(PCWorldVN) Trong vận động tranh cử, các chính sách mà ông Trump nêu ra ít liên quan đến công nghệ, làm cộng đồng khoa học - công nghệ Mỹ lo ngại.
Vào ngày 20/1/2017, Donald Trump sẽ chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Qua vài tháng tranh cử, ông Trump từng bị chỉ trích rằng ông không đưa ra được những chính sách cho một số vấn đề quan trọng, như biến đổi khí hậu, ngân sách cho khoa học, mã hoá và an ninh mạng. Tờ
Wired đã chỉ ra những vấn đề này liên quan đến những chính sách mà ông Trump đã đề cập trong thời gian tranh cử của ông.
Biến đổi khí hậu
Trang web tranh cử của ông Trump không đề cập các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Nhưng hồi tháng 5/2016, ông từng đề cập sẽ "huỷ" Hiệp ước Paris vì cho rằng những quy chế về môi trường tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Ông muốn cắt giảm ngân sách cho Tổ chức bảo vệ môi trường EPA (Environmental Protection Agency). Còn hồi tháng 11/2012, ông khẳng định rằng người Trung Quốc đã khiến khí hậu nóng lên, ảnh hưởng đến Mỹ.
Thương mại
Khi nói đến tự do thương mại,
Donald Trump không phải là mẫu người điển hình của Đảng Cộng Hoà. Trong khi không đưa ra một chính sách cụ thể nào về thương mại, ông Trump lại cho rằng bất kỳ giao thương nào phải bảo vệ công việc và ngành nghề của Mỹ. Ông phản đối Hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP (Trans-Pacific Partnership) và có thể ông sẽ rút khỏi một số chương trình thương mại nếu ông nghĩ Mỹ không có lợi ngang bằng với các quốc gia khác. Hồi tháng 6/2016, ông cho rằng TPP giống như chiếm đoạt, rằng: "Hiệp định này chiếm đoạt đất nước. Đó là một từ khá nặng, nhưng thực sự là vậy, chiếm đoạt."
Ông tố cáo Trung Quốc vì những điều luật thương mại không công bằng, trong đó có các chính sách tiền tệ và ăn cắp tài sản trí tuệ. Phát biểu của ông Trump về giao thương toàn cầu gắn chặt với những chính sách của ông về tạo ra công ăn việc làm trong nước. Ông có kế hoạch tạo ra 25 triệu công việc trong vòng 10 năm, và cho rằng có quá nhiều công việc bị đẩy ra ngoài nước. Giảm thuế và bỏ đi một số luật lệ cũng có thể tăng việc làm.
Mã hoá và an ninh mạng
Cũng như nhiều vấn đề khác, chính sách của ông Trump xoay quanh mã hoá và an ninh mạng còn sơ sài. Hồi tháng 2/2016, ông kêu gọi mọi người tẩy chay Apple cho đến khi hãng này chấp hành yêu cầu của chính phủ Mỹ phải mở khoá iPhone trong vụ xả súng tại San Bernardino.
Trong mục chính sách về "Cybersecurity" trên trang web của mình, Trump yêu cầu ngay lập tức cần xem xét lại các lớp bảo mật mạng và lỗ hổng bảo mật của Mỹ bằng cách lập ra đội "Cyber Review Team", gồm những cá nhân trong quân đội Mỹ, nhà lập pháp và các công ty tư nhân.
Khoa học
Theo Michael Lubell, giám đốc American Physical Society, mô tả ông Trump là "vị tổng thống đầu tiên chống lại khoa học". Nói với tờ Nature, Michael cảnh báo rằng những hệ luỵ mà ông Trump lên nắm chính quyền sẽ khiến giới khoa học Mỹ rơi vào tình huống "rất, rất tệ."
Một lần nữa, các chính sách về khoa học của ông Trump rất sơ sài. Ông nói rằng Mỹ "phải có những chương trình như chương trình không gian, và phải đạt được những tiến bộ về khoa học và chế tạo trong một số lĩnh vực," trong khi đó, ông cũng đề nghị giảm thuế cũng sẽ giảm ngân sách dành cho khoa học. Chính sách của ông về di dân có thể tổn hại đến nghiên cứu khoa học tại Mỹ.
Không gian
Hồi tháng 10/2016, tại Sanford, Florida, ông Trump phát biểu rằng: "Tôi sẽ không ràng buộc NASA chỉ là cơ quan vận chuyển cho các hoạt động quỹ đạo tầm thấp. Thay vì vậy, chúng ta sẽ tái tập trung nhiệm vụ vào khám phá không gian. Dưới chính quyền Trump, Florida và Mỹ sẽ đi đầu trong việc vươn tới những vì sao". Trump tin tưởng rằng việc hợp tác giữa chính phủ - doanh nghiệp để tăng vốn đầu tư cho không gian sẽ giúp nền kinh tế phát triển.
Phá thai
Donald Trump cho rằng phá thai nên là hành động bất hợp pháp. Hồi tháng 3/2016, ông nói rằng phụ nữ nên nhận "một loại hình phạt nào đó", nhưng không chỉ rõ đó là phạt hành chính hay phạt tù. Điều đáng nói là trước đây, ông từng ủng hộ cho quyền phá thai (hồi tháng 10/1999).
Di dân và nhập cư
Một trong những tham vọng về chính sách quan trọng giúp ông chiếm được phiếu bầu là tạo ra một bức tường dài hơn 3.200 km dọc biên giới Mexico-Mỹ. Ông muốn giảm tình trạng nhập cư bất hợp pháp và kêu gọi trục xuất hơn 11 triệu người di dân không giấy tờ hiện đang sống tại Mỹ. Hồi tháng 12/2015, ngay sau vụ San Bernardino, Trump đã kêu gọi chính phủ Mỹ nên cấm cửa tuyệt đối đối với bất kỳ người Hồi giáo nào, cho dù đó là người Mỹ.
Với vấn đề tị nạn, Trump nói rằng chính quyền nên ngưng nhập cư từ Syria và Libya. Còn những ai ở quốc gia khác muốn vào Mỹ sẽ phải qua quy trình xét duyệt "cực kỳ gắt gao".