Sản phẩm

Tăng tốc độ, dung lượng lưu trữ với SSD và HDD

(PCWorldVN) Bạn đang muốn có được tốc độ của SSD nhưng không muốn hy sinh khoản dung lượng lưu trữ thoải mái của ổ cứng truyền thống HDD thì kinh nghiệm sau đây sẽ giúp bạn.

Ổ lưu trữ thể rắn SSD có thể giúp mang lại tốc độ tuyệt vời cho máy tính nhưng linh kiện này được xếp vào loại "đắt xắt ra miếng" vì giá của chúng rất cao.

Với máy tính để bàn thì bạn có thể gắn cùng lúc nhiều ổ cứng HDD, SSD để vừa có được tốc độ cao vừa có dung lượng lưu trữ dữ liệu lên đến hàng TB. Tuy nhiên, với laptop thì khó có thể gắn cùng lúc 2 ổ lưu trữ vào cùng một máy, ngoại trừ một số dòng MacBook đời cũ, laptop cỡ lớn hoặc laptop Dell đời cũ thì người dùng có thể hy sinh ổ DVD để gắn ổ cứng nhờ một thiết bị chuyển đổi (Caddybay hay Optibay).

Một số dòng laptop cao cấp có thể hỗ trợ cùng lúc ổ cứng/SSD chuẩn 2,5 inch và lưu trữ flash dạng chuẩn mSATA hay M.2. Một số ít nhà sản xuất có bổ sung thêm khoang chuyển đổi (bay) tùy vào tùy chọn lưu trữ lúc bạn mua máy, còn lại đa phần chỉ có duy nhất 1 trong 3 lựa chọn hoặc ổ lưu trữ chuẩn hoặc mSATA hoặc M.2.

Dùng kết hợp SSD và HDD giúp tiết kiệm chi phí và hiệu quả hơn trong sử dụng.
Sau đây là những giải pháp để bạn có thể dùng được máy với tốc độ xử lý nhanh nhờ SSD và thoải mái trong việc lưu trữ với ổ cứng HDD:

1. Giải pháp ổ lưu trữ hai-trong-một

Các thiết bị dạng lai hai-trong-một (hybrid drive) có cách đưa hai ổ lưu trữ SSD và HDD vào cùng một hộp chứa với một cổng kết nối SATA. Chẳng hạn như WD Black² của Western Digital có ổ SSD 120 GB và ổ cứng HDD 1 TB. Cách thức này giúp người dùng có được tốc độ của SSD, dung lượng cao của HDD với chi phí thấp và tiện lợi trong việc lắp đặt và nâng cấp.

Ổ lai 2-trong-1 WD Black².
Nhưng vấn đề mà giải pháp lai gặp phải là khó khăn trong quá trình cài đặt và luôn đòi hỏi phải có một phần mềm chuyên biệt để làm việc này.

Mặc khác, người dùng không thể "clone" từ ổ cứng sang ổ lai (di chuyển toàn bộ dữ liệu các phân vùng của ổ HDD sang ổ lai). Do đó, bạn phải di chuyển hệ điều hành Windows sang một ổ, và những dữ liệu thì di chuyển sang ổ kia.

Ngoài ra, còn một vấn đề gặp phải nữa là ổ cứng dạng lai khá dày (khoảng 9,5 mm) nên không phải laptop nào cũng gắn vừa và thường chỉ gắn được cho các laptop cỡ lớn.

2. Sử dụng ổ lai "cache"

Thực chất cách này cũng giống như việc sử dụng ổ lai 2-trong-1, nhưng công nghệ kết hợp của hai công nghệ này khác nhau. Ổ lai "cache" (SSHD) sử dụng bộ nhớ flash RAM đảm nhận nhiệm vụ "cache" (làm bộ nhớ tạm) nhằm tăng tốc cho ổ cứng HDD.

Giải pháp này có ưu điểm là dễ dàng "clone" - di chuyển toàn bộ hệ điều hành và dữ liệu từ ổ cứng cũ sang ổ cứng mới vì nó được hệ thống nhận diện như một thiết bị lưu trữ duy nhất. Bên cạnh đó, ổ lai "cache" khá mỏng nên có thể lắp được cho hầu hết laptop hiện nay.

Nhưng bạn đừng vội mừng vì tốc độ truy xuất dữ liệu của ổ lai "cache" không nhanh bằng ổ lai 2-trong-1.

Các ổ lưu trữ SSHD có nhiều mức kích thước bề dày để người dùng lựa chọn.
3. Dùng ổ SSD gắn trong và một ổ cứng gắn ngoài

Đây được xem là giải pháp rẻ tiền, nhanh và dễ áp dụng với mọi người dùng phổ thông nhất.

Tất nhiên, cách này chỉ giúp cho hệ điều hành (cài trên SSD) có tốc độ xử lý nhanh hơn nhưng việc trao đổi dữ liệu thực tế với ổ cứng gắn ngoài chắc chắn sẽ không thể sánh được với tốc độ khi dùng với ổ gắn trong (kể cả kết nối qua cổng USB 3.0 hay Thunderbolt).

Lưu ý với giải pháp này bạn chỉ nên cài Windows và mọi phần mềm cần dùng vào ổ lưu trữ SSD, sau đó dữ liệu thì nên lưu ở ổ HDD gắn ngoài. Ổ gắn ngoài nên kết nối với chuẩn USB 3.0 hoặc cao hơn để có tốc độ sử dụng nhanh hơn so với USB 2.0.

Dùng ổ cứng gắn ngoài giúp tiết kiệm chi phí nhất, trong khi vẫn có được tốc độ cao nhờ SSD gắn trong.
4. Dùng ổ lưu trữ qua mạng

Sử dụng thiết bị lưu trữ qua mạng (NAS: Network-Attached Storage) cũng là giải pháp đáng để bạn chọn lựa vì không lo lắng về dung lượng lưu trữ. Các dòng NAS đều hỗ trợ gắn nhiều ổ cứng dung lượng cao và các thiết bị khác có thể truy cập, sao chép dữ liệu thông qua kết nối nội bộ với router.

Các dòng NAS mới hiện nay còn hỗ trợ tạo dịch vụ đám mây riêng (Private Cloud) giúp người dùng truy cập dữ liệu từ bất cứ đâu qua mạng Internet.

Một thiết bị lưu trữ qua mạng NAS.
5. Mua một ổ SSD dung lượng lớn

Nếu 4 phương án trên không thỏa mãn được yêu cầu của bạn thì giải pháp cuối cùng nhưng hiệu quả nhất khi sử dụng, dù chi phí bạn bỏ ra không hề nhỏ chính là mua một ổ lưu trữ SSD dung lượng lớn.

Tuy nhiên, giá của một ổ SSD dung lượng 960 GB lên đến 13 triệu đồng, quá đắt và không phải ai cũng phù hợp với lựa chọn này.

Ổ SSD dung lượng có giá khá cao.

PCWorld

bộ nhớ SSD, ổ cứng, tăng tốc máy tính


© 2021 FAP
  2,433,324       1/880