Sản phẩm

TP.HCM: Sẵn sàng về cơ chế, chính sách và vốn cho các dự án rác thải phát điện

(PCWordlVN) Sở KH-CN TP.HCM vừa tổ chức hội thảo 'Giải pháp xử lý rác đô thị - nghiên cứu công nghệ và tính khả thi' nhằm đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp, công nghệ để tận dụng nguồn năng lượng lớn từ rác.

Hội thảo do UBND, Sở KH-CN TP.HCM và Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (đơn vị trực thuộc Sở KH-CN) phối hợp tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Mạnh Hà.

Tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, lượng rác thải sinh hoạt (CTR) phát sinh của cả nước hiện khoảng 76.000 tấn/ngày (khoảng 28 triệu tấn/năm); trong đó CTR sinh hoạt phát sinh khoảng 52.000 tấn/ngày (19 triệu tấn/năm) và lượng CTR phát sinh nhiều nhất ở các đô thị và KCN.

Riêng tại TP.HCM, lượng CTR sinh hoạt phát sinh 7.500 – 8.000 tấn/ngày (0,9 kg/người/ngày). Thành phần CTR sinh hoạt gồm rác hữu cơ, lá, cây là khoảng 50%; đất, cát, sành sứ thủy tinh,… vào khoảng 37,5%; kim loại, vỏ đồ hộp khoảng 2,5%; vật liệu cháy được (nylon, cao su, nhựa, giấy…) là khoảng 10%.

Tuy nhiên, hầu hết lượng rác thải này, bao gồm cả chất thải nguy hại, đều được xử lý bằng cách chôn lấp, gây ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí cũng như gây hiệu ứng nhà kính.

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: LV.

Để giải quyết vấn đề này, những năm gần đây, theo báo cáo được trình bày tại hội thảo, TP.HCM đã đầu tư nhiều giải pháp xử lý, đồng thời tiếp tục tìm kiếm những phương án đầu tư và công nghệ tối ưu phù hợp với Thành phố.

Tại các nước phát triển, nhiều công nghệ hiện đại đã được áp dụng trong việc thu gom và xử lý rác thải đô thị, từ đó vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm, tạo mỹ quan đô thị, vừa tận dụng được nguồn năng lượng rác thải để sản xuất điện, phân bón, thu hồi khí phát điện…

Tại hội thảo, các đơn vị đã giới thiệu các công nghệ xử lý rác hiệu quả của Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan… với các quan điểm khác nhau để TP.HCM lựa chọn. Trong đó, phương pháp xử lý rác thải rắn bằng thiêu đốt kết hợp thu hồi nhiệt, phát điện là xu hướng tiên tiến, cho phép xử lý nhanh, hợp vệ sinh, không chiếm nhiều diện tích đất, không gây ô nhiễm đất, nước và môi trường.

Theo các chuyên gia, việc chôn rác như hiện nay doanh nghiệp chỉ thu được 20 USD/tấn rác thải. Trong khi đó, nếu đốt rác thành điện sẽ thu về cho doanh nghiệp thêm 20 USD từ nguồn bán điện. Nếu đầu tư một nhà máy đốt rác, thời gian hoàn vốn chỉ mất khoảng 10 năm. Thời gian gần đây cũng đã có một số nhà đầu tư quan tâm, đề xuất xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại TP.HCM như công ty Hitachi Zosen (Nhật) đề xuất dự án đốt rác phát điện 1.000 tấn/ngày, hoặc tập đoàn Hansol (Hàn Quốc) đề xuất dự án đốt rác phát điện 1.000 tấn/ngày

Tuy nhiên, tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, việc đốt rác phát điện vẫn còn hạn chế do chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn, chi phí vận hành cao, chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư chưa đủ mạnh để thu hút đầu tư…

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà cho biết hiện cơ chế, chính sách của thành phố về xử lý rác thải phát điện đã có, vấn đề vốn vay cũng đã có ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ.

"Chỉ cần có dự án tốt và quyết tâm triển khai, Thành phố sẽ hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư", Phó Chủ tịch UBND Thành phố bày tỏ, "Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay là cần nâng cao nhận thức của người dân về phân loại, xử lý rác, bảo vệ môi trường. Vì vậy, cần có sự phối hợp trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này".

Sắp tới, vẫn theo lời ông Hà, TP.HCM sẽ quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để đưa vào ứng dụng công nghệ xử lý rác phù hợp, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa thân thiện với môi trường.

PCWorld

năng lượng tái tạo, rác điện tử, Sở KHCN TPHCM, Sở KH-CN TPHCM, Xử lý rác thải


© 2021 FAP
  2,474,247       2/883