Công nghệ - Sản phẩm

Đánh giá Wi-Fi Router D-Link DIR-816L

(PCWorldVN) Dễ cấu hình, hỗ trợ băng tần kép, tốc độ kết nối cao và khả năng chia sẻ dữ liệu trên lưu trữ USB gắn kèm thông qua mạng là loạt điểm sáng của chiếc router.

Giống hầu hết Wi-Fi Router D-Link từng được thử nghiệm, Test Lab đánh giá cao sự thuận tiện khi D-Link cung cấp sẵn tên mạng (SSID) và mật khẩu đăng nhập mặc định của DIR-816L bằng một mẩu nhãn được dán trực tiếp lên mặt trên của thiết bị và một chiếc thẻ thông số có kích cỡ tựa như tấm danh thiếp đi kèm bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng.

Test Lab ban đầu đặt mục tiêu là sau 30 phút "đập hộp" thì phải cấu hình xong D-Link DIR-816L (Wireless AC750 Dual Band Cloud Router) để thiết bị này chia sẻ "đường ra Internet" vốn được cấp xuống từ modem cáp quang của nhà mạng Viettel cho các laptop và smartphone trong không gian phòng thử nghiệm.

Tuy nhiên, chỉ sau vỏn vẹn 15 phút, Test Lab đã hoàn tất nhiệm vụ nhờ trình hướng dẫn cài đặt ở lần sử dụng đầu tiên của chiếc Wi-Fi Router này cực kỳ tiện dụng.

Cụ thể, tất cả những gì bạn cần làm, đó là sử dụng một chiếc laptop hay PC để kết nối với D-Link DIR-816L qua phương thức mạng có dây hay không dây, rồi sau đó gõ vào địa chỉ IP tương ứng của DIR-816L, hay nói cụ thể hơn là địa chỉ IP của trình điều khiển router.

Như Test Lab từng đề cập trong các bài đánh giá sản phẩm D-Link trước, nhà sản xuất này mặc định sử dụng địa chỉ http://dlinkrouter.local./ để mở giao diện trang cấu hình, hoặc địa chỉ IP cố định là 192.168.0.1.

Ngoài ra, Test Lab cũng thành công với việc cấu hình D-Link DIR-816L thông qua ứng dụng QRS trên điện thoại Android và cả iOS.

Tuy nhiên, nếu không có ý định đổi tên SSID hay mật khẩu đăng nhập mặc định, thì ngay sau khi bạn thực hiện việc cấp nguồn cho D-Link DIR-816L cũng như nối cổng WAN với router/modem cấp đường ra Internet là mọi thứ đã sẵn sàng. Khi này, tên SSID và mật khẩu đăng nhập chính là thông tin được in lên mẩu nhãn dán trực tiếp trên sản phẩm hay thẻ thông số đã nêu ở phần trên.

Hay nói cho đơn giản hơn, nếu chẳng am tường về mạng, bạn cần chỉ mua sản phẩm DIR-816L, khui hộp rồi cứ thế "cắm là chạy".

Về lý thuyết, D-Link DIR-816L (Wireless AC750 Dual Band Cloud Router) cung cấp 1 cổng WAN dùng để kết nối với ngõ ra Internet hay với router/switch lớp trên; 4 cổng LAN 10/100Mbps và hỗ trợ kết nối không dây chuẩn 802.11ac. Tốc độ của DIR-816L được D-Link "quảng cáo" ở mức AC750 (300Mbps cho kết nối Wi-Fi chuẩn 802.11n, và 433Mbps cho kết nối chuẩn 802.11ac).

Theo D-Link, chuẩn AC trên DIR-816L sẽ giúp các thiết bị kết nối với chiếc router này có được tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh hơn đến 3 lần so với khi sử dụng Wi-Fi Router chuẩn 802.11n.

Chưa hết, vì DIR-816L là router không dây hỗ trợ băng tần kép (2,4GHz và 5GHz), do đó khi kết hợp với công nghệ thông minh do chính D-Link phát triển thì các tác vụ thông thường sẽ được "phục vụ" trên băng tần tiêu chuẩn 2,4GHz. Và khi thiết bị di động mà người dùng sử dụng hỗ trợ băng tần 5GHz, thì các tác vụ đòi hỏi băng thông cao như xem YouTube, streaming phim HD, chơi game trực tuyến, chia sẻ tập tin dữ liệu kích thước lớn hay thoại hình ảnh thì DIR-816L sẽ ưu tiên sử dụng băng tần 5GHz để "phục vụ" nhằm tránh hiện tượng xung nhiễu kênh sóng cũng như cạn kiệt băng thông.

Theo D-Link, điểm ưu việt của băng tần 5GHz là không bị xuyên nhiễu từ các thiết bị phát sóng ở tần số 2,4GHz thông dụng, đồng thời tần số 5GHz có nhiều kênh phát sóng hơn làm giảm hiện tượng nghẽn hay rớt mạng. Bên cạnh đó, băng thông rộng hơn cũng là điều kiện để thoải mái trải nghiệm các tác vụ nặng như tải và xem phim online chuẩn HD, chơi game online trên di động. 

Thử nghiệm "đấu sóng" tại Test Lab cho thấy, D-Link DIR-816L (tương ứng với SSID tên dlink-2780 như trong biểu đồ bên dưới) có vùng phủ sóng khá rộng, cường độ tín hiệu khỏe và thậm chí trong nhiều trường hợp "lấn lướt" chiếc router 3 anten Linksys EA7500

Dễ dùng, đủ tính năng

Giống các dòng Wi-Fi Router thương hiệu D-Link từng được Test Lab thử nghiệm, DIR-816L về cơ bản cung cấp gần như đầy đủ các tính năng cần thiết cho một bộ định tuyến không dây phục vụ nhu cầu trang bị cho gia đình hay văn phòng nhỏ.

Ví dụ, DIR-816L cho phép người dùng đặt lại tên mạng không dây (SSID), chuẩn mã hóa và kênh sóng cho từng băng tần, tùy chỉnh thông số mạng nội bộ, hay thiết lập các tính năng liên quan đến kiểm soát người dùng như lọc địa chỉ IP/MAC, hạn chế truy cập theo quy luật do người dùng thiết lập, cài đặt các chế độ của tính năng kết nối an toàn WPS. Nhìn chung, mọi tính năng cần có của một chiếc Wi-Fi Router dành cho nhóm khách hàng gia đình hay văn phòng nhỏ đều hiện diện trên D-Link DIR-816L. 

Đáng chú ý, Test Lab đánh giá cao việc D-Link DIR-816L cho phép người dùng chủ động thiết lập cường độ phát sóng của từng SSID, tương ứng với 3 mức Cao (High), Trung bình (Medium) và Thấp (Low).

Tính năng cài đặt kết nối Wi-Fi năng cao, cho phép người dùng chỉnh cường đồ phát sóng tương ứng với SSID ở băng tần 2,4GHz và 5GHz.

Chưa hết, với tính năng QoS, thiết bị D-Link thậm chí còn cho phép Test Lab trực tiếp "chỉ định" mức độ ưu tiên băng thông dành cho từng ứng dụng/tác vụ cụ thể, cũng như ở từng khoảng địa chỉ IP. 

Bạn có thể thiết lập mức ưu tiên và tỷ lệ băng thông dành cho các ứng dụng đòi hỏi tốc độ cao, điển hình như Youtube.

Tuy nhiên, thật tiếc là tính năng hạn chế truy cập website (Website Filter) trên phiên bản DIR-816L có mặt tại Test Lab dường như có gì chưa ổn (?) bởi cả 3 địa chỉ www.facebook.com, thanhnien.com.vnthanhnien.vn dù đã được thử nghiệm viên đưa vào danh sách đen vẫn có thể "lên sóng" hoàn toàn bình thường, như chưa từng có bất kỳ thiết lập nào.

Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến một tính năng hết sức quan trọng trên DIR-816L, đó là thiết bị này cho phép đồng bộ với tài khoản dịch vụ đám mây mydlink mà người dùng đã đăng ký trước đó.

Với tài khoản mydlink, Test Lab có thể thông qua một chiếc smartphone bất kỳ để giám sát từ xa trạng thái hoạt động của DIR-816L cũng như các thiết bị D-Link khác vốn được cấu hình cùng tài khoản mydlink.

Test Lab cũng thử kết nối DIR-816L với bộ mở rộng sóng DAP-1620 thông qua cơ chế WPS và kết quả cho thấy việc "ghép đôi" khá trơn tru. Nhóm thử nghiệm cũng xin dành lời khen cho sự thay đổi vị trí của nút "kết nối an toàn" WPS trên DIR-816L ở cạnh phải của thiết bị, thay vì nằm ở mặt sau như nhiều sản phẩm khác.

mydlink SharePort - Giải pháp tuyệt vời cho truyền phát nội dung số

Giống sản phẩm "cua huỳnh đế" DIR-885L từng được Test Lab thử nghiệm, D-Link DIR-816L cũng trang bị cổng USB để kết nối với thiết bị lưu trữ USB gắn ngoài, qua đó biến DIR-816L trở thành "NAS ảo" nhằm chia sẻ dữ liệu với các thiết bị trong mạng nội bộ và thậm chí là qua Internet thông qua tính năng mang tên SharePort.

Test Lab nhận thấy, người dùng có thể kích hoạt tính năng này dễ dàng, và DIR-816L mặc định cung cấp địa chỉ IP để quản trị viên gửi cho mọi người dùng trong mạng nội bộ.

Thậm chí, quản trị viên có thể thiết lập quyền chỉnh sửa dữ liệu cho từng người dùng (dựa trên địa chỉ IP hay MAC).

Bên cạnh đó, DIR-816L còn cho phép hoạt động ở chế độ máy chủ chia sẻ dữ liệu DLNA, thuận tiện ghép nối với các thiết bị giải trí số trong gia đình.

Còn để truy cập dữ liệu trên lưu trữ USB kết nối với DIR-816L qua mạng Internet, bạn cần tải về ứng dụng mydlink SharePort và cấu hình ứng dụng này tương ứng với tài khoản mydlink của DIR-816L.

Sau đó, từ ứng dụng mydlink SharePort, bạn dễ dàng truy xuất mọi dữ liệu trên lưu trữ USB.

Test Lab nhận thấy, khả năng truyền phát (streaming) dữ liệu từ DIR-816L đến smartphone khá tốt ngay khi sử dụng mạng Wi-Fi công cộng, xem phim khá mượt mà. Giao diện ứng dụng mydlink SharePort nhìn chung thuận tiện, tự động phân loại nội dung theo định dạng (ảnh, nhạc, phim, tài liệu).

Bên dưới là video minh họa khả năng streaming dữ liệu từ D-Link DIR-816L xuống thiết bị di động: 

Thay lời kết:  Test Lab thực sự hài lòng với những tính năng có trên D-Link DIR-816L, đặc biệt ở khoản kết nối với tài khoản đám mây mydlink và hỗ trợ chia sẻ dữ liệu trên lưu trữ USB qua mạng Internet. Có thể khẳng định, trong nhiều tình huống, doanh nghiệp và kể cả người dùng gia đình có thể tận dụng DIR-816L để triển khai một trung tâm dữ liệu quy mô nhỏ, hỗ trợ truy xuất nội bộ hay thậm chí qua mạng Internet.

Lẽ đương nhiên, với những gia đình yêu thích giải trí nội dung số (phim, ảnh) thì DIR-816L xứng đáng là lựa chọn hàng đầu.

Chưa hết, với những không gian lớn, nhà nhiều tầng hay căn hộ nhiều phòng, vách ngăn thì DIR-816L khi kết hợp với các dòng thiết bị mở rộng vùng phủ sóng Wi-Fi (như DAP-1520 hay DAP-1620) sẽ là cứu cánh cho tình trạng sóng chập chờn và mất sóng ở vài khu vực "điểm chết" vốn thường xuyên gặp phải nếu Wi-Fi Router phát sóng không đủ mạnh và không gian có quá nhiều vật liệu cản sóng không dây.

PCWorld

đánh giá Wi-Fi Router, D-Link, D-Link DIR-816L, Lâm Đức Thắng, Wi-Fi extender


© 2021 FAP
  3,433,102       14/1,017