Sản phẩm

Nên làm gì khi địa chỉ email cá nhân trở thành nguồn phát tán thư rác

(PCWorldVN) Sẽ thật tồi tệ nếu chẳng may địa chỉ email của bạn được phản hồi là đã ồ ạt gửi thư rác mặc dù bạn chẳng bao giờ thực hiện việc này.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu đến từ các loại virus chứa mã độc (malware) nằm trong máy tính của bạn, hoặc được bí mật cài cắm trong các lời mời đại loại như "hãy đăng nhập bằng tài khoản của bạn, để nhận được giải thưởng từ chúng tôi" từ mạng xã hội hay từ email của ai đó thân quen nhằm chiêu dụ bạn, qua đó mã độc sẽ được lẻn cài vào máy tính của bạn.

Về cơ bản, có 2 hình thức để "kẻ xấu" biến tài khoản email cá nhân của bạn thành nguồn phát tán thư rác (spam email).

Thứ nhất, đó là sử dụng phương thức giả mạo địa chỉ email. Trong trường hợp này, tài khoản email của bạn hoàn toàn không bị kiểm soát, song kẻ xấu chỉ mạo danh và người nhận email sẽ lầm tưởng đây là email do chính bạn gửi cho họ.

Thứ hai, và cực kỳ nghiêm trọng, đó là kẻ xấu sử dụng phương thức tấn công Hijacking để chiếm quyền kiểm soát tài khoản email của bạn. Hacker có thể đọc mọi email trong hộp thư của bạn, và chúng cũng có thể chọn các mục tiêu để phát tán thư rác, nhưng điều đáng lo ngại nhất chính là hacker có thể "khóa"" tài khoản của bạn.

Do đó, ngay khi biết rằng tài khoản email của mình đã phát tán thư rác, hãy cố gắng đổi mật khẩu email ngay lập tức.

Hãy sử dụng mật khẩu dài và khó để tránh bị đoán ra.

Tuy nhiên, nếu dịch vụ email không cho phép bạn đăng nhập, thì rõ ràng mọi thứ đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng. Hay nói cách khác, tài khoản email của bạn đã bị đánh cắp và hacker đã thay đổi mật khẩu ban đầu mà bạn thiết lập.

Khi này, bạn hãy sử dụng một trình duyệt và chạy ở chế độ riêng tư (Private Mode), mở dịch vụ email và chọn tính năng trợ giúp quên mật khẩu. Nhiều khả năng, nhà cung cấp dịch vụ sẽ gửi lại mật khẩu cho bạn thông qua địa chỉ email dự phòng mà bạn đăng ký trước đó.

Một khi đã giành lại quyền kiểm soát tài khoản email cá nhân của mình, bạn nên thực hiện thêm các bước sau để gia tăng tính an toàn cho tài khoản:

  • Sử dụng mật khẩu dài và khó, tránh mọi người có thể đoán ra.
  • Không nên sử dụng một mật khẩu cho tất cả tài khoản dịch vụ, nếu được thì bạn nên sử dụng thêm một ứng dụng quản lý mật khẩu
  • Thiết lập tính năng xác thực 2 bước cho dịch vụ
  • Tuyệt đối không đưa mật khẩu của mình cho bất kỳ ai
PCWorld

bảo mật xác thực kép, email, GMail, Google, hacker, Spam, thư rác, xác thực 2 bước


© 2021 FAP
  2,757,708       26/1,639