Sản phẩm

Người khuyết tật và cơ hội từ tiến bộ công nghệ

(PCWorldVN) Đối với người khuyết tật, tiến bộ công nghệ mở ra nhiều cơ hội mới để họ gia nhập với xã hội, tuy nhiên có vài thay đổi nhỏ dù tích cực song lại vô tình tạo ra tác động tiêu cực vô cùng to lớn.

Khi Mỹ thông qua đạo luật về người khuyết tật cách nay 25 năm, nước này muốn thúc đẩy xã hội tiến đến một thời đại mới, thời đại công bằng cho mọi người, ai cũng có quyền sử dụng cơ sở vật chất ngang nhau, từ đó xóa bỏ nạn phân biệt đối xử, phân biệt thuê mướn lao động, giao thông, truyền thông.

Nói cách khác, nước Mỹ muốn có được một xã hội "đời thực" thuận tiện hơn cho mọi người. Từ đó, thế giới cũng bị Mỹ tác động ít nhiều theo lối này, và từ đời sống thực lên cả đời sống ảo trên mạng.

Hầu như chúng ta không thể tưởng tượng được nếu cuộc sống hằng ngày hiện nay của chúng ta không có những công nghệ cá nhân thì sẽ như thế nào. Nhưng đối với những người khuyết tật, công nghệ lại mở ra cho họ những cánh cửa mới, theo cái cách mà những nhà lập pháp trước nay chưa từng nghĩ đến hoặc chưa từng cảm nhận được.

Chỉ cần nghĩ đến làm sao để người khuyết tật dùng được, các nhà phát triển ứng dụng có thể thu hút thêm rất nhiều người khuyết tật sử dụng.

Cụ thể, đối với người bị liệt bán thân hay toàn thân, khó khăn trong đi lại và tự vệ sinh cá nhân, những công nghệ cá nhân phát triển gần đây tỏ ra rất có ích về nhiều mặt. Một thiết bị có thể đọc thành tiếng những chữ mà người khuyết tật gõ, là cách họ giao tiếp với thế giới. Mạng xã hội và các lớp học trực tuyến đã giúp người khuyết tật tham gia được vào những cộng đồng nào đó mà trước nay họ chỉ mơ ước.

Nhưng những mặt tích cực mà công nghệ mang lại thường chỉ có lợi cho số đông mà thôi, đồng thời chúng lại tạo ra những rào cản mới, trừ khi chính những người phát triển ra chúng thiết kế hướng đến người khuyết tật. Như thiết bị di động hầu như không có mấy ý nghĩa đối với người bị mất tay. Các ứng dụng như Google Maps, Instagram, Snapchat, Vine, Pinterest… không có ích gì đối với người bị khiếm thị.

Hoặc như với người bị liệt chi, sản phẩm công nghệ càng ngày càng nhẹ, càng mỏng, càng nhỏ hơn cũng chẳng có ý nghĩa gì đối với họ. Những nút bấm trở nên quá nhỏ đối với họ, màn hình lại quá nhạy, hoặc màn hình gương lại quá chói và phản chiếu rất khó để dùng. Những cập nhật hệ điều hành hay ứng dụng lại tạo vài thay đổi nho nhỏ trong kích thước và vị trí của các nút bấm, khiến người khuyết tật lại phải mất nhiều ngày tập làm quen. Trong khi những thay đổi đó với người dùng thông thường gần như không đáng chú ý. Quy trình phải học lại một thứ gì đó thông thuộc đối với người khuyết tật không hề dễ.

Nhưng không phải như vậy là phủ nhận công nghệ và những ích lợi mà phát triển công nghệ mang lại. Công nghệ vẫn đóng vai trò quan trọng kể từ khi đạo luật về người khuyết tật mà Mỹ ban bố. Nhưng chắc chắn cộng đồng người khuyết tật luôn mong muốn những tiến bộ công nghệ ấy mở ra cơ hội cho người khuyết tật sử dụng được và thuận tiện, chí ít là không tạo thêm rào cản đối với họ. Bằng cách thiết kế với suy nghĩ cảm thông, các nhà phát triển ứng dụng có thừa khả năng để cân nhắc đến đối tượng này để cải thiện được đời sống cho hàng triệu người khuyết tật.

PCWorld

công nghệ, người khuyết tật


© 2021 FAP
  2,731,208       2/929