Sản phẩm

OnePlus và kiểu kinh doanh ngược

(PCWorldVN) Công ty khởi nghiệp OnePlus dựa vào những đồn thổi từ nước ngoài để tiếp thị điện thoại tại quê nhà Trung Quốc.

Hầu hết nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc, trong đó có Xiaomi đứng thứ 3 toàn cầu, bắt đầu chuyển hướng làm thương hiệu tại quê nhà. Còn OnePlus lại đi theo hướng ngược lại.

Khoảng 2/3 trong 1 triệu chiếc điện thoại thông minh mà công ty chỉ 1 năm tuổi, có trụ sở ở Thẩm Quyến đã bán được ở các thị trường ngoài nước, gồm Mỹ, châu Âu và một số vùng khác. Những từ ngữ ca ngợi chiếc điện thoại của OnePlus bên ngoài Trung Quốc rất đáng chú ý, nhất là về phần cứng mạnh mẽ và giá cực rẻ. OnePlus One cũng là tên cho chiếc điện thoại đầu tiên của họ.

Theo nhà báo công nghệ Dan Gillmor, ông đã mua 1 chiếc OnePlus hồi tháng 6 năm ngoái: "Tốc độ xuất sắc. Vào lúc ấy, cấu hình của nó thật 'khủng' và đến nay, cấu hình ấy vẫn chỉ có trên những điện thoại cao cấp."

Trong 1 năm, OnePlus đã bán hơn 1 triệu điện thoại cao cấp OnePlus One, hầu hết là ở thị trường châu Âu và Mỹ với giá gần bằng chi phí sản xuất.

OnePlus One chạy nền Android, có thiết kế hao hao với chiếc One M8 của HTC. Kích thước của chiếc OnePlus One cỡ mẫu iPhone 6 Plus nhưng bộ xử lý nhanh hơn, camera độ nét cao hơn và bộ nhớ dung lượng gấp 3 lần. Giá không hợp đồng là 299 USD cho bản 16GB, 349 USD bản 64GB; so với mức dung lượng tương tự của iPhone 6 Plus là 749 USD và 949 USD. Tóm lại, OnePlus One rẻ hơn một nửa so với iPhone 6 Plus.

Trong năm đầu tiên kinh doanh, OnePlus dựa nhiều vào những người yêu thích kỹ thuật, mê điện thoại cấu hình cao như Dan Gillmor. Trong khi OnePlus cố gắng đẩy nhanh sản lượng sản xuất thì hãng vẫn quản lý rất chặt chẽ lượng tồn kho, hạn chế các đơn hàng sản xuất One và chỉ sản xuất phục vụ cho khách hàng ham mê kỹ thuật hơn là số đông người dùng. Mỗi khách hàng đặt hàng được OnePlus One có thể mời thêm 3 bạn bè khác đặt hàng. Theo Zennon Kapron, nhà sáng lập viện nghiên cứu tài chính Kapronasia ở Thượng Hải, những người dùng OnePlus One đầu tiên đều là dân kỹ thuật.

Hồi tháng 4/2015, OnePlus đã phải từ chối nhiều đơn hàng, nhưng CEO của hãng, ông Pete Lau cho rằng hãng có kế hoạch đưa ra một hệ thống cung ứng tương tự khi chiếc điện thoại thứ 2 ra đời vào mùa thu năm nay, tên là OnePlus Two.

Lau sáng lập OnePlus vào tháng 12/2013, cũng là tháng ông rời bỏ nhà sản xuất điện thoại danh tiếng Oppo có trụ sở tại Đông Quan, Trung Quốc lúc ấy với chức danh là phó chủ tịch. Trong thời gian đầu, Oppo đầu tư về nghiên cứu cho OnePlus, nhưng Oppo hoàn toàn không phải là một nhánh của OnePlus. Lau mô tả chính bản thân ông như là tay chuyên kỹ thuật và thiết kế, luôn cặp kè với chiếc máy Mac mỗi khi có thời gian rảnh. Mục tiêu của ông với OnePlus là bắt chước cảm giác mà ông có được khi nhìn vào các bo mạch chủ của Apple: "Tôi ngưỡng mộ khả năng tập trung để tạo ra được cái vẻ đẹp bên trong ra đến bên ngoài của chiếc máy Mac."

Pete Lau, người thành lập OnePlus hồi tháng 12/2013.

Lau cho rằng OnePlus "lời rất, rất ít", nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết về tài chính. Ông nói không hy vọng có thể bán được từ 3 đến 5 triệu điện thoại trong năm 2015 và hoạt động còn dựa nhiều vào tiền hỗ trợ từ một tổ chức giấu tên trong nước. Ông nói: "Với mô hình kinh doanh như vậy, giá cả là yếu tố xét đến sau cùng. Chúng tôi đang tạo ra loại điện thoại mà chúng tôi mong muốn và sẽ bán nó bằng với giá chúng tôi sản xuất."

OnePlus có khoảng 700 nhân viên, và mô hình kinh doanh dạng "truyền miệng" như vậy đã giữ cho giá sản phẩm ở mức thấp. Hạn chế tuyển thêm nhân sự cũng khiến hãng khó lòng xử lý được những tồn đọng hiện thời. Vài khách hàng đầu tiên gặp phải vấn đề về phần mềm trên màn hình chạm của One mà vẫn không được hỗ trợ kỹ thuật trong suốt 6 tháng, cụ thể là điện thoại không cảm nhận được vài cú chạm đầu tiên trên bàn phím và thỉnh thoảng nhận diện sai cú chạm là cú quét tay. Hồi tháng 4/2015, một lần nữa hàng chục người bắt đầu đăng lên diễn đàn của hãng rằng họ gặp vấn đề tương tự như trên. Lau cho rằng trong năm nay, ông cố gắng tuyển thêm khoảng 300 nhân viên để hình thành đầy đủ phòng ban cho doanh nghiệp. Nhiều nhà tư vấn cho rằng OnePlus nếu muốn cạnh tranh tốt và có đủ lực phát triển thì cần đội ngũ điều hành tốt.

Khi OnePlus chuẩn bị tung ra Two, họ dự kiến giá của chiếc điện thoại mới sẽ vào khoảng 400 USD. Lau đang tìm nguồn tài trợ từ thung lũng Silicon. Ông cũng bắt đầu chú ý hơn đến thị trường trong nước, nhắm đến tay đua siêu sao Han Han để tiếp thị cho điện thoại mới này. CK Lu, một nhà phân tích ở Gartner cho rằng OnePlus có thể làm tốt bằng cách tự định vị họ ở dòng điện thoại cao cấp tại Ấn Độ, nhưng sẽ rất khó nếu định vị như vậy ở Trung Quốc. Ở thị trường Trung Quốc, tên tuổi thương hiệu quá quan trọng đối với một điện thoại cao cấp và khi nói về giá cả, 150 USD là mức giá rất dễ "phải lòng" nhiều người Trung Quốc hơn.

PCWorld

điện thoại thông minh, kinh doanh, OnePlus, OnePlus One, OnePlus Two, thị trường, Trung Quốc


© 2021 FAP
  2,731,342       1/933