Sản phẩm

Cần biết gì về màn hình Ultra HD

(PCWorldVN) Đã đến lúc bạn cần có một cái nhìn rõ ràng, nghiêm túc hơn về màn hình có khả năng hiển thị nội dung 4K.

Làn sóng đầu tiên của màn hình độ phân giải 4K có vẻ như không được nhiều người đón nhận bởi hiệu quả thực tế không như mong đợi, và nhất là giá sản phẩm còn cao. Hơn nữa, nhiều trường hợp người dùng cảm thấy khó chịu vì khó thiết lập để có được chất lượng hiển thị tối ưu nhất. Hơn nữa, tần số làm tươi (refresh) thấp cũng khiến cho những trải nghiệm trên màn hình 4K không quá hấp dẫn với đa số người dùng vì dễ gây mỏi mắt hơn so với màn hình thông thường.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại thì mọi câu chuyện về màn hình 4K có vẻ như đã đổi khác. Những yếu tố cần thiết để có được chất lượng hình ảnh đạt chuẩn 4K với mức giá chấp nhận được đang dần chuyển biến theo chiều hướng tốt lên. Và đây cũng là lúc bạn cần cập nhật lại những vấn đề liên quan đến màn hình Ultra HD và trả lời câu hỏi: có đáng để mua màn hình “siêu độ phân giải” này không!

 

Một màn hình 4K sẽ có số điểm ảnh cao gấp 4 lần so với màn hình Full HD 1080p giúp hình ảnh sắc nét và trung thực hơn rất nhiều so với các mức HD hay Full HD.

Độ phân giải Ultra HD

Điều đầu tiên bạn cần biết là những màn hình Ultra HD 4K PC Display đôi khi còn được gọi là màn hình “4K2K” hoặc màn hình có khả năng hiển thị 4K, để chỉ số lượng điểm ảnh mà màn hình có được.

Cụ thể, màn hình Full HD sẽ có độ phân giải 1.920 x 1.080 pixel, tức khoảng 2,1 megapixel. Trong khi đó, màn hình 4K sẽ có độ phân giải chuẩn là 3.840 x 2.160 pixel hay khoảng 8,3 megapixel. Tức độ phân giải (resolution) của 4K sẽ cao khoảng gấp đôi và số điểm ảnh cao gấp 4 lần so với Full HD. Những con số này chỉ mang tính chất tương đối, bạn chỉ cần biết rằng màn hình 4K cho máy tính sẽ phù hợp cho những công việc đòi hỏi nhiều ở chất lượng hiển thị, nhất là mức độ sắc nét của hình ảnh.

Độ phân giải cao hơn cũng giúp cho người dùng có thể xem hay chỉnh sửa các file hình ảnh có độ phân giải 8 megapixel trở lên hay những nội dung 4K ở độ phân giải chuẩn (native resolution – mức phân giải tối ưu, có được chất lượng hình ảnh đẹp nhất), mà hình ảnh không bị kéo giãn hoặc thu nhỏ. Có thể nói với người dùng máy tính thông thường thì chất lượng hiển thị chi tiết đến mức 4K không phải là nhu cầu lớn, nhưng với các chuyên gia sáng tạo trong những lĩnh vực chuyên biệt như đồ hoạ, thiết kế… thì độ phân giải 4K thực sự là lựa chọn tốt nhất hiện nay.

Màn hình 4K có thể sẽ không hề gặp vấn đề khi hiển thị nội dung cho các tác vụ thông thường như duyệt web hay soạn thảo văn bản với các bộ ứng dụng văn phòng. Thậm chí, màn hình này vẫn có thể “chạy tốt” với card đồ hoạ tích hợp.

Tuy nhiên, với những tác vụ cao cấp hơn thì bạn sẽ phải trang bị thêm một số yêu cầu về phần cứng mới có được chất lượng trải nghiệm tốt nhất. Chẳng hạn như các game thủ thì nếu muốn trải nghiệm những cảnh game ở mức khung hình cao với độ phân giải 4K thì sẽ cần đến những card đồ hoạ cao cấp có hiệu năng cao.

Lấy ví dụ cho một tựa game như Crysis 3, ngay cả những card đồ hoạ thuộc hạng “mạnh” như GeForce GTX 980 của Nvidia thì cũng chỉ có thể xử lý được các cảnh game ở mức từ 16 đến 20 khung hình/giây, khi thiết lập chất lượng hình ảnh mở mức cao (High). Trong khi đó, card GeForce GTX 980 dual hoạt động ở chế độ SLI cũng chỉ có thể đạt mốc 30 fps. Nhưng với card đồ hoạ thuộc hàng “đỉnh” như Nvidia Titan X và AMD Radeon R295x2 Dual-GPU mới có thể chạy được các tựa game mới ở độ phân giải 4K với thiết lập chất lượng game ở mức High. Nhưng những card này cũng tỏ ra “đuối” với thiết lập chất lượng game ở mức Ultra (siêu cao). Thậm chí, đa phần các cảnh game trong những trò “nặng đô” thường tốc độ khung hình chỉ đạt dao động trên mức 30 fps, một số ít tựa game tốc độ khung hình cũng đạt ở mức dưới 60 fps.

Một số công nghệ màn hình mới như Nvidia G-Sync và AMD FreeSync có thể giúp các trò chơi nặng có thể chạy mượt mà hơn ở mức tốc độ khung hình thấp. G-Sync là công nghệ màn hình mới của Nvidia cho phép đồng bộ hóa tần số làm tươi (Refresh Rate) của cả màn hình lẫn GPU. Tức, G-Sync sẽ chỉ làm tươi (refresh) màn hình sau khi GPU đã render xong một khung hình.

GeForce GTX Titan X của Nvidia hiện đang là card đồ hoạ với GPU đơn có thể chơi được các game hỗ trợ độ phân giải 4K với tốc độ khung hình ở mức chấp nhận được.

Nên chọn cáp DisplayPort đạt chuẩn để có được chất lượng 4K tốt nhất.

Màn hình và các loại tấm nền

Giống như các loại màn hình cho máy tính khác, các công ty sản xuất màn hình 4K sử dụng nhiều loại tấm nền (panel) khác nhau như: TN (Twisted Nematic), IPS (In-Plane Switching) và IGZO (Indium Gallium Zinc Oxide). Trong đó, tấm nền TN thường có mức giá thấp nhất, sau đó là đến IPS và cuối cùng là tấm nền IGZO.

- Tấm nền TN thường áp dụng cho các sản phẩm hướng đến đối tượng người dùng là game thủ hay người dùng phổ thông thích tốc độ và thời gian đáp ứng nhanh. Nhóm người dùng này thường có yêu cầu không cao về độ chính xác của màu sắc và góc nhìn, trong khi đó hai yếu tố này lại là yêu cầu rất khắt khe của nhóm người dùng chuyên nghiệp (Pro-User).

- Tấm nền IPS thì có ưu điểm là có góc nhìn rộng và khả năng tái tạo màu sắc cao, nhưng nhược điểm của tấm nền này là ở thời gian đáp ứng (response time) chậm hơn so với tấm nền TN. Lấy ví dụ với các màn hình máy tính được trang bị công nghệ FreeSync và G-Sync hỗ trợ độ phân giải 2.560 x 1.440 pixel mà Acer vừa ra mắt gần đây và so sánh. Màn hình TN FreeSync cho thời gian đáp ứng 1 mili-giây (ms), trong khi đó, màn hình IPS G-Sync có thời gian đáp ứng đến 4 mili-giây.

- Tấm nền IGZO sử dụng loại bán dẫn khác trong bảng nối điều khiển TFT của tấm nền (loại được sử dụng phổ biến hơn là Silicon vô định hình - Amorphous Silicon hay aSI). Loại bán dẫn này giúp màn hình có được hiệu suất tái tạo tốt hơn và phù hợp với những loại màn hình có mật độ điểm ảnh cao giống như 4K Monitor.

Chọn màn hình có tấm nền phù hợp phụ thuộc vào từng nhu cầu cụ thể mà người dùng cần. Tuy nhiên, bạn cần xác định rằng phải có sự đánh đổi giữa thời gian đáp ứng với góc nhìn rộng và độ chính xác của màu sắc. Nếu một màn hình hội đủ 3 yếu tố trên thì chắc chắn mức giá sẽ không hề rẻ.

Tốc độ độ làm tươi (refresh rate) của tấm nền cũng là một vấn đề đáng để bạn quan tâm. Một số màn hình 4K có mức giá tốt hiện được bán trên thị trường thường có tốc độ làm tươi ở mức 30 Hz. Tốc độ làm tươi trung bình thường thấy ở các màn hình máy tính ở mức 60 Hz và nhanh hơn như ở mức 144 Hz trên các màn hình tối ưu cho việc chơi game. Mặc dù một số người cho rằng mức 30 Hz là đủ cho các tác vụ chỉnh sửa hình ảnh, biên tập video nhưng thực tế thì một màn hình có tốc độ làm tươi ở mức 30 Hz thường dễ gây nhức đầu và khó chịu khi dùng lâu. Ở mức refresh rate thấp thì đa số các thao tác, kể cả việc di chuyển chuột cũng sẽ có cảm giác bị giật. Do đó, một màn hình có mức làm tươi từ 60 Hz trở lên sẽ là phù hợp với đa số người dùng.

Một vấn đề nảy sinh với đa số các màn hình máy tính 4K hiện nay là chúng bị hệ điều hành nhận diện như hai màn hình (dual display), mỗi màn hình có độ phân giải 1.920x2.160 pixel. Nhiều màn hình 4K mới hiện nay được tích hợp chức năng nội suy tỷ lệ khung hình chuyên biệt để có thể hiển thị hình ảnh đúng với độ phân giải 4K. Các màn hình cũ đòi hỏi người dùng phải kết nối với máy tính với hai cáp HDMI hoặc DisplayPort (dual scalers) hoặc một cáp DisplayPort đi kèm hỗ trợ chức năng MST (truyền tải đa luồng) khi mua card đồ hoạ thì mới có thể đạt được độ phân giải 4K với tốc độ làm tươi ở mức 60 Hz.

Mặc dù MST là một giải pháp thông minh để giải quyết vấn đề hiển thị trên màn hình 4K. Tuy nhiên, khi sử dụng trong các môi trường đa màn hình thì nảy sinh nhiều bất cập. Do đó, bạn nên chọn mua những màn hình hỗ trợ truyền tải đơn luồng (single-stream transport) và độ phân giải True 4K để thay thế.

Màn hình Acer XB280HK hỗ trợ độ phân giải 4K, hỗ trợ công nghệ G-Sync với công nghệ truyền tải đơn luồng. Hệ điều hành Windows nhận diện đúng mức phân giải 4K trong khi chỉ cần một dây cáp DisplayPort để kết nối với PC.

Xem thêm “Khám phá công nghệ tấm nền màn hình di động” trên PCW số tháng 8/2014, hoặc www.pcworld.com.vn/T1235584.

Những màn hình 4K mới sử dụng công nghệ truyền tải đa luồng (multi-stream transport technology - MST) mà Windows nhận diện như hai tấm nền 1.920x2.160 pixel riêng biệt.
Giao diện tuỳ chỉnh kích thước giao diện sử dụng trên Windows.

Những vấn đề liên quan đến cáp kết nối

Mặc dù các loại cáp DisplayPort thường được gắn nhãn tương ứng với phiên bản, chẳng hạn như 1.1 hay 1.2, các phiên bản này có những thông số kỹ thuật riêng được thiết kế sẵn để tương thích với tất cả các màn hình hỗ trợ cáp DisplayPort. Bạn chỉ nên dùng các cáp được gắn nhãn đạt chuẩn DP (DisplayPort) - certified DP để có được những trải nghiệm hình ảnh tốt nhất.

Trên thị trường hiện tại có rất nhiều loại cáp không đạt chuẩn DP vẫn được bán tràn lan. Thậm chí còn có nhiều loại bán với giá được tính dựa trên chiều dài. Nếu mua những loại cáp này thì bên cạnh việc không có được chất lượng hình ảnh tốt nhất thì hệ thống máy tính và màn hình của bạn cũng dễ bị hỏng hóc, các loại cáp “lô” này cũng dễ bị đứt và chập điện. Do đó, bạn chỉ nên chọn mua những loại cáp của những nhà sản xuất có tên tuổi.

Nhiều loại cáp DisplayPort không đạt chuẩn có thể kết nối với cả pin thứ 20, điều này khiến cho dòng điện sẽ truyền ngược trở lại hệ thống. Một số vấn đề phát sinh do cáp không đạt chuẩn gây ra như tín hiệu hình ảnh truyền tải không đồng bộ giữa card màn hình và màn hình hiển thị, các thiết bị ngoại vi như bàn phím, chuột, ổ cứng vẫn hoạt động (sáng đèn) ngay cả khi máy tắt, máy tính tỏ ra chập chờn, tự khởi động lại… Cáp không đạt chứng nhận cũng không thể đạt được băng thông cần thiết để màn hình 4K hiển thị tốt ở mức tốc độ làm mới 60 Hz, từ đó khiến cho hình ảnh giật vì màn hình hoạt động ở mức refresh thấp hơn.

Tóm lại, để có được chất lượng hình ảnh 4K đạt chuẩn, mịn màng, sắc nét và thao tác trơn mượt, không giật thì bạn chỉ nên dùng các cáp có gắn nhãn DisplayPort-certified.

Một số dòng màn hình 4K hỗ trợ chuẩn kết nối HDMI, nên bạn cũng cần lưu ý chọn mua cáp có chất lượng tốt. Phiên bản HDMI phổ biến nhất hiện nay và được đa số các card đồ hoạ hỗ trợ là HDMI 1.4. Tuy nhiên, phiên bản này chỉ có thể xuất tín hiệu hình ảnh 4K ở mức 30 Hz. Phiên bản HDMI 2.0 hỗ trợ độ phân giải 4K với tần số quét đạt 60 Hz. Các dòng card đồ hoạ mới hiện tại như dòng Nvidia 9000 series cũng hỗ trợ phiên bản HDMI này. Nhìn chung, cách dễ dàng nhất để truyền tải tín hiệu hình ảnh cho màn hình 4K hiện tại là bạn nên dùng kết nối DisplayPort.

Tuỳ chỉnh trên Windows

Một vấn đề bạn cần lưu ý là khi sử dụng màn hình 4K thì việc chỉnh kích thước của giao diện sử dụng để hình ảnh được rõ ràng trên Windows là rất quan trọng. Vì với độ phân giải 4K thì các nội dung hiển thị (giao diện, biểu tượng, ký tự…) của hệ điều hành sẽ rất nhỏ và rất trống trải nên khó sử dụng được. Do đó, bạn sẽ cần sử dụng đến chức năng thay đổi kích thước của giao diện (Change the size of all items) hay còn gọi là chức năng DPI Scaling.

Để làm được điều này, bạn vào Control Panel > Appearance and Personalization > Display và chọn 1 trong các mức kích thước sẵn có. Mặc định là 100%, đối với màn hình 4K thì bạn nên chọn từ 150% trở lên. Để chọn mức tuỳ ý, bạn nhấn vào Custom sizing options.

Thực tế, 4K là một trong những tiêu chuẩn độ phân giải cao (High Definition) hiện nay, thuật ngữ này đề cập đến một trong hai độ phân giải độ nét cao là 3.840 x 2160 pixel hoặc 4.096 x 2160 pixel. Định nghĩa độ phân giải cao khác hiện đang được sử dụng là 720p và 1080i. Hiện tại, 4K chính thức được chỉ định cho các sản phẩm tiêu dùng như Ultra HD hoặc Ultra High Definition, nhưng cũng tùy vào các thời điểm và lĩnh vực, chẳng hạn như trong môi trường chuyên nghiệp hoặc thương mại là 4K x 2K, Quad High Definition, hoặc 2160p.

Độ phân giải 4K hiện được sử dụng ngày càng nhiều trong các máy quay phim điện ảnh kỹ thuật số thương mại sử dụng tùy chọn độ phân giải 4.096 x 2.160 ảnh điểm, và có nhiều hơn nữa các bộ phim điện ảnh đang quay hoặc sử dụng bản master với định dạng 4K, hoặc upscaled từ 2K (1.998x1.080 tỉ lệ khung hình 1.85:1 / hoặc 2.048 x 858 tỉ lệ khung hình 2.35:1). Ngoài ra, 4K, dưới tên tiêu dùng chính thức là Ultra HD, đang bắt đầu được triển khai vào môi trường rạp hát gia đình, bằng cách sử dụng tùy chọn 3.840 x 2.160 điểm ảnh và khả năng tăng chất lượng video lên 4K, cũng như một số TV 3D, màn hình máy tính, máy chiếu 3D…

Cổng Thunderbolt và Mini DisplayPort trên MacBook Pro giống hệt nhau.

Kết nối DisplayPort có đầu cắm 20 chấu (pin) và có hai chuẩn kích thước DisplayPort và Mini DisplayPort (bạn có thể tìm thấy cổng Mini DisplayPort trên các dòng MacBook Pro trước đây hay Microsoft Surface Pro). Một thông tin thú vị là chuẩn Thunderbolt của Intel chính là sự kết hợp giữa Mini DisplayPort và PCI Express cho việc truyền tải dữ liệu. Mặc dù đầu kết nối trên chuẩn DisplayPort kích thước đầy đủ (full-size) có cơ chế khóa riêng để ngăn chúng vô tình bị tách ra khỏi nhau, tuy nhiên theo đặc tả kĩ thuật chính thức thì đây là một tính năng không bắt buộc.

PC World VN, 05/2015

PCWorld

4K Ultra HD, độ phân giải 4K, độ phân giải 8K, full HD, màn hình Ultra HD, Smart TV, Ultra HD


© 2021 FAP
  2,731,797       1/920