Công nghệ - Sản phẩm

Xã hội hóa ứng dụng CNTT cho ngành y tế TP.HCM

(PCWorldVN) Các bệnh viện đóng trên địa bàn TP.HCM đang tích cực đầu tư, nâng cấp và cải thiện hệ thống công nghệ bao gồm hạ tầng, phần mềm và nhân lực.

Toàn cảnh ứng dụng CNTT của ngành y tế TP.HCM

Báo cáo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM tại Hội thảo toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam lần thứ 21 với chủ đề “Kỷ nguyên số trong chăm sóc sức khoẻ” hồi tháng 6/2016 cho biết  trong số 113 bệnh viện tại TP.HCM thì chỉ có một số bệnh viện có hệ thống công nghệ và CNTT khá hoàn chỉnh, còn phần lớn hiện tại chỉ đáp ứng yêu cầu ở mức cơ bản.

Ông Lê Mạnh Hà - Phó chủ nhiệm văn phòng chính phủ, Tổng Thư ký UB Quốc gia về ứng dụng CNTT

Với mục tiêu ứng dụng CNTT nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân và nhất là cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà  nhưng tính đến hiện tại số đơn vị thuộc ngành y tế TP.HCM vẫn chưa chú trọng vào công tác này và triển khai đồng đều.

Nhận định về ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế, ông Lê Mạnh Hà - Phó chủ nhiệm văn phòng chính phủ, Tổng Thư ký UB Quốc gia về ứng dụng CNTT cho biết "Trong nội dung của chính phủ điện tử thì có rất nhiều ứng dụng được triển khai từ việc liên thông hệ thống mạng các cấp chính quyền cho đến giải quyết bài toán giao thông... thì đặc biệt nhất phải kể đến chính là ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế".

Theo ông Hà thì các ứng dụng công nghệ cũng như thiết bị số đã thay đổi sâu sắc bộ mặt của ngành y tế, tuy nhiên việc triển khai còn riêng lẻ và chưa được kết nối thành một hệ thống lớn. Nghị quyết 36A về chính phủ điện tử có những nội dung quan trọng cho ngành y tế, ví dụ như ứng dụng CNTT trong quản lý và giám sát bảo hiểm y tế, triển khai khám chữa bệnh từ xa... Điều này cũng chỉ ra rằng ngành y tế nói chung cũng như ngành y tế TP.HCM nói riêng cần phối hợp với các đơn vị chuyên về CNTT để mang đến những giải pháp, ứng dụng tốt nhất cho người dân.

Từ năm 1996, ngành y tế  TP.HCM đã bắt đầu triển khai áp dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh và hệ thống báo cáo thống kê qua mạng nhưng tính đến này vẫn còn 10 bệnh viện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu này. Ngoài việc tất cả bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã có mạng LAN và kết nối Internet băng  thông rộng thì phần lớn những hệ thống này lại không có thiết bị dự phòng, giải pháp sao lưu, phục hồi dữ liệu chưa đầy đủ, và khó khăn nhất hiện nay của các đơn vị là tuyển dụng nhân lực chuyên trách CNTT.

TS. BS Tăng Chí Thượng - Phó Giám Đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngành y tế TP.HCM vẫn chưa có định hướng chiến lược rõ nét về phát triển và ứng dụng CNTT. Các đơn vị thường triển khai theo nhu cầu và theo  khả năng của mình dẫn đến việc đầu tư tản mạn, thiếu đồng bộ.

Một số lãnh đạo chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của ứng dụng CNTT nên việc xây dựng hạ tầng cũng như đầu tư nhân lực cho bộ phận CNTT còn gặp rất nhiều hạn chế

Xác định mục tiêu phát triển việc ứng dụng CNTT một cách hiệu quả cho ngành Y tế TP.HCM trong thời gian tới, TS.BS Tăng Chí Thượng - Phó Giám Đốc Sở Y tế TPHCM  cho rằng hiện nay có nhiều cơ hội và thách thức cho các nhà quản lý bệnh viện trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động khám chữa bệnh. 

Hệ thống y tế TP.HCM

Theo định hướng của  ngành Y tế thì việc đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNTT tại mỗi cơ sở là nhằm phục vụ công tác quản lý và điều hành tại mỗi đơn vị, cải cách hành chính để giảm thiểu áp lực cho nhân viên y tế và người dân. Cùng với đó là ứng dụng để phù hợp với xu hướng phát triển CNTT từ việc xây dựng kho dữ liệu dùng chung, liên thông dữ liệu nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là xây dựng y tế thông minh.

Theo đó, Sở Y tế TP.HCM dự kiến đến năm 2017 sẽ hoàn chỉnh hạ tầng Trung tâm dữ liệu tập trung của ngành Y tế trên địa bàn thành phố. Mọi dữ liệu từ các đơn vị thành viên cũng như các bệnh viện sẽ sớm được đồng bộ và đến năm 2020 thì tất cả các cơ sở y tế đều được kết nối vào trục liên thông tích hợp chung của TP.HCM.

CNTT là yếu tố mang lại rất nhiều lợi ích trong thực hành y khoa, điều này đã được thực tế chứng minh. Trong đó, lợi ích nổi bật nhất là giúp lưu trữ và phân tích số liệu cho nghiên cứu khoa học, hỗ trợ y tế từ xa (telemedicine), giúp bác sĩ đưa ra quyết định lâm sàng nhanh chóng và chính xác; giảm thiểu tử vong do sai lầm trong công tác chẩn đoán bệnh.

Ứng dụng CNTT trong ngành Y tế TP.HCM

Trong y học hiện đại, các loại máy móc thiết bị xét nghiệm đều được tự động hóa hoàn toàn, giúp nâng cao độ chính xác và giảm bớt thao tác khi làm xét nghiệm. Song song với đó, máy móc chẩn đoán hình ảnh cũng được trang bị ứng ụng kỹ thuật dựng hình nhằm thể hiện hình ảnh bệnh lý 3 chiều, phục vụ cho công tác chẩn đoán và điều trị ngoại khoa. Kỹ thuật nội soi cũng là một bước tiến quan trọng giúp can thiệp điều trị bệnh hiệu quả, đồng thời tiết giảm chi phí...

Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế xã hội, các bệnh viện tại Việt Nam cũng đã và đang không ngừng trang bị thêm nhiều thiết bị y tế hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh như: Máy xét nghiệm tự động, X quang kỹ thuật số, máy siêu âm 3D, 4D, PET-CT, máy chụp cắt lớp, cộng hưởng từ... Những thiết bị y tế này đã giúp công tác chẩn đoán và điều trị bệnh tăng lên đáng kể, đồng thời góp phần đưa nền y tế Việt Nam đi lên, bắt kịp sự tiến bộ của nền y tế khu vực.

Bệnh viện Thủ Đức là một trong những đơn vị đầu ngành trong việc ứng dụng CNTT phục vụ công tác khám chữa bệnh.  Đây là bệnh viện đầu tiên đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện MEDISOFT từ năm 2008 và cũng là đơn vị đầu tiên thí điểm thành công bệnh án điện tử ngoại trú và ở một số khoa nội trú. Ngoài việc hồ sơ bệnh án được in ra và lưu trữ theo qui định thì những bệnh án điện tử vẫn được lưu trữ trên máy bằng định dạng PDF với chữ ký số đi kèm. Bệnh viện Thủ Đức đã đầu tư hạ tầng, trang thiết bị hệ thống mạng theo quy định với một hệ thống máy chủ ảo hóa với hơn 500 máy trạm, hệ thống PACS, hệ thống mạng LAN và phối hợp với công ty VNPT đăng ký chữ ký số, chứng thư số cho khoảng 350 bác sĩ, 50 điều dưỡng cùng hệ thống các biểu mẫu liên kết với nhau để vận hành hệ thống bệnh án điện tử. Bước đầu bệnh viện đã triển khai thực hiện thí điểm bệnh án điện tử tại Khoa nội tiết do bệnh nội khoa có nhiều bệnh lý phối hợp, với khoảng 20 giường/ngày và nhân lực đảm bảo được điều kiện vận hành hệ thống bệnh án điện tử.

Ngoài ra, trên địa bàn TP.HCM  cũng đang có nhiều bệnh viện đã triển khai thực hiện có hiệu quả những mô hình cải tiến chất lượng khám chữa bệnh.  Bệnh viện Nhi đồng 1 đã triển khai hiệu quả quy trình “báo động đỏ” giúp phản ứng nhanh đã cứu sống nhiều bệnh nhân trong trường hợp nguy kịch; xây dựng thư viện điện tử tra cứu thông tin thuốc và sử dụng thông tin thuốc để khuyến cáo, cảnh báo kê toa. Quy mô của việc triển khai quy trình “báo động đỏ”  hiện nay đã  có liên kết với các các bệnh viện đầu ngành của thành phố như bệnh viện Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định,  BV Nhi đồng 2, BV Từ Dũ, BV Hùng Vương và BV truyền máu, huyết học.

Bệnh viện Nhân dân Gia Định xây dựng quy trình chăm sóc bệnh nhân theo quy trình chuyên môn Care Pathway và quản lý công tác Dược lâm sàng, thông tin về thuốc trên phần mềm kê đơn.  Bệnh viện Nhân Dân 115 triển khai hiệu quả hệ thống vận chuyển thuốc tại Khoa cấp cứu, quy trình chăm sóc bệnh nhân và mô hình phòng công tác xã hội.

Đối với việc quản lý hoạt động khám chữa bệnh, Sở Y tế TP.HCM phối hợp cùng VNPT đã triển khai thành công thí điểm hệ thống phần mềm VNPT-HIS tại 2 bệnh viện huyện và 28 trạm y tế thuộc huyện Cần Giờ và Củ Chi.

Giải pháp VNPT-HIS được ứng dụng tại các trạm y tế cho phép quản lý toàn bộ hoạt động khám chữa bệnh tại trạm bằng CNTT, từ thông tin bệnh nhân, dược phẩm, cận lâm sàng, viện phí hay lịch sử điều trị cho đến cung cấp thông tin trực tuyến về tình hình hoạt động khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tại cơ sở.  Ngoài ra, hệ thống còn giúp các trạm y tế quản lý đầy đủ thông tin về khám chữa bệnh với bảo hiểm y tế, tự động kết xuất dữ liệu thanh toán bảo hiểm y tế dạng XML và đã gửi qua cổng thông tin giám định bảo hiểm y tế.

Sau khi triển khai ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý khám chữa bệnh VNPT-HIS, hai bệnh viện huyện và 28 Trạm Y tế  thuộc Cần Giờ và Củ Chi đã thực hiện tốt công tác quản lý khám bệnh, chữa bệnh bằng CNTT với hơn 40.500 lượt, trong đó có gần 2.500 lượt bệnh nhân không có thẻ BHYT.

Ngoài các ứng dụng được thiết lập thì hạ tầng CNTT tại các trạm y tế địa phương 2 huyện Củ Chi và Cần Giờ cũng có nhiều thay đổi khi đường truyền cáp quang băng thông rộng được nâng cấp tối thiểu 12 Mbps, cùng đó là các phương án dự phòng (backup) bảo đảm băng thông và hoạt động liên tục và ổn định, đồng thời VNPT trao tặng 20 bộ máy tính cho các Trạm Y tế xã tại huyện Củ Chi để triển khai VNPT-HIS.

Giới CNTT TP.HCM bàn về ứng dụng công nghệ trong ngành Y tế

Xã hội hóa ứng dụng CNTT cho Y tế TP.HCM

Sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ điện toán đám mây (cloud computing) mang lại cách tiếp cận mới trong triển khai ứng dụng cho toàn xã hội nói chung và ngành y tế nói riêng. Thay đổi việc đầu tư chủ sở hữu hệ thống CNTT từ hạ tầng đến phần mềm… sang thuê dịch vụ trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây theo nhu cầu

Đại diện hội Tin học TP. Hồ Chí Minh, ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đã đề xuất giải pháp “xã hội hóa” ứng dụng CNTT trong ngành y tế. Ông cho rằng “Bản chất của việc xã hội hóa ứng dụng CNTT là thay đổi đầu tư ứng dụng các giải pháp CNTT sang thuê dịch vụ. Nhà cung ứng giải pháp thay vì chuyển sang chuyển giao công nghệ một lần thì nay trở thành nhà cung ứng dịch vụ”

Việc thay đổi đầu tư ứng dụng các giải pháp CNTT sang thuê dịch vụ là điều cần thiết hiện nay. Theo ông Phí Anh Tuấn thì điều này giúp phân bổ chi phí cho đầu tư CNTT (CAPEX) hợp lý (CAPEX) sang chi phí thuê (OPEX). Việc này cũng giúp đảm bảo cập nhật công nghệ mới theo lộ trình nâng cấp sản phẩm của đơn vị cung ứng giải pháp. Đồng thời tối ưu việc sử dụng nguồn nhân lực CNTT tại đơn vị ứng dụng và chuyển sang khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao hơn của đơn vị cho thuê dịch vụ. Việc chuyển đổi giải pháp sang thuê dịch vụ còn giúp bệnh viện tiết kiệm được chi phí bản quyền phần mềm hoạt động.

Tuy nhiên, giải pháp xã hội hóa ứng dụng CNTT trong ngành y tế TP.HCM còn gặp rất nhiều thách thức mà trong đó tập trung chủ yếu vào việc lãnh đạo ngành chưa có thói quen thuê mà vẫn theo hướng đầu tư chủ sở hữu tại các đơn vị bệnh viện, tổ chức y tế. Hoặc nếu có thì lại gặp vấn đề về khung pháp lý chi tiết  trong việc thuê dịch vụ CNTT hoặc cơ sở pháp lý chưa được hoàn thiện.

PC WORLD VN, 09/2016
 

PCWorld

Xã hội hóa ứng dụng CNTT cho ngành y tế TP.HCM


© 2021 FAP
  3,482,556       1/961