Sản phẩm

Có nên nâng cấp từ Haswell lên Broadwell

(PCWorldVN) Những sản phẩm chạy CPU Broadwell của Intel đã được tung ra thị trường và nhiều người đặt câu hỏi có nên nâng cấp máy tính mới chạy Broadwell hay không. Đây có thể là câu trả lời bạn cần.

Đầu tiên, cần biết rằng Intel cũng chia các CPU Broadwell ra thành nhiều dòng Core giống như thế hệ Haswell: Core i3, Core i5, Core i7 (không tính tới dòng Pentium hay Celeron ở đây) tùy thuộc giá thành, hiệu năng và tính năng của chúng. Tất cả CPU Broadwell đều hỗ trợ tính năng siêu phân luồng, cho phép chúng xử lý 4 luồng dữ liệu cùng lúc, nhưng chỉ những CPU đắt tiền hơn như Core i5 và i7 mới được tích hợp công nghệ Turbo. Dòng Core i7 cao cấp còn có bộ nhớ đệm L3 cao hơn nhưng nó lại không gia tăng hiệu suất sử dụng.

Nếu so sánh trực diện giữa các dòng Broadwell và Haswell sẽ thấy trong cùng một dòng, tốc độ xử lý chuẩn của Broadwell cao hơn Haswell. Ví dụ, chip Core i7-5600U Broawell có tốc độ xử lý chuẩn là 2,6 GHz trong khi Core i7-4600U Haswell có tốc độ thấp hơn, 2,1 GHz. Điều này là do thế hệ CPU Broadwell được sản xuất theo công nghệ 14 nm nên tiêu thụ điện năng ít hơn so với Haswell dùng công nghệ 22 nm. Do đó, cùng một mức tiêu thụ điện như nhau có thể sản xuất CPU Broadwell có tốc độ cao hơn, hoặc ngược lại, cùng một tốc độ xử lý thì chip Broadwell tiêu thụ điện ít hơn.

So sánh hiệu năng CPU

Nếu so hiệu năng trên mỗi MHz thì Broadwell cao hơn Haswell 5%. Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là tốc độ tối đa hai dòng CPU đạt được khi ép xung là bao nhiêu? Và tốc độ cao nhất mà chúng đạt được trong khi vẫn duy trì mức tiêu thụ dưới 15W?

Câu hỏi thứ nhất nhằm làm sáng tỏ khả năng của CPU khi cần nó hoạt động hết công suất trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, kết quả cho câu trả lời thứ hai sẽ cho biết tốc độ xử lý cao nhất mà CPU đạt được trong điều kiện sử dụng bình thường, lâu dài.

Ví dụ khi dùng công cụ Cinebench để so sánh, chúng ta thấy tùy thuộc vào chất lượng chip, các laptop dùng vi xử lý Haswell phải giảm tốc độ xuống còn khoảng 2,6 GHz khi kết thúc bài kiểm tra, trong khi vi xử lý Broadwell vẫn có thể tiếp tục hoạt động ở mức 2,6 GHz trong cùng điều kiện. Tuy vậy, mức tiêu thụ điện không ảnh hưởng đến các bài benchmark đơn luồng, vì mọi mẫu máy đều giữ mức tiêu thụ dưới 15 W trong bài benchmark này.

Kết quả là trong các bài benchmark kéo dài, đòi hỏi hoạt động của cả hai lõi, những mẫu máy tính sử dụng chip Broadwell tốc độ cao đều cho kết quả tốt. Điều này không chỉ đúng khi benchmark bằng Cinebench mà còn đúng với bài kiểm tra benchmark x264 (công cụ x264 HD Benchmark).

Kết quả benchmark bằng 3DMark 11

Tổng thể, chiếc máy cao cấp dùng chip i7-5600U chỉ cao hơn chiếc máy dùng chip i7-4600U chưa tới 13%. i7-5200U cũng cao hơn i5-4200U với mức tương tự, trong khi i5-5300U vượt i5-4300U khoảng 9%. Ngược lại, hiệu năng của các chip khi xử lý đơn luồng không khác biệt nhiều.

Qua bài benchmark, có thể thấy Core i3-5005U là “ngôi sao thầm lặng” khi nó có xung nhịp cao hơn chip cũ Core i3-4005U đến 300 MHz, qua đó tạo mức hiệu năng cao hơn trên 20%.

Kết luận: Nếu xét về tốc độ, dòng Core i3 của thế hệ Broadwell rất đáng mua khi tốc độ xử lý của nó so với dòng Haswell là cao nhất. Nếu xét về giá so với hiệu quả mang lại, Core i5-5200U hợp lý nhất.

So sánh hiệu năng GPU

Giống như dòng vi xử lý ULV Haswell, dòng ULV Broadwell cũng cung cấp ba tùy chọn xử lý đồ họa: cấp thấp dành cho dòng Celeron và Pentium (GT1, 12 EUs), cấp trung dành cho dòng Core (GT2, 24 EUs) và cao cấp dành cho một số mẫu máy chạy i5, i7 (GT3, 48 EUs). Trong bài này, chỉ các mẫu cấp trung GT2 được đem ra đánh giá. Cụ thể sản phẩm trong bài là mẫu laptop có sử dụng GPU HD Graphic 5500, nhiều hơn GPU cũ HD Graphics 4400 (20 EUs) 20% số lượng nhân đồ họa. Thêm vào đó, Intel đã thay đổi rất nhiều trong kiến trúc GPU và có giảm tốc độ xung nhịp, điều này về lý thuyết có thể gây chút khó khăn khi đánh giá.

Ngoài ra, khi đánh giá card đồ họa tích hợp, những thứ có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả là: hiệu năng của bộ vi xử lý, bộ nhớ đệm L3, RAM, điều tiết xung nhịp (throttling). Vì vậy, bài viết này cố gắng đánh giá càng nhiều thiết bị càng tốt nhằm đưa ra nhiều kết quả benchmark để tìm ra kết quả hợp lý nhất.

Kết quả benchmark bằng Cinebench R11.5

Trong bài đánh giá benchmark, với cùng một cách thiết lập RAM, card đồ họa HD Graphics 5500 nhanh hơn HD Graphics 4400 chưa tới 20%. Do vậy, nếu HD 5500 với chỉ một thanh RAM sẽ không thể đạt được hiệu suất tương đương HD 4400 với hai thanh RAM kết nối kênh đôi, vì sự thiết lập RAM kênh đôi có thể gia tăng hiệu suất GPU hơn so với RAM kênh đơn khoảng 20-25%.

Kết luận: Cách thiết lập RAM, chứ không phải CPU mới hay cũ, sẽ ảnh hưởng đến hiệu năng của GPU. Một bộ RAM tốt được kết nối kênh đôi sẽ tạo ra hiệu quả GPU cao nhất.

So sánh các yếu tố khác

Intel thường nâng cấp các CPU máy tính của mình theo từng pha Tick-Tock. Những CPU ở pha Tick sẽ giữ nguyên kiến trúc nhưng các bán dẫn trên CPU sẽ nhỏ xuống, đến pha Tock, các CPU giữ nguyên công nghệ sản xuất bán dẫn nhưng thay đổi kiến trúc vi xử lý. Thế hệ Haswell thuộc pha Tock, tức giữ nguyên công nghệ bán dẫn 22 nm như dòng CPU trước đó là Ivy Bridge. Tiếp theo, thế hệ Broadwell hiện nay thuộc pha Tick, tức giữ nguyên kiến trúc như Haswell nhưng các bán dẫn được thu nhỏ xuống 14 nm. Broadwell, vì ở pha Tick, nên được cho là không có nhiều cải tiến so với thế hệ trước. Do đó, khó có thể chờ đợi nhiều đột phá ở thế hệ CPU mới này.

Tính năng mới thú vị nhất là khả năng tương thích của GPU với DirectX 11.2, gia tăng khả năng tương thích với màn hình 4K (3840x2160 pixel @ 60 Hz) và chơi video H.265. Tuy vậy, những tính năng được chờ đợi như chuẩn nén HEVC, cổng HDMI 2.0 hay RAM DDR4 có thể phải chờ đến thế hệ CPU tiếp theo là Skylake may ra mới có. Theo những tin đồn mới nhất, thế hệ CPU Skylake sẽ ra mắt giữa năm nay với những nâng cấp về CPU và GPU. Do đó, nhiều mẫu máy chạy Broadwell xem như có tuổi thọ chỉ khoảng 6 tháng.

Tuy vậy, từ nay đến thời điểm ra mắt Skylake vẫn còn một thời gian dài và nhiều người mua muốn máy tính mới hiện vẫn lưỡng lự giữa Haswell hay Broadwell. Rất khó để đưa ra giải pháp hữu hiệu trong trường hợp này. Đặc biệt là khi những máy chạy Core i5 đời cũ dường như tốt hơn Core i3 Broadwell vì hiệu năng của chúng tốt hơn. Tuy nhiên, những chiếc laptop chạy Broadwell Core i5 lại có hiệu năng vượt qua laptop Core i7 cũ. Thêm vào đó, thế hệ CPU Broadwell mới lại có mức tiêu hao năng lượng ít hơn, đồng nghĩa với việc những chiếc laptop thế này có thời lượng sử dụng lâu hơn. Do đó, tùy nhu cầu và khả năng tài chính mà người dùng đưa ra chọn lựa cho riêng mình, dựa trên những phân tích ở trên.

PC World VN, 05/2015

PCWorld

bộ xử lý, Broadwell, Celeron, chip xử lí, Intel, laptop, nâng cấp bộ xử lí, nâng cấp máy tính


© 2021 FAP
  2,473,172       3/883