(PCWorldVN) Chiều 28/5, Sở KH-CN TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm 'Gặp gỡ, tôn vinh các nhà sáng tạo và sáng chế không chuyên' dưới sự chủ trì của Giám đốc Sở KH-CN Thành phố Nguyễn Việt Dũng.
Ông Đào Minh Đức - Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Sở KH-CN TP.HCM cho biết, trong những năm qua, TP.HCM đã phát động nhiều cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật nhằm khuyến khích, phát hiện và hỗ trợ kịp thời các sáng chế tiềm năng như phong trào lao động sáng tạo, giải thưởng sáng chế, cuộc thi sáng tạo thanh thiếu nhi thành phố,… Trong đó, phong trào sáng tạo kỹ thuật do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM tổ chức giai đoạn 2005-2014 đã thu hút trên 1.500 giải pháp dự thi với 355 đề tài đạt giải thưởng cấp thành phố và 55 sản phẩm đạt giải thưởng cấp quốc gia.
Đại diện Sở KH-CN Thành phố cho biết, trong thời gian tới, Sở KH-CN sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để khích lệ tinh thần sáng tạo khoa học trong mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời khẳng định sẽ tìm kiếm những mô hình phù hợp, chú trọng xã hội hóa các hoạt động sáng tạo để các nhà sáng chế hoạt động hiệu quả hơn, góp phần đưa KH-CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. |
Đáng chú ý, số lượng đơn đăng ký sáng chế của các nhà sáng tạo trên địa bàn TP.HCM đã có sự tăng trưởng đáng kể. Giai đoạn 2001-2006, trung bình mỗi năm có khoảng 88 đơn đăng ký sáng chế, đến giai đoạn 2006-2011 đã tăng lên 119 đơn đăng ký/năm và giai đoạn 2011-2014 là 193 đơn đăng ký/năm.
Chuyên nghiệp... nhưng độc lập về tài chính
Mở đầu phần tọa đàm, bác Vương Thừa Tựu (80 tuổi) bày tỏ niềm vui mừng khi lĩnh vực KH-CN trong thời gian qua liên tục nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Thành phố nói chung và Sở KH-CN nói riêng, và buổi tọa đàm này một lần nữa khẳng định sự ghi nhận của Thành phố đối với thành quả lao động mà các nhà sáng chế và sáng tạo không chuyên đạt được.
Tuy nhiên, cũng theo bác Tựu, đã gọi là nhà nghiên cứu và sáng tạo, sáng chế các giải pháp KH-CN thì phải có trình độ nhất định và cách thức làm việc chuyên nghiệp.
"Do đó tốt hơn hết thì nên gọi chúng tôi là các nhà sáng chế độc lập bởi thực tế là ban đầu thì chúng tôi tự bỏ tiền túi để mày mò, nghiên cứu và cho ra các sản phẩm nghiên cứu khoa học của mình", bác Tựu nhấn mạnh, "Lẽ dĩ nhiên, đó chỉ là giai đoạn đầu. Để sản xuất và áp dụng các giải pháp, sản phẩm này trên diện rộng, nhà khoa học độc lập rất cần đến nguồn vốn đầu tư, từ Nhà nước lẫn từ cộng đồng, xã hội và đối tác".
Tán đồng quan điểm này, nhà sáng chế Nguyễn Duy Linh cho hay, mặc dù đã và đang cung cấp hàng trăm máy rửa ly (đã đăng ký bản quyền sáng chế và quyền sở hữu trí tuệ) cho khách hàng ở nhiều địa phương trên cả nước, song ông luôn gặp khó khăn về tài chính để đẩy mạnh sản xuất, phát triển thêm tính năng mới cho sản phẩm bởi nguồn vốn cá nhân thì có hạn.
Theo lời ông Linh, với quy mô hiện tại của cơ sở mình, ông chỉ có thể sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất ra sản phẩm nào là bán ngay cho khách đặt hàng trước đó, và thực tế là cung đã không đủ cầu.
Nhà sáng chế Nguyễn Duy Linh cho biết từng từ chối bán bản quyền sáng chế máy bay trực thăng điều khiển từ xa cho nhà đầu tư nước ngoài. |
"Trong khi đó, nguồn vốn vay thì không có, mà nếu có thì không biết hỏi ở đâu", bác Nguyễn Duy Linh trăn trở, "Đôi khi tôi từng nghĩ vui rằng, tại sao Nhà nước không bỏ tiền ra mua sáng chế của mình, hay cho tôi vay tiền để sản xuất, thậm chí hùn vốn. Khi bán được sản phẩm, doanh thu và lợi nhuận tôi sẽ trả lại ngay cho Nhà nước".
Cũng là nhà sáng chế "tự do" gặp khó khăn về vốn, kỹ sư Bùi Ngọc Minh Tâm cho biết đã tạo ra giải pháp thiết thực ứng dụng ngay trong cuộc sống hằng ngày (dùng tin nhắn điện thoại để điều khiển hệ thống tưới rau, tưới cây, phát âm thanh trong nuôi chim yến, cho gà và cho cá ăn) được nhiều người quan tâm đặt hàng nhưng... hiện hiện không đủ kinh phí để sản xuất.
Được biết, giải pháp sản phẩm của nhà sáng chế Minh Tâm có giá bán thương mại rẻ hơn gần 10 lần so với sản phẩm nhập ngoại từ Hàn Quốc và Đài Loan.
Dễ mất bản quyền sáng chế
Bác sĩ Phạm Thị Kim Loan (doanh nghiệp khoa học công nghệ Ngân Hà) cho biết, với các nhà sáng chế và doanh nghiệp khoa học công nghệ, để đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế thì "rào cản" đầu tiên mà họ gặp phải là cần hoàn chỉnh hồ sơ theo đúng quy định của những tổ chức, cơ quan quản lý trong và ngoài nước có liên quan, sau nữa là vấn đề chi phí để hoàn thiện các hồ sơ này.
Không Bác sĩ Loan thẳng thắn chia sẻ, với nhiều hồ sơ, toàn bộ chi phí từ khâu lập hồ sơ cho đến đăng ký xong bằng sáng chế, sở hữu trí tuệ với Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO và tại một số quốc gia cần bảo hộ bằng sáng chế, quyền sở hữu trí tuệ, đơn vị của bà bỏ ra vài tỷ đến vài chục tỷ đồng. Do đó, đã có không ít nhà sáng chế, doanh nghiệp Việt Nam chọn giải pháp bán đứt sản phẩm nghiên cứu cho nước ngoài bởi họ có kinh nghiệm trong lập hồ sơ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế khoa học và đặc biệt là dồi dào về nguồn vốn.
Bác sĩ Phạm Thị Kim Loan cho biết, hồ sơ đăng ký bản quyền công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ với WiPO đòi hỏi tính chuyên nghiệp, có hệ thống và quan trọng là cần viết bằng tiếng Anh. |
Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Linh nêu quan điểm rằng nhà khoa học chỉ biết "chế ra sản phẩm", còn khâu làm hồ sơ, viết lách theo các quy định, tiêu chuẩn "hành chính" thực sự là vấn đề nan giản. Tiếp lời ông Linh, bác Vương Thừa Tựu và hàng loạt nhà nghiên cứu khác đồng tình với ý kiến cho rằng, đã đến lúc Sở KH-CN cần thành lập một hội đồng tư vấn hành chính trong lĩnh vực KH-CN, qua đó giúp các nhà khoa học, doanh nghiệp hoàn thiện các hồ sơ tiếp cận nguồn vốn, lập báo cáo xin phát triển các sáng chế này thành đề tài khoa học, hoàn thiện hồ sơ xin cấp bằng sáng chế hay quyền sở hữu trí tuệ.
Quay trở lại với câu chuyện về vốn để phát triển sản phẩm cũng như đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế, bác sĩ Loan đề xuất nên chăng Nhà nước cần trích một phần kinh phí hỗ trợ phát triển các đề tài khoa học trong năm để mua lại "sản phẩm trí tuệ đã hiện thực thành sản phẩm từ các nhà nghiên cứu không chuyên", sau đó đăng ký với WIPO, sau nữa là tiến hành thương mại hóa chúng.
"Đó cũng là giải pháp giúp tránh chảy máu bằng sáng chế ra khỏi Việt Nam", bà Loan đặt vấn đề",
Tăng nguồn lực hoạt động cho sáng chế, sáng tạo bằng cách xã hội hóa
Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM cho biết, thời gian qua TP.HCM đã đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ cho cá nhân, doanh nghiệp; tuy nhiên mức độ hiệu quả vẫn chưa cao do mức độ kết nối giữa các nhà sáng chế và nhà quản lý chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, các nhà sáng chế không chuyên còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu.
Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH-CN Thành phố (thứ 6, từ trái) cùng đại diện Thành đoàn TP.HCM (bìa phải) tặng hoa cho đại diện các nhà sáng chế, sáng tạo tiêu biểu về dự tọa đàm “Gặp gỡ và tôn vinh các nhà sáng tạo và sáng chế không chuyên” diễn ra vào chiều 28/5/2015. |
Ông Nguyễn Việt Dũng cũng thẳng thắn cho rằng TP.HCM phải có những hỗ trợ mạnh mẽ hơn, đặc biệt là mở rộng các quỹ hỗ trợ nghiên cứu và thực hiện cơ chế dùng chung phòng thí nghiệm. Song song đó, theo ông Dũng, các nhà sáng chế, các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động sáng tạo luôn phải năng động, chủ động chứ không thể chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước.
"Một trong những hướng tạo thêm nguồn lực cho hoạt động sáng chế, sáng tạo là xã hội hóa các hoạt động này để lôi kéo các dòng vốn, các nhà đầu tư ngoài xã hội tham gia đầu tư sản xuất, thương mại hóa các sản phẩm sáng chế, sáng tạo", Giám đốc Sở KH-CN Thành phố nhấn mạnh.
Ngày khoa học công nghệ Việt Nam, Nguyễn Việt Dũng, sáng tạo khoa học, Sở KHCN TPHCM, Sở KH-CN TPHCM