Sản phẩm

Microsoft 'mua hớ' hàng tỷ USD trong thương vụ Nokia

(PCWorldVN) Nhiều tín hiệu cho thấy Microsoft dường như sắp thực hiện ghi giảm lớn đối với mảng phần cứng do mua hớ trong vụ thâu tóm mảng điện thoại Nokia lên đến hàng tỷ USD vào năm 2013.

Tín hiệu ghi giảm (write-off) đã xuất hiện lần đầu vào cuối tháng 4, khi Microsoft cảnh báo các nhà đầu tư rằng bộ phận smartphone đang có nguy cơ giảm giá trị tài sản.

Theo chuẩn mực kế toán quốc tế, tài sản của doanh nghiệp được ghi nhận theo giá mua. Nhưng qua thời gian, nếu đánh giá lại thấy tài sản mua giảm giá trị so với ghi sổ thì doanh nghiệp sẽ phải ghi giảm, cân đối các tài khoản bằng cách lấy một khoản phi tiền mặt để điều chỉnh sự chênh lệch.

“Sự sụt giảm của dòng tiền dự kiến, tốc độ tăng trưởng doanh số bán sản phẩm chậm lại trong tương lai, hay tăng tỷ lệ chiết khấu điều chỉnh rủi ro sẽ được sử dụng để ước tính giá trị hợp lý của bộ phận Phone Hardware, dẫn đến một quyết định điều chỉnh ghi giảm là cần thiết, và vì vậy có khả năng gây ảnh hưởng đến thu nhập”, Microsoft cho biết trong báo cáo với SEC (Ủy ban chứng khoán và hối đoái Mỹ) vào ngày 23/4 vừa qua.

Theo thông tin mà Microsoft đưa ra, bộ phận này đang kinh doanh thua lỗ, với doanh thu trong quý đầu năm là 1,4 tỷ USD, trong khi đó chi phí bỏ ra cao hơn tới 4 triệu USD.

Công ty cũng nói rõ có thể đã chi quá tay với số tiền 5,46 tỷ USD trong thương vụ mua lại mảng thiết bị của Nokia, bởi rất khó đánh giá trong bối cảnh thị trường di động có tính cạnh tranh cao và đầy biến động ngày nay.

Những tưởng Nadella và Elop sẽ là "đôi bạn" cùng tiến khi núi cao đã ở sau lưng. Nhưng giờ thì chỉ mình Nadella độc bước với những "lựa chọn khó khăn" ở phía trước từ quyết định sai lầm của người tiền nhiệm Steve Ballmer.

Thương vụ Nokia là một trong những “món quà” cuối cùng của cựu CEO Steve Ballmer tặng lại Microsoft, trước khi ông chuyển giao quyền lực vào tháng 2/2014. Thương vụ này, được tiết lộ vào tháng 9/2013, với kỳ vọng của người trong cuộc và nhìn nhận của các nhà phân tích là cần thiết để duy trì vị thế cho Windows Phone, nhưng thực tế là đã không thể cải thiện vận mệnh của Microsoft trên thị trường smartphone.

CEO đương chức Satya Nadella được cho là trước đây đã phản đối việc mua lại này.

Lần gần đây nhất Microsoft đã ghi giảm cho một thương vụ thâu tóm là vào giữa năm 2012, với khoản tiền 6,2 tỷ USD liên quan tới vụ mua lại công ty tiếp thị trực tuyến aQuantive với giá 6,3 tỷ USD từ 5 năm trước – một thương vụ lớn chưa từng có của công ty vào thời điểm đó.

Trớ trêu thay, hôm đầu tuần này, Microsoft đã bỏ phần lớn mảng kinh doanh quảng cáo trực tuyến, chuyển nhượng lại cho AOL, với điều kiện AOL dùng máy tìm kiếm Bing làm mặc định thay cho Google.

AOL sẽ chịu trách nhiệm bán quảng cáo hiển thị, di động và video tại các thị trường Mỹ, Anh, Canada, Đức và Nhật Bản. Toàn bộ khoảng 1.200 nhân viên Microsoft thuộc bộ phận quảng cáo này sẽ được chuyển sang làm việc cho AOL, theo như Computerworld dẫn lại tường thuật của Bloomberg và tờ Phố Wall.

Việc ghi giảm với thương vụ Nokia có thể được thực hiện trong hồ sơ gửi SEC vào ngày 1/7, là ngày làm việc đầu tiên của năm tài khóa mới của Microsoft.

Trong năm 2012, Microsoft đã công bố phí tổn 6,2 tỷ USD liên qua đến thương vụ aQuantive vào ngày 2/7, cũng là ngày làm việc đầu tiên của năm tài khóa mới của người khổng lồ phần mềm.

Ghi giảm giá trị tài sản cho hợp lý là một nghiệp vụ kế toán không dùng tiền mặt, nhưng đó chính là sự thừa nhận sai lầm, thường là công ty trả hớ cho những gì đã mua.

Lần này, chưa rõ Microsoft sẽ mất bao nhiêu tiền trong việc ghi giảm để cân đối sổ sách. Ba năm trước, Microsoft đã có khoản chênh 6,4 tỷ USD liên quan đến vụ mua lại aQuantive trước khi ghi giảm 97% của khoản tiền này.

Trong hồ sơ gửi SEC hồi tháng 4 vừa qua, Microsoft cho biết công ty đã có khoản chênh 5,5 tỷ USD từ thương vụ Nokia.

Nếu Microsoft ghi giảm phần lớn khoản mua trong thương vụ Nokia – khoảng 7,9 tỷ USD vào thời điểm chốt giá vào nửa đầu năm 2014 – công ty sẽ phải tính lại thương vụ này. Chỉ mới 2 tuần tước, Nadella đã công bố sự ra đi của Stephen Elop, cựu CEO Nokia, người mới tái gia nhập Microsoft hồi năm ngoái. Ông cũng công bố tái cấu trúc các nhóm kỹ thuật của công ty, đặt mảng thiết bị do Elop phụ trách trước đây, giờ sẽ dưới quyền của Terry Myerson, là người hiện đang lãnh đạo bộ phận hệ điều hành.

Ra đi còn có một lãnh đạo chủ chốt khác là Jo Harlow. Bà cựu giám đốc điều hành này của Nokia đã theo Elop về làm trưởng bộ phận điện thoại tại Microsoft hồi năm ngoái.

Việc ghi giảm cũng phù hợp với cảnh báo của Nadella vào tuần trước rằng Microsoft sẽ có “những lựa chọn khó khăn” ở phía trước. Trong email gửi tới toàn thể nhân viên của Microsoft, Nadella viết, “Chúng ta sẽ cần đổi mới trong những lĩnh vực mới, thực hiện theo những kế hoạch đã đề ra, đương đầu với một số lựa chọn khó khăn trong những lĩnh vực đang thất bại và giải quyết những vấn đề hóc búa theo những cách mà đem lại giá trị cho khách hàng”.

Một số nhà phân tích tin rằng Microsoft sẽ bỏ mảng sản xuất smartphone, chủ yếu vì phải dốc toàn lực tạo cho Windows 10 chạy được trên nhiều loại thiết bị, và phát triển các ứng dụng “Universal” tương thích với nhiều nền tảng và các loại màn hình khác nhau.

Nhiều thông tin sẽ được giải tỏa vào ngày 21/7 tới đây, trong buổi họp báo cáo tình hình tài chính quý tiếp theo của Microsoft với các nhà đầu tư Phố Wall.

PCWorld

Elop, Microsoft, mua lại, Nadella, Nokia, thâu tóm


© 2021 FAP
  2,439,182       1/908