Công nghệ - Sản phẩm

Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán: Hành trình 10 năm phát triển

Từ nghiên cứu cơ bản, tiến đến triển khai xây dựng và thương mại hóa các giải pháp. Đó là định hướng nhằm phát triển Viện bền vững với mô hình độc lập hoạt động, tự chủ tài chính.

Chia sẻ về 10 năm ra đời và hoạt động của Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán (Viện KHCNTT), GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM, Viện trưởng Viện KHCNTT cho biết ngân sách đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học tăng dần trong các năm, và tăng rất mạnh trong 2 năm gần đây. Nếu trước năm 2015, kinh phí triển khai nghiên cứu tối đa hàng năm là khoảng 5 tỉ đồng, thì từ năm 2015 đến năm 2017 là 7 tỷ, năm 2018 và năm 2019 dự kiến là 12 tỷ đồng. Cùng với đó, số lượng nhiệm vụ KHCN được triển khai từ 2009 đến 2018 là 116 nhiệm vụ với tỉ lệ hoàn thành và nghiệm thu các nhiệm vụ đạt trên 90%. Tính trung bình mỗi năm Viện KHCNTT triển khai và nghiệm thu được 11 nhiệm vụ. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2019, Viện đã tiếp nhận và tổ chức xét duyệt 20 nhiệm vụ đang trình Sở KHCN TP.HCM cấp kinh phí thực hiện.

Một trong những mục tiêu hoạt động của Viện KHCNTT từ những ngày đầu thành lập là kết hợp với mạng lưới các trường Đại học, Viện nghiên cứu để đào tạo nhân lực trong lĩnh vực tính toán ở Việt Nam. Trong 10 năm hoạt động vừa qua, các Giáo sư của Viện đã phát triển, đào tạo được 20 Tiến sĩ, Thạc sĩ từ các nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ trong và ngoài nước. Đặc biệt một số nghiên cứu viên sau thời gian công tác tại Viện dưới sự hướng dẫn của các Giáo sư đã tiếp tục thực hiện nghiên cứu sinh tiến sĩ ở một số Trường, Viện nổi tiếng như Đại học Leuven (Bỉ), Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), Viện vật lý - Viện hàn lâm khoa học Ba Lan.

Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại sự kiện.

Tính đến tháng 7/2019, các nhà khoa học, nghiên cứu viên của Viện KHCNTT đã công bố trên 240 bài báo trên tạp chí uy tín quốc tế (SCI, SCIE). Đặc biệt riêng trong 7 tháng đầu năm 2019, Viện đã công bố 28 bài báo quốc tế, tương đương 80% số bài công bố trong cả năm 2018, riêng số bài báo đang đợi kết quả công bố từ các nhiệm vụ đang triển khai nghiệm thu trong năm 2019 là 10 bài. Như vậy năm 2019 có thể được dự báo là một năm Viện KHCNTT tiếp tục có số lượng công bố khoa học vượt xa chỉ tiêu kế hoạch đầu năm (25 bài).

GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM, Viện trưởng Viện KHCNTT phát biểu tại sự kiện

Không chỉ thế, từ năm 2016, Viện KHCNTT đã triển khai một số nhiệm vụ định hướng ứng dụng phục vụ sự phát triển của Thành phố và bước đầu thu được kết quả bước đầu rất khả quan như:

Nhiệm vụ “Xây dựng hệ thống dự báo chất lượng không khí vùng TP.HCM (Phát triển phầm mềm dự báo chất lượng không khí và bản tin dự báo chất lượng không khí vùng TP.HCM)” do GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng làm chủ nhiệm (nghiệm thu năm 2017) và “Xây dựng WEBGIS tính toán chỉ số chất lượng nước và chất lượng không khí TP.HCM” do TS. Dương Thị Thúy Nga làm chủ nhiệm nhiệm vụ (nghiệm thu năm 2018). Nhóm nghiên cứu đã xây dựng giao diện ứng dụng trực tuyến để cập nhật và cung cấp các thông tin chỉ số môi trường không khí, môi trường nước. Hiện tại nhóm đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 thông qua nhiệm vụ “Xây dựng hệ thống sensor quan trắc một số chỉ số môi trường không khí phục vụ dự báo chất lượng không khí theo thời gian thực cho Tp. Hồ Chí Minh” với mục tiêu phát triển thiết bị IoT quan trắc chất lượng không khí và xây dựng hệ thống quản lý cung cấp các số liệu chất lượng không khí TP.HCM theo thời gian thực.

Nhiệm vụ “Phát triển hệ thống hỗ trợ tự động tạo biên bản cuộc họp sử dụng công nghệ nhận dạng tiếng nói” (nghiệm thu năm 2019) do PGS.TS. Vũ Hải Quân làm chủ nhiệm nhiệm vụ với sản phẩm là một phần mềm ứng dựng thử nghiệm cho các cuộc họp Quốc hội. Phần mềm được đánh giá là ứng dụng các kỹ thuật mới của trí tuệ nhân tạo để nhận dạng giọng nói chuyển sang văn bản tiếng Việt với độ chính xác hơn 80%.

Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác quốc tế, Hội nghị - Hội thảo được tổ chức thường xuyên và tạo nhiều dấu ấn trong cộng đồng khoa học. Viện đã chủ trì tổ chức thành công chuỗi Hội thảo quốc tế Khoa học và Kỹ thuật tính toán ICCSE (2011, 2014, 2016), chuỗi Hội thảo Giải pháp tổng thể cho đô thị thông minh – Smart City 360O (2017, 2018), chuỗi Hội nghị quốc tế về Nghiên cứu biển, cửa sông và bãi bồi-ECSS (2017, 2018) cùng nhiều buổi hội thảo, các buổi báo cáo chuyên đề khác.

Định hướng trong tương lai, Viện KHCNTT tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển, đẩy mạnh chất lượng nghiên cứu, mở rộng tầm phát triển nghiên cứu toàn diện với chú tâm đặc biệt cho những khía cạnh có tiềm năng triển khai ứng dụng. Cụ thể là tiếp tục thu hút nguồn nhân lực cao cấp, tăng cường số đề tài nghiên cứu mang tính quốc tế hướng đến các bài báo uy tín, tiếp tục tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế chất lượng, nâng cao hơn nữa danh tiếng cho Viện. Chúng tôi cũng định hướng sẽ triển khai xây dựng, thương mại hóa các sản phẩm phần mềm công nghệ tính toán trong các lĩnh vực có thể mạnh như Y – Sinh, Hóa học tính toán, Tính toán Môi trường để có thể phát triển bền vững với mô hình độc lập hoạt động, tự chủ tài chính.

“Trong những vừa năm qua, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán đã thu hút các chuyên gia, nhà khoa học Việt kiều quay trở về đóng góp, xây dựng thành phố theo đúng định hướng của UBND TP.HCM và đạt được nhiều kết quả khởi sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế đối với lĩnh vực y – sinh học và hóa học.”, ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở KHCN TP.HCM khẳng định. “Chúng tôi hy vọng rằng trong thời gian sắp tới, Viện KHCNTT không chỉ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản, mà còn tiếp tục quan tâm giải quyết các bài toán cấp bách khác gắn liền với mục tiêu phát triển của thành phố liên quan đến chống ngập, kẹt xe, giảm ô nhiễm và các bài toán ứng dụng trong kinh tế - xã hội.”.

Thông tin về Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán:

Được thành lập theo Quyết định số 279/QĐ-UBND ngày 22/01/2008 của UBND TP.HCM, Viện KHCNTT là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở KHCN TP.HCM, tổ chức nghiên cứu KHCN, nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách phục vụ quản lý Nhà nước, hoạt động theo quy định tại Nghị định 54/NĐ-CP của Chính phủ về quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và khoa học công nghệ.

Viện được đầu tư cơ sở vật chất ban đầu để hoạt động theo nguồn kinh phí sự nghiệp do Ngân sách Nhà nước cấp và được xem xét bổ sung thêm hàng năm từ nguồn thu và nguồn đầu tư theo quy định, Viện KHCNTT thực hiện các mục tiêu tổng quát là nghiên cứu về khoa học và công nghệ tính toán, thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước, kết hợp đào tạo sau đại học, xây dựng đội ngũ nhà khoa học trong lĩnh vực tính toán ngang tầm khu vực và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, Viện KHCNTT còn được triển khai những hoạt động nghiên cứu, tổ chức thông tin, tư vấn, sản xuất thực nghiệm. dịch vụ KHCN có thu theo quy định của Nhà nước.

Tính đến thời điểm tháng 7/2019, Viện KHCNTT có 40 cán bộ, nhân viên, nghiên cứu viên; cộng tác thường xuyên với 6 Giáo sư Việt kiều và người nước ngoài, và thu hút nhiều Tiến sĩ, Nghiên cứu viên cao cấp từ các đơn vị trường, viện trong và ngoài nước thường xuyên hợp tác và làm việc. Viện KHCNTT cũng là một trong những thành viên tích cực của mạng lưới PRAGMA - hiệp hội nghiên cứu đa quốc gia gồm hơn 40 Trung tâm, Viện nghiên cứu trong khu vực Thái Bình Dương.

Theo khampha

PCWorld

đổi mới sáng tạo, Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán


© 2021 FAP
  2,526,327       16/1,000