(PCWorldVN) Nếu không thực sự cần thiết phải triển khai một mạng không dây chuẩn AC thời thượng thì DAP-1330 hoàn toàn đủ sức phục vụ mọi không gian làm việc, căn hộ cùng khả năng dễ dàng trong cấu hình, lắp đặt.
Tương tự sản phẩm DAP-1620 từng được Test Lab thử nghiệm và có bài đánh giá chi tiết hồi cuối năm 2016, D-Link Wireless N300 Range Extender (DAP-1330) không chỉ đóng vai trò là thiết bị thu và phát lại (Repeater) sóng Wi-Fi của một mạng không dây khả dụng, mà còn là một Access Point khi được ghép nối với một mạng có dây khác, qua đó giúp người dùng dễ dàng mở rộng vùng phủ sóng Wi-Fi trong gia đình hoặc văn phòng cỡ nhỏ mà không cần phải trang bị thêm một chiếc router khác vốn đòi hỏi nhiều thao tác cấu hình, cài đặt phức tạp.
Có thể nói rằng, DAP-1330 là bản sao gần như tuyệt đối của DAP-1620 từ kiểu dáng cho đến tính năng, với thiết kế hình hộp cùng 2 chiếc anten có thể gập vào thân máy, cổng nguồn AC trực tiếp 100-240V, nút WPS và đèn báo cường độ sóng ở mặt trên, cổng LAN,...
Tuy nhiên, nhắm hướng đến một phân khúc người dùng (xét về tiêu chí giá) cũng như nhu cầu sử dụng, lắp đặt khác (xét về tốc độ đòi hỏi), D-Link đã khéo léo giản lược chuẩn AC trên DAP-1620 xuống còn 802.11n trên DAP-1330.
Chưa hết, theo thông tin của nhà sản xuất, DAP-1330 chỉ hỗ trợ tốc độ truyền tải dữ liệu tối đa 300Mbps và chỉ hoạt động trên băng tần tiêu chuẩn 2,4GHz.
Giống người anh em DAP-1620, cổng LAN Gigabit Ethernet trên DAP-1330 giúp cung cấp hiệu suất ổn định cho một thiết bị kết nối dây như máy tính để bàn, Smart TV, máy chơi game hoặc thiết bị lưu trữ mạng (khi vận hành ở chế độ Repeater), hay đây chính là ngõ vào của đường cấp tín hiệu Internet (khi vận hành ở chế độ Access Point).
Nhiều cách cấu hình
Tương tự một số dòng router Wi-Fi và AP khác, D-Link DAP-1330 3 cũng cung cấp nhiều cách cấu hình, bao gồm nút WPS (Wi-Fi Protected Setup), ứng dụng QRS Mobile và thông qua trình duyệt, giúp người dùng đưa thiết bị này vào tình trạng sẵn sàng sử dụng một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất.
Theo đó, nếu là dân a-ma-tơ thì tất cả những gì bạn cần làm đó là nhấn nút WPS mỗi khi muốn tiếp/mở rộng sóng của một router Wi-Fi nào đó trong khuôn viên nhà hoặc văn phòng.
Cụ thể hơn, sau khi cắm DAP-1330 trực tiếp vào nguồn điện và chờ trong giây lát cho đến khi đèn báo trên thân máy chớp chậm dần, hãy nhấn nút WPS ở mặt trước của thiết bị này.
Lúc này, bạn tiếp tục nhấn nút WPS trên Wi-Fi Router cần mở rộng/tiếp sóng. Sau đó chờ trong giây lát cho đến khi đèn báo WPS chuyển sang màu xanh và đèn cường độ sóng "lên màu" thì có nghĩa rằng việc cấu hình đã hoàn tất.
Từ bây giờ, mạng Wi-Fi gốc sẽ được "áp thẳng" xuống cho DAP-1330 với một tên SSID mới - nhưng có hậu tố -EXT), chuẩn mã hóa cũng như mật khẩu đều được giữ nguyên.
Nói thêm về đèn báo tín hiệu, DAP-1330 sẽ hiển thị mức sóng tương ứng với chất lượng sóng (3 cấp độ) mà thiết bị này "thu được" ở thời điểm hiện tại. Nhờ đó mà người dùng có thể dễ dàng chọn được vị trí thích hợp nhất để đặt thiết bị này. Hay nói cách khác, đèn LED hiển thị cường độ sóng của nguồn phát tín hiệu Wi-Fi gốc.
Do đó, khi vận hành ở chế độ Access Point thì hiển nhiên là cụm đèn báo tín hiệu nói trên sẽ ở chế độ "không hiển thị".
Đối với trường hợp cảm thấy WPS vẫn chưa đủ "đô", bạn vẫn có thể cấu hình DAP-1330 một cách chuyên nghiệp hơn mà không cần dùng đến máy tính, đó là thông qua ứng dụng QRS mobile được D-Link cung cấp trên Google Play Store và App Store.
Theo đó, trong giao diện chính của QRS mobile, ứng dụng sẽ cho phép người dùng tùy chỉnh một số thiết lập tương ứng với cách thức tiếp/mở rộng sóng mong muốn.
Cụ thể hơn, nếu muốn DAP-1330 hoạt động theo chế độ Repeater thì bạn chỉ cần chọn giao diện Repeater và thực hiện những thiết lập do ứng dụng QRS mobile đưa ra, chẳng hạn như đặt tên SSID, mật khẩu, mật khẩu quản trị viên (admin).
Trong khi đó, đối với chế độ Access Point, bạn cần phải kết nối cáp mạng với DAP-1330, sau đó thực hiện những thiết lập trong giao diện Access Point là đã có thể cấp đường ra Internet.
Ngoài ra, cách cuối cùng để cấu hình DAP-1330 là sử dụng Setup Wizard khi truy cập trang web cấu hình dựa trên thông tin được nhà sản xuất ghi trên tờ hướng dẫn đi kèm.
Mật khẩu đăng nhập SSID mặc định của DAP-1330 được D-Link in chi tiết trên tem thông số và một tấm thẻ cung cấp thông tin cấu hình. |
Theo đó, một khi kết nối thiết bị này với máy tính qua cáp mạng hoặc sóng Wi-Fi, bạn hãy truy cập vào đường dẫn http://dlinkap8c34.local./, sau đó đăng nhập vào tài khoản quản trị viên mặc định với mật khẩu để trống.
Lưu ý, ở bước đầu tiên của Setup Wizard, trang cấu hình này sẽ cho phép bạn chọn một trong hai chế độ vận hành thông qua 2 nút Extend anexisting wireless network (Repeater) và Add wireless to your wired network (Access Point).
Đầy đủ tính năng cơ bản
Giống hầu hết thiết bị của D-Link, DAP-1330 cũng được trang bị một giao diện Home rất thân thiện, cung cấp đầy đủ những thông tin cơ bản nhất từ thiết lập Wi-Fi network, tình trạng kết nối, số lượng thiết bị đang kết nối với DAP-1330,...
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tùy chỉnh một số thiết lập nâng cao được tích hợp trên DAP-1330 như cấu hình lại SSID (Settings > Extender), một số thiết lập về mạng (Settings > Network), sao lưu tất cả thông tin cấu hình,...
Hiệu suất
Mặc dù chỉ hỗ trợ tốc đa tối đa 300Mbps trên một băng tần 2,4GHz duy nhất, tuy nhiên DAP-1330 vẫn tỏ ra "lợi hại" khi cung cấp cường độ sóng rất ổn định và vùng phủ sóng khá rộng.
Nói có sách - mách có chứng, Test Lab đặt DAP-1330 trong môi trường có sự hiện diện của nhiều nguồn phát Wi-Fi của các thiết bị khác nhau, sau đó sử dụng ứng dụng Wi-Fi Analyzer trên Android để đo cường độ sóng. Kết quả thu được khá ấn tượng, đó là DAP-1330 (tương ứng với SSID mang tên dlink 8C34) luôn thuộc tốp dẫn đầu về cường độ sóng.
Đáng chú ý, cường độ sóng của DAP-1330 còn vượt xa người anh em DAP-1620 với SSID là dlink 289A.
Chưa dừng lại ở đó, để kiểm thử vùng phủ sóng của DAP-1330 có vượt qua được khoảng cách 7 mét với vật cản là bức/vách tường hay không, Test Lab chọn thử nghiệm trong môi trường là một ngôi nhà 2 tầng sử dụng đường truyền FiberVNN 30Mbps (lý thuyết) và đo cường độ sóng của DAP-1330 bằng công cụ Speed Test (đã tùy chỉnh cùng Host) trên một smartphone.
Với kết quả thu được, không chỉ kết quả trả về của Speed Test ở mức 5,07Mbps Download và 11,88Mbps Upload mà việc truy cập Internet diễn ra suôn sẻ, duyệt web và phát video trên YouTube rất ít hiện tượng giật, đứng hình (lag).
Kết quả Speed Test ở khoảng cách 7 mét. |
Như vậy, DAP-1330 đã chứng minh được khả năng cung cấp một vùng phủ sóng Wi-Fi rất thích hợp dành cho gia đình và văn phòng cỡ nhỏ.
Thay lời kết: Mặc dù giá thành không phải là rẻ ((khoảng 700-795.000 đồng, tùy nơi bán), nhưng nếu xét về mặt dễ sử dụng cũng như khả năng tạo ra một vùng phủ sóng rộng và hiệu suất ổn định thì có lẽ, DAP-1330 vẫn tỏ ra "đáng đồng tiền" hơn so với việc chọn mua một router Wi-Fi hoặc một AP có giá rẻ hơn. Thậm chí, Test Lab cho rằng DAP-1330 có hiệu suất đầu tư tốt hơn so với D-Link DAP-1620 (giá 1,3 triệu đồng).
D-Link, Hồng Nhân, Tiến Đức, Wi-Fi extender