Điều này có được là nhờ sự bùng nổ của công nghệ mạng thế hệ thứ 4 (4G) khi các đơn vị như Viettel, MobiFone và VinaPhone đưa 4G vào thử nghiệm từ cuối năm ngoái 2016.
Ông Thiều Phương Nam – Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia. |
Để hiểu rõ hơn về triển vọng phát triển mạng 4G và hệ sinh thái 4G tại Việt Nam, phóng viên tạp chí Thế Giới Vi Tính đã phỏng vấn ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia.
Xin ông cho biết viễn thông di động đang có bước phát triển mạnh mẽ ra sao? Và Việt Nam đang nằm ở đâu trong xu hướng đó?
Ông Thiều Phương Nam: Công nghệ di động đã và đang có sự phát triển rất mạnh mẽ, và Qualcomm đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển này. Từ khi có 2G là thời điểm bắt đầu số hóa viễn thông di động, tốc độ kết nối chỉ là 0,5Mbps, chỉ đáp ứng được các nhu cầu cơ bản như email và tin nhắn SMS.
Sau đó, công nghệ 3G và các nhánh của nó, đều dùng nền tảng CDMA của Qualcomm, nhiều ứng dụng về data được phát triển với tốc độ đạt 63Mbps và thậm chí cao hơn. Khi có 4G, trải nghiệm băng rộng di động phát triển mạnh với tốc độ đã vượt qua mức độ Gbps.
Năm 2016, chính phủ đã cấp phép cho công nghệ 4G tạo tiền đề giúp 4G được triển khai và sử dụng rộng rãi tại Việt Nam trong thời gian tới.
Có thể thấy rằng, Việt Nam hiện tiếp tục là thị trường Top 3 thế giới về tốc độ phát triển và tiêu thụ điện thoại thông minh (smartphone) 3G/4G, đặc biệt là smartphone 4G được bán ra nhiều hơn. Đáng chú ý, tỷ lệ smartphone 4G chỉ chiếm 15% vào cùng kỳ năm ngoái (đầu năm 2016), và hiện tại tỷ lệ này đã đạt 65%.
Khi nào thì 4G được phổ cập tại Việt Nam, thưa ông?
Qualcomm không thể đưa ra dự báo hoàn toàn chính xác về thời điểm phổ cập hóa của 4G tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn lại sự phát triển 3G tại Việt Nam vào thời điểm được thương mại hóa vào cuối năm 2009 và chỉ sau hơn ba năm đã có 50-60% người dùng sử dụng 3G. Theo kinh nghiệm ở các nước khác khi triển khai 4G thì thời gian phổ cập hóa bằng khoảng một nửa thời gian phổ cập hóa 3G.
Vì vậy, Qualcomm cho rằng nếu Việt Nam triển khai 4G khắp cả nước vào năm 2017 thì có lẽ sẽ phải mất từ 2 đến 3 năm để công nghệ này được phổ cập rộng rãi.
Để phát triển 4G, Qualcomm đã có những hỗ trợ gì giúp xây dựng hệ sinh thái 4G ở Viêt Nam?
Mục tiêu quan trọng nhất của Qualcomm trong năm 2017 là giúp Việt Nam triển khai thành công 4G LTE. Để đạt được mục tiêu này có rất nhiều nhiệm vụ phải thực hiện với các nhà hoạch định băng tần, chính sách tại Việt Nam, nhà mạng, nhà sản xuất thiết bị di động, nhà làm nội dung.
Hiện, các kỹ sư của chúng tôi đang giúp Việt Nam tối ưu mạng 4G, giúp mạng 4G có chất lượng tốt khi triển khai rộng rãi trên băng tần 1.800MHz.
Ngoài ra, Qualcomm cũng thường xuyên làm việc với các nhà sản xuất thiết bị. Một trong những chương trình Qualcomm đang kết hợp với các nhà mạng là đưa người dùng 2G lên 4G bởi một yếu tố giúp triển khai 4G thành công là phải có nhiều người sử dụng. Hiện, Việt Nam có 125 triệu thuê bao di động nhưng có tới 50% dùng 2G. Như vậy, để các nhà mạng thành công, cần phải chuyển từ 2G sang 4G.
Mới đây, Qualcomm ra mắt chipset Snapdragon 835 tại triển lãm CES 2017. Xin ông chia sẻ thông tin về Snapdragon 835 và liệu SoC mới này có giúp ích gì cho người dùng 4G.
Snapdragon 835 là bộ xử lý di động thương mại đầu tiên sản xuất với công nghệ 10nm. Vi xử lý này không chỉ dành riêng cho thiết bị di động, mà còn được mở rộng ra cho các thiết bị khác như thiết bị VR/AR, máy tính chạy Windows 10, và rất nhiều giải pháp cho ôtô thông minh, thành phố thông minh và xu hướng Internet kết nối vạn vật - IoT.
Với công nghệ 10nm, kích thước vi xử lý Snapdragon 835 nhỏ hơn rất nhiều, giúp các thiết bị có thiết kế mỏng nhẹ hơn và quan trọng hơn hết, tiết kiệm điện năng hơn 25% so với Snapdragon 820 tiền nhiệm.
Ngoài việc tiết kiệm pin, Snapdragon 835 cải thiện được tốc độ xử lý đồ họa nhanh hơn 25%, giúp người dùng có trải nghiệm chân thực và sống động hơn cho VR và game.
Về hình ảnh, chip mới đáp ứng công nghệ zoom quang học, tự động lấy nét cho chất lượng hình ảnh vượt trội, ổn định đối với cả hình ảnh lẫn video.
Về kết nối, Snapdragon 835 cho phép tốc độ dữ liệu lên đến mức 1Gbps. Với tốc độ này, người dùng có thể tải dung lượng dữ liệu rất cao trên mạng LTE, và đồng thời công nghệ Wi-Fi 802.11ad cho tốc độ kết nối lên đến 4,65Gbps.
Một điểm đáng quan tâm khác là con chip này cũng tích hợp rất nhiều tính năng bảo mật để hỗ trợ thiết bị di động như sinh trắc học qua nhận dạng vân tay, mắt và nhận diện giọng nói. Dự kiến, Snapdragon sẽ có mặt trên các thiết bị di động vào tháng 3 năm nay.
Xin cảm ơn ông.
4G, công nghệ di động, công nghệ mạng, Qualcomm, qualcomm snapdragon 835, sinh trắc học