(PCWorldVN) Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn có thể làm chủ chiếc máy ảnh kỹ thuật số, nhằm có được những hình ảnh sắc nét hơn và đẹp hơn.
Sử dụng chân máy tripod
Trong nhiếp ảnh, hầu hết trường hợp ảnh chụp không sắc nét hay bị nhòe thường là do người chụp rung tay khi cầm máy, đặc biệt là những tình huống chụp trong môi trường thiếu sáng. Chính vì thế, cách đơn giản nhất mà bạn phải lưu ý trước hết để chụp ảnh rõ nét không bị nhòe là phải đảm bảo giữ cho máy càng cố định càng tốt khi chụp.
Tripod sẽ giúp giảm hiện tượng ảnh bị nhòe do rung máy |
Tuy nhiên, cho dù tay bạn có vững đến mấy thì cũng không tránh khỏi việc máy sẽ bị di chuyển nhẹ do thao tác nhấn nút chụp (Shutter). Khi đó, một giải pháp tối ưu hơn là sử dụng chân máy (Tripod). Bạn có thể sử dụng điều khiển từ xa (Remote) để chụp hoặc thiết lập chế độ chụp tự động để tránh tình trạng rung máy khi nhấn nút chụp.
Khi lựa chọn tripod cho máy ảnh, người dùng nên chú ý đến các yếu tố sau để phù hợp với nhu cầu: kích thước, số đoạn chân, khả năng chịu tải, loại đầu nối, cơ chế khóa chân và chất liệu cấu thành. Hiện nay, tripod ngày càng được thiết kế gọn nhẹ hơn giúp dễ dàng mang theo khi tác nghiệp. Tuy nhiên, nên lưu ý là chân máy phải đảm bảo có thể giữ vững chiếc máy ảnh của bạn, nghĩa là máy ảnh không được quá nặng so với khả năng nâng đỡ của chân máy.
Tập cầm máy thật chắc
Như đã đề cập ở trên, cho dù tay bạn có vững đến mấy thì máy ảnh cũng sẽ bị rung nhẹ khi nhấn nút chụp. Tuy nhiên, không phải giải pháp sử dụng chân máy để chống rung lúc nào cũng có thể áp dụng được, đặc biệt là những nơi có địa hình gồ ghề hay những lúc cần chụp nhanh không có nhiều thời gian chuẩn bị.
Tư thế cầm máy đúng sẽ giúp chất lượng ảnh tốt hơn |
Do đó, điều quan trọng nhất cần nhớ để tránh rung máy khi chụp là nên giữ cánh tay càng gần với cơ thể của bạn càng tốt. Hơn nữa, cách mà bạn cầm máy trong tay cũng đóng vai trò quan trọng. Hãy cầm máy thật thoải mái ở báng máy ảnh bằng tay phải trong khi tay trái đỡ nhẹ phần dưới ống kính gần với thân máy.
Cách cầm trên giúp cả hai tay có thể dễ dàng điều khiển các nút trên máy cũng như điều chỉnh ống kính, trong khi vẫn giữ cho máy thật chắc tránh hiện tượng rung lắc. Một lần nữa, hãy nhớ giữ cho cả hai cánh tay thật gần với cơ thể, phần cùi chỏ nên tựa vào thân. Nên hít một hơi thật sâu trước khi chụp và gần như nín thở trong quá trình nhấn nút chụp để tránh hiện tượng máy bị rung nhẹ. Ngoài ra, có thể tựa tay vào bất kỳ nơi đâu để vững hơn, từ thành cửa sổ cho đến lan can, lưng ghế,…
Tầm quan trọng của tốc độ chụp
Trong nhiếp ảnh, tốc độ chụp (Shutter Speed) càng nhanh thì ảnh càng đỡ bị nhòe hơn. Do đó, một trong những cách để ảnh sắc nét hơn là áp dụng quy tắc tương hỗ Reciprocal Rule. Về mặt kỹ thuật, quy tắc Reciprocal Rule sẽ dựa trên độ dài tiêu cự của ống kính mà bạn đang dùng và chia đều ra.
Tốc độ chụp càng nhanh thì ảnh càng ít bị nhòe |
Chẳng hạn, nếu bạn đang dùng ống kính 50mm thì nên chỉnh tốc độ màn trập tối đa không nên chậm hơn 1/50 giây. Nếu bạn đang chụp bằng ống kính 24mm thì tốc độ màn trập nên ít nhất là 1/24 giây; ống kính 300mm sẽ cần 1/300,... Nếu con số tốc độ màn trập không chính xác bằng số tiêu cự chia đều thì hãy lấy tròn số với tốc độ gần nhất (hoặc nhanh hơn).
Mặc dù không hoàn hảo, nhưng quy tắc Reciprocal Rule sẽ trở thành “người bạn tốt nhất” trong lĩnh vực này. Trong hầu hết trường hợp, để dễ nhớ và có thể tránh tình trạng hình ảnh bị nhòe do rung máy thì tốt nhất nên chỉnh tốc độ ở mức 1/100 giây.
Sử dụng điểm Sweet Spot
Dải "điểm tốt nhất" (Sweet Spot) của khẩu độ một ống kính máy ảnh thường nằm giữa f/8 và f/16, nhưng trong thực tế thì bạn phải chụp thử để tìm được khẩu độ này. Bằng cách sử dụng khẩu độ ở giữa phạm vi cho phép, bạn sẽ tăng khả năng chụp được những bức ảnh sắc nét với ống kính của mình hơn.
Hãy lần lượt thử chụp ở từng khẩu độ để tìm ra điểm Sweet Spot của ống kính mà bạn đang dùng |
Trước hết, hãy bắt đầu ở khẩu độ lớn nhất và lần lượt chụp ảnh ở mỗi khẩu độ cho đến mức khẩu độ tối thiểu của ống kính. Hãy điều chỉnh tốc độ màn trập và độ nhạy sáng ISO như thông thường bạn vẫn làm. Sau đó kiểm tra ảnh trong khung hình, đặc biệt là ở các góc, để xem mức khẩu độ đó có cung cấp cho ảnh độ sắc nét nhất hay không. Nói chung, đây là một quá trình hơi tẻ nhạt, nhưng đảm bảo bạn sẽ có thể tìm được khẩu độ phù hợp cho ống kính của mình.
Nên nhớ là ngay cả những ống kính chuyên nghiệp đắt tiền cũng không tạo kết quả tốt nhất khi được sử dụng ở khẩu độ tối đa hay tối thiểu của nó, mà là khẩu độ nằm trong dải điểm Sweet Spot. Một lưu ý khác là luôn luôn đặt chủ thể của ảnh nằm giữa khung hình khi chụp. Về nguyên tắc, vùng trung tâm của ống kính hầu như luôn là khu vực rõ nét nhất. Vì vậy, bất kể bạn điều chỉnh khẩu độ nào thì vùng ở giữa ống kính chính là vị trí có độ sắc nét nhất.
Nói chung, tất cả những thủ thuật kể trên dù không khắc phục hoàn toàn nhưng phần nào sẽ giúp cho ảnh chụp của bạn sắc nét hơn, không bị nhoè.
bí quyết chụp ảnh, cách chụp ảnh đẹp, chụp ảnh, điều khiển máy ảnh, Huy Thắng