(PCWorldVN) Sau 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nền khoa học - công nghệ TP.HCM đã phát triển mạnh mẽ, tập trung cho mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, đi sâu ứng dụng vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng... tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ có chất lượng và sức cạnh tranh cao.
40 năm qua, TP.HCM - thành phố mang tên Bác cùng cả nước xây dựng và phát triển, đổi mới và hội nhập đã trải qua bao thăng trầm với nhiều khó khăn thử thách và đã có sự phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của khu vực Nam Bộ và cả nước.
Những năm đầu sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, giữa muôn trùng khó khăn, TP.HCM đã mạnh dạn tìm lối đi riêng trong lĩnh vực phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN). Tuy nhiên, xét một cách toàn diện và khách quan, thì hoạt động quản lý KH-CN của TP.HCM thực sự đổi mới từ năm 1986, từ dạng phân tán, tự phát đã chuyển sang giai đoạn chương trình hóa, tập trung vào các mục tiêu phát triển trọng điểm, phù hợp với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Khi ấy, Thành phố bước vào thập niên cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất từ những năm 1990 với hàng chục nghìn sáng kiến cấp cơ sở mỗi năm. Số lượng các giải pháp kỹ thuật tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP.HCM từ năm 1990 - 2014 tăng hơn 3 lần, từ chỉ 60 giải pháp kỹ thuật lên đến 198 giải pháp kỹ thuật tham dự hội thi vào năm 2013 - 2014.
Từ năm 1990, hoạt động vinh danh các nhà sáng tạo được hình thành với Phong trào sáng tạo của Liên Đoàn Lao động Thành phố, Cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu nhi của Thành Đoàn, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Thành phố và Giải thưởng Sáng chế của Sở KH-CN TP.HCM.
Từ năm 1981 - 2014, chỉ trong vòng 33 năm, lượng đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích tại TP.HCM đã tăng lên đến hơn 27 lần và đạt 217 sáng chế/năm vào năm 2013 - 2014.
Khoa học và Công nghệ là lĩnh vực được Thành ủy cũng như UBND TP.HCM đặc biệt chú trọng quan tâm trong suốt nhiều năm qua vừa qua. |
Với mục tiêu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố theo hướng sản xuất - kinh doanh có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, trong thời gian qua, TP.HCM cũng đã thành lập một số mô hình nghiên cứu, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đạt trình độ tiên tiến để nâng cao năng lực nghiên cứu và sáng tạo công nghệ cao.
Trong đó, có thể kể đến như Công viên phần mềm Quang Trung với 119 doanh nghiệp, cung cấp hơn 140 sản phẩm, dịch vụ và giải pháp, doanh thu giai đoạn 2011 - 2014 đạt 9.648 tỷ đồng; Khu Công nghệ cao - SHTP (đóng trên địa bàn quận 9) với khả năng sản xuất 94% nhóm ngành sản phẩm công nghệ cao của TP.HCM và sự tham gia của nhiều công ty công nghệ nổi tiếng thế giới như Intel, Samsung, Nidec…; Khu nông nghiệp công nghệ cao với thành quả đã hình thành vùng trồng hoa lan, rau an toàn theo mô hình VietGap với tổng diện tích canh tác là 145,7 ha; Viện Khoa học - Công nghệ và Tính toán với các công trình nghiên cứu về virus H5N1, vật liệu mới, chip xử lý tính toán song song…
Chưa dừng lại ở đó, TP.HCM còn là địa phương đi đầu trong cả nước ở các hoạt động xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ bằng cách tổ chức chợ công nghệ, thiết bị, quảng bá và triển lãm thiết bị công nghệ, thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu.
Cụ thể, đó là vào năm 2012, Sở KH-CN TP.HCM đã triển khai và đưa vào hoạt động Chợ công nghệ và thiết bị TP.HCM - Techmart online. Hiện nay, hơn 4.000 công nghệ, thiết bị của các viện, trường, nhà khoa học đã giới thiệu, chào bán trên Techmart online, góp phần đưa các sản phẩm công nghệ ra thị trường với chi phí thấp.
Có thể khẳng định, các hoạt động này đã góp phần đẩy mạnh việc tạo lập và phát triển thị trường KH-CN, tăng cường gắn kết giữa nghiên cứu, đào tạo với sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại hóa sản phẩm KH-CN.
Đầu tư cho KH-CN của TP.HCM luôn đạt mức cao, đạt mức trung bình 1,2% tổng chi ngân sách, trong đó chi cho đầu tư phát triển chiếm khoảng 20%. Các khu công nghệ cao, các tổ chức KH-CN lần lượt được thành lập, nguồn thông tin KH-CN được nâng cấp.
Về nhân lực, TP.HCM có nguồn nhân lực từ các trường đại học, cao đẳng và có các chương trình đào tạo cán bộ trẻ như Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi; Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân; Chương trình đào tạo 300 - 500 thạc sĩ, tiến sĩ trẻ.
Ngoài ra, TP.HCM cũng ban hành Quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ vào làm việc tại 4 đơn vị là Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Viện Khoa học và Công nghệ - Tính toán và Trung tâm Công nghệ Sinh học.
Thách thức về đổi mới công nghệ và trình độ nhân lực
Qua 40 năm phát triển, TP.HCM đã trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo và đặc biệt là khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, Thành phố cũng đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong tương lai, đặc biệt là từ ngoài nước.
Hiện tại, Việt Nam đã và đang tiến hành đàm phán gia nhập nhiều tổ chức và hiệp định thương mại, trong đó gần đây nhất là TPP. Đây là kết quả tất yếu khi mà quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi mặt, tác động tới toàn bộ sự phát triển của mỗi quốc gia. Thế giới hội nhập đang và sẽ chứng kiến những tiến bộ thực sự có ý nghĩa về KH-CN như sự phát triển của công nghệ vật liệu mới, sự ra đời của công nghệ nano, sự khám phá công nghệ gien.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân tìm hiểu sản phẩm trưng bày tại sự kiện “Khoa học và công nghệ khu vực phía Nam chào mừng 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nướcbên cạnh sản phẩm - Ảnh: CTV |
Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang đứng trước những cơ hội tiếp cận và tiếp nhận những thành quả của tiến bộ KH-CN để xây dựng những ngành nghề mới có hàm lượng kỹ thuật và tri thức cao, đồng thời cũng đặt ra những thách thức về mức độ đổi mới công nghệ.
Trong quá trình toàn cầu hóa, khi các nước phát triển dựa vào nền kinh tế tri thức thì các lĩnh vực sản xuất gây ô nhiễm cao, phát thải lớn có xu hướng chuyển dần sang các nước đang phát triển. Báo cáo của Bộ KH-CN cho biết, 80-90% công nghệ nước ta sử dụng là công nghệ ngoại nhập, 76% máy móc dây chuyền công nghệ nhập thuộc thế hệ những năm 1960-1970, 75% số thiết bị đã hết khấu hao, và 50% là đồ tân trang.
Tính chung cho các doanh nghiệp, mức độ thiết bị hiện đại chỉ có 10%, mức trung bình 38%, lạc hậu và rất lạc hậu chiếm 52%. Đặc biệt ở nhóm sản xuất nhỏ, thiết bị lạc hậu và rất lạc hậu chiếm đến 70%.
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh Toàn cầu 2014-2015 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam xếp thứ 99 trong số 144 nền kinh tế về mức độ sẵn sàng công nghệ, và xếp thứ 118 trong việc áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất.
Khảo sát gần đây nhất của Bộ KH-CN với 100 DN ở HN và TP.HCM cho thấy, mức đầu tư cho đổi mới thiết bị, công nghệ chỉ ở mức 3% doanh thu cả năm; đa số các DN sử dụng công nghệ những năm 1980, 69% DN phụ thuộc và nguyên vật liệu, 52% phụ thuộc trang thiết bị nhập khẩu, 19% lệ thuộc vào bí quyết công nghệ, số cán bộ kỹ thuật chuyên môn cũng chỉ đạt 7%.
Về trong nước, có thể nói, Việt Nam hiện nay đang thiếu hụt rất lớn nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng cao. Hiện tại chỉ có 24% số tiến sĩ thuộc lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ, trong khi đó 76% còn lại thuộc về các lĩnh vực kinh tế, tài chính, quản trị doanh nghiệp, triết học…
Theo Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM thì dự kiến, nhu cầu nhân lực mỗi năm có thêm khoảng 270.000 chỗ việc làm trống, trong đó, nhu cầu lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm tới 31%. Do đó, thời gian tới, Thành phố cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho những ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng lớn như cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa, điện tử và công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế, hóa chất - hóa dược và mỹ phẩm… Chính vì vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ thuật trình độ cao sẽ còn tăng vọt.
Bên cạnh đó, năng lực cán bộ KH-CN vẫn chưa được khai thác triệt để. Hiện nay TP.HCM có trên 1 triệu tri thức tham gia vào tất cả lĩnh vực trong đời sống xã hội như nghiên cứu tại các trung tâm, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục…. Không chỉ vậy, đội ngũ này còn rất đa dạng từ trí thức lớn tuổi có kinh nghiệm và chuyên môn cao, đội ngũ trí thức trẻ năng động, sáng tạo, nhiệt huyết - luôn lăn xả vào công việc và đội ngũ trí thức Việt kiều được đào tạo ở những nước có nền giáo dục tiên tiến.
Nhân viên Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch ICDREC thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM đang trực tiếp lắp hệ thống định vị và giám sát cho 2 thiết bị chứa nguồn phóng xạ của công ty Apave. Hệ thống định vị này hoàn toàn toàn do ICDREC thiết kế và sản xuất - Ảnh: Ng.Long |
Tuy nhiên, thách thức hiện nay là chúng ta vẫn chưa khai thác hết tiềm năng đội ngũ KH-CN, đặc biệt là nhân lực trẻ. Cơ chế quản lý khoa học tuy có cải tiến nhưng vẫn chưa tạo hiệu quả như mong muốn; hai giới khoa học và doanh nghiệp hiện vẫn chưa thật sự gắn kết, do đó thành quả nghiên cứu khoa học vốn chưa nhiều lại ít ứng dụng được cho sản xuất.
Cơ hội từ nội lực
Tuy đối mặt với nhiều thách thức, TP.HCM cũng có những cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn về KH-CN. Một trong những cơ hội của TP.HCM đến từ hạ tầng KH-CN tương đối phát triển, phù hợp sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Thành phố hiện có những cơ sở giáo dục đào tạo, KH-CN tiên tiến gồm các trường đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm quốc gia trọng điểm, trung tâm công nghệ cao, hệ thống các phòng kiểm nghiệm hiện đại ngang tầm khu vực cùng hệ thống bệnh viện, trung tâm chẩn đoán y học hiện đại... Ngoài ra, TP.HCM còn là nơi có nhiều trung tâm sản xuất sản phẩm công nghệ cao như khu Công viên Phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao TP.HCM đã và đang sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao “Made in Vietnam” đã góp phần tích cực trong chương trình chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu của TP.HCM thông qua giá trị xuất khẩu lũy kế đạt 7,4 tỷ USD, đóng góp ngân sách hằng năm hơn 300 tỷ đồng và tạo ra 18.000 việc làm.
Theo ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thì Thành phố đã sẵn sàng và có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển CNTT, do đó trong thời gian tới thì các DN CNTT cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, con người, công nghệ...
Mặt khác, TP.HCM cũng là địa phương thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước nhiều nhất cả nước. Vốn đầu tư phát triển của Thành phố từ chỗ chiếm 5,03% tổng vốn đầu tư phát triển cả nước vào năm 1976, đến nay đã chiếm khoảng 21%. Riêng lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, đến cuối năm 2014, có 5.310 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn hơn 36,28 tỷ USD (chiếm 14,4% vốn đăng ký và 30,1% số dự án đăng ký toàn quốc). Đặc biệt, có nhiều dự án đầu tư đã và đang tại TP.HCM là của các doanh nghiệp công nghệ nổi tiếng trên thế giới như Intel, Nidec.
Việt Nam cũng được dự đoán sắp đón một "làn sóng" đầu tư từ các doanh nghiệp có tiềm năng về KH-CN. Ví dụ như dự kiến giữa tháng 5/2015 này, tập đoàn Samsung sẽ khởi công xây dựng dự án Samsung CE Complex (SEHC), vốn đầu tư 1,4 tỷ USD; dự án xây dựng Công viên Thiên niên kỷ với vốn đầu tư khoảng 41,6 triệu USD; dự án xây dựng hạ tầng khu Saigon Silicon City có tổng vốn đầu tư khoảng 40 triệu USD. Các dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết việc làm, thu hút nhà đầu tư vệ tinh chocông nghiệp điện tử Việt Nam, phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghệ cao và thúc đẩy đầu tư cho công tác nghiên cứu - phát triển (R&D) trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố nội lực phải nhắc đến đó là để đạt được những thành tựu nổi bật trong 40 năm qua, trước hết, phải nói rằng TP.HCM đã dám nghĩ, dám làm, dám đột phá về tư duy trong xây dựng và triển khai chính sách. Và giờ đây, nối tiếp truyền thống đi đầu trong công cuộc đổi mới, hoạt động KH-CN TP.HCM bắt đầu có những bước cải tiến về cơ chế, chính sách, và sau nữa là cách nghĩ - cách làm.
Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hoàng Quân phát biểu tại sự kiện “Khoa học và công nghệ khu vực phía Nam chào mừng 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” - Ảnh: Cao Minh |
Các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại Thành phố đã có nhiều điểm mới như chỉ cấp kinh phí thực hiện khi đề tài được cơ quan cụ thể tiếp nhận kết quả sau khi kết thúc nghiên cứu; theo sát việc bàn giao kết quả và báo cáo tình hình kết quả; tăng cường việc phổ biến chuyển giao, nhân rộng kết quả nghiên cứu như đưa thông tin lên trang web, tổ chức hội thảo, in thành sách…
Ngoài ra, các vấn đề đặt hàng, các dự án lớn của Thành phố, các dự án sản xuất thử nghiệm trên cơ sở các đề tài đã được nghiệm thu, các đề tài có nhiều địa chỉ ứng dụng và các nguồn kinh phí thực hiện khác ngoài kinh phí từ ngân sách sẽ được ưu tiên. Các nghiên cứu yêu cầu chú trọng mang tính thực tiễn, ứng dụng cao theo yêu cầu thực tế sản xuất. Mục tiêu của những đổi mới này nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động KH-CN, đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Tại sự kiện Khoa học và Công nghệ khu vực phía Nam chào mừng 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra vào hôm 24/4/2015 vừa qua, Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hoàng Quân cho biết những thành tựu to lớn của nhân dân TP.HCM luôn gắn liền với sự đóng góp của KH-CN, đồng thời khẳng định tiềm lực KH-CN của TP.HCM không ngừng phát triển trong suốt 40 năm qua và đã góp phần làm chuyển biến tích cực cơ cấu kinh tế của Thành phố.
Ngày khoa học công nghệ Việt Nam, nhân lực công nghệ cao, phóng xạ, Sở KHCN TPHCM, Sở KH-CN TPHCM