Sản phẩm

Facebook nhăm nhe làm “trùm” truyền thông

(PCWorldVN) Mặc dù không sản xuất nội dung nhưng Facebook lại đang có những bước đi và nhiều triển vọng trở thành “trùm” truyền thông.

Với khoảng 1,4 tỷ người dùng dịch vụ hàng tháng, Facebook trở thành vùng đất hấp dẫn của các công ty truyền thông. Thực tế là các bên xuất bản thường đăng link trên Facebook dẫn đến bài viết để tăng lượng truy cập lớn cho website tin tức của mình. Tuy nhiên, tới đây họ sẽ bị Facebook làm “khó” với tính năng phát tin tức thì “Instant Articles” lên bảng tin (News Feed) của người dùng.

Theo lý giải của Facebook, việc dẫn link tuy tiện nhưng tốc độ tải trang chậm trên di động làm hỏng trải nghiệm đọc của người dùng, do đó Instant Articles ra đời là để khắc phục điều này. Giai đoạn đầu, tính năng mới sẽ được áp dụng thử nghiệm cho 9 hãng truyền thông, trong đó có New York Times, National Geographic, BBC News…

Instant Articles cho phép các nhà xuất bản cung cấp nội dung trực tiếp, hiển thị tức thì trên News Feed, sẽ hấp dẫn người đọc hơn.

Hấp dẫn miếng bánh quảng cáo di động

Facebook là một công ty Internet nhưng chẳng khác gì một doanh nghiệp truyền thông, đang kiếm tiền từ quảng cáo là chính. “Nội dung là vua”, nhưng điều thú vị là công ty không hề sản xuất nội dung. Mọi nội dung trên Facebook là do khoảng 1,4 tỷ người dùng hàng tháng tự sản xuất hoặc chia sẻ từ nhiều nguồn khác nhau. Facebook dựa vào đó để bán quảng cáo đem về doanh thu chính cho công ty.

Năm ngoái, Facebook đạt tốc độ tăng trưởng 65%, thu về 11,5 tỷ USD doanh thu. Trong đó, quảng cáo từ di động đạt 7,5 tỷ USD, chiếm 65% tổng doanh thu. Về cơ bản, toàn bộ sự tăng trưởng của Facebook đến từ di động. Đó là một kết quả ấn tượng với quảng cáo di động mới chỉ được Facebook triển khai từ tháng 5/2012.

Có một thực tế là người dùng rất thích chia sẻ nội dung trên Facebook, các nhà xuất bản cũng chia sẻ bài viết để dẫn người dùng đến trang của mình. Theo như cách thức lâu nay thì khi một người bấm vào đường link chia sẻ nội dung, họ sẽ rời Facebook tới trang tin gốc, và sau đó nếu nhấp để xem một quảng cáo trên trang ngoài, giao dịch không đem tiền về cho Facebook. Chưa kể là người dùng có thể “lỡ đi không trở lại”.

Với Instant Articles, các nhà xuất bản đăng nội dung của họ trực tiếp với ứng dụng Facebook trên điện thoại di động, và Facebook có cơ hội bán quảng cáo dựa vào nội dung đó để thu về 30% doanh thu. Thêm nữa, nội dung tốt sẽ giúp giữ chân người dùng lâu hơn trên Facebook, và công ty lại có cơ hội kiếm được 100% doanh thu từ những quảng cáo khác.

Để tăng sức thuyết phục cho tính năng phát tin tức thì Instant Articles, Facebook nói rằng việc đọc tin bài trên di động từ trang ngoài khi nhấp vào đường link chia sẻ tốn thời gian tải về - khoảng 8 giây, gây khó chịu cho bạn đọc. Instant Articles giúp nội dung hiển thị đẹp và tải nhanh hơn hẳn, hứa hẹn bạn đọc sẽ thích đọc kiểu mới hơn, và sẽ chia sẻ chúng nhiều hơn, đem lại cơ hội lớn cho quảng cáo.

“Núi” tiền từ quảng cáo di động đang đổ vào túi của Facebook.

Nguy cơ các tờ báo bị lệ thuộc Facebook

Instant Articles không chỉ ảnh hưởng tới số lượt xem trang (Page views), doanh thu quảng cáo của các bên xuất bản, và dù giúp bạn đọc nhanh chóng xem được tin tức thì vẫn có vấn đề về quan hệ giữa chủ sở hữu nội dung và bạn đọc.

Thời nay, các công ty công nghệ lớn đang tìm đủ cách để “thâu tóm” người dùng. Đó là lý do vì sao công ty chuyên về tìm kiếm Google cũng xây dựng mạng xã hội và mạng xã hội Facebook thì khởi động một công cụ tìm kiếm riêng. Amazon, một trang web mua sắm đã sản xuất điện thoại và Apple là hãng sản xuất điện thoại thì lại nhảy vào lĩnh vực mua sắm.

Vì thế không lấy gì làm lạ khi Instant Articles là một phần trong chiến lược giữ chân bạn đọc của Facebook. Bạn muốn đọc tin bài, hãy đọc trên Facebook, thay vì chuyển tới các trang tin gốc.

Thực tế là những thay đổi trong lĩnh vực báo chí diễn ra ngày càng sâu sắc. Trang nhất của một tờ báo và trang bìa của một tạp chí đã bị mất ưu thế của chúng từ lâu trước trang chủ của các website. Ngày càng có nhiều tin bài, gồm cả video, hình ảnh và đồ họa được các cơ quan truyền thông xuất bản xuất hiện trên mạng xã hội như những bài viết đơn lẻ. Cách chúng xuất hiện không như những bài báo trước đây được các biên tập viên mang đến cho bạn đọc sử dụng góc nhìn tin tức của họ, xem xét mối tương quan giữa các bài báo đặt bên nhau và vị trí chúng xuất hiện. Cách nhìn tin tức của mỗi tờ báo, tạp chí là khác nhau do đó có đối tượng bạn đọc riêng.

Với mạng xã hội, các biên tập viên truyền thống mất dần quyền kiểm soát nội dung. Những người chia sẻ nội dung, đề xuất các bài viết cho những người bạn của mình, chiếm vị trí của các biên tập viên truyền thống. Trải nghiệm đọc do vậy cũng bị ảnh hưởng.

Các giám đốc điều hành Facebook đã khẳng định rằng họ không có ý định kiểm soát việc biên tập nội dung hiện trên News Feed. Thuật toán sẽ đảm nhận công việc này, và News Feed sẽ hiển thị nhiều hơn những nội dung người dùng thích xem trước đây. Nhưng vấn đề là thuật toán thì do con người viết ra, nên có thể thay đổi theo thời gian, và Facebook thì vẫn thường thay đổi thuật toán. Đó là rủi ro cho các tờ báo một khi quá phụ thuộc vào Facebook. Chỉ mới hồi cuối tháng 4 vừa qua, Facebook thay đổi thuật toán, ưu tiên hiển thị bài viết từ bạn bè trên News Feed hơn những bài đăng từ các ấn phẩm.

Theo lời Giám đốc sản phẩm Chris Cox của Facebook tính năng Instant Articles sẽ giúp các bài viết hiển thị nhanh chóng, linh hoạt đem đến trải nghiệm tốt hơn cho bạn đọc, trong khi các nhà xuất bản vẫn kiểm soát được nội dung và đảm bảo việc kinh doanh. Nhưng một số chuyên gia đưa ra nhận định tính năng phát tin tức thì, trực tiếp trên thiết bị di động chủ yếu là có lợi cho Facebook vì giữ chân người dùng lâu hơn, đối phó hữu hiệu nguy cơ người dùng rời khỏi Facebook khi họ chuyển tới trang tin gốc. Đó chính là nguy cơ cho các nhà xuất bản.

Hiện tại, khoảng 60% lưu lượng truy cập các nhà xuất bản lớn có được là đến từ Facebook. Thói quen đọc tin của người dùng trên Facebook đã hình thành và ngày càng phát triển, điều đó khiến các nhà xuất bản không thể không chạy theo xu thế mới. Dù vậy, nhiều nhà xuất bản lớn lại tỏ ra lo ngại sẽ bị lệ thuộc vào mạng xã hội lớn nhất thế giới này.

Độc giả cũng thường hay thay đổi. Trong năm 2013, 40% lưu lượng truy cập tới hơn 300.000 nhà xuất bản trong mạng lưới của Shareaholic đến từ các công cụ tìm kiếm và 14% đến từ mạng xã hội. Bây giờ, mạng xã hội đã vượt qua tìm kiếm.

Vì thế, dù muốn hay không thì hiện tại các công ty truyền thông vẫn phải gắn bó với Facebook. Và tương lai, thật khó biết liệu truyền thông có quá lệ thuộc vào mạng xã hội hay không.

PC World VN, 06/2015

PCWorld

Facebook, mạng xã hội


© 2021 FAP
  2,475,036       4/883