Sản phẩm

4 sai lầm đốt ‘tiền tấn’ của Microsoft bên cạnh vụ Nokia

(PCWorldVN) Người khổng lồ phần mềm đã từng gặp nhiều sai lầm trong hoạt động kinh doanh mà thiệt hại hàng tỷ USD là "chuyện bình thường".

Vào tháng 4 năm ngoái, Microsoft chi 9,5 tỷ USD để hoàn tất vụ mua lại mảng thiết bị di động của Nokia, và giờ đây công ty cho biết đã bị mất 7,6 tỷ USD giá trị mua về, tương đương 95% tổng giá trị, chưa kể khoản tiền mặt đi kèm. Xem như giá trị của Nokia tại Microsoft trở nên vô nghĩa chỉ sau 14 tháng.

Chưa dừng lại ở đó, công ty mới đây còn công bố sẽ sa thải thêm 7.800 nhân viên, phần lớn trong đó liên quan đến thương vụ mua lại này, bổ sung vào đội quân 18.000 lao động của công ty mất việc hồi năm ngoái.

CEO Satya Nadella đang phải giải quyết hậu quả tệ hại từ những quyết định sai lầm của người tiền nhiệm Steve Ballmer.
Ngược dòng thời gian cho thấy, đây không phải là thương vụ “đốt” tiền tỷ duy nhất của Microsoft. Những sai lầm tương tự đã xảy ra trong quá khứ với công ty phần mềm hàng đầu thế giới này.

Nhưng bên cạnh những thất bại, phải công nhận Microsoft cũng từng có những thương vụ thực sự xuất sắc.

Vụ đầu tư vào Facebook trong năm 2007 với khoản tiền 240 triệu USD, đã đem về cho công ty 15 tỷ USD. Giá trị thị trường của mạng xã hội lớn nhất hành tinh này hiện đã vượt 240 tỷ USD. Vụ thâu tóm nhà phát triển game Bungie vào năm 2000, giá trị hàng chục triệu USD vào thời điểm đó, đã mang trò chơi lừng danh Halo lên Xbox.

Nhượng quyền thương mại (franchise) đã trở thành nền tảng cho máy chơi game console Xbox và đem về khoản doanh thu cho công ty hơn 4 tỷ USD. Tiếp đến, PowerPoint, mà Microsoft có được sau khi chi trả 14 triệu USD mua lại Forethought vào năm 1987. PowerPoint có thể khiến nhiều nhân viên văn phòng lo mất việc, nhưng nó là thành phần không thể thiếu của con bò sữa đẻ ra tiền Microsoft Office.

Thương vụ mua lại mảng điện thoại Nokia nằm trong kế hoạch của Steve Ballmer, cựu CEO của Microsoft, tiến hành trước khi ông rời công ty. Satya Nadella, CEO đương nhiệm, được cho là đã từng phản đối quyết định này, nhưng rồi cũng phải chấp thuận trước “nhà độc tài”.

Giờ thì Nadella mạnh miệng tuyên bố, ông cần nhiều hơn nữa những thương vụ như Bungie và Facebook, và giảm thiểu những vụ đốt “tiền tấn” như những vụ được Bloomberg nêu lên dưới đây.

1. Bong bóng đầu tư thời kỳ dot-com

Suốt thời kỳ điên cuồng vào cuối những năm 1990 sang đầu những năm 2000, Microsoft đã đặt cược vào một loạt vụ đầu tư tệ hại với những khoản tiền khổng lồ. Sau khi rót 5 tỷ USD góp vốn vào AT&T cũng như đầu tư vào các công ty viễn thông châu Âu, Microsoft phải ghi giảm giá trị vốn góp 9,1 tỷ USD vào năm tài chính 2001 - 2002.

Chạy theo vầng hào quang của Internet và viễn thông cáp trong những năm bong bóng dot-com, Microsoft đã ném hàng tỷ USD vào các công ty với tham vọng thao túng các dịch vụ băng thông rộng, truyền hình tương tác, và vệ tinh.

Tiếc thay, nhiều công ty trong số đó đã nhanh chóng phá sản hoặc phải thu nhỏ lại. Qua thời kỳ bong bóng dot-com, điểm lại danh mục đầu tư của Microsoft chẳng còn bao nhiêu giá trị, và công ty buộc phải cẩn trọng hơn nhiều với những phi vụ đầu tư.

2. AQuantive

Gây tốn kém nhất cho Microsoft là vụ thâu tóm công ty tiếp thị trực tuyến AQuantive. Năm 2012, Microsoft đã phải ghi giảm bút toán cho thấy 6,3 tỷ USD mà công ty đã chi trả cho thương vụ này vào năm 2007 hầu như bốc hơi sạch bách.

Tổng số tiền 6,2 tỷ USD trong bút toán ghi giảm tương ứng với 98% giá trị thương vụ, thật không thể tin nổi. Ít ra thì thời gian sụt giảm giá trị cũng kéo tới 5 năm. Nokia mới “xứng đáng” dành chiến thắng về tốc độ nhanh nhất.

3. Vòng tròn đỏ tử thần (Red Ring of Death) trên Xbox 360

Microsoft đã tốn hơn 1 tỷ USD liên quan đến bảo hành Xbox 360 vào năm 2007. Máy chơi game console của Microsoft đã gặp tai họa với lỗi “Red Ring of Death”, khiến thiết bị trở nên vô dụng.

4. Surface

Trục trặc của máy chơi game console không phải là phần cứng duy nhất đem thiệt hại lại cho Microsoft. Trong năm 2013, công ty đã thiệt hại khoảng 900 triệu USD vì số lượng máy tính bảng Surface tồn kho không bán được. Những màn quảng cáo đầy ấn tượng chứng tỏ tính ưu việt của Surface cũng không đủ để cứu sản phẩm này.

PCWorld

CEO Microsoft - Satya Nadella, Microsoft, Steve Ballmer, Windows Phone


© 2021 FAP
  2,753,666       2/823