Autopilot được phát hành như một bản nâng cấp phần mềm qua mạng không dây, một loạt video xuất hiện trên YouTube cho thấy những cảnh tài xế trên xe Tesla Model S đã buông tay khỏi vô lăng khi xe đang chạy. Thậm chí có người còn mạo hiểm trèo ra hàng ghế phía sau để thể hiện niềm tin vào công nghệ tự lái.

Trước tình cảnh hồ hởi đón nhận công nghệ lái tự động của người dùng, hồi năm ngoái Musk tuyên bố sẽ hạn chế phần nào tính năng này.

Theo nhiều nguồn tin rò rỉ, Tesla có thể sẽ phát hành phiên bản Autopilot 2.0 vào cuối năm nay với nhiều cải tiến dựa trên dữ liệu thu thập được từ chương trình thử nghiệm.

2 năm nữa sẽ có xe tự lái hoàn toàn?
Cũng như công nghệ của Tesla, đại đa số các dòng xe hơi chủ đạo trang bị tính năng tự lái sẽ được điều khiển bởi hệ thống ADAS, theo Gill Pratt, CEO của Toyota Research Institute cho biết trong bài phát biểu mới đây trước báo giới và các nhà phân tích tại một hội nghị ở Đại học MIT. Ông nói, các nhà sản xuất xe hơi đang và sẽ tập trung nhiều hơn vào ADAS trong nhiều năm nữa.

Tuy nhiên, Tesla đã tuyên bố rằng công ty sẽ ra mắt mẫu xe hoàn toàn tự động vào năm 2018. Nghĩa là triển vọng không xa tài xế không còn phải đặt tay thường xuyên trên vô lăng.

Các hãng xe hơi Nhật Bản Toyota, Nissan Motor và Honda Motor kỳ vọng đến năm 2020 sẽ ra mắt xe tự lái. Olympics mùa hè 2020 diễn ra tại Tokyo sẽ là dịp để các hãng này khuếch trương xe hơi tự lái của họ.

Không chỉ có Tesla, hầu hết các hãng sản xuất xe hơi lớn đều công bố kế hoạch phát triển xe hơi hoàn toàn tự động. Chẳng hạn, BMW mới công bố kế hoạch tới năm 2021 sẽ sản xuất xe hơi hoàn toàn tự động mang tên iNEXT, có thể tự hành cả trên đường phố và đường cao tốc.

Cho đến thời điểm hiện tại thì ADAS của Tesla đang tỏ ra vượt trội hơn hệ thống của các hãng khác.

Đề cập đến vụ Brown bị tử nạn, CEO Elon Musk cho biết đây là lần đầu tiên xảy ra tai nạn chết người với xe tự lái Tesla sau 130 triệu dặm lăn bánh với Autopilot được kích hoạt. Ông so sánh con số thống kê đó với số tử vong vì tai nạn cho khoảng mỗi 60 triệu dặm xe lăn bánh trên toàn cầu. Theo tính toán của Musk, Autopilot ít nhất cũng an toàn hơn 50% so với những xe hơi không trang bị tính năng này.

Trong khi Autopilot có thể giúp xe hơi an toàn hơn, nó cũng để lộ ra những khiếm khuyết “chết người”. Công nghệ tự động giúp giảm tải công việc cho con người, nhưng mặt khác có thể dẫn đến những hệ lụy khi con người quá tin tưởng vào công nghệ còn hạn chế.

Các hệ thống ADAS sẽ cần phải được cải tiến nhiều hơn. Chẳng hạn phải có những cảnh báo sao cho tài xế không buông vô lăng quá lâu. Hoặc có lẽ cần có một camera quan sát bên trong để khi phát hiện tài xế có hành động nào đó thiếu an toàn thì hệ thống tự lái điều khiển xe tấp vào lề đường, buộc phải thiết lập lại hệ thống mới tiếp tục được hành trình.

Dù sao thì khả năng an toàn cần được cải tiến để tài xế không thể lạm dụng ADAS, mà buộc họ phải sẵn sàng tiếp nhận quyền điều khiển chiếc xe của họ.

PC WORLD VN, 08/2016
 

PCWorld

trí tuệ nhân tạo, xe hơi thông minh, xe tự lái


© 2021 FAP
  3,367,187       1/876