(PCWorldVN) Theo Qualcomm, nhà cung cấp chip di động lớn nhất thế giới cho rằng Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để triển khai mạng 4G.
Qualcomm đang thống trị thị trường chip trang bị băng tần di động (bao gồm 2G, 3G và 4G) trên toàn cầu tính đến quý 3/2014, với thị phần lên đến 64%.
Trung Quốc gần đây đã phạt Qualcomm 975 triệu USD – mức phạt tiền cao kỷ lục đối với một công ty vi phạm luật chống độc quyền của Trung Quốc. Qualcomm đã chấp nhận mức phạt và sẽ cung cấp giấy phép bằng sáng chế thiết yếu 3G và 4G, không còn áp đặt các đối tác tại Trung Quốc phải sử dụng thêm các bằng sáng chế khác của mình. Đối với các công ty chọn các thỏa thuận mới, áp dụng cho điện thoại được bán ở Trung Quốc, Qualcomm sẽ tính toán tiền bản quyền dựa trên 65% giá bán của điện thoại, thay vì trên toàn bộ giá. Điều này có thể ảnh hưởng đến giao dịch ở những thị trường khác, buộc Qualcomm phải giảm giá tiền bản quyền của mình trên toàn cầu. Và đặt Qualcomm vào vị thế đối mặt với cuộc chiến giá cả với các nhà sản xuất vi xử lý khác. Ngoài ra để đối phó với các đối thủ thì dường như Qualcomm đã và đang tập trung vào dòng thiết bị giá rẻ và phổ cập công nghệ 4G LTE tại các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Việt Nam… Không đâu xa, ngay tại sự kiện quốc tế về 4G tổ chức tại Việt Nam ngày 26/3 vừa qua, Qualcomm đã thể hiện sự đồng hành của mình với Huawei, ZTE và Oppo. Các gian hàng này đều trưng bày loạt sản phẩm smartphone sử dụng chipset Qualcomm tích hợp công nghệ 4G LTE.
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển hệ sinh thái 4G
Theo số liệu tháng 1/2015 của Cục Viễn thông, sau 5 năm Việt Nam phát triển công nghệ 3G, số lượng thuê bao đã lên đến khoảng 29 triệu và vẫn đang tiếp tục tăng mạnh. Công nghệ 3G đã phủ sóng 63/63 tỉnh, thành và cước 3G cũng vừa túi tiền với đa số người dùng. Đây được xem là một trong những nền tảng để triển khai công nghệ 4G tại Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2014, trên thế giới có hơn 360 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại hơn 150 quốc gia đã cung cấp dịch vụ 4G. Trong đó, khu vực châu Á có 61 đơn vị thuộc 25 quốc gia.
Ông Jay Srage (giữa) và ông Thiều Phương Nam (bên phải) |
Theo các chuyên gia đến từ Qualcomm thì Việt Nam đang rất thuận lợi để triển khai 4G. Tuy nhiên để thực sự thuận lợi thì hệ sinh thái 4G bao gồm: quy hoạch băng tần, hạ tầng nhà mạng, thiết bị đầu cuối và nội dung số sẽ phải cùng nhau kết hợp nhịp nhàng. Sự ảnh hưởng của băng thông rộng đối với nền kinh tế đã thể hiện khá rõ ngay từ thời điểm triển khai dịch vụ 3G cho đến nay tại Việt Nam.
Ông Jay Srage, Chủ tịch tập đoàn Qualcomm khu vực Đông - Nam Á, Trung Đông và châu Phi cho rằng sự ảnh hưởng của công nghệ 4G sẽ tập trung vào một số lĩnh vực xã hội như: nền tảng y tế điện tử được cải thiện, ở Việt Nam với nhiều vùng sâu vùng xa thì kết nối băng thông tốc độ cao sẽ giúp các trạm y tế có thể tương tác trực tiếp với các bệnh viện ở thành phố nhằm giúp triển khai phác đồ điều trị. Một lợi ích khá rõ ràng là công bằng xã hội trong giáo dục, với các bài giảng từ các trường đại học có thể dễ dàng truyền đến nhiều người học trên diện rộng. Ngoài ra các bài toán kinh doanh cũng sẽ có sự thay đổi khi mà luồng dữ liệu ngày càng được trao đổi nhanh và nhiều hơn.
Ông Thiều Phương Nam, đại diện Qualcomm, cũng chỉ ra rằng hệ sinh thái 4G của Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Về chính sách băng tần phát sóng thì chính phủ đã quy hoạch 200 MHz dùng cho 4G. Trong khi đó, ông Nam cũng đánh giá hạ tầng của các nhà mạng ở Việt Nam có thể nâng cấp và chi phí cho việc đầu tư lên 4G không còn quá đắt. Tuy nhiên bài toán kinh doanh của nhà mạng còn phụ thuộc nhiều vào thiết bị đầu cuối và nội dung số dành cho người dùng. Qualcomm tại Việt Nam cũng có một bộ phân chuyên trách về việc phân tích đánh giá hạ tầng để hỗ trợ các nhà mạng tại Việt Nam nhằm đưa ra các mục tiêu kinh doanh dễ dàng hơn.
Bài toán về chi phí dành cho người dùng mà Qualcomm đã tổng kết được được chỉ ra rằng trên cùng một nội dung, mạng dữ liệu 2G tiêu tốn người dùng từ 6 - 8 ngàn đồng, 3G giảm dần xuống còn khoảng 500 - 700 đồng, còn 4G thì giảm thêm 10 lần nữa chỉ còn 50 - 70 đồng. Điều này mở ra nhiều cơ hội về sử dụng dịch vụ dữ liệu của người dùng và thúc đẩy các đơn vị sản xuất nội dung có nhiều phương án để triển khai hơn từ truyền hình 4G, tối ưu hóa băng thông, điện năng cho các kết nối từ máy tới máy tạo nên sức mạnh cho kỉ nguyên internet kết nối vạn vật.
Ông Thiều Phương Nam, đại diện Qualcomm Việt Nam |
Theo báo cáo của IDG thì 60% smartphone bán ra trong năm 2014 vừa qua có giá dưới 200 USD. Phân khúc thị trường này còn rất lớn đối với các nhà cung cấp thiết bị đầu cuối. Ông Thiều Phương Nam cũng cho biết với dòng sản phẩm giá rẻ thì Qualcomm cũng tham gia thị trường vi xử lý với Snapdragon 210 tích hợp LTE được giới thiệu hồi năm 2014. Với dòng sản phẩm này, giá bán smartphone dòng cấp thấp được kì vọng sẽ kéo xuống dưới 100 USD, nhưng vẫn sở hữu các công nghệ kết nối tốc độ cao hiện đại nhất. Đây là một trong nhưng điều kiện cần thiết để phát triển 4G, bởi nhu cầu người tiêu dùng tiêu thụ nội dung số trên smartphone ngày càng cao.
Cùng với chính sách toàn cầu, ông Nam cũng cho biết rằng Qualcomm sẽ đẩy mạnh hợp tác với các nhà sản xuất điện thoại thương hiệu Việt để cho ra các sản phẩm đầu cuối tích hợp công nghệ 4G giá rẻ.
PC World VN, 04/2015
4G, 4G LTE, 5G, chip Snapdragon 810, mạng 4G, mạng di động, Qualcomm