Facebook đang rất thành công với mạng xã hội dành cho người tiêu dùng, và với dịch vụ Workplace mới, rõ ràng công ty của Mark Zuckerberg cũng muốn bước vào thị trường doanh nghiệp.
Facebook vốn đã có tầm ảnh hưởng lớn với người tiêu dùng và các nhà tiếp thị, và giờ đây lại tiến vào thị trường doanh nghiệp.
Sau 20 tháng thử nghiệm tại 1.000 doanh nghiệp, giờ đây giải pháp Facebook at Work - mạng xã hội cho doanh nghiệp - đã có tên mới đơn giản "Workplace".
Hôm 10/10/2016, Workplace đã được công bố, sẵn sàng cho bất kỳ tổ chức nào. Đối thủ của Workplace là Yammer của Microsoft, Chatter của Salesforce và Slack.
Workplace được cấp miễn phí trong ba tháng đầu tiên, sau đó Facebook sẽ tính phí theo các mức khác nhau: 3, 2 và 1 USD trên mỗi người dùng tương ứng với các gói 1.000, 10.000 và hơn 10.000 người. Còn các tổ chức phi lợi nhuận và trường, viện sẽ được dùng miễn phí, theo Facebook. Trong khi đó, dịch vụ làm việc cộng tác Slack miễn phí với tính năng hạn chế, và hiện tính phí 15 USD cho mỗi người dùng cao cấp hàng tháng.
Workplace và Facebook: nước sông không phạm nước giếng
Facebook cho biết Workplace đã có nhiều thay đổi sau 20 tháng thử nghiệm. Có lẽ các điều chỉnh đáng chú ý nhất là sự tách biệt rõ ràng hơn giữa các dịch vụ tiêu dùng của Facebook và Workplace. "Hầu hết các nhân viên và nhà tuyển dụng đều muốn có sự tách biệt," ông Sean Ryan, phó chủ tịch phụ trách quan hệ đối tác tại Facebook nói. "Doanh nghiệp muốn đảm bảo rằng đây là một sản phầm dành cho không gian lao động, dành cho năng suất lao động, chứ không phải là một sản phẩm xã hội, vì vậy chúng tôi tách thành hai ứng dụng khác nhau.
Nhân viên sẽ phải sử dụng dịch vụ dành cho người tiêu dùng của Facebook và Workplace trong các tab khác nhau trong trình duyệt - họ không thể chuyển đổi giữa các tài khoản cá nhân và công việc trong cùng một tab. Người dùng thiết bị iOS và Android sẽ có ứng dụng di động Workplace mới và ứng dụng nhắn tin dành cho công sở Workchat mà tương tự với Messenger nổi tiếng của Facebook. Trên trình duyệt và các ứng dụng di động, người dùng sẽ phải đăng nhập riêng biệt, và lưu trữ trên các vùng dữ liệu riêng biệt," Ryan nói. Những sự phân biệt cũng sẽ giúp Facebook định vị Workplace như một công cụ nâng cao năng suất lao động, ông nói.
Craig Le Clair, phó chủ tịch và nhà phân tích chính tại hãng nghiên cứu Forrester nói rằng Facebook đã có bước đi khôn ngoan, sử dụng nền tảng đám mây dành cho doanh nghiệp để cạnh tranh với các đối thủ đi trước, chẳng hạn như Salesforce. Công ty này dự báo chi tiêu cho CNTT sẽ đạt 2,9 nghìn tỷ đồng trong năm 2016, và thế hệ người lao động “thiên niên kỷ” (những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000) sẽ chiếm một nửa trong các doanh nghiệp vào 2020. "Facebook tin rằng bên ngoài thế giới mạng xã hội tiêu dùng - nơi mà những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ hình thành thói quen của họ, chính là một thị trường mà Facebook có thể hoạt động thành công và tận dụng lợi thế tài chính, và tôi đồng ý," Le Clair nói.
Các doanh nghiệp sử dụng Workplace giữ độc quyền sở hữu dữ liệu của họ, theo Facebook. "Chúng tôi rất rõ ràng trong các hợp đồng rằng chỉ công ty khách hàng sở hữu các dữ liệu, còn chúng tôi thì không, và họ có thể truy cập bất cứ khi nào muốn," Ryan nói. "Nếu họ quyết định chọn tắt dịch vụ này, tất cả dữ liệu sẽ biến mất ngay." Facebook cũng đã đạt được chứng nhận SOC 2 cho Workplace, để giúp làm giảm bớt những quan ngại về quyền riêng tư và bảo mật mà các CIO trăn trở và Facebook sẽ tiếp tục lấy thêm các chứng nhận CNTT cần thiết, theo Ryan.
Workplace có tất cả các tính năng cơ bản của Facebook, bao gồm News Feed (tin tức), Live Video (truyền hình trực tiếp), Reactions (biểu tượng phản ứng cảm xúc), Groups (nhóm), tìm kiếm và xu hướng các bài viết, ngoài các tính năng chuyên dành cho doanh nghiệp, như một bảng điều khiển với chức năng phân tích và bắt tay với các nhà cung cấp công nghệ nhận dạng để tích hợp được vào các môi trường CNTT. Facebook cũng đã giới thiệu tính năng Nhóm đa công ty mang đến cho người dùng doanh nghiệp khả năng cộng tác với các đồng nghiệp tại các công ty/tổ chức khác trên Workplace. Facebook nói công ty sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật 12 giờ một ngày, 5 ngày một tuần, và phản hồi trong vòng 48 giờ.
Facebook có kế hoạch đảm bảo khả năng làm việc thông qua một chương trình hợp tác bao gồm hơn một chục công ty khi công bố, trong đó có Deloitte, TBWA và Okta. Nền tảng này hiện không có công cụ văn phòng hoặc lưu trữ, nhưng Facebook sẽ hợp tác để lấp vào những khoảng trống, theo Ryan. "Chúng tôi có một nền tảng doanh nghiệp... chúng tôi không thể cung cấp các công cụ chuyên dụng tốt nhất, cho dù đó là lưu trữ, quản lý tài liệu hoặc tìm kiếm dữ liệu thông tin," ông nói. "Đó là chỗ đứng dành cho công nghệ nền tảng của Facebook, để từ đó chúng tôi bắt đầu đưa ra các API cũng như mở nền tảng cho các nhu cầu chuyên biệt... để chính những nhà cung cấp thành công các dịch vụ đó tham gia hỗ trợ." Nhưng liệu Workplace có phải là nền tảng làm việc cộng tác lý tưởng?
Kinh nghiệm tiêu dùng truyền cảm hứng cho người lao động kỹ thuật số
Trên thị trường mở rộng cho những đấu thủ mới, bởi vì người lao động và các chuyên gia CNTT hỗ trợ đang "thèm khát những công cụ tốt," theo Tim Crawford, một cựu CIO hiện đang tư vấn cho các gám đốc công nghệ tại các doanh nghiệp lớn và viết blog tại AVOA.com. Crawford cho rằng chưa có bộ công cụ nào thực sự đạt yêu cầu.
Theo Crawford, dù đến sau nhưng Facebook có nhiều lợi thế trong thị trường doanh nghiệp nhờ đã có lợi thế qui mô trên thị trường người tiêu dùng. Những tính năng mà người dùng đã quen thuộc trong đời sống, và đã được tiếp nhận ứng dụng rộng rãi trên toàn cầu, và như vậy, đó là một tiến trình tự nhiên mà công nghệ của Facebook có thể dễ dàng đi vào doanh nghiệp và người dùng sẽ biết cách sử dụng, chuyên gia này cho biết.
Adam Preset, giám đốc nghiên cứu tại Gartner, nhắc đến xu thế kinh nghiệm tiêu dùng ảnh hưởng đến công cụ lao động. "Doanh nghiệp chuyên phục vụ người tiêu dùng sẽ có cách mới để phục vụ người dùng doanh nghiệp," ông nói. "Những công nghệ như của Facebook can thiệp vào thị trường, chúng phát triển nhanh hơn. Người ta chọn giải pháp từ những công ty công nghệ tiêu dùng đó dựa theo sở thích của riêng họ, chứ không phải vì họ được CNTT hỗ trợ.
Mặc dù có những lợi thế, con đường từ lĩnh vực tiêu dùng sang doanh nghiệp vẫn gập ghềnh. Google cung cấp dịch vụ email và các ứng dụng tăng năng suất lao động khác cho doanh nghiệp gần một thập kỷ qua, và Google đã thay đổi tên của các sản phẩm này nhiều lần, nghĩa là có vấn đề về tính ổn định. G Suite là tên mới của Google for Work, và trước đó bộ công cụ này có tên là Google Enterprise. Facebook Workplace không tránh khỏi bị đem ra so sánh với sản phẩm của Google.
Nói cách khác, Workplace sẽ phải đối mặt với một số thách thức đáng kể, theo giám đốc CNTT của General Electric (GE) Jim Fowler. Trong một cuộc phỏng vấn của CIO, Fowler chê tiềm năng của Facebook trong thị trường doanh nghiệp và nghi ngờ về khả năng phân tách hiệu quả đời sống cá nhân và công việc của người dùng. "Tôi muốn tách cá nhân với công việc," ông nói.
Gíam đốc CNTT luôn phải đưa ra quyết định tác động đến toàn bộ lực lượng lao động, và họ phải chọn công cụ làm việc cộng tác một cách khôn ngoan. Nếu Workplace thực sự chứng minh giá trị về mặt doanh nghiệp, giải pháp này sẽ có chỗ đứng.
Facebook, dù ra đời gần 12 năm trước, đã không vội vàng dấn vào thị trường doanh nghiệp bằng mọi giá, nhưng Workplace của Facebook có thể được xem là đại diện tiêu biểu của phong trào CNTT tiêu dùng được đưa vào doanh nghiệp.
CNTT, Facebook, Google, Live Video, Microsoft, News Feed, Salesforce, Tưởng Phi Quân