(PCWorldVN) Chưa bao giờ xu hướng điện thoại thông minh hỗ trợ chụp ảnh selfie lại nhận được sự ủng hộ đông đảo của người dùng và các nhà sản xuất di động trên thế giới như hiện nay.
Nếu trước đây, chức năng chụp ảnh của camera chính ở mặt sau trên các smartphone là một trong những tiêu chí quan trọng để người dùng quyết định chọn mua một chiếc điện thoại thông minh thì giờ đây đã có sự thay đổi. Trong vòng một hơn năm trở lại đây, smartphone “tự sướng” trở nên phổ biến và người dùng ngày càng có những yêu cầu khắt khe hơn ở khả năng tự chụp ảnh với camera mặt trước.
Trên những smartphone trước đây, camera ở mặt trước trên smartphone thường chỉ đủ để người dùng thực hiện các cuộc hội thoại video với chất lượng trung bình thấp, thậm chí nhiều nhà sản xuất còn không tích hợp camera phụ cho những sản phẩm chủ đạo của mình. Do đó, các camera phụ ở thời điểm này đều có chỉ số độ phân giải của hình ảnh ở mức thấp nhất để giúp hình ảnh truyền được tốt hơn trong môi trường Internet, nhất là những nơi có tốc độ đường truyền chưa cao hoặc trên các mạng di động ở băng tần 3G hoặc GPRS. Việc chụp ảnh với camera trước đa phần cho kết quả tệ hại, ngoài việc ảnh bị nhiễu, vỡ hạt và mờ thì hình ảnh có kích thước nhỏ với kích thước cỡ 640x480 pixel hoặc chỉ ở mức 320x240 pixel.
Apple xác định camera mặt trước của iPhone 4 là để phục vụ mục đích thoại video FaceTime. |
Do đó, xuất phát từ quan điểm camera mặt trước là phục vụ cho nhu cầu thoại video qua mạng di động nên bộ phận này được gán cho cái tên là camera phụ, và camera chính là camera ở mặt sau được nhà sản xuất tập trung nhiều hơn. Các hãng sản xuất cảm biến ảnh, ống kính và các thành phần khác của máy ảnh cũng liên tục nghiên cứu, cải tiến để tạo ra những “camera chính” trên smartphone hay máy tính bảng đạt được chất lượng ảnh cao nhất, kích thước lớn nhất…
Trong suốt một quãng thời gian khá dài, camera mặt trước vẫn chưa có được “chỗ đứng” đúng nghĩa và người dùng thường bỏ qua tiêu chí này khi chọn mua smartphone. Chẳng hạn như chiếc iPhone 3G/3GS trước đây, Apple cũng không tích hợp camera phụ, mãi cho đến dòng iPhone 4 hãng mới chịu trang bị camera phụ có độ phân giải VGA, trong khi camera chính đến 5 megapixel (một con số khá lớn ở thời điểm năm 2010). Các nhà sản xuất di động dùng Android, Windows Mobile (sau này là Windows Phone), BlackBerry trước đây cũng không ngoại lệ, camera phụ thường không được quan tâm đúng mực.
Khái niệm camera phụ đã lỗi thời
Camera phụ, camera thoại video, camera mặt trước là những cách nói để chỉ một chiếc camera có độ phân giải thấp, ít tính năng, chất lượng hình ảnh trung bình… dường như không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại. Công nghệ hình ảnh cho di động ngày càng phát triển, nhu cầu tự chụp hình không cần nhờ người khác đã và đang trở nên phổ biến đã giúp cho chiếc “camera phụ” dần có được một vị trí nhất định, và có thể nói là quan trọng trên một chiếc di động hiện nay.
Các nhà sản xuất di động tên tuổi đã chính thức tham gia vào cuộc đua smartphone “selfie” với nhiều cách riêng của mình. Mặc dù vậy, tất cả đều có một điểm chung là độ phân giải của các camera ở mặt trước smartphone cao hơn, ảnh chụp có kích thước lớn hơn, góc chụp cũng rộng hơn và trên hết là ảnh chụp cũng sáng và đẹp hơn rất nhiều so với trước đây. Đặc biệt, nhờ sự trợ giúp của phần mềm, ứng dụng chỉnh sửa ảnh tích hợp hoặc cài thêm mà những bức ảnh chụp với camera trước trở nên đẹp đến mức khó tưởng tượng.
Năm 2014 được xem là năm smartphone chụp ảnh selfie “đua nở” với rất nhiều chủng loại đến từ các hãng sản xuất lớn như HTC, Microsoft, Samsung, LG... Bên cạnh những dòng đặc biệt được các hãng đặt thẳng vào phân khúc “smartphone selfie” thì những smartphone còn lại đa phần đều được chăm chút nhiều cho camera mặt trước để có được chất lượng ảnh chụp tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của người dùng hiện nay.
Camera mặt trước ngày càng tốt, kết hợp với nhu cầu selfie đang tăng cao khiến cho camera mặt trước trở thành bộ phận được sử dụng nhiều không kém gì camera chính trên smartphone. Do đó, khái niệm “camera phụ” cho camera mặt trước đã lỗi thời và sẽ thay đổi khi camera mặt trước được sử dụng nhiều hơn cả camera chính ở mặt sau trên một chiếc điện thoại.
“Selfie” trên smartphone cao cấp
Có thể khẳng định rằng những smartphone chủ đạo của các hãng hiện nay đều được trang bị chức năng tự chụp rất tốt để người dùng có thể tạo ra những bức hình đẹp chụp từ camera tích hợp ở mặt trước. Kể cả Apple – hãng trước đây rất “bảo thủ” trong việc nâng cấp camera ở mặt trước, cũng đã bắt đầu nâng cấp cho camera mặt trước trên iPhone 6/6 Plus của mình. Ở hai mẫu iPhone mới này, camera FaceTime phía trước được cải tiến với khả năng chụp ảnh HDR tự động với chế độ “selfie” tối ưu hay lấy nét thông minh giúp ảnh chụp nhanh và đẹp hơn.
Nhiều smartphone hỗ trợ chức năng “tự sướng” chuyên dụng với các cử chỉ đặc biệt. |
Samsung từ lâu đã chú trọng đến camera mặt trước cho các dòng Galaxy S cao cấp, nhất là ở “số chấm” (độ phân giải ảnh chụp) và chức năng chỉnh sửa ảnh selfie. Mẫu Galaxy S6/S6 Edge mới nhất của Samsung được hãng trang bị camera đến 5 megapixel có thể chụp ảnh HDR tự động (tự nhận diện điều kiện chụp thực tế để kích hoạt chức năng chụp ảnh có dải tương phản rộng). Thậm chí, camera này còn có thể quay phim với độ phân giải 1440p@30fps, cao hơn cả Full HD.
HTC cũng trang bị camera 4 MP công nghệ UltraPixel cho camera mặt trước trên dòng One M9 mới nhất của mình. Việc áp dụng công nghệ UltraPixel giúp cho ảnh chụp với camera trước của máy có kích thước lớn hơn, hình ảnh cũng đẹp hơn trong điều kiện thiếu sáng. Tất nhiên, không hề chịu thua kém các đối thủ, camera mặt trước này cũng có thể chụp được ảnh HDR và quay phim Full HD.
Các hãng sản xuất khác như LG, Lenovo, OPPO, Huawei… cũng đều trang bị chức năng chụp ảnh selfie tối ưu cho các dòng chủ đạo của mình. Đó là một camera góc rộng, độ phân giải cao, trình chỉnh sửa ảnh nhanh tiện dụng giúp người dùng có ngay một bức ảnh đẹp chỉ sau vài giây.
Smartphone “selfie” tầm trung, giá rẻ đổ bộ
Smartphone cao cấp có camera trước “khủng” đã trở nên bình thường và có thể là yếu tố bắt buộc nếu các nhà sản xuất không muốn tụt lại trong cuộc đua di động. Tuy nhiên, các loại smartphone giá rẻ, tầm trung với camera “khủng” ở mặt trước cũng đã và đang ồ ạt tuôn ra thị trường. Có thể kể đến dòng nổi bật nhất là HTC Desire Eye với camera mặt trước đến 13 megapixel, hỗ trợ đèn flash kép và nhiều tính năng tương tự như một camera chính trên các smartphone cao cấp. Tiếp đó là Sony Xperia C3 Dual, Lumia 730, Oppo N1 mini, Samsung Galaxy Grand Prime... Thậm chí, các dòng smartphone giá rẻ như Lumia 535, ZenFone, Sony Xperia E3, Wiko Gateway hay dòng smartphone thương hiệu Việt Mobiistar LAI Y cũng được trang bị cho chức năng “hot” này.
Mức giá của các dòng smartphone tối ưu cho “selfie” này dao động từ 2,5 triệu đồng đến 7 triệu đồng hoặc cao hơn. Mức giá này còn phụ thuộc vào cấu hình và những công nghệ khác mà hãng tích hợp cho sản phẩm chứ không hoàn toàn dựa trên chức năng camera selfie. Tuy nhiên, thông thường một chiếc smartphone trang bị camera mặt trước với độ phân giải càng lớn thì có mức giá càng cao, vì máy cần có một cấu hình đủ mạnh để vận hành trơn tru và xử lý nhanh những bức ảnh chụp từ hai camera trước sau và những tính năng khác nữa.
Có thể nói về cơ bản, những dòng smartphone được nhà sản xuất quảng cáo là “smartphone selfie”, “smartphone tối ưu cho ‘tự sướng’” hay “smartphone dành cho selfie”… nhưng thực ra tất cả đều có cùng một điểm chung là có camera mặt trước với góc chụp đủ rộng kèm với các tiện ích và chức năng hỗ trợ việc tự chụp, cùng đó là một hoặc nhiều ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh để ảnh chụp đẹp hơn.
Chức năng làm đẹp ảnh selfie trên smartphone đang ngày càng hoàn chỉnh. |
Để có được bức ảnh đẹp, bên cạnh yếu tố phần cứng là camera thì chức năng chỉnh sửa tích hợp cũng quan trọng không kém. Hiện tại, đa số các smartphone hỗ trợ selfie chuyên dụng đều được hãng tích hợp trực tiếp chức năng chỉnh sửa ảnh tự chụp theo thời gian thực, tức người dùng có thể “làm đẹp” cho bức ảnh trước khi chụp ngay trên giao diện Camera. Bên cạnh các chức năng như thêm hiệu ứng màu sắc, tăng sáng hay bổ sung những hình ảnh vui nhộn, sống động vào khung hình… thì các smartphone chuyên selfie cũng có thể hỗ trợ thay đổi kích thước, kiểu dáng khuôn mặt, thay đổi cằm, mũi, kích thước mắt, môi... và trang điểm trước khi chụp. Khả năng chỉnh sửa trước theo thời gian thực này thực sự hữu ích vì giúp người dùng có thể chủ động hoàn toàn để có được bức ảnh chân dung selfie ưng ý.
Các ứng dụng hiện nay cũng hỗ trợ chức năng tự chụp ảnh nhóm (còn gọi là wefie). Thực chất, các hãng sử dụng thuật toán ghép ảnh giống như chức năng chụp toàn cảnh (Panorama) để ghép những khung hình vào làm một. Quan trọng là người chụp phải xoay camera của smartphone sao cho trục chính cố định tại một vị trí là sẽ có một bức ảnh nhóm đẹp.
Ngoài ra, các nhà sản xuất còn bổ sung cho ứng dụng Camera các tính năng đặc biệt để chụp ảnh nhanh như hẹn giờ chụp, chụp bằng cách phát ra âm thanh định sẵn, tự chụp khi phát hiện nụ cười hay nhận diện các cử chỉ của bàn tay, ngón tay… để chụp ảnh. Mỗi hãng sản xuất tạo ra những cách đặc biệt riêng của mình.
Nhờ những tiện ích, tính năng, công cụ thú vị này mà việc chụp ảnh selfie trở nên ngày càng đơn giản và dễ dàng hơn. Nếu khai thác đúng cách những tính năng hỗ trợ selfie trên smartphone thì chắc chắn bức ảnh chụp với điện thoại sẽ đẹp hơn, thậm chí còn khác xa thực tế.
Lưu ý gì khi mua smartphone “selfie”
Để sắm cho mình một chiếc smartphone “selfie” tốt thì bên cạnh yếu tố tài chính thì bạn cần quan tâm đến một số tiêu chí khác. Quan trọng nhất là cảm biến ảnh của camera, phần mềm tích hợp và nhiều yếu tố khác nữa.
• Độ phân giải hình ảnh đầu ra
Bạn nên tham khảo kỹ camera mặt trước của điện thoại sắp mua có thể chụp được độ phân giải tối đa là bao nhiêu. Độ phân giải càng cao, ảnh càng sắc nét, chi tiết hơn. Ảnh lớn hơn sẽ giúp bạn xem trên các thiết bị màn hình lớn đẹp hơn và không bị vỡ hình. Tất nhiên, độ phân giải cao cũng sẽ giúp hình ảnh đẹp hơn khi bạn in ra. Nếu có yêu cầu cao về tiêu chí này thì tốt nhất bạn nên chọn smartphone có camera mặt trước có độ phân giải từ 5 megapixel trở lên. Những chiếc smartphone tích hợp độ phân giải camera cao hơn cỡ 8 megapixel trở lên sẽ có mức giá khoảng 8 triệu đồng đối với các thương hiệu lớn, thậm chí còn cao hơn, tùy thuộc vào những gì thiết bị đó đang được trang bị. Điều này cũng là một rào cản với những ai không thoải mái về tài chính.
Góc chụp đóng vai trò rất quan trọng, nhất là khi bạn tự chụp ảnh nhóm. |
• Độ lớn của góc chụp trên camera chính
Bạn nên nhớ rằng camera có góc càng rộng thì ảnh chụp sẽ thoáng và không bị chủ thể che mất phần hậu cảnh đằng sau. Ngoài ra, góc chụp càng rộng thì ảnh chụp “wefie” nhiều người sẽ càng đẹp và đầy đủ các thành viên hơn. Kinh nghiệm cho thấy, bạn nên chọn camera phụ có góc chụp rộng khoảng 80 độ trở lên để có được bức ảnh tự chụp đẹp nhất.
• Cấu hình phần cứng
Để vận hành được chức năng chụp ảnh với camera độ phân giải cao, kèm theo nhiều chức năng chỉnh sửa và nhiều tính năng khác nữa thì đòi hỏi thiết bị phải có được cấu hình đủ mạnh mới đạt được hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, tốc độ chụp cũng phụ thuộc nhiều vào cấu hình phần cứng. Bạn sẽ thất vọng khi phải chờ đợi đến vài giây kể từ lúc bấm nút chụp mới có được bức ảnh, có lẽ khoảnh khắc đẹp nhất sẽ mất đi do máy xử lý quá chậm.
Tùy vào hệ điều hành mà mức cấu hình tối thiểu để có được hiệu năng chụp ảnh tốt nhất sẽ khác nhau. Nhưng với Android và Windows Phone thì bạn phải chọn thiết bị có mức RAM ít nhất là 1GB và vi xử lý phải ở mức 2 nhân trở lên.
• Công cụ chụp ảnh selfie chuyên dụng
Camera đóng vai trò tạo ra bức ảnh thô và các trình chỉnh sửa giúp cho bức ảnh đẹp hơn. Do đó, trình chỉnh sửa ảnh mặc định càng đa năng, càng dễ sử dụng thì cơ hội để bạn chụp được bức ảnh “đẹp hơn thực tế” sẽ càng cao. Do đó, bạn nên dùng thử tính năng chụp ảnh để quyết định nên chọn nhãn hiệu nào là phù hợp với mình.
chụp ảnh bằng điện thoại, chụp ảnh selfie, chụp ảnh tự sướng, điện thoại chụp ảnh, selfie, Smartphone