(PCWorldVN) Diễn đàn Thương mại điện tử Việt Nam VOBF 2017 đã diễn ra vào hôm 3/3 tại TP.HCM, tập trung thảo luận nhiều chủ đề nổi bật về kinh doanh trực tuyến cũng như khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Sự kiện do Cục TMĐT và CNTT (thuộc Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức.
Theo số liệu được công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam công bố tại diễn đàn thì quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) hằng năm tại Việt Nam chỉ vào khoảng 4 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng ở mức 30%/năm.
So với quy mô 9 triệu dân thì đây là "doanh thu" khá nhỏ, theo nhận định của Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam Nguyễn Hương Quỳnh.
Cũng theo đại diện Nielsen Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 28% người dân Việt Nam bắt đầu sử dụng TMĐT.
Diễn đàn toàn cảnh TMĐT Việt Nam 2017 là sự kiện quy tụ cộng đồng thương mại điện tử trong và ngoài nước, cũng là cơ hội để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trao đổi về xu hướng phát triển thương mại điện tử, chia sẻ các công nghệ và ý tưởng kinh doanh nổi bật - Ảnh: LêZi. |
Dựa trên khảo sát từ hàng ngàn doanh nghiệp, báo cáo Chỉ số thương mại điện tử 2017 (EBI) do VECOM và Cục TMĐT-CNTT công bố mới đây cũng đã xác nhận thực tế rằng TMĐT Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhanh nhưng chưa thực sự bền vững do lòng tin của người tiêu dùng còn thấp và mức chênh lệch rất lớn giữa TP.HCM, Hà Nội với các địa phương khác.
Theo đại diện VECOM, lòng tin của khách hàng khi tham gia mua hàng online còn thấp, trong khi đó các hình thức thanh toán trực tuyến chưa phổ biến và quan trọng là dịch vụ chuyển phát, hoàn tất đơn hàng về cơ bản vẫn chưa theo kịp nhu cầu.
Tại diễn đàn kỳ này, các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đã có cơ hội trao đổi về những xu hướng mới trong kinh doanh trực tuyến, các công nghệ nổi bật và ý tưởng kinh doanh sáng tạo, đồng thời giới thiệu những nghiên cứu thị trường mới liên quan tới TMĐT trên thế giới cũng như tại chính thi trường Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn - đại diện Cục TMĐT và CNTT - Bộ Công thương cho biết, hiện có nhiều chính sách của nhà nước nhằm thúc đẩy TMĐT phát triển, tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020 dự kiến đạt khoảng 20%/năm.
"Thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá là khá tiềm năng, sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020", ông Tuấn nói, "Trên thực tế, con số này có thể đạt được sớm hơn với khả năng tăng trưởng mạnh mẽ, dự đoán, tăng trưởng của toàn ngành sẽ đạt 25- 30% vào năm 2017".
bán hàng qua mạng, E-Commerce, thương mại điện tử