Sản phẩm

Skylake là “dấu chấm hết” của Broadwell?

(PCWorldVN) Sau Broadwell sẽ là gì? Quy trình 14nm của Intel đã gần đạt tới ngưỡng khi họ tung ra chip Broadwell cho di động, và nay đã xuất hiện Broadwell cho máy để bàn. Chúng ta biết đó sẽ là dòng Skylake.

Chưa có chi tiết đầy đủ nào về Skylake nhưng nếu kết hợp những gì Intel tiết lộ và những đồn đoán của cộng đồng mạng thì chúng ta cũng có được cái nhìn mờ mờ về nó. Đầu tiên, Skylake là nhịp “Tock” của Intel, có nghĩa là một kiến trúc mới đang được Intel xây dựng, chuyển hoàn toàn về quy trình 14nm.  

Và trên hết, đồ họa là phần cốt lõi trong Skylake, cả nghĩa đen lẫn tầm quan trọng. Nhiều người cho rằng Skylake sẽ có cấu hình đồ họa “GT4”, với đơn vị thực thi ít hơn 72. Có nghĩa là có 9 miếng, mỗi miếng xử lý 8 đơn vị thực thi, thay vì 6 miếng như của Broadwell, do vậy cải thiện được 50% khả năng tính toán.

Lẽ thường, chúng ta không quá chộn rộn khi nghĩ về nhân đồ họa tích hợp. Nhưng Skylake đã xuất hiện đâu đó phía chân trời và nó thực sự có 72 đơn vị thực thi, nhanh hơn nhiều so với đồ họa Haswell Broadwell.

Điều thú vị khác là quá trình phát triển nền tảng cho Skylake. Đầu tiên, đó là socket mới, LGA1151, không thể tương thích ngược. Broadwell cho máy để bàn có thể gắn với dòng bo mạch chủ Intel Series 9, còn Skylake buộc phải sử dụng dòng bo mạch chủ khác mới hơn.

Nếu đây là điều không tốt thì tin tốt là socket mới có nghĩa là một nền tảng để bàn mới đi cùng với dòng chipset mới Series 100, trội hơn cả dòng chipset Z170. Theo tin đồn, cả Skylake và chipset mới sẽ hỗ trợ bộ nhớ DDR3 hiện thời và dòng bộ nhớ mới DDR4 mà hiện chỉ có socket cao cấp LGA 2001v3 và CPU cao cấp của Intel hỗ trợ mà thôi. Tuy vậy, bo mạch chủ sắp đến hoặc hỗ trợ DDR3, hoặc DDR4, không thể hỗ trợ cả hai trên cùng 1 bo mạch.

Có lẽ DDR4 không mang lại quá nhiều ích lợi cho game thủ tầm trung. Nhưng băng thông lớn hơn sẽ giúp 72 đơn vị thực thi vận hành mượt mà hơn, hỗ trợ tốt cho engine đồ họa và giúp tỉ lệ khung hình/giây cao. Một yếu tố khác là PCI Express cũng được nâng lên từ 16 đến 20 lane (hàng). Điều này có ý nghĩa vì các hệ thống lưu trữ, nhất là SSD, đang chuyển dần lên giao tiếp M.2 nền PCI Express. Đối với cấu hình đa card đồ họa SLI hay Crossfire thì bạn cần ít nhất 8 lane cho mỗi card đồ họa. Còn với ổ cứng M.2 cần thêm vài lane nữa trong 16 lane hiện tại thì đó sẽ là vấn đề. Còn với 20 lane, bạn có thêm 4 lane trống dành cho vài ổ SSD cùng lúc. Hoàn hảo!

Tuy vậy, mọi thứ trở nên phức tạp hơn nếu chúng ta tạo mối liên kết giữa Broadwell và Skylake cho máy để bàn. Intel cố gắng bám đúng lịch sản xuất Broadwell và Skylake. Nhưng theo Intel thì họ cũng chỉ tung ra “cầm chừng” từng dòng Broadwell theo từng thời điểm khác nhau, từ nay cho đến hết năm 2015. Đợt đầu, Intel chỉ tung ra các chip Core i3, i5 và i7 Broadwell với hai nhân, chủ yếu thuộc dòng U và Y (Core m). Dòng CPU bốn nhân là Broadwell-H đến giữa và cuối năm nay mới bắt đầu được giao hàng đến các nhà cung cấp đối tác. Dù vậy, còn rất nhiều câu hỏi xoay quanh Broadwell mà chúng ta chưa biết chắc, như liệu có Broadwell Core i5 không khóa ép xung và CPU nào không có tính năng đa luồng Hyperthreading, giống như một số thế hệ Core trước đây. Rồi khả năng tương thích đa nền và socket cho các CPU Broadwell với nhau. Intel từng gặp đủ thứ rắc rối với việc phân chia CPU cao cấp và phổ thông cho máy tính để bàn về vấn đề tương thích này trước đây. Đến nay, CPU Broadwell chạy với socket LGA1150 còn Skylake lại chạy trên LGA1151.

RealSense và cảm giác thực sự
Nếu hiệu quả về điện năng và đồ họa là 2 con bài lớn của Intel, vậy những thứ thú vị còn lại gì? Intel muốn nói về “cải thiện những khả năng mới” trên Broadwell và họ chia thành vài danh mục. Đầu tiên có thể kể đến là tương tác “tự nhiên”.

Theo Intel, thế giới PC chúng ta đang sống đi từ nhập liệu bằng văn bản thuần, rồi đến giao diện đồ họa người dùng, và sau đó là màn hình chạm và điều khiển bằng giọng nói. Tiếp theo nữa là gì? Có thể là khả năng nhận diện cử chỉ, biểu đạt của gương mặt và ngôn ngữ tự nhiên của PC. Hiện thời, đây chưa phải là một tính năng thực sự của CPU Broadwell nhưng nó đã có khả năng xử lý những tác vụ đó. Và nếu chúng ta muốn đưa khả năng xử lý này lên trên thiết bị di động thì Intel phải cải tiến Broadwell sao cho xử lý các tác vụ ấy hiệu quả nhất. 

Thực chất, Intel đã tự mình nghiên cứu xu hướng này qua công nghệ riêng của họ tên là Intel RealSense. Công nghệ này dựa trên các cảm biến 3D xung quanh. Có một camera màu ở trung tâm, phóng ảnh qua một bên nhờ một máy chiếu laser IR và phóng ảnh qua bên còn lại bằng một camera IR. Kết hợp lại, cả hai tính năng này cho phép vật thể được quét có chiều sâu và không gian. Cuối cùng, hệ thống có thêm mảng microphone thu âm thanh stereo.

Tai đeo Intel Jarvis muốn cạnh tranh với Siri và Cortana. Intel RealSense - công nghệ này dựa trên các cảm biến 3D xung quanh. Có một camera màu ở trung tâm, phóng ảnh qua một bên nhờ một máy chiếu laser IR và phóng ảnh qua bên còn lại bằng một camera IR

Đặt mọi cảm biến ấy lại với nhau, chúng ta sẽ có một hệ thống hỗ trợ điều khiển cử chỉ, sử dụng bàn và ngón tay, nhận diện gương mặt, theo dõi chuyển động của đầu và quét vật thể. Nhờ khả năng quét được vật thể 3D sẽ giúp chúng ta có thể in được 3D. RealSense cũng có công cụ hỗ trợ giọng nói Voice Assistant, vận hành cả ở chế độ offline và trực tuyến, với các thành phần phức tạp, tương tự như hai hệ thống điều khiển giọng nói là Siri của Apple và Cortana của Microsoft.

Nếu như Intel gặp rất nhiều trục trặc khi mang Broadwell ra thị trường thì RealSense thực sự đã xuất hiện trong máy tính bảng Dell Venue 8 cùng với vài mẫu máy tính xách tay của Asus và Lenovo. Nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa thấy nhiều ứng dụng thực tế của RealSense nhưng chắc chắn trong tương lai gần, RealSense sẽ mang lại ít nhiều tác động nào đó về mặt thị trường để cạnh tranh với Apple, Google và Microsoft.

Nhân đôi vấn đề
Nếu bạn muốn một CPU Broadwell đắt tiền, không khóa ép xung hệ số để “tiện tay” ép xung thì có lẽ bạn cũng sẽ cần một công nghệ nền tảng mới nhất, có PCI Express mới với 20 lane và bộ nhớ DDR4. Nhưng điều này có vẻ chỉ xảy ra với Skylake mà thôi. Sẽ là điều rất lạ lùng nếu kiến trúc Broadwell cũ hơn lại “ngồi trên”, mới hơn kiến trúc Skylake sắp đến trong cấu trúc phân cấp sản phẩm của Intel. Chí ít thì nhân CPU của Skylake còn khiến cộng đồng náo nức chờ đón. Đồng thời, dòng Broadwell không khóa mã cần chạy nhanh hơn và giá cao hơn dòng Skylake có khóa mã, nếu không thì Intel sẽ làm cho mọi thứ thêm rắc rối. Vài tháng nữa, mọi thứ sẽ rõ ràng và Intel cần đưa ra chiến dịch tiếp thị nào đó để mọi người nắm rõ hơn về sản phẩm của họ.

“Lõi” là vấn đề
Công ty công nghệ nào cũng hứa hẹn một tương lai luôn hấp dẫn. Tương lai của đa nhân, siêu đa nhân. Nhưng thực chất thế nào?


Tại diễn đàn các nhà phát triển Intel IDF, mọi người thường nghe hôm nay 2 nhân, hôm sau 4 nhân, năm tới 8 nhân, vài năm sau lại tăng thêm nhân.

Nhưng thực tế lại khác. Intel vừa công bố dòng CPU Broadwell dành cho máy tính phổ thông, và chỉ dừng lại ở 2 và 4 nhân, nghĩa là gần 9 năm sau khi CPU 4 nhân đầu tiên xuất hiện. Chuyện gì đang xảy ra?

Có hai cách nhìn. Đầu tiên, Intel đang sản xuất CPU đa nhân và họ không chỉ muốn CPU đó dành cho máy tính phổ thông. Bạn muốn một CPU 18 nhân? Intel đã có một model như vậy cho máy chủ, với mức giá không tưởng. Còn hiện tại, bạn chỉ có thể mua CPU tối đa 8 nhân trên nền tảng LGA2011 cao cấp, mà thực sự nền tảng này cũng dành cho máy chủ.

Bạn có thể cho rằng những nhân đó chuyển sang xử lý đồ họa. Mọi CPU tầm phổ thông của Intel hiện tại đều có chip đồ họa tích hợp. Nếu nhìn vào tấm ảnh chụp đế CPU 2 nhân, bạn sẽ thấy ngay một nhân đồ họa rất lớn. Một CPU 4 nhân thậm chí đến 50% diện tích dành cho nhân đồ họa. Và dĩ nhiên, nhân đồ họa lớn có được đến 48 đơn vị thực thi, bỗng dưng biến chip thành kiểu chip 52 nhân nếu bạn muốn nghĩ theo hướng này.

Do đó, phần đồ họa trên chip có thể được dùng cho vài tải ứng dụng mà trước đây là công việc của CPU, như mã hóa video. Vấn đề là nếu bạn quan tâm đến game thì nó lại không mấy liên quan. Bạn cũng sẽ phải cần đến GPU của một card VGA rời vì Intel tích hợp GPU vào CPU không mấy hiệu quả. Đồ họa Broadwell cũng chỉ đạt ở hai chữ “tích hợp” mà thôi.

Dù gì đi nữa, dòng CPU phổ thông mới nhất của Intel cũng khiến chúng ta đôi phần thất vọng vì Broadwell cũng dừng ở mức 4 nhân.

Còn xa hơn Skylake, có vài thông tin nếu bạn muốn biết. Đó là dòng chip được sản xuất trên đế 10nm, tên mã là Cannonlake. Đến năm 2016, chúng sẽ xuất hiện chung với một nền tảng mới, chipset Series 200 cùng với bộ nhớ DDR4.

Intel làm cho người dùng bối rối. Đầu tiên, Intel có vẻ như không muốn đẩy riêng công nghệ CPU “thuần” mà lai nó với nhân đồ họa. Hiệu quả về điện năng và đồ họa có thể là bước tiến lớn và buộc người dùng cần đến dòng bo mạch chủ Series 9 cùng với cập nhật BIOS. Tuy vậy, Skylake cũng xuất hiện gần như cùng thời điểm với Broadwell vào cuối năm nay, nên người dùng phải quyết định thế nào, có nên chờ Skylake hay đến với Broadwell để rồi lỡ nhịp Skylake?

Ngày tàn của định luật Moore?

Đã gần đến cái ngưỡng của việc thu nhỏ đế cho chip xử lý, ngành công nghệ đang hướng tới kích thước tầm nguyên tử.

Giới quan sát công nghệ đang theo dõi định luật Moore, là định luật mà người đồng sáng lập Intel, ông Gordon Moore, đưa ra hồi những năm 1960: mật độ transistor trong chip máy tính tăng gấp đôi mỗi 18 tháng.
Nói theo cách khác, định luật này cũng cho rằng tính phức tạp và điện năng trong 1 chip máy tính ở một kích thước cố định nào đó sẽ tăng lên gấp đôi mỗi 1,5 năm. Dĩ nhiên, điều này sẽ dẫn đến cuộc bùng nổ về khả năng xử lý trong một khung thời gian nào đó. Hai trở thành 4, 4 trở thành 8, 16, 32, 64, 128… Đó là lý do tại sao máy tính bàn ngày nay có thể đạt đến khả năng tính toán thô tầm terraflops và tại sao điện thoại thông minh nhanh hơn cả chiếc PC thời xưa.

Nhưng quy luật này sẽ tồn tại được bao lâu? Cũng giống như nhiên liệu hoá thạch trong lòng đất, một ngày nào đó trong tương lai sẽ bị cạn kiệt, và định luật Moore càng ngày càng “héo dần” đi, đương nhiên cả nhiên liệu hoá thạch và định luật Moore không thể tồn tại mãi mãi. Đến thời điểm nào đó trong tương lai, trái đất sẽ hết nhiên liệu hoá thạch và định luật Moore sẽ đến sát bờ vực.

Với dầu mỏ, chúng ta khó đoán biết được chính xác thời điểm cạn kiệt, nhưng với công nghệ chip hiện thời thì chúng ta dễ đoán biết hơn một chút. Kích thước của nguyên tử sử dụng trong quy trình sản xuất chip hiện thời là vào khoảng 0,2 nm. Nguyên tử có kích thước nhỏ nhất là hydro, có kích thước khoảng 0,1 nm. Ngày nay, Intel đang sản xuất bộ xử lý với quy trình 14 nm. Rồi sau đó, họ rất khó thu nhỏ transistor hơn nữa về mặt kích thước vật lý.

Nhưng điều này lại không tác động nhiều đến khả năng tính toán trên mỗi giây. Chí ít, chúng ta đã thấy một chân trời mới, đó là điện toán lượng tử hay có thể một thứ gì đó khác. Do đó, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy ngành công nghiệp chip máy tính đang vất vả giữ cho định luật Moore vẫn đúng bất kể kích thước chip đang tiến đến rất gần bờ vực, đó là kích thước nguyên tử.

Gần đây, IBM từ bỏ mảng kinh doanh chip, có lẽ họ cho rằng chi phí xây dựng và vận hành nhà máy sản xuất chip cũng tăng giống như định luật Moore đối với chip vậy. Có thể định luật này còn tồn tại khoảng 1 thập kỷ nữa, nhưng sau đó nó khó có thể đứng được trên bờ vực.

PC World VN, 05/2015
 

PCWorld

bộ xử lí, Broadwell, chip xử lí, CPU, di động, Intel, quy trình 14nm, Skylake


© 2021 FAP
  2,472,855       1/883