(PCWorldVN) Chính sách quản lý, hạ tầng kĩ thuật, thiết bị đầu cuối và nội dung số là những thành phần chính của hệ sinh thái viễn thông và việc triển khai 4G LTE cần có sự phát triển đồng bộ toàn diện.
Theo các chuyên gia trong ngành viễn thông, Việt Nam hiện đang có cơ hội vàng triển khai mạng tốc độ cao 4G LTE. Với hệ sinh thái viễn thông còn trẻ nên thuận tiện trong việc triển khai, tuy nhiên điều kiện cần vẫn chưa đủ khi giá bán thiết bị đầu cuối còn cao so với mặt bằng thu nhập chung của xã hội, và dịch vụ nội dung chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng |
Chính sách quản lý băng tần
Trong các nhà khai thác mạng di động 3G tại Việt Nam thì Viettel dẫn đầu khi chiếm gần 42% thị trường, kế tiếp là Mobifone (33,5%) và Vinaphone (22,5%), phần nhỏ còn lại là của các nhà khai thác khác. Các nhà mạng này hiện đang sử dụng băng tần 2100 MHz cho 3G có thời hạn đến năm 2024. Dựa trên những dải tần đang có và đã sử dụng thì cơ quan quản lý đã đưa ra lộ trình chuẩn bị băng tần cho việc triển khai công nghệ 4G. Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông (TTTT) Lê Nam Thắng cho biết việc đầu tư phát triển công nghệ Internet di động 4G LTE là một trong những xu thế của ngành viễn thông, do đó Bộ TTTT đã xây dựng lộ trình ứng dụng công nghệ 4G LTE bắt đầu từ năm 2015.
Quy hoạch 4G với dải tần số 2.3/2.6 GHz |
Theo ông Lê Văn Tuấn, Cục phó Cục Tần số vô tuyến điện thì nhà nước đã quy hoạch băng tần 2.3 và 2.6 GHz để phục vụ cho việc triển khai 4G. Hiện nay các nhà mạng tại Việt Nam đều sở hữu một trong các băng tần giá trị nhất là 900 MHz và 1800 MHz, đang dùng cho mạng 2G. Tuy nhiên việc khai thác 2G hiện nay không còn hiệu quả và việc chuyển đổi từ 2G lên hệ thống băng thông rộng 3G và 4G là một điều tất yếu. Việc triển khai nâng cấp lên băng thông rộng hiện tại được đề nghị sử dụng dải băng tần dưới 1 GHz để có thể phổ cập mạng di động băng thông rộng đến các vùng nông thôn. Trong đó các dải tần như 700 MHz, 800/850 MHz, 900 MHz đã có kế hoạch để tối đa hóa lợi ích của băng thông rộng. Theo ông Lê Văn Tuấn thì thời gian cấp giấy phép băng tần mới phụ thuộc vào thiết bị cầm tay có sẵn và khả năng chi trả của người dùng, nhu cầu thị trường.
Hạ tầng nhà mạng
Hiện tại, cơ sở hạ tầng kĩ thuật viễn thông Việt Nam vẫn sử dụng song song công nghệ 2G và 3G. Do đó việc đầu tư vào công nghệ 4G LTE cần phải có lộ trình, định hướng đầu tư hiệu quả nhất dựa trên cơ sở đón đầu công nghệ mới và tận dụng hạ tầng có sẵn. Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết Việt Nam phải xem xét chờ đợi công nghệ chín muồi, khi mà người dùng công nghệ đó phổ biến trên toàn thế giới thì khả năng áp dụng thành công mới cao. Bài học về việc triển khai CDMA đã cho thấy việc công nghệ tốt nhưng tính phổ biến hạn chế thì khi nhà mạng triển khai không thực sự thu được kết quả tốt.
15 trạm thử nghiệm 4G LTE của Vinaphone tại Hà Nội |
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Cục phó Cục Viễn thông thì nhà mạng sẽ gặp một số thách thức không nhỏ khi triển khai mạng 4G LTE. Thách thức đầu tiên là việc yêu cầu một hệ thống mạng mới hoàn toàn, thiết bị truyền dẫn và các tuyến cáp quang khó có thể tận dụng từ nền tảng cũ. Ngoài ra việc thiết lập các trạm thu phát sóng BTS (Base Transceiver Station) dùng chung nhiều băng tần cùng với tần số 1800 MHz có thể gây nhiễu. Các BTS tạo nên vùng phủ sóng dạng tế bào, vị trí của chúng quyết định dung lượng và vùng phủ của mạng vì vậy việc sử dụng hệ thống điều khiển công suất trên cùng cột thu phát có thể ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đường truyền dữ liệu. Điều này đặt ra bài toán làm thế nào để tối ưu hóa hạ tầng lõi của nhà mạng, tương thích giữa mới và cũ... việc triển khai LTE trên hạ tầng của 2G và 3G cũng cần thiết có sự nghiên cứu và tái sử dụng những gì đã có, tránh đầu tư chồng chéo. Đấy chỉ là một phần trong việc triển khai kĩ thuật, ngoài việc đầu tư một khoản tài chính khổng lồ thì nhà mạng còn phải đầu tư vào nhân tố con người, phân bổ tài nguyên và hệ thống quy trình mới.
Ông Đỗ Vũ Anh, trưởng ban viễn thông của tập đoàn VNPT cũng cho biết kết quả thử nghiệm 4G LTE trên băng tần 1800 MHz và 1600 MHz trong vòng 3 năm trở lại đây diễn ra khá suôn sẻ. Quá trình thử nghiệm cho thấy các dịch vụ băng thông rộng tạo nên nhiều thuận lợi trong việc phát triển dịch vụ, chỉ khoảng cuối năm 2015 hoặc đầu 2016 thì các khách hàng đang sử dụng thiết bị di động cao cấp có trang bị LTE sẽ sớm được trải nghiệm.
Thiết bị đầu cuối
Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng thì thiết bị đầu cuối mới hỗ trợ 4G khá nhiều trên thị trường nhưng mức giá còn quá cao so với mặt bằng kinh tế Việt Nam. Đây là một trong những rào cản, vướng mắc khiến việc triển khai 4G gặp khó khăn. Thiết bị đầu cuối nếu có mức giá từ 1-2 triệu đồng thì mới có thể dễ dàng phổ cập đến người dùng.
Theo bản nghiên cứu Ericsson Mobility Report thì năm 2014, đã có khoảng 1,3 tỉ smartphone được bán ra và có thêm 800 triệu thuê bao smartphone mới. Một trong những nguyên nhân khiến các thuê bao di động gia tăng nhanh là người dùng có xu hướng chuyển sang các dòng sản phẩm smartphone giá rẻ tại các quốc gia khu vực châu Á, Trung Đông và châu Phi. Trong tổng số thuê bao di động, hiện chỉ có 37% là sử dụng smartphone, vì thế vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất, nhà mạng và các nhà bán lẻ. Cũng từ một báo cáo khác của IDG cho biết, trong số 10 điện thoại di động bán ra tại Việt Nam thì có tới 6 chiếc nằm trong phân khúc giá rẻ. Tuy nhiên, hiện phân khúc giá rẻ còn có nhiều hạn chế về mặt công nghệ, nhất là đối với 4G LTE. Việc Qualcomm đưa ra dòng sản phẩm Snapdragon 210 và một nửa số điện thoại thông minh xuất xưởng trong năm 2015 dự kiến đều sẽ sử dụng chip có kiến trúc ARMv8 64-bit mới là những điều kiện thuận lợi. Giá của những chip 64-bit có hỗ trợ 4G LTE cũng sẽ rất rẻ và xuất hiện trên cả điện thoại thông minh có giá bán dưới 2 triệu đồng.
Nội dung số
Nghiên cứu Ericsson Mobility Report cũng cho biết tới năm 2020, thế giới sẽ có 3,5 tỉ thuê bao LTE và LTE sẽ được phủ sóng trên 70% dân số toàn cầu tại thời điểm đó. Tới cuối năm 2014, LTE đã tăng trưởng mạnh mẽ và có 500 triệu thuê bao. Trong khoảng thời gian 2015 đến 2020, châu Á - Thái Bình Dương sẽ là khu vực đứng đầu về sự tăng mới thuê bao LTE, dự kiến có thêm 1,8 tỉ thuê bao, chiếm 60% sự tăng trưởng về lượng thuê bao LTE toàn cầu. Tới năm 2020, số lượng thuê bao băng rộng di động sẽ chiếm 90% tổng số thuê bao di động. Trong các thị trường điển hình cho thấy 4-60% lưu lượng xem video bằng di động thông qua Youtube và số người xem video trực tuyến theo yêu cầu nhiều hơn người xem truyền hình phát sóng thông thường. Và hình thức xem trên Web đang dần chuyển sang sử dụng các ứng dụng được cài đặt. Điều này đặt ra bài toán dành cho các nhà triển khai dịch vụ làm thế nào để cung cấp nội dung nhằm thỏa mãn được nhu cầu của người dùng.
Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, để 4G phát triển tốt, ngoài các chính sách, hạ tầng hay thiết bị đầu cuối thì nội dung số cũng phải được đầu tư một cách thỏa đáng. Nếu chỉ dùng để duyệt web, đọc tin thì không cần đến 4G bởi vì 3G đã làm rất tốt điều này. Đồng quan điểm với ông Thắng, các nhà cung cấp giải pháp như Cissco,Ericson hay Samsung đều cho rằng 4G được dùng với tiêu chuẩn cao hơn như truyền hình kĩ thuật số, làm đường truyền cho việc kết nối giữa máy tới máy (M2M)... Ngành công nghiệp nội dung số phải đáp ứng đầy đủ các dịch vụ như truyền hình trên internet, dịch vụ BigData, xem phim độ phân giải cao...
PC World VN, 04/2015
4G, 4G LTE, 5G, chip Snapdragon 810, mạng 4G, mạng di động, Qualcomm