(PCWorldVN) Hãy lưu ý những tình huống thường xảy ra sau đây để tránh làm hỏng bo mạch chủ máy tính của bạn.
Hiện tượng ngắn mạch
Bo mạch chủ máy tính về cơ bản là một bản mạch chứa các đường dẫn điện cũng như dữ liệu, rồi chuyển điện năng được cấp từ bộ nguồn tới các thành phần khác trong máy tính. Vì vậy, trong quá trình hoạt động thì bo mạch chủ không thể tiếp xúc với bất kỳ vật thể nào bằng kim loại, nếu không sẽ xuất hiện tình trạng ngắn mạch (hay còn gọi là đoản mạch) dẫn đến chập điện và gây ra thiệt hại cho chính sản phẩm cũng như các linh kiện khác.
Việc lắp đặt các thành phần máy tính phải được thực hiện đúng cách để tránh tình trạng đoản mạch. |
Đó có thể là trường hợp bo mạch chủ được gắn vào thùng máy bằng loại vít chưa phù hợp trong quá trình lắp ráp máy tính. Cũng có thể là bạn đã siết vít chưa thật chặt và nó bị rớt ra trong quá trình di chuyển hay trong lúc hoạt động. Theo nhiều báo cáo trên các diễn đàn phần cứng, một con vít gắn lỏng lẻo có thể gây ra tình trạng đoản mạch, khiến bo mạch chủ bị hư hỏng một phần hoặc hoàn toàn. Ngoài ra, các thành phần linh kiện cũng như dây cáp bên trong máy tính phải được bố trí gọn gàng. Nếu bo mạch chủ tiếp xúc với một phần kim loại nào đó, nó cũng có thể bị đoản mạch.
Nguồn điện không ổn định
Bo mạch chủ là nơi kết nối trực tiếp với bộ nguồn máy tính (PSU) rồi sau đó cung cấp điện năng cho một vài thành phần khác bên trong máy tính. Do đó, một trong những điều quan trọng nhất mà bạn cần lưu ý khi lắp ráp máy tính là chọn mua bộ nguồn phù hợp với nhu cầu của mình. Nếu các thành phần máy tính cần nhiều điện năng hơn so với công suất mà bộ nguồn có thể cung cấp, nó sẽ khiến bo mạch chủ hoặc các linh kiện bị hỏng.
Tuy nhiên, một nguyên nhân khác cũng thường gây hỏng hóc cho bo mạch chủ là trường hợp nguồn điện cung cấp bị dao động. Một số thiết bị điện tử, điện lạnh gia dụng thường “ngốn” rất nhiều điện năng, chẳng hạn như máy lạnh hoặc tủ lạnh. Có thể lấy ví dụ thỉnh thoảng bạn thấy đèn trong nhà của mình nhấp nháy khi bật hay tắt máy lạnh và tủ lạnh. Đó là bởi vì chúng cần phải “hút” hay “nhả” ra nhiều điện hơn và gây ra một sự đột biến.
Bạn nên trang bị ổ cắm có chức năng bảo vệ chống lại tình trạng đột biến điện. |
Hầu hết bộ nguồn và bo mạch chủ đời mới hiện nay đều có tính năng điều chỉnh điện áp để thích nghi với các hiện tượng đột biến điện nhẹ. Nhưng nếu hiện tượng đột biến điện mạnh hơn xảy ra, có thể bộ nguồn và bo mạch chủ cũng như tất cả các thành phần kết nối với nó đều không thể chịu đựng nổi. Giải pháp duy nhất là bạn hãy tự trang bị một thiết bị bảo vệ tăng áp (surge protector) cho máy tính của mình.
Quá nhiệt do bụi bẩn
Nhiệt độ là kẻ thù của thiết bị điện tử. Về mặt kỹ thuật, mọi thiết bị điện tử đều tỏa nhiệt trong quá trình hoạt động và hơi nóng có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của máy hay thậm chí có thể làm hư mạch điện tử. Linh kiện máy tính cũng không phải là một ngoại lệ. Chúng cần phải luôn mát mẻ để hoạt động chính xác và hiệu quả. Tuy nhiên, chúng thường tự tạo ra rất nhiều nhiệt trong quá trình hoạt động. Đó là lý do tại sao tản nhiệt là một yếu tố rất quan trọng trong máy tính, cho dù đó là hình thức tản nhiệt chủ động hay thụ động.
Bụi bẩn thường làm các thiết bị điện tử không thoát nhiệt được. |
Lời khuyên là bạn nên thường xuyên “để mắt” đến nhiệt độ máy tính trong quá trình hoạt động, kiểm tra máy tính có bị quá nhiệt hay không, đặc biệt là khi cảm thấy chúng quá nóng khi sờ vào thùng máy tính để bàn hay khe tản nhiệt của máy tính xách tay. Ngoài ra, bạn cũng nên sử dụng một phần mềm có khả năng theo dõi nhiệt độ máy tính và có cảnh báo khi nhiệt độ quá cao để kịp thời can thiệp.
bảo dưỡng PC, bảo trì máy tính, Huy Thắng, linh kiện máy tính, sửa chữa máy tính